Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Hà Tĩnh: Động trời vụ khai man tiền bồi thường tại KKT Vũng Áng!

-Hà Tĩnh: Động trời vụ khai man tiền bồi thường tại KKT Vũng Áng!
10/05/2015
Chỉ riêng hai dự án vừa và nhỏ liên quan đến tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Khu kinh tế Vũng Áng, UBND huyện Kỳ Anh và các đơn vị, cá nhân đã làm thất thoát hơn 16,5 tỷ đồng của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội.


.Dự án Phú Vinh và nhà điều hành nhìn từ phía đằng xa
Sai từ thành phần nhân sự Hội đồng
Dự án Trung tâm thương mại đa nghành nghề Lợi Châu (giai đoạn 3) đóng trên địa bàn xã Kỳ Phương; và Dự án Khu hạ tầng công nghiệp Phú Vinh đóng trên địa bàn xã Kỳ Long và Kỳ Liên là hai dự án vừa và nhỏ nằm trong khu kinh tế Vũng Áng.
Tuy vậy, để thực hiện Quyết định số 07/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Tĩnh,  UBND huyện Kỳ Anh đã tiến hành thành lập hai Hội đồng bồi thường (HĐBT) gồm: HĐBT Dự án Lợi Châu theo Quyết định số 12/QĐ-HĐBT và HĐBT Dự án Phú Vinh theo Quết định số 05/QĐ-HĐBT, cả hai HĐBT đều nằm dưới sự điều hành trực tiếp của HĐBT huyện Kỳ Anh, gọi tắt là Hội đồng 1811.
Sai sót từ đầu của Hội đồng 1811 là không có đại diện hộ gia đình có đất bị ảnh hưởng tham gia; khi có sự thay đổi về nhân sự, Hội đồng không chủ động kiện toàn dẫn đến việc một số thành phần tham gia ký hồ sơ kiêm nhiệm luôn kê, áp giá không phù hợp với tư cách pháp nhân.
Riêng UBND xã Kỳ Long và UBND xã Kỳ Phương sử dụng Hội đồng tư vấn gồm các cơ quan Đảng ủy, HĐND, UBND để tổ chức họp xác định nguồn gốc đất chỉ xác định chủ sử dụng đất (SDĐ) và loại đất hoặc mục đích SDĐ nhưng thiếu thông tin, đặc biệt quan trọng là thời điểm SDĐ; UBND huyện Kỳ Anh chưa tiến hành bàn giao 1,97 ha thu hồi ngoài ranh giới thực hiện Dự án Phú Vinh cho UBND xã Kỳ Long và Kỳ Liên là trái với quy định tại Điều 8, Quyết định số 07/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Trụ sở làm việc của Dự án Lợi Châu
 Từ hai Dự án  
Đối với dự án Lợi Châu:  Quá trình triển khai bồi thường, dự án này phải tạm dừng theo phương án đã được phê duyệt tại quyết định (QĐ) số 2521 ngày 10/9/2013 của UBND huyện Kỳ Anh, nhưng sau đó thay thế bằng QĐ số 2676 ngày 21/10/2013 và QĐ số 1205 ngày 12/2/2014  của UBND huyện Kỳ Anh. Số tiền điều chỉnh từ 6.116.770.000 đồng xuống 4.003.665.000 đồng, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trong kiểm kê không phản ánh đúng khối lượng, một số hạng mục công trình lớn hơn thực tế; có 5 giếng khoan giả tạo đưa vào phê duyệt kinh phí bồi thường vượt số tiền 83.313.000 đồng; HĐBT căn cứ vào 2 giấy CNQSD đất số AN 834708 và bản đồ (BĐ) 719949 để xác định loại đất tính toán bồi thường cho hộ dân 2.938,3m2 là sai quy định.
Đối với Dự án Phú Vinh: HĐBT, hỗ trợ sai 24,476ha đất của Trường THCS Kỳ Long quản lý để trồng rừng cho 23 hộ dân và 1 tổ chức ( UBND xã Kỳ Long) gây thất thoát 7.294.777.000 đồng; bồi thường sai loại đất với diện tích 28,731ha, trong đó có 25,32ha đất trồng rừng sản xuất, đất bằng chưa sử dụng, giao thông, sông suối, thủy lợi, thủy sản, trồng cây lâu năm… của xã Kỳ Long và Kỳ Liên gây thất thoát 8.298.785.000 đồng; kiểm kê áp giá bồi thường các công trình kiến trúc, cây cối… gây thất thoát gần 500 triệu đồng và tiềm ẩn thất thoát trên 20 triệu đồng.
UBND huyện Kỳ Anh còn tự ý quyết định hỗ trợ các công trình xây dựng trên đất nông nghiệpvới mức 10%, 60% và 80% vượt thẩm quyền theo quy định của UBND tỉnh; HĐBT sử dụng kinh phí hoạt động vượt quá quy định cho phép do UBND huyện Kỳ Anh duyệt và Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp; UBND xã Kỳ Long sử dụng: 2.222.777.000 đồng hỗ trợ đất công ích xây dựng các công trình trái quy định: 105.204.000 đồng và nghiệm thu thanh toán sai: 125.622.000 đồng.
Quy hoạch Dự án khu công nghiệp Phú Vinh
Những bất cập của UBND huyện Kỳ Anh và Ban QLKKT Vũng Áng
Trong kết luận thanh tra chỉ rõ: Công tác xây dựng bản đồ trích đo của Ban Quản lý khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) và quản lý hồ sơ về đất đai của UBND huyện Kỳ Anh có quá nhiều bất cập. Trong đó, BĐ đo hiện trạng sử dụng đất của khu vực quy hoạch đầu tư Dự án Phú Vinh tại xã Kỳ Long và Kỳ Liên do công ty TNHH Hồng Linh ký hợp đồng với Ban quản lý KKT đo vẽ, xây dựng mặc dù đã được UBND các xã xác nhận đo vẽ, Sở TN&MT thẩm định phê duyệt, nhưng trong Biểu 13 thống kê diện tích đất, loại đất, chủ SDĐ không có chữ ký của người SDĐ.
UBND huyện Kỳ Anh không lưu giữ hồ sơ. Đặc biệt, những hồ sơ cần thiết khi đoàn thanh tra tỉnh cần cung cấp như QĐ số 374 ngày 29/12/1994 của UBND huyện Kỳ Anh giao đất cho Trường THCS Kỳ Long để làm vườn rừng, sản xuất lâm nghiệp; Giấy CNQSĐ của UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp cho Trường THCS Kỳ Long năm 2001; Hồ sơ địa chính xã Kỳ Long phê duyệt năm 2004…
Quy hoạch Dự án Lợi Châu
Những việc cần phải làm
Với những sai phạm trên dẫn tới việc làm thất thoát hơn 16,5 tỷ đồng của Nhà nước, gây mất lòng tin từ quần chúng nhân dân và nhà đầu tư… UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh cần phải chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, người đứng đầu UBND huyện là ông Nguyễn Văn Bổng từng giữ chức vụ Trưởng ban GPMB hỗ trợ TĐC huyện liên quan trực tiếp đến 2 dự án phải chịu trách nhiệm và hậu quả xảy ra đầu tiên.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ các dấu hiệu cố ý làm trái các quy định pháp luật của UBND huyện Kỳ Anh, HĐBT huyện Kỳ Anh, UBND xã Kỳ Long và các tổ chức, cá nhân khác liên quan trong việc bồi thường, hỗ trợ hai dự án trên.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng ủy quyền cho Thanh tra tỉnh Ban hành quyết định xử lý sau thanh tra các khoản vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trên; thu hồi và nộp vào kho bạc nhà nước khoản tiền thất thoát, đem lại niềm tin cho nhân dân và nhà đầu tư.  
Ngày 27/4/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kết luận Thanh tra số 175/KL-UBND Kết luận thanh tra về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư Dự án Trung tâm thương mại đa ngành nghề Lợi Châu (giai đoạn 3) và Dự án Khu hạ tầng công nghiệp Phú Vinh chỉ rõ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hai dự án trên.
-


-Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Lập 11 hồ sơ khống cho cán bộ đứng tên rút tiền tỉ để... trả nợ

Để có tiền trả nợ, UBND xã  Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã lập một danh sách khống cho cán bộ xã đứng tên rút hơn 1,3 tỷ đồng tiền đền bù đất tái định cư.

Thời gian qua, báo điện tử Tầm nhìn khởi đăng loạt bài phản ánh việc Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh đã “cấu kết” với UBND xã Kỳ Thượng lập hồ sơ khống rút ruột của Nhà nước 4,7 tỉ đồng.

Sau khi báo đăng tải đã nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ của người dân xã Kỳ Thượng nói riêng và huyện Kỳ Anh nói chung.
Đặc biệt, nhiều người dân sống tại các xã nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng như: Kỳ Lợi, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương… sau khi đọc báo đã liên lạc với báo Tầm nhìn phản ánh việc trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng cho hàng ngàn hộ dân phục vụ siêu dự án Pormosa Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh và chính quyền các xã có nhiều việc làm khuất tất, không minh bạch thậm chí có dấu hiệu lập khống hồ sơ khiến ngân sách Nhà nước thiệt hại nhiều tỉ đồng.
Lần theo những thông tin mà những người dân có trách nhiệm cung cấp, nhóm PV báo Tầm nhìn đã xâm nhập thực tế điều tra.

Biết sai nhưng phải làm để lấy tiền trả nợ!
Theo phản ánh của người dân xã Kỳ Nam, trong quá trình kiểm đếm đo đạc lập hồ sơ đất tái định cư, UBND xã Kỳ Nam đã lập rất nhiều hồ sơ khống để nhận tiền đền bù không đúng quy định gây bức xúc trong nhân dân.
Để xác tín những vấn đề mà người dân phản ánh, ngày 26/4/2015, PV Tầm nhìn đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam.
Khu vực đất TĐC tại thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam - nơi các cán bộ xã đứng tên để nhận tiền đền bù về trả nợ.
Tại buổi làm việc ông Vin đã thừa nhận những gì người dân phản ánh là có cơ sở.
Ông Vin giải thích: “Từ năm 1999, có một số hộ dân ở các xã khác vào địa bàn xã Kỳ Nam đăng ký mua đất. Mặc dù, chưa có đất để bán nhưng lãnh đạo xã thời kỳ đó đã thu tiền mỗi hộ dân mua đất từ 2 triệu - 5 triệu đồng. Số tiền mà người dân đóng để mua đất đó UBND xã cũng đã sử dụng vào việc xây dựng cơ sở hạ tậng như trường mầm non, mua sắm bàn ghế...
Đến khoảng năm 2010 - 2011, một số hộ dân khác tiếp tục nộp tiền vào ngân sách xã để được mua đất ở thôn Minh Huệ, nhưng do có thông báo đất ở khu vực này sẽ thu hồi làm Khu TĐC nên chưa thể có đất để bàn giao cho các hộ dân đã nộp tiền để mua. 
Chờ đợi trong một thời gian dài nhưng xã không có đất giao khiến người dân bức xúc, yêu cầu lãnh đạo xã trả tiền lại nhưng xã lại không có tiền để trả. Cho nên, khi các đơn vị về thi công san lấp mặt bằng tái định cư, các hộ dân này đã ra ngăn cản thi công và yêu cầu xã trả lại tiền họ đã nộp cho xã để mua đất trước đây. 
Trước tình hình đó, UBND xã đã họp bàn và đi đến thống nhất là lập hồ sơ khống của 11 hộ dân do các cán bộ trong xã đứng tên có đất ở thôn Minh Huệ bị thu hồi để nhận đền bù lấy tiền trả nợ…”. 
Ông Vin cho rằng: “Vì số nợ từ các đời chủ tịch xã trước đây để lại cho nên bắt buộc chúng tôi phải lập hồ sơ như vậy, biết là làm như vậy là sai nhưng không có cách nào khác. Trong khi các hộ dân đặt tiền mua đất thì số tiền đó đã sử dụng đi rồi xã lại không có nguồn nào để trả. Hơn nữa, không có tiền trả thì họ ngăn cản không cho thi công vì vậy bắt buộc xã phải làm vậy thôi…”
Ông Nguyễn Đình Vin – Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho rằng: “Vì số nợ tiền mua đất của các hộ dân từ đời chủ tịch này qua đời chủ tịch khác để lại nên chúng tôi buộc phải lập khống hồ sơ cho cán bộ xã đứng tên để lấy tiền trả nợ”.
Sự việc trên bị vỡ lỡ khi người dân phát giác và tố cáo cán bộ xã đứng tên trong danh sách khống để rút tiền và được hưởng % trong đó.
Chính điều này ông Vin cũng thừa nhận: “Các cán bộ xã đã đứng tên trong danh sách 11 hồ sơ bị thu hồi đất ở thôn Minh Huệ năm 2012 để phục vụ xây dựng Khu TĐC xã Kỳ Lợi, mỗi người đứng tên được trích 5% số tiền đền bù cho hộ dân mình đứng tên. Tổng số tiền được trích % trong tổng số tiền bồi thường đó được 56 triệu đồng, sau khi người dân tố cáo UBND huyện đề nghị trả lại vì cán bộ không được nhận % nên chúng tôi đã cho thu và nộp vào ngân sách.”
Được sự đồng ý mới dám làm
Việc làm trên cũng được ông Nguyễn Văn Thử - Chủ tịch Mặt trận xã Kỳ Nam khẳng định: “Việc lập hồ sơ khống như vậy là sai. Nhưng vì theo quy định, các hộ dân phải có hộ khẩu trên địa bàn xã mới được đứng tên trong danh sách nhận tiền bồi thường. Do các hộ dân mua đất trước đây là người địa phương khác nên không đủ điều kiện vì vậy các cán bộ xã phải đứng tên thay”.
Bảng dự toán kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB dự án: Xây dựng khu TĐC thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam
Trong thông báo của Đảng ủy xã Kỳ Nam do ông Lê Minh Hồng – Bí thư Đảng ủy xã ký cũng đã nêu: “…để có vốn xây dựng Ban thường vụ thống nhất cho UBND xã cử một số đồng chí cán bộ, Đảng viên trong cơ quan đứng tên nhận bồi thường diện tích đất tập thể và 11 lô đất tuyến 2 ở khu vực 327 (Minh Huệ)…?!”
Ông Vin cho biết thêm: “Trong đó, tổng số tiền đã trích % lại cho các cán bộ đứng tên hơn 56 triệu đồng. Còn lại, chi trả lại tiền cho một số hộ dân đã mua đất trước đó nhưng chưa được giao đất, tính cả tiền gốc và tiền lãi. Số tiền dư lại gần 400 triệu đã đưa vào ngân sách của xã để chi các khoản giao thông nội đồng, hội quán thôn, tu sửa khuôn viên trạm y tế xã”. 
“Nói thật, trong chuyện này nếu như không được sự nhất trí của những người đứng đầu HĐBT huyện thì xã có “gan trời” cũng không dám làm”, ông Vin tiết lộ.
(Còn tiếp)


TIN LIÊN QUAN
Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Lập khống hồ sơ “nuốt” hơn 9 tỉ đồng tại siêu dự án Pormosa (?!)
Thu hồi nhiều tỉ đồng vụ lập hồ sơ khống tại huyện Kỳ Anh, “khó hơn lên trời”?
Lập khống hồ sơ rút tiền đền bù tại dự án nghìn tỉ, cán bộ địa chính bị đình chỉ công tác
Tiếp bài: “Hội đồng Bồi thường huyện Kỳ Anh “cấu kết” với xã lập hồ sơ khống rút nhiều tỉ đồng”
-


-Hà Tĩnh:Cấp sai hàng trăm lô đất, lãnh đạo huyện Kỳ Anh xin… “kiểm điểm rút kinh nghiệm!”
09:52 | 24/04/2015

Mặc dù, kết luận của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh phải nghiêm túc xử lý sai phạm, kiểm điểm, kỷ luật cán bộ trước cơ quan, đơn vị và đề nghị hình thức kỷ luật đối với tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm trong giải phóng mặt bằng, cấp đất tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, UBND huyện Kỳ Anh lại xử lý theo kiểu “đánh khẻ” làm dư luận đặt nhiều câu hỏi nghi vấn…

Sai phạm nhiều

Kết luận của Thanh tra tỉnh đã chỉ rõ sai phạm của UBND huyện Kỳ Anh trong công tác quản lý, tổ chức thực hiện của tập thể cá nhân liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cấp đất TĐC.
Cụ thể, đối với Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh buông lỏng công tác quản lý, chưa làm tròn trách nhiệm của pháp luật về TĐC. Thiếu quan tâm chỉ đạo sâu sát Hội đồng BT,HT,TĐC, lập trình thẩm định phương án TĐC; không chỉ đạo Phòng Tài nguyên môi trường thẩm định điều kiện tái định cư đối với các hộ cấp đất  TĐC, dẫn đến việc xét, giao cấp đất TĐC chưa đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền,…
Trong quá trình thực hiện TĐC, HĐBT đã thiếu tinh thần trách nhiệm để UBND các xã tự xét cấp đất TĐC diễn ra trong một thời gian dài dẫn đến sai phạm. Bên cạnh đó, việc quản lý,  ghi chép về hộ tịch, hộ khẩu ở các xã còn lỏng lẻo, thể hiện buông lỏng công tác quản lý nên đã xảy ra việc hợp thức hóa hồ sơ để được cấp đất TĐC.
Quá trình cấp đất TĐC ở huyện Kỳ Anh đã xảy ra nhiều sai phạm khiến dư luận bất bình
Sự buông lỏng trách nhiệm thẩm định TĐC của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện dẫn đến việc xét và giao đất TĐC có nhiều sai phạm.
Chủ tịch UBND các xã: Kỳ Phương, Kỳ Liên, Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Thịnh, và Kỳ Nam đã lạm dụng quyền hạn trong xét, giao cấp đất TĐC, dẫn đến chủ quan, tùy tiện xét cấp một số suất đất TĐC không đúng đối tượng, tiêu chuẩn.
Kết luận của Thanh tra cũng đã nhấn mạnh, trách nhiệm chung, toàn diện về các sai phạm, khuyết điểm nêu trên trước hết thuộc về Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh qua các thời kỳ có liên quan đến sai phạm trong việc xét cấp đất TĐC, đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý; xem việc cấp đất TĐC là của UBND xã, nên đã sai phạm trong việc xét TĐC diễn ra trong thời gian dài và trên diện rộng ở tất cả các xã có thực hiện TĐC nhưng không có biện pháp kịp thời chấn chỉnh.
Và trách nhiệm chính đối với các sai phạm trên thuộc về Chủ tịch HĐBT huyện đã không có biện pháp xử lý, để UBND xã tự ý xét cấp đất TĐC (đối với các dự án có sai phạm về cấp đất TĐC); chưa thực hiện nhiệm vụ được giao như: Lập, trình thẩm định phương án TĐC và thực hiện phương án TĐC theo quy định.
Trách nhiệm trực tiếp thuộc về Chủ tịch UBND xã thuộc vùng TĐC đã thành lập Hội đồng xét cấp đất TĐC nhưng không thục hiện đúng theo quy đinh pháp luật; thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc xét cấp đất TĐC, đã lợi dụng sự buông lỏng của quản lý của lãnh đạo và cơ quan chuyên môn cấp trên, lạm dụng quyền hành, tùy tiện trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, đã xét, cấp sai đối tượng với số lượng lớn. Có biểu hiện cố ý làm trái trong quản lý hộ khẩu thường trú…
Trách nhiệm liên đới thuộc về Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kỳ Anh theo chức năng nhiệm vụ được giao chưa tiến hành tham mưu các biện pháp để quản lý việc cấp đất TĐC theo đúng quy định, quá trình cấp Giấy CNQSD đất chưa thực hiện việc thẩm định điều kiện cấp đất TĐC dẫn đến các vi phạm trong cấp đất TĐC.
Việc sử dụng quỹ đất TĐC để giao tùy tiện, không đúng theo quy hoạch cho mục đích khác. Trách nhiệm này thuộc về UBND xã đã cấp, sử dụng đất sai quy hoạch; UBND huyện chịu trách nhiệm về việc thiếu kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý…
Chịu trách nhiệm về các sai sót trong việc đăng ký hộ khẩu thường trú như: Không thực hiện ghi đầy đủ các nội dung theo biểu mẫu, không đóng dấu giáp lai từng trang sổ đăng ký, bỏ trống 11 trang ở sổ đăng ký ở xã Kỳ Thịnh, chèn tờ, sử dụng dấu không đúng thời gian đăng ký mẫu dấu ở 2 xã Kỳ Phương, Kỳ Thịnh...
Xin kiểm điểm rút  kinh nghiệm!
Mặc dù, kết luận của Thanh tra đã chỉ rõ những sai phạm nghiêm trọng có tính chất chủ quan của UBND huyện Kỳ Anh trong việc GPMB, cấp đất TĐC. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lại có một báo cáo đề nghị hình thức kỷ luật mà theo dư luận là quá nhẹ.
Kết luận của UBND tỉnh Hà Tĩnh
Và đây báo cáo của UBND huyện Kỳ Anh về việc xử lí cán bộ
Cụ thể, sau khi có Kết luận thanh tra số 66 của UBND tỉnh về việc sai phạm trong cấp đất TĐC của UBND huyện Kỳ Anh, ngày 21/4, UBND huyện Kỳ Anh đã có báo cáo về triển khai thực hiện, xử lý trách nhiệm và đề xuất hình thức kỷ luật các tập thể cá nhân liên quan.
Đối với tập thể: Phê bình kiểm điểm, không kỷ luật đối với tập thể Phòng TNMT, UBND các xã Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Lợi, Kỳ Liên, Kỳ Nam?!
Đối với xã: Kiểm điểm, không kỷ luật đối với 04 đồng chí ( 01 Kỳ Liên, 01 Kỳ Lợi, 01 Kỳ Thịnh, 01 Kỳ Long) vì đã hết thời hạn kỷ luật; Phê bình kiểm điểm không kỷ luật 13 đồng chí (02 Kỳ Liên, 01 Kỳ Phương, 01 Kỳ Long, 03 Kỳ Thịnh, 03 Kỳ Lợi, 03 Kỳ Nam) vì sai phạm nhẹ; xử lý kỷ luật với hình thức Khiển trách đối với 05 đồng chí ( 01 Kỳ Liên, 01 Kỳ Phương, 01 Kỳ Long, 01 Kỳ Thịnh, 01 Kỳ Lợi); Cảnh cáo 07 đồng chí ( 01 Kỳ Liên, 03 Kỳ Phương, 01 Kỳ Long, 02 Kỳ Thịnh)?!
Đối với cán bộ huyện đã nghỉ hưu và đương chức: Kiểm điểm rút kinh nghiệm, không xử lý kỷ luật với 05 đồng chí, đang xin ý kiến chỉ đạo của  Ban Thường vụ Huyện ủy?!
Điều đáng nói là việc xảy ra sai phạm kéo dài từ khoảng 7/2008 đến cuối năm 2013, và cũng trong thời gian này (14/7/2008) ông Nguyễn Bá Song – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh đã ký Quyết định thành lập HĐBT, TĐC do ông Nguyễn Văn Bổng làm Chủ tịch HĐBT, TĐC, GPMB chuyên trách huyện Kỳ Anh. Sau đó, trên cương vị là Chủ Tịch UBND huyện (từ năm 2012 đến nay), ông Bổng lại là người đứng ra phê duyệt các văn bản nhằm hỗ trợ đền bù GPMB, TĐC cho đến nay. 
Như vậy, ông Nguyễn Văn Bổng là người chịu trách nhiệm cao, và cũng chính là người để xảy ra nhiều sai phạm vì thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là trực tiếp gây ra sai phạm. 
Thế nhưng, trước đó, trong bản Dự thảo Báo cáo, UBND huyện Kỳ Anh lại chỉ cho rằng ông Nguyễn Bá Song – Nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và ông Vũ Lân – Nguyên Trưởng Phòng TNMT huyện là người chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm này.
Sau đó, trong bản Báo cáo (chính thức) số 69 ngày 21/4/2015 gửi UBND tỉnh thì UBND huyện Kỳ Anh chỉ đưa ra kiểm điểm rút kinh nghiệm, không xử lý kỷ luật đối với 05 đồng chí cán bộ huyện đương nhiệm và nghỉ hưu mà không có tên cụ thể?!   
Ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh quả quyết: “Phải xử lý nghiêm! Cá nhân, tập thể nào sai phải xử lý nghiêm”
Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Bổng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh quả quyết: “Phải xử lý nghiêm! Cá nhân, tập thể nào sai phải xử lý”. 
Tuy nhiên, khi nói về hình thức kỷ luật thì ông Bổng lại cho rằng: “Đối với việc kỷ luật cán bộ thì xin tỉnh vì quá trình thực hiện không thể tránh khỏi sai sót?!”
Dư luận cho rằng, UBND huyện Kỳ Anh để xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc GPMB, cấp đất TĐC khiến nhà nước bị thiệt hại nhưng lại đưa ra một hình thức xử lý kỷ luật một cách rất nhẹ, thậm chí là dung túng cho những sai phạm này. 
Phải chăng, dân sai thì xử lý nghiêm còn "quan" sai thì "quan" sửa?
(Còn tiếp)
Đặng Sơn – Hà Vũ

TIN LIÊN QUAN
Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh): Bị thu hồi hàng trăm lô đất, dân bức xúc, "quan" bảo “có sai sót”
Sai phạm nghiêm trọng của UBND huyện Kỳ Anh trong việc cấp đất TĐC


Bà Tương đau đớn vì nỗi thiệt thòi, oan khuất hàng chục năm.
-Nỗi oan khuất hàng chục năm của một người dân bị “cướp” đất
(Tamnhin.net) – Suốt 9 năm bà Tạ Thị Tương (ở Kỳ Anh – Hà Tĩnh) đội đơn đi khắp nơi khiếu nại đòi lại mảnh đất của mình bị người khác lấn chiếm. Nhưng công lý chẳng thấy đâu lại còn bị mang thêm tội giả mạo giấy tờ.. 
Huyện Kỳ Anh đã cấp đất cho bà Tương như thế nào?

Năm 1980, bà Tạ Thị Tương cùng chồng là Hồ Xuân Thửa quê gốc ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) làm việc tại Tổng Công ty xuất nhập khẩu ngoại thương tỉnh Quảng Bình.

Vợ chồng bà có kiến thức và tay nghề cao trong nghề đan lát nên được ông Nguyễn Đình Nhu – nguyên Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh mời về dạy nghề cho con em trong huyện.

Với tâm nguyện đóng góp cho quê hương, bà Tương đồng ý. Bà được bố trí làm việc tại Công ty Ngoại thương huyện Kỳ Anh với nhiệm vụ đi dạy nghề đan lát mây tre cho con em các xã như Kỳ Lâm, Kỳ Hà, Kỳ Hải, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng…


Quyết định cấp đất ở và đất quán và giấy bà Tương cho HTX Liên Hoa mượn đất làm kho phân bón.
Khi chuyển công tác về Kỳ Anh vợ chồng bà Tương không có đất ở nên ngày 2/6/1984 UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo UBND xã Kỳ Châu cấp cho bà Tạ Thị Tương và chồng là Hồ Xuân Thửa một nền đất 400 m2 bên cạnh đường 1A để sinh sống.

Do chưa có điều kiện làm nhà nên bà cho HTX Liên Hoa mượn 17m mặt tiền, còn 3 mét bà làm quán bán hàng tạp hoá, còn một nửa đất phía sau bà làm nhà sinh sống, sau một thời gian bà đổi đất phía sau cho gia đình ông Đào Minh.

Quá trình cấp đất cho vợ chồng bà Tương được UBND xã Kỳ Châu làm các thủ tục gồm 1 quyết định cấp đất nhà ở, một quyết định cấp đất làm quán. Bà Tương còn lập một văn bản có nội dung vợ chồng bà cho HTX Liên Châu mượn đất làm kho đựng phân bón. (Các giấy tờ này hiện Công an Hà Tĩnh đang lưu giữ).

Còn trong Quyết định cấp đất cho bà Tương có ghi: “UBND xã Kỳ Châu căn cứ vào kế hoạch của UBND huyện Kỳ Anh, cho UB Đảng uỷ xã Kỳ Châu cấp đất nền nhà tại khu vực Cánh Buồm, căn cứ vào nghị nghị quyết Hội đồng nhân dân xã Kỳ Châu, thông qua Đại hội Nông dân tập thể xã Kỳ Châu ngày 21 tháng 1 năm 1984 đã quy hoạch tại xứ Cánh Buồm, nay tập thể Đảng uỷ và Uỷ ban quyết định ưu tiên cấp đất cho ông Hồ Xuân Thửa, bà Tạ Thị Tương tại khu phố xứ Cánh Buồm, nền số 1, sát đường 1A, chạy dài về phía Bắc chiều dài 17m, chiều rộng 10m, có 170 m. Tây giáp đường 1A, Đông giáp đất Đào Minh, Nam giáp quán nền ông Hồ Xuân Thửa, Đông giáp đất ông Thiêm”. Ngoài Quyết định cấp đất còn có thêm một quyết định cấp đất làm quán cho vợ chồng bà Tương.

Trong giấy cho mượn đất, nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu – Ông Hà Xuân Thắng xác nhận: “UBND xã Kỳ Châu căn cứ vào cuộc họp gia đình Hồ Xuân Thửa và Tạ Thị Tương cho HTX Liên Châu, xã Kỳ Châu mượn đất làm nhà chưa sử dụng, để làm kho lân đạm, do ông Đào Mạnh Hường chủ nhiệm mượn cho HTX làm kho, khi nào HTX giải tán, trả đất lại cho gia đình làm nhà”.

Mất đất và bị kết tội “giả mạo giấy tờ”

Thế nhưng sau khi giải tán vào năm 1989, HTX Liên Châu đã bán nhà kho cho Công ty Vật tư cấp III Kỳ Anh. Sau này, Công ty này đã bán nhà cho ông Nguyễn Huy Cổn – Nguyên cán bộ Trạm vật tư nông nghiệp Kỳ Anh. Không biết bằng cách nào, ông Cổn đã được cấp GCNQSD trên một phần mảnh đất UBND xã Kỳ Châu đã cấp cho bà Tương từ năm 1984.

Cho rằng ông Cổn lấn chiếm đất của mình, bà Tạ Thị Tương viết đơn gửi lên UBND huyện Kỳ Anh nhờ giải quyết. Ngày 22/1/2010 UBND huyện Kỳ Anh có Quyết định số 139/QĐ-UBND khẳng định đơn thư bà Tương khiếu nại không có cơ sở pháp lý.


Quyết định 2814/QĐ-UBND ngày 28/9/2010 của UBND tỉnh Hà Tĩnh: “…các giấy tờ mà bà Tạ Thị Tương dùng làm căn cứ khiếu nại đòi quyền sử dụng đất nêu trên là giả mạo, nên không có giá trị pháp lý, cần được điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Bà Tương tiếp tục khiếu nại lên tỉnh. Ngày 28/9/2010 UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2814/QĐ-UBND khẳng định: “Công nhận và giữ nguyên Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 139/QĐ-UBND ngày 22/1/2010 của UBND huyện Kỳ Anh. Không công nhận nội dung khiếu nại của gia đình bà Tạ Thị Tương cho rằng UBND huyện Kỳ Anh lấy đất của gia đình bà cấp cho ông Nguyễn Huy Cổn và Công ty Vật tư nông nghiệp Kỳ Anh”.

Đặc biệt, Quyết định 2814/QĐ-UBND còn có nội dung: “Qua kết quả giám định của của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh và Viện Khoa học hình sự - Bộ công an thì các giấy tờ mà bà Tạ Thị Tương dùng làm căn cứ khiếu nại đòi quyền sử dụng đất nêu trên là giả mạo, nên không có giá trị pháp lý, cần được điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của Pháp luật”.

Nhận được Quyết định số 2814/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, bà Tương bàng hoàng vì mình vừa bị mất đất, vừa bị khoác thêm cái tội mà dù trong mơ bà cũng không dám nghĩ tới là giả mạo giấy tờ.
                                                                                            
(Còn nữa)

                                                                                Trần Quang Đại

(Tamnhin.net) - Để xác minh việc bà Tạ Thị Tương (ở Kỳ Anh - Hà Tĩnh) đi đòi đất có cơ sở hay không, nhóm phóng viên chúng tôi đã đến những nhân chứng và cũng là những người trước đây cấp đất ở cho bà Tương nguyên là cán bộ Hợp tác xã (HTX) Liên Châu, UBND xã Kỳ Châu và một số nhân chứng là nguyên quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và cán bộ Công ty Vật tư cấp III Kỳ Anh…


Cản trở anh Cổn xây dựng trên đất tranh chấp, bà Tương bị Lực lượng trật tự đô thị ngăn cản gay gắt.
Có hay không việc bà Tương dùng giấy tờ giả mạo?

Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh trong Quyết định số 2814/QĐ-UBND ngày 28/9/2010 khẳng định các giấy tờ bà Tương dùng làm căn cứ khiếu nại là giả mạo là dựa vào “kết quả giám định của của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh và Viện Khoa học học hình sự - Bộ Công an”. Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực tế của PV cho thấy cần phải xem xét lại kết luận nói trên.

Thứ nhất, nếu khẳng định các giấy tờ của Bà Tương dùng làm căn cứ khiếu nại là giả mạo, thì phải làm rõ các yếu tố: giả mạo chữ viết và chữ ký (vì đây là văn bản viết tay) và giả mạo con dấu. Để xác định chữ viết, chữ ký có giả mạo hay không, phải dùng văn bản thực (do người kí tên trong văn bản trực tiếp viết, ký ra) để đối chiếu.

Thế nhưng cơ quan điều tra đã không trực tiếp gặp ông Hà Xuân Thắng (người kí tên trong cả ba văn bản nói trên) để đối chiếu chữ viết, chữ kí của ông Thắng với chữ viết, chữ kí trong giấy tờ của bà Tương.


Lá đơn ký tập thể của các cán bộ về hưu, là những nhân chứng sống trong việc cấp đất cho bà Tương.

Chúng tôi không được biết cơ quan điều tra đã tiến hành giám định các văn bản như thế nào, nhưng việc bỏ qua khâu đối chiếu chữ viết, chữ kí của người có tên trong văn bản là một thiếu sót cơ bản, từ đó chưa đủ cơ sở để khẳng định giấy tờ của bà Tương là giả mạo.

Thứ hai, ông Hà Xuân Thắng – Nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu, người đã kí ba văn bản nói trên, xác nhận: “Chính tay tôi ký giấy cấp đất cho bà Tạ Thị Tương, việc cấp đất là cả một quá trình, là một sự kiện của huyện Kỳ Anh lúc bấy giờ, là một sự thật không thể chối cãi, tại sao các đoàn Thanh tra từ huyện đến tỉnh về chỉ mời mỗi bà Tương lên làm việc, chúng tôi là những người cấp đất còn sống sờ sờ ở đây nhưng đoàn Thanh tra không mời chúng tôi lên đối chiếu, đoàn Thanh tra của huyện và tỉnh làm việc theo kiểu “Cưỡi ngựa xem hoa” xác minh nguồn gốc sai sự thật”.

Như vậy, ông Thắng khẳng định chính tay ông đã ký cấp đất ở, đất quán và xác nhận việc bà Tương cho HTX Liên Châu mượn đất. Đây là cơ sở hết sức quan trọng để xác minh giấy tờ, nguồn gốc đất của bà Tạ Thị Tương, nhưng không hiểu vì sao đã bị các cơ quan chức năng bỏ qua một cách khó hiểu.

Thứ ba, việc xác định nguồn gốc một thửa đất nếu giấy tờ không có hoặc không đủ căn cứ thì phải xác minh qua các nhân chứng là cán bộ chính quyền, đoàn thể biết sự việc và những người hàng xóm láng giềng nắm được lịch sử thửa đất. Thế nhưng, các đoàn thanh tra của UBND huyện Kỳ Anh và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã bỏ qua khâu căn bản này.

Người trong cuộc nói gì?

Trong đơn kiến nghị tập thể của nguyên các cán bộ huyện Kỳ Anh và xã Kỳ Châu gồm: ông Nguyễn Đình Nhu – Nguyên Phó chủ tịch, quyền Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh; ông Nguyễn Tiến Hiều – Nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (hiện ở xã Kỳ Tân); ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch huyện Kỳ Anh; ông Nguyễn Văn Bính – Nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Kỳ Châu; ông Hà Xuân Thắng – Nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu; ông Trương Quốc Chương – Thư ký kế hoạch HTX Liên Châu, xã Kỳ Châu; ông Nguyễn Tiến Đính – Nguyên  cán bộ ruộng đất (địa chính) xã Kỳ Châu; ông Nguyễn Văn Thành – Nguyên Trạm trưởng – Công ty Vật tư cấp III Kỳ Anh gửi các ban ngành đoàn thể đều xác nhận sự việc cấp đất cho bà Tương như trong đơn khiếu nại là có thật.


Ông Hà Xuân Thắng – Nguyên Chủ tịch xã Kỳ Châu bức xúc trước 2 quyết định của huyện và tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Nhu xác nhận: “Tôi Nguyễn Đình Nhu, năm 1984, Quyền Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, chứng nhận năm 1984, huyện chủ trương mời anh Thửa, bà Tương về Kỳ Anh và giao cho xã Kỳ Châu cấp đất”.

Hiện nay ông Nhu đang sống khoẻ mạnh ở thành phố Hà Tĩnh, sẵn sàng làm chứng cho bà Tương bất kỳ lúc nào nếu các đoàn Thanh tra yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Bính– Nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Kỳ Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu – Nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Kỳ Anh trao đổi với phóng viên: “Việc bà Tương đi kiện là hoàn toàn đúng, lúc cấp đất cho bà Tương tôi là Bí thư Đảng uỷ xã Kỳ Châu là nhân chứng cấp đất cho bà Tương nhưng tại sao các đoàn Thanh tra về xác minh nguồn gốc đất của bà Tương ở đâu đâu rồi đưa ra quyết định chứ không về xác minh tại gốc, không có một ai đến gặp tôi, hoặc mời tôi đến làm việc để tôi chứng minh cho các cán bộ điều tra biết về nguồn gốc đất của bà Tương một cách rõ ràng, cụ thể. Tôi mong rằng sẽ có những cán bộ liêm khiết, công tâm vào cuộc sớm để trả lại đất cho bà Tương”.                                             

Quyết định số 2814/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh viết về nguồn gốc thửa đất: “Năm 1987, HTX Liên Hoa xây dựng cửa hàng bán vật tư phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến năm 1989, HTX Liên Hoa đã bán lại toàn bộ khu vực nhà kho cho Công ty Vật tư nông nghiệp cấp III Kỳ Anh (nay là trạm Vật tư nông nghiệp Kỳ Anh thuộc Công ty cổ phần Vật  tư nông nghiệp Hà Tĩnh). Trong quá trình sử dụng đất (năm 1992), Công ty Vật tư nông nghiệp Hà Tĩnh nhượng bán cho ông Nguyễn Huy Cổn”.

Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Thành – Nguyên cán bộ Công ty Vật tư nông nghiệp cấp III Kỳ Anh, kiêm Trạm trưởng nói: “Lúc bấy giờ Công ty Vật tư nông nghiệp cấp III Kỳ Anh chỉ bán cho anh Nguyễn Huy Cổn toàn bộ tài sản trên đất chứ Công ty và huyện Kỳ Anh không có quyền cấp đất cho anh Cổn, vì đất Công ty đang sử dụng là đang mượn của bà Tạ Thị Tương”.

Như vậy, đằng sau vụ khiếu kiện kéo dài đòi quyền sử dụng đất của bà Tạ Thị Tương còn nhiều điều mâu thuẫn, chưa rõ ràng, chưa được giải quyết thấu tình đạt lý.


Các nhân chứng sống gồm ông Nguyễn Tiến Hiều, Nguyễn Văn Bính, Nguyễn Văn Thắng, Hà Xuân Thắng, Nguyễn Văn Thành…
Có hai khả năng xẩy ra: Thứ nhất, nếu bà Tạ Thị Tương giả mạo giấy tờ để đòi đất, thì hành vi này cần được đấu tranh làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Thứ hai, nếu sự việc đúng như bà Tương trình bày và các nhân chứng xác nhận, thì phải trả lại quyền sử dụng đất hợp pháp cho bà Tương và xử lý các cán bộ cố tình làm sai sự thật, gây thiệt thòi quyền lợi chính đáng của công dân.

Việc xác định giấy tờ giả mạo hay xác minh nguồn gốc thửa đất là một việc không mấy khó khăn trong điều kiện hiện tại, thế nhưng các cơ quan ban ngành của UBND huyện Kỳ Anh và UBND tỉnh Hà Tĩnh để sự việc dây dưa kéo dài khiến dư luận đặt câu hỏi về những điều khuất tất phía sau. 

Tamnhin.net sẽ tiếp tục thông tin về sự việc. 
                                                                                             Trần Quang Đại

Tổng số lượt xem trang