Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

Quan hệ Việt - Trung nhìn từ góc độ thương mại

  -Một là lười tư duy, lười tìm tòi, nắm bắt nhu cầu thị trường.

Hai là yếu kém về năng lực khoa học kỹ thuật.

Ba là nếu làm được, “lèn” dân ta cho bằng thích, bằng giá cao ngất ngư.


Bởi ba lí do đó, có thể nói chúng ta đã thả nổi toàn diện thị trường hàng tiêu dùng cho Trung quốc.

Quan hệ Việt - Trung nhìn từ góc độ thương mại (Tamnhin.net) -
(Tamnhin.net) - Để tạo tư thế tốt, cơ thể kinh tế phải khỏe mạnh. Chưa mạnh phải biết tự cường. Có tự cường tốt mới có thể tự chủ trước những biến thiên của hoàn cảnh lịch sử, nhất là trong quan hệ Việt - Trung.
Trong chiến tranh, chỉ cần ba yếu tố: lực lượng thích hợp, tướng giỏi, chọn thời cơ tốt là dễ dành thắng lợi.

Trong thời bình, chữ “thắng” có nội hàm rộng lớn hơn nhiều. Cho nên, muốn thắng phải chú ý đến nhiều vấn đề hơn.

Ví như, giữ được cái tình thế dù chưa mạnh nhưng ổn định, tịnh tiến từng bước trước những sóng gió thời đại, những xung động có thể ảnh hưởng đến mình, cũng là “thắng”.

Nếu có xung động, buộc phía đối kháng phải thấy họ muốn thắng mình không dễ, đó cũng là “thắng”.

Để có được tư thế đó, ngoài những sứ mệnh lớn lao, nguyên tắc như giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo thì việc phải nâng cao sức mạnh đến mức phải có, đủ để đáp ứng quan điểm trên đây là cách tốt nhất.

Thương mai, hy sinh hay thúc thủ?

Xin bàn về vấn đề này bằng góc độ thương mại.

Ở một số nước phương Tây như Cộng hòa Séc, Thụy Điển, người ta phải khuyến khích công dân sinh đẻ để tạo cầu cho nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện “thành công vượt dự kiến” chủ trương sinh đẻ kế hoạch, tiến tới việc chủ nghĩa độc thân hoành hành, dân số ngày càng “co” lại.

Để tạo được một mãi lực quốc nội, với những nước dân số đông, cái lợi cho kinh tế cao hơn xuất khẩu rất nhiều. Ai đã làm xuất khẩu đều “thấm” điều đó. Hãy nhìn lại vụ cá basa hay giày da xuất sang châu Âu của ta thì rõ.

Việt Nam, với gần 100 triệu dân, những người sẵn sàng hô khẩu hiệu khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam đa số cũng là những người sẵn sàng mua hàng Trung Quốc khi đi chợ.

Hãy quan sát một số liệu:

Buôn bán với Trung Quốc chiếm khoảng 14,07% tổng kim ngạch ngoại thương của Việt Nam, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 0,78% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc. Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thu về được 7,3 tỷ USD, nhưng  nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về trị giá 20,02 tỷ USD,

Dễ thấy rằng, chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn, một năm tới 13 tỉ USD!

Đó là một vấn đề lớn.

Điều đau đáu là trong số 13 tỉ kia, chỉ cần tính đại thể đã có 60% là hàng tiêu dùng nằm trong dạng TA CÓ THỂ SẢN XUẤT ĐƯỢC, thì mỗi năm ta đã “tiễn” 7 tỉ USD ra khỏi biên giới phía Bắc. Có thể nói, trên thị trường Việt Nam, có “thượng vàng” là hàng công nghiệp cao cấp như máy vi tính, ô tô, tàu thủy Trung Quốc đến “hạ cám” là rau củ, trái cây, thậm chí là…rác (lòng, phụ phẩm từ heo, bò) .

Tại Cà Mau, điểm xa biên giới Trung Quốc nhất cũng có bán loại đồ chơi bằng nhựa của nước này, loại dùng chưa được một tuần là bỏ; và cả… trứng gia cầm của Trung Quốc!

Tình hình này không phải xảy ra kiểu bột phát do hoàn cảnh và trong một thời gian ngắn, mà nó kéo dài vài chục năm nay, khoảng thời gian từ khi em bé vừa sinh ra đến lúc có thể… ứng cử đại biểu Quốc Hội!

Như thế là gì:

Thúc thủ hay hy sinh?

Khó có câu trả lời thứ ba.

Một là thua trắng, nhường hẳn “sân” sản xuất hàng tiêu dùng cấp thấp quốc nội cho Trung Quốc, cho hàng ngoại.

Hai là cắn răng nhập siêu truyền thống, chấp nhận hy sinh tiềm năng từ khối nhân lực bằng hơn mười nước Lào cộng lại, cho họ!

Để minh chứng cho quan điểm này, hãy nhìn thử vào 2 mặt hàng cụ thể, hai thứ mà vài chục năm nay đã “vét” hàng tỷ USD của ta:

Thứ nhất, đồ chơi trẻ em (miễn bình luận).

Thứ hai là ô tô.

Những ai biết về ô tô Việt Nam đều biết rằng với ngành này chúng ta chỉ là “vương quốc lắp ráp” sau gần hai chục năm tiếp cận, hai chục năm hợp tác, hai chục năm “chuyển giao công nghệ”.

Trong mỗi cái ô tô “made in Viet Nam” cho đến thời điểm 2009, kể cả những gì ta can dự thực sự được, kể cả lợi nhuận dành cho Việt Nam, không quá 20% là một thực tế.

Khi ấy, người Trung Quốc có mặt.

Họ lập tức “đọc” chính xác thị trường của ta, họ “ra đòn” bằng cách đưa sang thị trường những chiếc xe thích hợp như loại xe Ben 5 tấn giá chỉ dưới 200 triệu (2008), trong khi một chiếc xe Nhật Bản đã dùng vài năm vẫn đắt gấp đôi.

Họ thắng.

Ở miền Bắc, chủng xe phục vụ đời sống, tầm trung và nhỏ, phải có tỷ lệ hơn 60% là hàng Trung Quốc. Nhiều dự án công nghiệp, san lấp toàn xe Trung Quốc hoạt động. Hơn 60% xe buýt hiện nay là xe Trung Quốc hoặc cơ cấu căn bản là của Trung Quốc do ta lắp ráp.

Đó, có phải chăng, xuất phát từ nhiều năm mất nước, giặc giã triền miên nên dân ta đặc biệt nhạy cảm với việc chủ quyền bị xâm phạm, dù là một động thái nhỏ nhất, nhưng lại rất hay… quên những điều ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề đến nồi cơm từng nhà, đến tương lai từng người.

Nếu tình hình này kéo dài, cái biên độ quái ác về chủng loại, số lượng, giá trị của hàng Trung Quốc trên thị trường Việt Nam cứ thế này, cứ tăng lên, cứ là con số gần chục tỷ USD hàng năm thì kể cả khi biên giới được vẹn toàn, quan hệ “xem như” tốt đẹp, liệu có ý nghĩa gì?

Câu chuyện từ cái chân máy quay phim

Trong nội dung một bài báo, chúng tôi không thể nêu nhiều vấn đề. Nay chỉ xin khai mở thêm ý nghĩa trên bằng vài hình ảnh minh họa.

Cuối tháng 5 vừa qua, tôi ra chợ Huỳnh Thúc Kháng ở TP.HCM mua một cái chân máy ảnh (trên ảnh đầu bài) đem về, khảo sát ý kiến cả nhà với tầm giá giả định từ 300.000 - 500.000 - 1 triệu đồng thì đa số đoán là 500.000 đồng.

Tôi trao cái máy này vào tận tay một nhà sản xuất đồ gia dụng đang có mặt, nói: Nếu tôi đặt hàng với số lượng lớn, với giá 300.000 đồng, anh làm được không?

Vị này cầm cái chân máy ảnh, xem xét kỹ rồi lắc đầu: chịu, với giá đó không thể làm được.

Tôi phải lấy hóa đơn ra: cái chân máy được bán lẻ với giá 200.000 đồng Việt Nam.

Giá này bằng 6 tô phở bình dân trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình.

Cuối cùng, tôi đem cái chân máy đến gặp một kỹ sư cơ khí. Vị này xem xét kỹ và phát biểu: làm được. Nếu cố gắng, sáng tạo thì làm được.

Cần phải thấy rằng, cái chân máy này bán ở Sài Gòn giá đó thì tại Trung Quốc có lẽ chỉ tới 100.000 đồng.

Viết đến đây, tôi nhớ lại có thời ta cấm quyết liệt thuốc lá ngoại; sau đó, vài “mác” thuốc lá nội có chất lượng tương đương hoặc kém một chút ra đời nhưng bán với giá… trên trời, còn đắt hơn cả thuốc ngoại.

Trở lại chuyện cái chân máy ảnh, ba điều được rút ra:

Một là lười tư duy, lười tìm tòi, nắm bắt nhu cầu thị trường.


Hiện nay, ta dùng bao nhiêu máy tính có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đáng kể hơn là từ hộp đồ vệ sinh laptop đến cục pin lắp vào máy ảnh Nhật đều do Trung Quốc sản xuất. Điều đó phản ảnh cái họ dư, ta thiếu là tính nhạy bén khi nắm bắt nhu cầu, định hướng sản xuất (ở ta có công nghệ, nhà máy sản xuất pin từ 50 năm nay nhưng hình như… không quan tâm đến thị trường này).

Hai là yếu kém về năng lực khoa học kỹ thuật.

Ba là nếu làm được, “lèn” dân ta cho bằng thích, bằng giá cao ngất ngư.

Bởi ba lí do đó, có thể nói chúng ta đã thả nổi toàn diện thị trường hàng tiêu dùng cho Trung quốc.

Đó, rất rõ ràng, với quỹ thời gian hơn hai chục năm sau khi đất nước đổi mới, tính tự cường ngày càng thu hẹp lại, lùn bớt đi và thay vào đó bằng tư thế thúc thủ, hy sinh. Trước hết là hy sinh thị trường, một rường cột của bất cứ nền kinh tế quốc gia nào. Nhưng có một điều mà ta còn giữ được đó là lòng dân, tinh thân dân tộc và lòng yêu nước vẫn còn và hằn sâu trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam và chắc rằng không một ai quên được lịch sử hào hùng chống giặc ngoại sâm của cha ông ta.

Vào những ngày này, khi mà toàn dân ta chung nỗi quan ngại về những đợt sóng lừng ngoài biển Đông, xin được sẻ chia đôi dòng về những đợt sóng ngầm triền miên bấy lâu nay trên mặt trận kinh tế, để cùng suy ngẫm. Và với thời nay nhân dân ta cần nhìn thấy nhiệm vụ trọng đại của mình đó là người yêu nước hãy nói và làm và thực hiện bằng được ngay tư trong tư tưởng "Người Việt Nam xin hãy dùng hàng Việt Nam" đó là việc cần làm ngay của tất cả chúng ta.

Nguyễn Huy Cường

Tổng số lượt xem trang