Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Nói và làm: Trên bảo, dưới… lung tung

Nói và làm: Trên bảo, dưới… lung tung
(VEF.VN) - Cắt giảm đầu tư công được coi là một gọng kìm giúp kiềm chế lạm phát. Nhưng mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, song theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2011 rất ít địa phương làm được điều này. Chi tiêu công ở nhiều tỉnh còn vượt xa năm trước.
Chính phủ vừa kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 5/2011 với những khẳng định mạnh mẽ về việc tiếp tục tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết 11 về kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, theo hướng kiềm chế lạm phát cả năm ở khoảng 15%, tăng trưởng kinh tế đạt 6%.
Tại cuộc họp này, một lần nữa, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi và cắt giảm đầu tư công, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho những công trình cấp bách thiết yếu về an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, an ninh quốc phòng, đảm bảo vốn cho sản xuất nông nghiệp và các công trình điện.
Trong các chính sách phòng chống lạm phát và ổn định vĩ mô thì tài khóa và tiền tệ luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nó được xem như là hai gọng kìm để có thể thực hiện kiềm chế lạm phát một cách thành công nhanh chóng và phát huy hiệu quả dài hạn. Trong đó, nếu tiền tệ được xem là phương thuốc cấp cứu với liều dùng có thể gây sốc nhưng mang lại hiệu ứng nhanh thì tài khóa được xem là một biện pháp điều trị mang lại sự tích cực trong dài hạn.
Thậm chí, trong tình hình của Việt Nam, với mô hình phát triển dựa nhiều vào đầu tư mà nhất là đầu tư không nhưng đầu tư lại có hiệu quả thấp, bội chi ngân sách lớn, nợ quốc gia tăng... thì cắt giảm đầu tư còn được kỳ vọng là một biện pháp tạo ra sự chuyển biến lớn trong đầu tư phát triển, mở đầu cho việc tái cơ cấu nền kinh tế. Thực hiện yêu cầu của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp đã có rà soát bước đầu với con số đề xuất cắt giảm lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo về việc giảm đầu tư công, song theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm tháng đầu năm 2011 rất ít địa phương làm được điều này. Chi tiêu công ở nhiều tỉnh còn vượt xa năm trước. Cụ thể, khối lượng vốn đầu tư thực hiện của Hà Nội đến hết tháng 5-2011 lên tới 6.096 tỉ đồng, bằng 30,4% kế hoạch năm, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, Hà Nội theo kế hoạch ban đầu khoảng 16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế và kiềm chế lạm phát, Hà Nội đã thực hiện rà soát, sắp xếp lại đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách, kết quả đã dừng triển khai, đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm kế hoạch vốn của 253 dự án với tổng số vốn cắt giảm hơn 825 tỉ đồng. Cần Thơ là một trong những địa phương sử dụng vốn ngân sách nhà nước lớn trong năm tháng đầu năm 2011 với 1.557 tỉ đồng, tăng gần 32% so với cùng kỳ 2010. Còn Hậu Giang, năm tháng qua tỉnh đã thực hiện vốn xây dựng cơ bản tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, những con số mới đây về đợt cắt giảm đầu tư công 2008 cho thấy, hiệu quả cắt giảm đầu tư công là không hiệu quả. Mặc dù, năm 2008, Chính phủ kiên quyết cắt giảm, giãn hoãn dự án chậm tiến độ, thiếu hiệu quả, dừng dự án khởi công mới. Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) đã báo cáo có 3.100 dự án kiến nghị cắt, tương đương 37.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, việc thanh, kiểm tra dự án sau khi được cắt giảm, được tiếp tục khởi công đã không được làm rốt ráo. Kết quả là năm 2008 là năm chi ngân sách nhà nước vượt dự toán 13,5%  (tương đương 54.000 tỉ đồng), chi đầu tư phát triển vượt dự toán 20% (gần 120.000 tỉ đồng).
Chính vì thế, khi nói về cắt giảm đầu tư công 2011, nhiều chuyên gia đã nhắc lại, chúng ta đã có bài học đắt giá năm 2008 là việc cắt giảm đầu tư công nhưng chi đầu tư phát triển, chi ngân sách nhà nước vượt dự toán. Điều đó chứng tỏ giữa đề xuất, kiến nghị cắt giảm đến khi thực hiện chưa tốt, chưa hiệu quả. Lần này, Chính phủ rất quyết liệt trong rà soát, cắt giảm, đặc biệt dừng khởi công mới dự án. Tuy nhiên, để tránh lặp lại như 2008, cần phải có những hành động cụ thể và quyết liệt hơn. Không thể chỉ trông chờ vào đề xuất từ dưới lên mà cần phải có sự chỉ đạo, điều phối mạnh từ Chính phủ, phải cương quyết cắt giảm từ trên xuống.
Ngoài ra, để đảm bảo tính công khai, minh bạch cần xây dựng một khung tiêu chí rà soát, cắt giảm. Khung này đặt trong lợi ích tổng thể của nền kinh tế chứ không phải lợi ích của một nhóm, một chương trình mục tiêu nào. Trên thực tế, việc dừng dự án, giãn hoãn chắc chắn gây ra khó khăn cho chủ đầu tư các dự án đó, nhưng đã đặt mục tiêu chống lạm phát lên hàng đầu cần phải có sự quyết tâm cao. Thậm chí, phải chấp nhận hy sinh để phục vụ mục tiêu đó cho cả nền kinh tế. Có như thế, mục tiêu chống lạm phát và ổn định vĩ mô mới có hiệu quả lâu dài và chiều sâu và có như thế, mong muốn tái cơ cấu nền kinh tế mới được bắt đầu một cách thực chất và hiệu quả.
 

Tổng số lượt xem trang