Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Đời sống khó khăn, công nhân thi nhau nghỉ việc

-Đời sống khó khăn, công nhân thi nhau nghỉ việc VnEconomy -
Lương thấp trong khi giá cả tăng cao đã khiến không ít công nhân tự ý nghỉ việc để tìm công việc khác có thu nhập cao hơn Mới đây, tại hội nghị các cán bộ chủ chốt năm 2011 của Công đoàn Đường sắt Việt Nam, một thực trạng đã được cán bộ công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp ngành đường sắt đưa ra bàn thảo, đó là việc công nhân trong ngành đơn phương chấm dứt hợp đồng ngày càng tăng.

Ông Phạm Đức Thuận, Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết, số lượng cán bộ công nhân viên toàn ngành hiện chưa đến 42.000 người. So với năm 2008, số lượng này đã giảm gần 2.000 người.

Nguyên nhân được các cán bộ công đoàn nhìn nhận là do giá cả tăng cao, trong khi thu nhập của công nhân quá thấp, không thể đảm bảo được cuộc sống vốn đã hết sức eo hẹp.

Điều đáng quan ngại là, theo các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, thực trạng trên đang không chỉ diễn ra ở riêng ngành đường sắt.

Từ đầu năm 2011, do giá cả tăng cao, tiền lương không thể trang trải được cuộc sống hàng ngày, nhiều công nhân nhiều doanh nghiệp, nhà máy buộc phải nộp đơn xin nghỉ việc để tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn ở một doanh nghiệp khác, hoặc đi tìm việc tự do.

Theo báo cáo của Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp.HCM (HEPZA), chỉ trong 5 tháng đầu năm 2011, đã có đến 30.000 lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố "nhảy việc" (người lao động tự ý bỏ việc, hoặc chuyển từ công ty này sang công ty khác), gây khó khăn cho doanh nghiệp vì sản xuất không ổn định và phải đào tạo lại người lao động khi tuyển lao động mới.

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Tp.HCM cho rằng, thu nhập của người lao động tại các khu công nghiệp chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng người lao động tự ý nghỉ việc hoặc chuyển từ công ty này sang công ty khác nói trên.

Tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, chị Hứa Thị Thanh, một công nhân làm việc trong công ty liên doanh, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, dây cáp của Nhật Bản nói với VnEconomy: "Trong thời buổi giá cả đắt đỏ, cuộc sống khó khăn, chỉ cần thấy làm việc gì mà có thể chênh lệch được vài trăm nghìn so với công việc hiện tại  là chúng tôi đã phải suy nghĩ".

Theo chị Thanh, với thu nhập chưa đến 2 triệu đồng/tháng ở thời điểm này, nhiều công nhân tại khu xóm trọ của chị đã quyết định nghỉ việc về quê. Bản thân chị cũng đang cân nhắc việc nộp đơn xin vào làm việc cho nhà máy của Panasonic, khi thấy doanh nghiệp này dán thông báo tuyển dụng với mức thu nhập cao hơn doanh nghiệp chị đang làm là 300 nghìn đồng.

Anh Nguyễn Tiến Dũng, một công nhân sau khi đã nộp đơn xin nghỉ việc tại Yamaha cho biết, từ đầu năm 2011, đã có nhiều công nhân nộp đơn xin nghỉ việc tại nhà máy này. Lý do nghỉ việc, theo anh Dũng, là do thu nhập thấp. Lương công nhân lắp ráp linh kiện ở doanh nghiệp này chỉ ở mức 1.650.000 đồng đến 2.000.000 đồng, rất khó khăn để người lao động có thể trang trải cuộc sống.

Tìm hiểu về vấn đề này, một nguồn tin của VnEconomy cũng cho biết, tình trạng các hãng sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước khan hàng, ngoài khó khăn trong nhập khẩu linh kiện thì thiếu nhân công cũng là một trong những nguyên nhân chính.

“Khác với khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009, khi nhiều hãng sản xuất ô tô, xe máy tên tuổi trên thế giới phải cắt giảm sản xuất, cắt giảm nhân công, thì năm nay đang có sự đổi chiều. Có nhiều công nhân tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã tự ý xin nghỉ việc vì lương quá thấp, không đủ sống trong thời bão giá”, nguồn tin này nói.

Tổng số lượt xem trang