Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Phó trưởng ban Tuyên giáo TW: Sao phải cấm đoán khi thông tin nêu một sự thật

Ông Đinh Thế Huynh nói: Báo chí quân đội là lực lượng nòng cốt, chủ lực và hùng hậu của báo chí cách mạng (QĐND 17-6-11) -Phó trưởng ban Tuyên giáo TW: Sao phải cấm đoán khi thông tin nêu một sự thật (VNN 17-6-11) -THD:- Ông Nguyễn Thế Kỷ nói Ban Tuyên Giáo không kỷ luật TTXVN vì làm như thế là vi phạm tự do báo chí!  Và nhiều câu khác nữa.  Nghe ông (tiến sĩ!) này "lý luận" mà chỉ muốn thắt cổ tự tử cho rảnh nợ đời.
Giao lưu trực tuyến với độc giả báo Công an Nhân dân Online nhân ngày Báo chí Việt Nam 21/6, Phó trưởng ban Tuyên giáo TW, TS Nguyễn Thế Kỷ đã trả lời "thẳng thắn, không né tránh" nhiều câu hỏi của độc giả trong đó có những câu hỏi khá "xóc" về vấn đề biển Đông

Đại tá Phạm Văn Miên nêu câu hỏi của bạn đọc: Báo chí "lề phải" không có nhiều bài về các vụ Trung Quốc cắt cáp tại biển Đông? Thưa ông Kỷ, Phó Ban Tuyên giáo, ông nghĩ sao? Có phải Ban Tuyên giáo chỉ thị các báo phải dè dặt hay không?
“Tại sao lại phải cấm đoán khi thông tin nêu một sự thật và cho mọi người biết ai là chính nghĩa, ai không thực hiện tốt luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử Biển Đông. Điều đó là cần thiết”, TS Nguyễn Thế Kỷ đáp lời.
"Ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi” - TS. Nguyễn Thế Kỷ.
Phó Ban Tuyên giáo TW cho hay, nếu bạn đọc báo, nghe đài, xem truyền hình và đặc biệt là báo mạng thì những ngày vừa qua rất nhiều cơ quan báo chí và ngay cả báo chí các nước trong khu vực và trên thế giới đều thông tin về sự việc này với quan điểm dù quốc gia nào đi nữa cũng không được phép vi phạm Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, tức là xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của một đất nước trên vùng đặc quyền kinh tế.
Hơn nữa giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã có tuyên bố chung về nguyên tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ai quan niệm sự việc là biểu tình là quyền của người ta
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, bạn đọc lại hỏi, vào ngày 5/6/2011, nhiều người dân Việt Nam xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối hành vi vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bản tin của TTXVN lại gọi là "cuộc tụ tập". Liệu Ban Tuyên giáo TW có kỷ luật TTXVN không?
Cho rằng cách đưa tin của TTXVN “là được”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỉ khẳng định, Ban Tuyên giáo TW chẳng kỷ luật gì TTXVN cả.  “Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi”.
Theo TS Kỷ, TTXVN và một số báo đưa tin tụ tập đông người… đây là việc không nên tranh cãi, bởi vì các cơ quan chức năng cho biết không có một hành động quá khích nào. Khi được cơ quan chức năng, đoàn thể giải thích "cứ bình tĩnh, Đảng, Nhà nước và chính quyền sẽ bằng con đường ngoại giao, bằng trao đổi, bằng hòa bình để giải quyết sự việc…" thì những người dân nghe ra và ra về.
Nếu nói TTXVN bị kỷ luật là nặng nề quá. Mà nếu làm thế là chúng ta vi phạm tự do báo chí.
Ông nói rõ thêm, sự việc mà độc giả nêu kỳ thực là do một số người dân Thủ đô Hà Nội và TP HCM bất bình trước sự việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Binh Minh 02. Sự việc này gây ra bức xúc, theo tôi sự phản đối và tình cảm này rất dễ hiểu. Vì người dân của mình, nhất là người trẻ đã họp nhóm lại tập trung trước cổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa. Thậm chí nhiều người có khẩu hiệu phản đối hành động của TQ bằng giấy A4 nhưng với thái độ bình tĩnh.
“Theo tôi thì đó là hành động người Việt Nam biểu thị lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phản đối nước ngoài đối với quyền chủ quyền của mình. Bản chất sự việc là như thế”, TS Kỷ nói.
Hiền Anh



-Nhiều vấn đề "nóng" về báo chí đặt ra với TS Nguyễn Thế Kỷ và Trung tướng, nhà văn Hữu Ước

TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW và Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND, Tổng Biên tập Báo CAND đã trả lời "thẳng thắn, không né tránh" nhiều câu hỏi của độc giả trong đó có những câu hỏi khá "xóc" về vấn đề biển Đông, chuyện chất lượng các tờ báo, chuyện nhà báo làm giàu, Đảng viên có thể làm nhà báo, thậm chí chuyện vào biên chế tại báo CAND...
Kỷ niệm 86 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2011), Ban Biên tập Báo CAND tổ chức giao lưu trực tuyến giữa độc giả Báo CAND điện tử (CAND Online) với khách mời: TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Uỷ viên thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND, Tổng Biên tập Báo CAND, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam.
8h30, cả 2 khách mời đều đã có mặt tại phòng giao lưu trực tuyến sẵn sàng trả lời các câu hỏi của độc giả CAND Online.


Đại tá Phạm Văn Miên tặng hoa 2 vị khách mời.

Mở đầu, Đại tá Phạm Văn Miên, Phó Tổng Biên tập Báo CAND phát biểu:
Thưa quý vị, thưa các bạn. Kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Công an nhân dân điện tử tổ chức buổi giao lưu trực tuyến. Hai khách mời đang có mặt tại phòng giao lưu trực tuyến của Báo Công an nhân dân điện tử  là TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ viên thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam và Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Mở đầu buổi giao lưu, trong không khí cả nước chuẩn bị chào mừng Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt độc giả, đội ngũ những người làm báo Công an nhân dân, xin gửi những bó hoa tươi thắm đến 2 vị khách mời của buổi giao lưu ngày hôm nay: TS Nguyễn Thế Kỷ và Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước.

Thưa đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, 86 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo nước nhà đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, phản ánh sinh động thực tế hào hùng của các cuộc kháng chiến cứu nước cũng như thực tiễn sôi động của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần khơi dậy và làm sôi động các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta…
Nhà báo Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW có thể cho độc giả Báo Công an nhân dân điện tử một số nhận xét ngắn gọn về nền báo chí Việt Nam hiện nay cũng như đội ngũ những người làm báo Việt Nam?

Hai vị khách mời và người dẫn chương trình: Đại tá Phạm Văn Miên, Phó Tổng Biên tập Báo CAND.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Trước hết tôi xin thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương gửi đến lãnh đạo báo Công an nhân dân  và công chúng báo chí trong và ngoài nước lời chúc và lời cảm ơn trong nhiều năm qua đã góp phần vào phát triển sự nghiệp báo chí cách mạng nói chung.
Cho đến thời điểm này báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển vững chắc. Sau 86 năm từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Báo Thanh niên đến nay, chúng ta có 720 cơ quan báo chí, 830 ấn phẩm và chương trình PTTH, báo điện tử và hơn 17.500 nhà báo chuyên nghiệp tức là được cấp thẻ nhà báo và hàng chục nghìn cộng tác viên. Hiện nay riêng Đài Tiếng nói VN phủ sóng đến 97,5% dân số, THVN phủ sóng đến 95% hộ gia đình...
Có thể nói báo chí VN đã phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, loại hình....
Đại tá Phạm Văn Miên, Phó Tổng Biên tập Báo CAND phát biểu: Vừa qua là những nhận xét, đánh giá của TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW. Thưa Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước, ông có thể cho độc giả biết một số nét đặc thù của đội ngũ những người làm báo trong lực lượng Công an nhân dân?


Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Phải nói rằng lực lượng Báo chí CAND  có 1 lịch sử 65 năm và qua quá trình phát triển báo chí Công an đã từng bước phát triển hoàn thiện đáp ứng nhiệm vụ cách mạng xây dựng lực lượng, bảo vệ ANTQ.
Ngoài hệ thống báo viết của chúng tôi là Báo CAND thì còn có nhiều tờ tạp chí chuyên ngành, một số báo đồng nghiệp như Báo Công an TP HCM, Báo An ninh Thủ đô, Báo An ninh Hải Phòng, Báo Công an Đà Nẵng, Báo Công an Nghệ An… phát hành khắp cả nước và cả nước ngoài.
Về báo Công an nhân dân, chúng tôi có 5 ấn phẩm báo in gồm Báo CAND, Chuyên đề ANTG tuần, ANTG Giữa tháng, Cuối tháng, Văn nghệ Công an và Chuyên đề CSTC tuần, CSTC đầu tháng và cuối tháng. Hiện nay, Bộ Thông tin - Truyền thông, Ban Tuyên giáo TW cho phép ra kênh truyền hình Công an (AN NINH TV), dự định phát sóng vào ngày 11/11/2011 với thời lượng 24/24h mỗi ngày.
Như vậy là, báo chí Công an của chúng tôi, phải nói rằng, rất hùng hậu và có ảnh hưởng trong đời sống xã hội của cộng đồng người Việt trong nước, nước ngoài. Số lượng báo chí Công an đứng đầu trong các ấn phẩm báo chí của nước nhà. Đội ngũ những người làm báo Công an được rèn luyện thử thách và có tay nghề rất tốt, thì mới có thể tạo ra được những ấn phẩm thành công như vậy.
Đại tá Phạm Văn Miên: Có câu hỏi của độc giả như sau: Thưa anh Kỷ, trên thế giới, báo chí được đánh giá là một trong bốn quyền lực, tuy nhiên Việt Nam lại có đặc thù chế độ riêng. Vậy anh có thể cho biết đánh giá của anh về tình hình báo chí Việt Nam hiện nay hay không? Xin trân trọng cám ơn anh.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Nói rằng báo chí là quyền lực thứ tư thì đây là quan điểm của một số nhà nghiên cứu của các nước tư bản. Chúng ta ngay cả những người làm báo bình thường cũng như các nhà báo có kinh nghiệm lâu năm không bao giờ nghĩ vậy.
Nếu gọi là “quyền lực” thì đây là “quyền lực” được Đảng, nhà nước và cao hơn là nhân dân giao. Còn bản thân nhà báo hay cơ quan báo chí thì tự thân không có quyền lực thứ tư. Báo chí vừa là tiếng nói của Đảng ,các tổ chức chính trị, người dân. Do đó báo chí Việt Nam thể hiện quyền lực thống nhất trong tính Đảng và tính  nhân dân.
Đại tá Phạm Văn Miên: Thưa anh Ước, với sự phát triển mạnh của internet, báo điện tử đang ngày càng khẳng định vị thế của mình, có ý kiến cho rằng "báo giấy sẽ chết", vậy anh có thể cho biết ý kiến của anh về điều này?
Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Có lẽ nói rằng với sự phát triển chung của mạng Internet, đặc biệt là hệ thống báo hình, báo điện tử với tốc độ truy cập nhanh, thông tin nhanh hơn báo viết, có lợi thế hơn báo viết, đây là xu hướng tất yếu. Các báo mạng, báo hình được bạn đọc tiếp cận đông đảo phù hợp với xu hướng phát triển của CNTT. Chúng ta cũng biết rằng trên thế giới có những tời báo nổi tiếng hàng trăm năm tuổi, cũng có xu hướng chững lại, tuy nhiên ở Việt Nam văn hóa đọc vẫn là xu hướng cần thiết, đặc biệt đối tượng là người trung tuổi, cao tuổi. Báo giấy có xu hướng giảm về số lượng người đọc, chứ báo giấy không thể bị triệt tiêu. Nếu như báo giấy vẫn có những thông tin cần thiết. Văn hóa đọc vẫn rất thích thú đối với người đọc.
Đối với các ấn phẩm báo giấy của báo CAND, chúng tôi cũng bị giảm mạnh về số lượng, ví dụ như trước đây, ANTG phát hành hơn 800 nghìn bản, hiện nay chỉ còn hơn 200 nghìn bản. Như vậy, vẫn là một tờ báo có số lượng phát hành rất lớn. Tia ra hơn 200 nghìn bản, chúng tôi vẫn giữ vững trong 5 năm nay.
Đại tá Phạm Văn Miên: Một bạn đọc nêu câu hỏi như sau: Báo chí "lề phải" không có nhiều bài về các vụ Trung Quốc cắt cáp tại biển Đông? Thưa ông Kỷ, Phó Ban Tuyên giáo, ông nghĩ sao? Có phải Ban Tuyên giáo chỉ thị cá báo phải dè dặt hay không?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Nếu bạn đọc báo, nghe đài, xem truyền hình và đặc biệt là báo mạng thì những ngày vừa qua rất nhiều cơ quan báo chí và ngay cả báo chí các nước trong khu vực và trên thế giới đều thông tin về sự việc này với quan điểm dù quốc gia nào đi nữa cũng không được phép vi phạm Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, tức là xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của một đất nước trên vùng đặc quyền kinh tế.
Hơn nữa giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đã có tuyên bố chung về nguyên tắc ứng xử trên biển Đông (DOC) trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tại sao lại phải cấm đoán khi thông tin nêu một sự thật và cho mọi người biết ai là chính nghĩa, ai không thực hiện tốt luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử Biển Đông. Điều đó là cần thiết. Không hiểu tại sao bạn lại nghĩ như vậy?
Đại tá Phạm Văn Miên: Cũng về vấn đề biển Đông, thưa anh Nguyễn Thế Kỷ. Có bạn đọc hỏi rằng, vào ngày 5/6/2011, nhiều người dân Việt Nam xuống đường tuần hành, biểu tình phản đối hành vi vi phạm của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, bản tin của TTXVN lại gọi là "cuộc tụ tập". Liệu Ban Tuyên giáo TW có kỷ luật TTXVN không?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Ban Tuyên giáo TW chẳng kỷ luật gì TTXVN cả. Sự việc mà độc giả nêu kỳ thực là do một số người dân Thủ đô Hà Nội và TP HCM bất bình trước sự việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Binh Minh 02. Sự việc này gây ra bức xúc, theo tôi sự phản đối và tình cảm này rất dễ hiểu. Vì người dân của mình, nhất là người trẻ đã họp nhóm lại tập trung trước cổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Sài Gòn và Hà Nội nhưng có tổ chức, rất trật tự và ôn hòa. Thậm chí nhiều người có khẩu hiệu phản đối hành động của TQ bằng giấy A4 nhưng với thái độ bình tĩnh.
Tôi cho rằng cách đưa tin như thế là được. Còn việc ai đó quan niệm sự việc đó là biểu tình là quyền của người ta, chúng ta không tranh cãi. Theo tôi thì đó là hành động người Việt Nam biểu thị lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và phản đối nước ngoài đối với quyền chủ quyền của mình.
Bản chất sự việc là như thế.
Còn TTXVN và một số báo đưa tin tụ tập đông người… đây là việc không nên tranh cãi, bởi vì các cơ quan chức năng cho biết không có một hành động quá khích nào. Khi được cơ quan chức năng, đoàn thể giải thích "cứ bình tĩnh, Đảng, Nhà nước và chính quyền sẽ bằng con đường ngoại giao, bằng trao đổi, bằng hòa bình để giải quyết sự việc…" thì những người dân nghe ra và ra về.
Nếu nói TTXVN bị kỷ luật là nặng nề quá. Mà nếu làm thế là chúng ta vi phạm tự do báo chí.
Đại tá Phạm Văn Miên: Một câu hỏi tiếp theo dành cho Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Là một độc giả thân thiết của Báo CAND, đặc biệt là Chuyên đề ANTG từ khi tờ báo mới ra đời đến nay, đồng thời bản thân tôi cũng là một phóng viên của một tờ báo trong lực lương CAND, xin Trung tướng Hữu Ước có thể bật mý cho biết bí quyết nào để ngay từ khi mới ra đời, tờ ANTG đã được độc giả mến mộ cho đến bây giờ.
Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Có lẽ rằng đây là câu hỏi mà nhiều bạn đọc đã đặt ra cho tôi. May mắn nhất khi chúng tôi ra đời ANTG, các báo chí ban ngành chỉ có 1 tờ, các ấn phẩm phụ báo lớn rất ít.
Những năm 1996 báo chí thì đa phần mang tính chất thông tin, ANTG ra đời theo phương thức khác, thể hiện những sự kiện bằng bút pháp văn học. Tôi hiểu rằng người Việt Nam rất thích những vấn đề viết có tính chất nhân văn, có chiều sâu, kể cả vụ án, chúng tôi chỉ đạo phải đào sâu những tảng băng chìm, bài viết về tâm lý tội phạm, cách hành xử, bài viết có cảnh báo dự báo.
ANTG có sự kết hợp giữa bút pháp văn học và những vấn đề đang nảy sinh trong đời sống xã hội. Đây là tờ báo đầu tiên của Việt Nam có xu hướng văn học trong báo chí.
Tuy nhiên, viết cho ANTG thì cần trí tuệ, vốn sống, vốn văn hóa và cả bút pháp văn học... thì mới viết được. Nếu nói là bí quyết thì có thể là như vậy.
Đại tá Phạm Văn Miên: Đây, một độc giả vừa hỏi câu này. Chắc là dành cho TS Nguyễn Thế Kỷ. Tôi xin đọc: Tôi thấy hình như bây giờ ra báo khó nhưng vấn đề "hậu kiểm" thì lại tương đối dễ. Tỉ như báo điện tử, giờ toàn chuyện "lộ hàng" với chuyện sao xẹt đi chỗ này đến chỗ kia hay những chuyện vụ án... Ban Tuyên giáo TW có biện pháp gì không?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Về điều này thì Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và truyền thông và Hội Nhà báo đã bàn bạc rất nhiều trong các hội thảo và giao ban báo chí. Chúng tôi cũng đề nghị phải hạn chế các thhông tin vô bổ, giật gân câu khách và như công chúng phản ánh tức là dạng báo lá cải. Đó là cách làm báo sa vào các vụ án, mặt trái, tệ nạn và mô tả chi tiết. Qua tin bài người đọc khôn rút được kjinh nghiệm nào nhiều hơn mà chỉ thấy tội ác được phơi bày tự nhiên chủ nghĩa. Đây là cách làm báo không chuyên nghiệp và các tờ báo đó khôn có đất sống lâu đài.
Thực ra, có một bộ phận nhỏ độc giả thích những thông tin giật gân nhưng đại bộ phận không thích. Họ hướng tới thông tin bổ ích và giá trị Chân - Thiện - Mỹ để nâng con người lên về nhân cách, lối sống, văn hóa.
Chúng tôi cho rằng các cơ quan làm công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí phải cố gắng nhưng đặc biệt cơ quan chủ quản vào cuộc mạnh mẽ. Đặc biệt là ban biên tập các tờ báo phải nhìn nhận và xem xét như những "vết nhọ" trên khuôn mặt. Để như vậy thì "khuôn mặt" đó không được chấp nhận và công chúng sẽ rời bỏ. Chúng tôi cũng nghĩ sau sự việc bạn vừa nêu, công chúng vừa là người hưởng thụ, vừa thẩm định vừa là những "người thầy" góp ý và phê bình để các tờ báo "tự thay đổi".
Đại tá Phạm Văn Miên: Câu hỏi này thì dành cho Trung tướng, Tổng Biên tập Báo CAND Hữu Ước đây ạ. "Nghe nói là báo CAND khó vào biên chế lắm ạ? Cháu có chị bạn, trầy trật mãi nhưng vẫn chưa đến lượt. Nghe nói là cứ phải chờ, cả những người đủ tiêu chuẩn lẫn những người thuộc diện COCC, mà có khi đến lượt thì hết chỉ tiêu. Có đúng vậy không ạ?". Một bạn đọc nữ khác cũng hỏi Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Làm báo có giàu được không thưa ông Ước?"
Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Thực ra trong tình hình cơ chế thị trường hiện nay thì vào cơ quan nào cũng khó, cơ quan nào cũng phải chọn người giỏi. Còn bạn có "chị bạn" "mãi chưa vào biên chế" thì có thể chị bạn đấy chưa giỏi. Đối với cơ quan tôi, thì sớm hay muộn người giỏi cũng được ưu tiên đầu tiên. Và Báo CAND chỉ khó với những người không tài, không giỏi, không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, lý lịch…
Còn làm báo có giàu đc ko thì tôi xin trả lời làm báo cũng có người giàu, cũng có thể làm giàu được.
Ở cơ quan tôi, có những nhà báo làm báo thu nhập 1 tháng hơn 50 triệu đồng, thu nhập gấp đôi cả TBT với cấp hàm Trung tướng. Như vậy giàu theo nghĩa nào thì do cách nghĩ của mỗi người. Nhiều nhà văn, nhà báo có những người xây biệt thự, mua ô tô được như nhà văn Chu Lai, trong Nam thì có nhà văn Nhật Ánh...
Nói như thế để thấy rằng, nếu chúng ta thực sự giỏi, cần cù thì nghề báo cũng có thể giàu được.
Đại tá Phạm Văn Miên (đọc câu hỏi): Có tình trạng "bán sóng", "bán chương trình truyền hình" hay không thưa TS Nguyễn Thế Kỷ? Giờ tràn ngập trên sóng là các chương trình quảng cáo hay nói mỹ miều hơn là "DN tự giới thiệu".... mà thực chất vẫn là quảng cáo. Ban Tuyên giáo TW và Bộ Thông tin có quản Truyền hình hay không?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Cảm ơn câu hỏi của bạn, câu hỏi thẳng thắng này đi vào vấn đề mà xã hội và các nhà quản lý đang quan tâm.
Thực sự cái gọi là bán kênh, bán sóng đã có manh nha xuất hiện. Bây giờ, chúng ta có nhiều thành phần kinh tế, các nhóm lợi ích muốn được sử dụng hoạt động thông tin đại chúng để quảng bá sản phẩm của họ. Thực tế nếu các hoạt động này lành mạnh thì nên cổ vũ, ví dụ như quảng bá thương hiệu. Nhưng việc ai đó định mua kênh bán sóng để khống chế toàn bộ chương trình thì không được. Pháp luật không cho phép.
Gần đầy lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã giao cho Bộ TT&TT tìm hiểu xem có cái việc bán kênh bán sóng đó không. Và chúng tôi đang tiến hành kiểm tra.
Đối với báo chí, mảng truyền hình là mảng đặc biệt, nhiều năm qua rất nóng. Tuy nhiên dường như có hiện tượng một số đài truyền hình đã tung ra nhiều kênh, nhưng không có chương trình tự sản xuất ra, dẫn đến việc sử dụng nhiều chương trình nước ngoài, kể cả chương trình phát sóng trực tiếp.
Đương nhiên chúng ta không bàn đến việc đó là chương trình nước ngoài hay trong nước, nhưng vấn đề là có nhiều chương trình không phù hợp, chẳng hạn như chương trình phim truyện. Nếu tỷ lệ phim truyền hình trong nước quá ít so với phim truyền hình nước ngoài thì công chúng sẽ không hài lòng.
Điều này cũng đặt ra một yêu cầu đối với Hãng phim truyền hình, Hãng phim truyện Việt Nam cũng như các Đài TH địa phương, hãng phim tư nhân phải có kế hoạch sản xuất ra nhiều phim hay để giới thiệu tới độc giả, khai thác, lựa chọn để phát sóng những chương trình sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam, phù hợp với lợi ích của đất nước và mong đợi của đông đảo công chúng. Còn nếu chỉ sản xuất ra những phim mà bị công chúng phản đối thì không nên.
Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước (thêm): Về kênh Truyền hình Công an nhân dân, AN NINH TV, tôi khẳng định sẽ không có chuyện bán kênh, bán sóng dưới bất kỳ hình thức nào.
Đại tá Phạm Văn Miên: Lúc nãy có độc giả hỏi nhà báo Hữu Ước "làm báo có giàu không", đây lại có độc giả hỏi Phó trưởng ban Tuyên giáo TW: Thưa TS Nguyễn Thế Kỷ, không phải là Đảng viên có thể làm nhà báo được không?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Không phải đảng viên thì vẫn làm báo. Không phải tất cả các nhà báo đều là Đảng viên nhưng dù không phải là Đảng viên, người làm báo vẫn tuân thủ tôn chỉ mục đích của tờ báo và tờ báo đại diện cho tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Dù là đảng viên hay không nhưng nhà báo vẫn tuân theo pháp luật và phục vụ quyền lợi của đông đảo quần chúng nhân dân.


Đại tá Phạm Văn Miên: Đây là một câu vừa được bộ phận kỹ thuật in ra: Kính thưa, Trung tướng Hữu Ước! Không biết bao giờ chúng tôi sẽ được xem một vở kịch kiểu như "Sếp Rởm" của Trung tướng ạ? Liệu ở vị trí lãnh đạo, với rất nhiều công việc bận rôn. Trung tướng còn thời gian để viết lách không ạ  Và thường, Trung tướng viết khi nào? Xin cảm ơn Trung tướng . Kính chúc Trung tướng nhiều sức khỏe và thành đạt.
Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Thực ra đây là câu hỏi bản thân tôi cũng thấy rất buồn. Đúng là thời kỳ báo Công an còn ít ấn phẩm một năm bình thường tôi cũng viết được hai vở kịch, nhiều thì ba vở. Bên cạnh đó tôi cũng viết truyện và kịch bản phim.
Sau khi số lượng ấn phẩm nhiều lên và lên và đảm đương cương vị Phó tổng cục trưởng với nhiều nhiệm vụ mới đồng thời chỉ đạo việc chuẩn bị ra kênh Truyền hình Công an  với thời lượng phát sóng lớn tôi có ít thời gian cho sáng tác. Vài năm nay tôi chưa viết được vở kịch hay truyện dài nào.
Rất may, tôi vẫn có những khoảng thời gian ít ỏi để sáng tạo tác phẩm. Rảnh rỗi tôi vẽ tranh hoặc bất chợt có tứ thơ thì làm thơ. Còn có những khi cảm hứng nhịp điệu hơn tôi làm nhạc không chuyên. Tôi không thể viết kịch dài vì phải đầu tư tâm sức và thời gian. Tác phẩm yêu thích nhất tôi ấp ủ từ lâu cho một bộ tiểu thuyết. Tôi vẫn tiếp  tục viết nhưng thời gian bị chặt vụn. Có lẽ tác phẩm mà tôi tâm đắc nhất tôi chỉ có thể thực hiện được đã về hưu tôi sẽ có đủ thời gian để viết.
Đại tá Phạm Văn Miên (đọc câu hỏi): Thưa ông Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo ông thì Việt Nam có nên cho phép xuất bản báo, tạp chí tư nhân hay không?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Điều này trong Hiến pháp và pháp luật chưa cho phép tư nhân ra báo hay lập đài Phát thanh Truyền hình. Nhưng điều này không có nghĩa các tổ chức và nhóm xã hội không được tham gia hoạt động báo chí. Họ vẫn có tiếng nói đáng kể trên các cơ quan báo chí khi muốn phản ánh tâm tư nguyện vọng.
Có thể nói không khí dân chủ trên báo chí rất cao. Mọi cá nhân, tổ chức có vấn đề gì cần kiến nghị đều được phản ánh đầy đủ và chính xác. Cho nên dù tư nhân không ra tờ báo độc lập nhưng vẫn tham gia quá trình hoạt động báo chí. Ai có bài viết hay, ý kiến hữu ích đều được đăng tải. Tôi cho rằng nhân dân Việt Nam vẫn coi Đảng như lãnh đạo duy nhất nên báo chí của chúng ta là báo chí của nhân dân, mang tính Đảng, tính nhân dân sâu sắc. Ý kiến của bạn là một ý kiến đóng góp xuất phát từ sự chân thành nhưng theo tôi là chưa cần thiết.
Báo chí của một đất nước bao giờ cũng được quy hoạch bởi các cơ quan quản lý vĩ mô. Căn cứ trên số dân chúng ta sẽ tính toán cần bao nhiều cơ quan báo chí và các cơ quan báo chí truyền tải những thông tin gì, theo phương thức nào. Điều quan trọng nhất là các tổ chức, cá nhân đều có tờ báo đại diện cho giới mình. Ví dụ với doanh nhân thì có Sài gòn tiếp thị, Diễn đàn doanh nghiệp… Đó là những diễn đàn có thể bày tỏ tâm tư và phán ánh vấn đề. Thâm chí thiếu niên nhi đồng cũng có những tờ báo, chương trình chuyên biệt như báo Nhi đồng, chương trình Chúc bé ngủ ngon….
Chúng tôi cho rằng hệ thống báo chí đã đại diện được tất cả các giai tầng trong xã hội. Điều kiện vật chất và kỹ thuật thì có rất nhiều nhưng quá đà sẽ dẫn tới lãng phí nguồn lực vật chất và tinh thần. Do đó theo tôi quy hoạch như hiện tại là hợp lý.
Đại tá Phạm Văn Miên: Câu hỏi này không ghi dành cho vị khách nào nhưng qua nội dung, chúng tôi hiểu rằng bạn đọc muốn trao đổi với Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Với tư cách một Tổng biên tập của một hệ thống các tờ báo khác nhau (có thể gọi như thế) theo ông tính định hướng và tính hấp dẫn có loại trừ nhau không?
Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước: Tôi nghĩ rằng báo nào thì cũng phải làm báo đúng. Đó là tiêu chí đầu tiên. Tuy nhiên để một tờ báo phát triển thì nó phải đảm bảo cả hai yếu tố là đúng và hay. Tuy nhiên hiện tượng này rất thống nhất vì bản thân tính giáo dục, tính nhân văn và tính hướng thiện đã bao hàm sự hấp dẫn. Cái hay đó không vênh và không trái chiều với định hướng đúng.
Sẽ là sai lầm nếu quan niệm rằng báo hay là báo giật gân và báo càng giật gân thì càng bị tẩy chay. Chúng tôi cũng đã từng có kinh nghiệm khi phóng viên thiếu kinh nghiệm viết về những vấn đề vụ án mang tính ghê rợn và không phổ biến, không đưa ra bài học thì bị bạn đọc phản ứng. Những bài viết sâu, kỹ có tính nhân văn hướng thiện thì bạn đọc thích và ủng hộ. Tôi đã từng đi trên máy bay và gặp trường hợp một người có vị trí xã hội vừa đọc vụ án vừa rớt nước mắt.
Tôi nghĩ những cơ quan chủ quản, đặc biệt là vai trò của TBT và cán bộ chủ chốt trong việc đưa ra tính định hướng là rất quan trọng. Vẫn một sự việc được định hướng tốt thì hấp dẫn, định hướng sai thì thành phản cảm.
Đại tá Phạm Văn Miên: Có độc giả nêu vấn đề về đạo đức nghề nghiệp của báo chí. Cụ thể như thế này: Nhiều nhà báo giờ quá "hoành tráng", chỉ nhăm nhe làm việc vì phong bì, đến mức nhiều DN nghe đến "nhà báo" là phát hoảng. Thưa Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW, Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, ý kiến của ông như thế nào?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Câu hỏi này rất thú vị. Cảm ơn thái độ thẳng thắn của bạn. Đúng là một số ít nhà báo đã sa vào những hiện tượng như vậy. Như câu thành ngữ chúng ta vẫn thường nói “Con sâu làm rầu nồi canh”. Các cơ quan báo chí và những người làm báo rất đau lòng trước hiện tượng này.
Một số nhà báo không ý thức được sứ mệnh cao cả là người phục vụ nhân dân, các doanh nghiệp trong quá trình phát triển đất nước do đó có những hành vi gây phiền hà, dọa dẫm và gây sức ép. Chắc chắn đó không phải do các quan báo chí mà xuất phát từ lợi ích cá nhân. Do đó làm hình ảnh nhà báo bị hiểu sai đi.
Đối với những nhà báo đó, thực sự là do đạo đức cá nhân và đạo đức nghề nghiệp kém. Tôi cho rằng để có một nhà báo có đạo đức nghệ nghiệp tốt phải xuất phát từ một quá trình. Trong các cơ sử đào tạo đã có bộ môn đạo đức báo chí nhưng phải nâng tầm quan trọng của bộ môn này. Vì mỗi bài báo có sức tác động đến hàng triệu công chúng. Sản phẩm của mỗi nhà báo được rât nhiều người thụ hưởng. Nếu bài báo tốt sẽ mang đến những nhận thức tốt và cảm xúc tốt. Ngược lại nó sẽ tạo ra những hậu quả xấu trong tình cảm và suy nghĩ của nhiều người.
Quá trình giáo dục và rèn luyện cho mỗi người làm báo bắt đầu từ cơ sở đào tạo. Quá trình học tập và rèn luyện phải tạo nên những nền tảng về kiến thức và đạo đức. Khi tiếp nhận các nhà báo trẻ mỗi cơ quan chủ quản phải tiếp tục quá trình đào tạo và rèn luyện đó. Mỗi nhà báo cần phải trải qua thực tiễn và khó khăn để hiểu khi về sự hy sinh và cống hiến. Như vậy mỗi ban biên tập phải có bộ quy chế rất chuẩn mực để khen thưởng những người có cống hiến trong đạo đức nghề nghiệp và phải có những chế tài xử lý hành những hành vi vi phạm.
Tôi cho rằng việc quản lý phóng viên có vai trò quan trọng của Ban biên tập và tổng biên tập. Như với Báo Công an nhân dân vai trò của Tổng biên tập Hữu Ước và những Phó tổng biên tập như Đại tá Phạm Văn Miên... là hết sức rõ ràng. Với tờ báo nào cũng vậy.
Đương nhiên cuối cùng vẫn là khả năng tự thân mỗi phóng viên phải thấy nghĩa vụ cá nhân mình vừa là một công dân, vừa là một nhà báo. Anh đại diện cho hình ảnh của chính mình, các đồng nghiệp của mình, cơ quan mình và cả nền báo chí cách mạng. Do đó phải thường xuyên học hỏi, khiêm tốn học hỏi và phấn đấu cống hiến để từ mỗi tác phẩm đến lối sống đều thống nhất trong đạo đức. Khi đó đối với nền báo chí, từng cơ quan và từng nhà báo chúng ta đang thực hành một nền báo chí cách mạng và tính chuyên nghiệp kể cả trong đạo đức nghề nghiệp. Tôi mong những trường hợp cá biệt ngày càng ít đi và không được chấp nhận, không có đất hành nghề.


Đại tá Phạm Văn Miên: Trái ngược với những nhà báo, mà TS Nguyễn Thế Kỷ gọi là những "con sâu". Vẫn còn nhiều nhà báo đang ngày đêm làm việc cống hiến trong điều kiện chưa hẳn là tốt, thậm chí nguy hiểm... Có một độc giả đề cập đến vấn đề này như sau: Thưa Phó trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Thế Kỷ, tình trạng phóng viên bị đánh, bị hành hung... xảy ra tương đối nhiều? Liệu có phải phóng viên Việt Nam đúng là nghề nguy hiểm, chịu nhiều áp lực do không nhận được sự bảo vệ tương xứng hay không? Làm thế nào để bảo vệ các nhà báo Việt Nam tác nghiệp ngay trong lãnh thổ Việt Nam?
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Thế Kỷ: Cách gọi nghề nguy hiểm thì hiện nay Việt Nam hay các nước đều gọi như vậy. Cái gọi là nguy hiểm ở chỗ các nhà báo phải đứng vào những điểm nóng, mũi nhọn. Ví dụ như trong chiến tranh có nhiều phóng viên chiến trường cũng ra trận, đưa tin bài nóng hổi, có tính thời sự. trong trận tuyến chống tội phạm, TNXH, nhà báo ở trận chiến cam go. Các loại tội phạm tấn công xâm phạm uy tín, thân thể, danh dự… nhiều nhà báo bị hành hung.
Khi có sự việc xảy ra, Ban Tuyên giáo TW, Bộ TTTT, Hội Nhà báo Việt Nam đã xác minh sự việc, tìm ra những cá nhân, tổ chức gây ra sự việc, cùng với cơ quan chức năng bàn cách xử lý hành vi hành hung, xúc phạm phóng viên theo đúng pháp luật.
Như sự việc cách đây hơn 1 năm nhà báo Thế Dũng của Người Lao động trong một lần viết chống hàng lậu ở Lạng Sơn đã bị hành hung, chúng tôi đã làm việc với cơ quan chức năng ở Lạng Sơn, có công văn đến Thương trực Tỉnh ủy Lạng Sơn yêu cầu làm sao xử lý sự việc này đúng pháp luật. những kẻ tấn công gây thương tích cho nhà báo phải bị xử lý đúng pháp luật, và đã xử lý.
Một số trường hợp ở Quảng Bình, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ quan chức năng đã tập trung xử lý sự việc đến nơi đến chốn.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý có những trường hợp phóng viên bị hành hung không phải dưới danh nghĩa nhà báo. Trong mỗi nhà báo thì luôn có 2 con người, một con người là công dân A, công dân B cụ thể, một con người nhà báo.
Do vậy, một nhà báo bị hành hung chỉ được tính khi anh ta đi tác nghiệp, đi làm nhiệm vụ do cơ quan báo chí giao, còn nếu trong cuộc sống đời thường, trong giao tiếp để xảy ra xô xát, bị hành hung thì tức là đối tượng không hành hung nhà báo, mà chính là hành hung anh A, anh B cụ thể. Thời gian gần đây có một số báo chí đưa sự kiện nhà báo bị hành hung nhưng thực chất anh ta bị hành hung khi đang "đóng vai" con người thật của mình, không phải dưới góc độ nhà báo.

Trung tướng, Nhà văn hữu Ước tặng TS Nguyễn Thế Kỷ bức ảnh ghi lại buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay.

Đại tá Phạm Văn Miên: Thưa quý vị, thưa các độc giả của Báo Công an nhân dân điện tử. Kính thưa TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW, kính thưa Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân. 2 tiếng 30 phút của buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay đã trôi qua. Trong hơn 2 tiếng rưỡi, 2 vị khách mời đã trả lời một số câu hỏi trong số hàng ngàn câu hỏi do độc giả của Báo Công an nhân dân điện tử gửi tới.
Do khuôn khổ của buổi giao lưu, một số câu hỏi gửi tới do trùng lắp với những câu hỏi, vấn đề đã được 2 vị khách mời trả lời nên chúng tôi không đề cập lại. Một số đề nghị, yêu cầu của quý vị, độc giả đã được TS Nguyễn Thế Kỷ và Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước ghi nhận để trả lời sau.
Một lần nữa, thay mặt độc giả Báo Công an nhân dân điện tử, thay mặt những người tổ chức buổi giao lưu, xin chân thành cảm ơn sự có mặt của TS Nguyễn Thế Kỷ và Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước đóng góp cho thành công của buổi giao lưu trực tuyến ngày hôm nay.

CAND Online

Tổng số lượt xem trang