Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

TQ ngang nhiên đưa tàu 3.000 tấn ra Biển Đông


-TQ ngang nhiên đưa tàu 3.000 tấn ra Biển Đông
Cập nhật : 11:02 | 11/05/2015

Tân Hoa xã ngày 10/5 đưa tin, để thực hiện cái gọi là những bước đột phá lớn nhất trong nghiên cứu biển sâu, TQ đã đưa tàu Đông Phương Hồng số 2 - con tàu khảo sát biển từ Thanh Đảo ra Biển Đông.

Tàu này sẽ hoạt động trong 2 tháng với nhiệm vụ gọi là khảo sát khoa học. Đông Phương Hồng 2 được coi là một trong những tàu nghiên cứu khảo sát hiện đại nhất, có trọng lượng rẽ nước hơn 3.000 tấn, chính thức đưa vào sử dụng năm 1996.

Tàu tổng cộng có 15 phòng thí nghiệm, phân tích đồng thời các dữ liệu đa ngành từ hải dương học, môi trường, hóa học, sinh vật, địa chất, địa lý biển...

Quá trình phân tích, nghiên cứu nhằm làm rõ quá trình phát triển của Biển Đông cũng như nguồn tài nguyên tự nhiên trong vùng biển. Tham gia khảo sát có 70 chuyên gia khoa học đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học.




Để tăng cường nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia TQ năm 2011 đã đưa ra chương trình mang tên "Kế hoạch Biển Đông" kéo dài 8 năm với số vốn đầu tư 190 triệu nhân dân tệ. Kể từ khi chương trình bắt đầu, TQ đã thực hiện tổng cộng hơn 50 chuyến khảo sát khoa học.

Bất chấp sự phản đối của khu vực, TQ vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông kể cả các ranh giới lượn sát bờ biển nước khác và ngày càng có nhiều động thái gây hấn để củng cố yêu sách chủ quyền này.


Thái An (theo THX)

Lật tẩy chiến lược dài hạn của TQ ở Biển Đông
-Tàu khảo sát địa chấn trên biển Đông: Liên tục bị quấy rối (tt 01/06)
* Phải ngăn chặn sự xâm lấn biển Đông
* “Góp đá xây Trường Sa” đã nhận được 437 triệu đồng đóng góp của bạn đọc
TT - Chiều 31-5, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết trong những ngày qua tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc chủ quyền Việt Nam có một số tàu quấy rối một tàu khảo sát địa chấn khác của Việt Nam.

Sơ đồ tọa độ tàu Viking 2 đang khảo sát địa chấn trên vùng biển của Việt Nam và bị tàu lạ quấy rối sáng 31-5 - Ảnh: Eidesvik - Đồ họa: Tuổi Trẻ


Khoảng 7g15-8g30 ngày 31-5, tàu Viking 2 đang khảo sát địa chấn ở tọa độ 8024'8'' N - 108052'5'' E thì xuất hiện hai tàu quấy rối. Mặc dù tàu Viking 2 đã gọi hỏi (bằng tiếng Việt và tiếng Anh) nhưng hai tàu này không trả lời.
PTSC xác nhận
Chiều 31-5, ông Nguyễn Hùng Dũng, tổng giám đốc PTSC, đơn vị thành viên của PVN, xác nhận với Tuổi Trẻ trong những ngày qua tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc chủ quyền Việt Nam có một số tàu quấy rối một tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam.
Cũng theo nguồn tin này, tàu thứ nhất cách tàu Viking 2 gần 8 hải lý, chạy với tốc độ hơn 13 hải lý/giờ và có xu hướng chạy cắt qua phao đuôi tàu Viking 2. Tàu bảo vệ Vạn Hoa 731 đã áp sát, ngăn cản và chụp được tên tàu này là FEI SHENG No. 16.
Tàu thứ hai cũng cách tàu Viking 2 hơn 8 hải lý, chạy với tốc độ hơn 11 hải lý/giờ, cùng hướng với tàu thứ nhất nhưng đi phía sau. Ngay lúc này, tàu bảo vệ Vạn Hoa 740 đã áp sát, ngăn cản. Qua quan sát không thấy tên tàu thứ hai, chỉ thấy số hiệu BI 2549.
Trước đó, khoảng 21g-23g ngày 29-5, một tàu khác đã cố tình quấy rối, chạy vào khu vực tàu Viking 2 đang khảo sát địa chấn. Tàu này đã chạy vào phao đuôi của Viking 2 khi tàu đang thực hiện thu nổ khảo sát địa chấn. Khi sự việc xảy ra, tàu Viking 2 đã điều tàu bảo vệ áp sát tàu quấy rối và yêu cầu chuyển hướng (bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh) nhưng họ không trả lời.
Do đó, tàu Viking 2 tiếp tục điều thêm một tàu bảo vệ khác tới để ép không cho tàu này vào khu vực đang khảo sát. Lúc này, tàu quấy rối tăng tốc dần dần từ 7 hải lý đến 11 hải lý lên phía trước tàu Viking 2, buộc hai tàu bảo vệ và tàu Viking 2 phải bắn pháo hiệu cảnh báo. Khi tàu Viking 2 đã thu nổ xong và quay đầu thì tàu quấy rối cũng quay đầu rời đi.
Đến khoảng 23g ngày 29-5, tàu này chạy ra khỏi khu vực khảo sát và neo lại cách tàu Viking 2 khoảng 6 hải lý về hướng đông nam. Vì tàu quấy rối bật đèn quá sáng nên tàu bảo vệ không thể nhìn được tên, số hiệu tàu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tàu Viking 2 (treo cờ Na Uy) là tàu khảo sát địa chấn 3D do liên doanh CGG Veritas (Pháp) được Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thuê. Trước đó ngày 19-4, PTSC và CGG Veritas đã ký hợp đồng thành lập liên doanh khai thác tàu khảo sát địa chấn 2D& 3D để cùng tìm kiếm, thăm dò dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.
Tàu Viking 2 đang thực hiện thu nổ, khảo sát địa chấn cho IDEMITSU (Nhật), hãng có ký hợp đồng khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) tại lô 05-1D. Vùng biển tàu Viking 2 đang khảo sát nằm gần mỏ Đại Hùng, cách Vũng Tàu khoảng 270km.
Sự việc trên đã được PTSC báo cáo PVN. Hiện tàu Viking 2 đang làm việc bình thường.

Ông Lê Trí Thành bên bản đồ thể hiện vùng biển chủ quyền của Việt Nam thuộc quyền tài phán của Việt Nam - Ảnh: Đông Hà


Ông LÊ TRÍ THÀNH (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ khảo sát và công trình ngầm - PTSC G&S):
Quyền tài phán đến đâu, thực hiện công việc đến đó
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Trí Thành cho biết PTSC G&S được thành lập ngày 9-9-2010 với nhiệm vụ, chức năng chính là khảo sát địa chấn, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa vật lý, khảo sát và làm các công trình ngầm... Đây là đơn vị thực hiện công đoạn đầu tiên của quá trình thăm dò, khai thác dầu khí. Trong quá trình hoạt động của mình, PTSC G&S sẽ khảo sát ở những vùng biển chưa có bản đồ địa chất để từ đó hoàn thành hệ thống bản đồ địa chất của thềm lục địa Việt Nam.
Sau khi hoàn thành khảo sát tại vùng biển thềm lục địa miền Trung, tàu Bình Minh 02 sẽ tiếp tục làm việc tại vịnh Bắc bộ và bồn trũng Cửu Long. “Chúng tôi hoàn toàn chủ động và tự tin để thực hiện công việc, bởi chúng tôi làm việc trên vùng biển chủ quyền của đất nước theo công ước quốc tế. Toàn thể cán bộ, công nhân của công ty đều nhận thức và ý thức rõ ràng việc làm đúng đắn của mình. Chủ quyền biển, thềm lục địa của Việt Nam đến đâu, quyền tài phán của Việt Nam đến đâu chúng tôi sẽ thực hiện khảo sát địa chấn đến đó” - ông Thành nhấn mạnh.
ĐÔNG HÀ
Tàu cá Trung Quốc rất ngoan cố
Vừa trở về sau chuyến tuần tra dài ngày trên biển, trung tá Hoàng Ngọc Quỳnh, hải đội trưởng Hải đội 2 (Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng), cho biết từ đầu năm 2011 đến nay rất nhiều tàu cá của ngư dân Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Ông Quỳnh nói:
Nhiều tàu cá Trung Quốc rất ngoan cố xâm phạm vùng lãnh hải Việt Nam khi đi vào vùng biển chỉ cách bờ biển Đà Nẵng 25-30 hải lý. Tại các vùng biển như gần đảo Cồn Cỏ cũng thường xuyên xuất hiện tàu cá Trung Quốc xâm phạm. Các tàu cá này có công suất lớn và thường đi từng đoàn, có khi lên đến 60 chiếc. Tại các vùng có tàu cá Trung Quốc xuất hiện, tàu của ngư dân Việt Nam khó khai thác hoặc khó đi ngang qua. Nếu tàu cá của ta đi vào, họ sẵn sàng lao vào gây hấn.
Để không làm phức tạp thêm tình hình trên biển, khi phát hiện chúng tôi chỉ việc xua đuổi. Tuy nhiên, có nhiều tàu cá ngoan cố buộc chúng tôi phải bắt giữ, nhưng sau đó cũng tiến hành phóng thích ngay trên biển. Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã xua đuổi cả trăm lượt tàu cá xâm phạm lãnh hải. Riêng từ ngày 15 đến 26-4 chúng tôi đã xua đuổi hơn mấy chục tàu.
Việc xua đuổi tàu cá Trung Quốc vi phạm hiện gặp không ít khó khăn. Khi thấy chúng ta xuất hiện thì các tàu của họ thông báo cho nhau bỏ chạy. Chúng ta đuổi họ ra khỏi vùng biển nhưng đến đêm tối hay khi mình quay đi là cả chục tàu họ quay lại vùng biển đó. Ngoài ra trong thời gian vừa qua chúng tôi đi tuần còn phát hiện những thủ đoạn mới của tàu cá Trung Quốc nhằm cản trở lực lượng tuần tra.
Khi phát hiện tàu biên phòng truy đuổi phía sau, tàu cá này thả chướng ngại vật xuống biển, tàu tuần tra nếu không thận trọng lách kịp thì bị hỏng chân vịt ngay. Các tàu cá này thường trang bị nhiều vật sắc nhọn tại mũi và đuôi tàu nên khi chúng ta tiếp cận rất dễ xảy ra hư hỏng tàu. Còn khi bắt giữ thì các tàu này “đánh” chết máy nằm lì trên biển cũng gây khó khăn cho lực lượng tuần tra trong việc xử lý.
HỮU KHÁ ghi
Ngư dân lại bị Trung Quốc thu tài sản
Chiều 31-5, ông Lê Túc (44 tuổi, ở thôn Tây, xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu cá vừa từ Hoàng Sa về Lý Sơn, cho hay có thêm một tàu cá của Lý Sơn vừa bị Trung Quốc bắt giữ, thu tài sản. Đó là tàu của anh Huỳnh Công Nhiệm (29 tuổi) ở thôn Đông, xã An Hải, trên tàu có hơn 10 ngư dân. Theo lời ông Túc, sự việc xảy ra ngày 15-5, khi tàu cá này đang đánh bắt hải sản trên biển thuộc quần đảo Hoàng Sa. Như vậy trong tháng 5 đã có tổng cộng bốn tàu Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ, thu tài sản. Theo ông Túc, sau khi bị thu hết tài sản, anh Nhiệm đã mượn bạn nghề ngư cụ, trang thiết bị, nhiên liệu... để tiếp tục khai thác hải sản và sắp trở về Lý Sơn.
TRÀ GIANG

-Trung Quốc muốn nắn gân các nước ASEAN (tt 01/06)
TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Leszek Buszynski thuộc Trường Nghiên cứu chiến lược quốc tế và chính trị ĐH ANU châu Á - Thái Bình Dương (Úc) nhận định vụ tàu hải giám Trung Quốc tấn công tàu Bình Minh 02 là một phần trong chiến dịch leo thang quấy rối của Trung Quốc, nhắm vào các quốc gia ASEAN.

Tàu hải quân Việt Nam (phải) truy đuổi hai tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép thềm lục địa phía Nam ngày 27-6-2009 - Ảnh: Lê Đức Dục


GS Leszek Buszynski nói: “Trước đó, tàu Trung Quốc đã nhiều lần quấy rối ngư dân Việt Nam. Gần đây, phía Trung Quốc cũng gây hấn với tàu khảo sát dầu khí Philippines và lực lượng tuần duyên Indonesia va chạm với tàu Trung Quốc ở gần quần đảo Natura. Rõ ràng Trung Quốc đang gia tăng các hành vi quấy rối để nắn gân không chỉ Việt Nam mà cả các nước ASEAN nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền của họ. Hành vi tấn công tàu Bình Minh 02 là một diễn biến đáng lo ngại và nhiều khả năng những sự kiện như vậy sẽ còn tiếp tục xảy ra”.
Phân tích kỹ thêm hành động của Trung Quốc, GS Leszek Buszynski nói: “Để đối phó với hành vi gây hấn của Trung Quốc, theo tôi, Việt Nam cần đưa vấn đề này ra ASEAN, đặc biệt là với Philippines và Indonesia. ASEAN cần phải thể hiện sự thống nhất trong vấn đề này và nếu ASEAN mạnh mẽ lên tiếng phản ứng lại chiến dịch leo thang quấy rối của Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ buộc phải lắng nghe”.
Biển Đông sẽ nóng ở Đối thoại Shangri-La
An ninh trên biển Đông sẽ là một trong những chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 10, Hội nghị cấp cao an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 5-6. Theo báo Singapore Today Online, phái đoàn quan chức quốc phòng cấp cao 28 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La. Đối thoại Shangri-La được xem là cơ hội để các nước tăng cường sự minh bạch trong chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân đội. Chủ đề thảo luận bao hàm từ các thách thức an ninh đang nổi lên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho tới sự hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc.
Báo Financial Times bình luận sau vụ tàu hải giám Trung Quốc quấy rối tàu Việt Nam trên biển Đông, an ninh biển Đông sẽ là một chủ đề nóng tại Đối thoại
Shangri-La. Trên thực tế, trong những năm qua, cách hành xử của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp luôn là chủ đề gây chú ý tại Đối thoại Shangri-La. Trước vụ tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam, chính quyền Philippines cũng đã lên tiếng cáo buộc tàu và máy bay Trung Quốc quấy rối tàu Philippines.
Philippines sẽ đưa vấn đề biển Đông đến Brunei
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết ông sẽ đưa các vấn đề tranh chấp ở biển Đông bàn thảo với quốc vương Brunei Sultan Hassanal Bolkiah trong chuyến viếng thăm chính thức hai ngày 2 và 3-6 tới vương quốc này. Tổng thống Aquino cho biết ông sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Brunei trong vấn đề về các vùng bị tranh chấp trên khu vực biển Đông. “Chúng tôi có các vấn đề chung như vấn đề ở biển Đông và chúng tôi cần đạt đến sự nhất trí, đồng lòng cũng như cần có vai trò chủ chốt trong các nước ASEAN. Đó sẽ là phương pháp chúng tôi giải quyết vấn đề biển Đông” - ông Aquino nói.
Tổng thống Aquino đã cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt trong chuyến viếng thăm Philippines gần đây là mọi hành động gây hấn trong các vùng biển tranh chấp trên biển Đông có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
HIẾU TRUNG - MỸ LOAN
Người phát ngôn Trung Quốc lại tuyên bố ngang ngược
Trong cuộc họp báo chiều 31-5, trả lời phỏng vấn của báo chí Trung Quốc về phản ứng của nước này đối với việc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tiến hành họp báo ngày 29-5 về vấn đề đụng độ trên biển Đông gần đây, Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du trả lời: “Chủ trương của Trung Quốc trong vấn đề Nam Hải (biển Đông) là rõ ràng và nhất quán. Lần này tàu hải giám của Trung Quốc đã thực thi hành động chấp pháp đối với tàu Việt Nam đang hoạt động phi pháp trên vùng biển của Trung Quốc, hành động này của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng. Chúng tôi yêu cầu phía Việt Nam lập tức dừng mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh hải, không được tạo ra những vụ tranh chấp mới trong vùng biển của Trung Quốc”.
Rõ ràng từ hành động cho tới lời nói của phía Trung Quốc đều rất ngang ngược, không thể chấp nhận được khi vẫn rêu rao đòi chủ quyền vùng biển Đông của Việt Nam.
M.LOAN

-Tàu cá với 6 ngư dân bị đâm chìm trên biển (tt 01/06) 
TT - Lúc 10g58 ngày 31-5, đài thông tin duyên hải Đà Nẵng nhận được tin cấp cứu của tàu cá QB 91435 (thuyền trưởng Nguyễn Hưng, tỉnh Quảng Bình) về một trường hợp tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Bình bị đâm chìm trên biển.
Theo đài thông tin duyên hải Đà Nẵng, vào thời điểm trên tàu cá QB 91512 (tỉnh Quảng Bình) đang đánh bắt cá tại vị trí cách đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) 97 hải lý về phía đông nam thì bị một tàu hàng (không rõ xuất xứ) đâm chìm khiến sáu thuyền viên trên tàu rơi xuống biển. Sau khi phát tín hiệu cấp cứu, tàu cá ĐNa 2753 (Đà Nẵng) đánh bắt gần đó đã tiếp cận hiện trường cứu được năm ngư dân, một ngư dân mất tích.
Hiện hai tàu cá QB 91435 và ĐNa 2753 vẫn đang tích cực tìm kiếm thuyền viên mất tích, đồng thời liên lạc với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Đà Nẵng MRCC) để phối hợp tìm kiếm.
Đ.CƯỜNG

Tổng số lượt xem trang