Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ

(VTC News) – “Uy tín của Quốc hội sẽ được xác lập ngay qua việc bàn thảo và ra được Nghị quyết về Biển Đông” – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết.
VTC News vừa có cuộc trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết về những thách thức đặt ra với Quốc hội và Chính phủ khóa mới.
5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Nguyên Đại biểu Quốc hội, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH& NV Hà Nội), người thường có những câu hỏi "gai góc" tại Quốc hội. Ảnh: Việt Dũng (Tuổi Trẻ). 


5 thách thức phía trước
Quốc hội vừa bầu ra các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Nhận định của ông về việc này?
- Trước hết, tôi xin chúc mừng các vị đã được tín nhiệm, giao những trọng trách vẻ vang nhưng rất nặng nề đó. Mong các vị sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó.
Các vị được bầu vào các chức danh lãnh đạo cấp cao kỳ này đều là những nhà hoạt động chính trị lâu năm, đóng vai trò chủ chốt trong việc đề ra chính sách và điều hành bộ máy nhà nước trong nhiều nhiệm kỳ. Họ có nhiều kinh nghiệm, cả kinh nghiệm thành công và chưa thành công.
Tôi mong nhiệm kỳ này, các vị được bầu sẽ rút được kinh nghiệm sâu sắc từ những nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ vừa qua, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân…
Theo ông, những thử thách nào đang chờ đợi Quốc hội và Chính phủ khóa mới?
- Theo tôi, có 5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ khóa này:
Thứ nhất là đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Người dân đang lo lắng khi chúng ta dường như say sưa với các chỉ tiêu tăng trưởng mà chưa chú ý đúng mức đến chất lượng tăng trưởng. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ cần xem lại việc phấn đấu theo chỉ tiêu tăng trưởng GDP, đồng thời đưa ra những chỉ tiêu mới đánh giá được hiệu quả của tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân…
5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Đời sống khó khăn hơn, nhiều người tranh thủ làm thêm lúc về đêm.
Ảnh: Hoàng Hà (Vnexpress).
 
Hiện nay, ở nước ta có tình trạng phát triển kinh tế nhanh nhưng chưa bền vững, cơ cấu kinh tế không hợp lý. Công nghiệp thiên về khai khoáng, gia công, lắp ráp. Nông nghiệp vẫn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nền kinh tế chưa vận hành đúng quy luật của kinh tế thị trường… Lạm phát chưa dừng; riêng năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã vượt hơn 2 lần chỉ tiêu Quốc hội cho phép.
Có một thực tế là chúng ta đầu tư càng nhiều thì lượng tiền lưu thông càng lớn, khả năng lạm phát càng cao; mà nếu không chống được tham nhũng, lãng phí thì đầu tư càng nhiều, khả năng thất thoát càng lớn, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Báo chí mới đây đưa tin về công nhân một công ty ở ngoại thành Hà Nội hưởng lương có hơn 1 triệu đồng/tháng nên đã đình công khiến chúng ta phải suy nghĩ về hiệu quả của các doanh nghiệp kiểu này. Doanh nghiệp mở ra nhiều thì đất nông nghiệp mất nhiều, đời sống nông dân, môi trường đều bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, người lao động chỉ nhận được đồng lương rất thấp, còn nền công nghệ của đất nước thì không tiến thêm được một bước nào. Doanh nghiệp phát triển nhiều thì tốn rất nhiều điện năng, khiến chúng ta phải xây thêm thủy điện, nhà máy điện hạt nhân…, chấp nhận nhiều rủi ro lớn. Phải chăng đã đến lúc nước ta phải chọn lọc đầu tư? 
Thách thức thứ hai là bảo vệ chủ quyền, trước hết là chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng hiện nay. Nếu chúng ta để mất một tấc đất của tổ tiên để lại thì chúng ta sẽ có tội với những người đi trước và các thế hệ muôn đời mai sau. Lịch sử sẽ luận tội thế hệ chúng ta nếu để xảy ra chuyện này. Vì thế, trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ khóa mới là rất lớn.
Chúng ta ở cạnh một nước có tham vọng lớn, tiềm lực lớn thì càng phải tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, củng cố quốc phòng - an ninh, mở rộng hợp tác quốc tế…để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Thách thức thứ ba là phòng, chống tham nhũng. Đảng đã coi tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ của chế độ. Chúng ta đã thi hành nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng nhưng hiệu quả rất thấp. Nếu không chống được tham nhũng thì sẽ mất lòng dân, giảm sút sức mạnh của đất nước, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của chế độ. Chắc chắn đây là việc rất khó thực hiện, nếu không thực sự quyết tâm, kèm theo những biện pháp hiệu quả.
Thách thức thứ tư cũng rất lớn là phát huy dân chủ để huy động mọi lực lượng tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một nét mới của Đại hội Đảng XI là đề cao vai trò của dân chủ. Nhưng trên thực tế  thì vẫn chưa thấy nhiều giải pháp tốt để thể chế hóa, triển khai đường lối ấy vào cuộc sống…
Nhiều nơi, quyền làm chủ của người dân bị xâm phạm nghiêm trọng. Ví dụ, việc cấp sổ đỏ là nghĩa vụ chính quyền phải làm cho dân nhưng nhiều nơi vẫn hành dân khủng khiếp lắm. Hay thực hiện quyền lao động, quyền có công ăn việc làm bây giờ đâu có dễ.

Ở một huyện nông thôn xa lắc xa lơ, muốn xin 1 suất dạy ở trường phổ thông cũng phải mất 80 triệu…Ngay cả việc người dân làm cái nhà, cái cửa, đi đăng ký xe cộ…cũng lắm thủ tục. Rồi chuyện giải phóng mặt bằng, tại sao có nơi làm công bằng được mà nhiều nơi thì không? Trả cho người dân giá đền bù rẻ như bèo, xong lại bán cho doanh nghiệp với giá cao ngất ngưởng, rồi chính doanh nghiệp lại bán cho dân cao hơn nữa… thì dân nào chịu nổi? Nếu không giải quyết tốt những điều này thì những bức xúc tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến mất ổn định xã hội.
Thách thức thứ năm là phát triển văn hóa, giáo dục. Tôi thấy nếp sống của một bộ phận trong chúng ta hiện nay rất có vấn đề. Lễ lạt bày ra nhiều nhưng giá trị sống thì sa sút chưa từng thấy. Nhiều thanh niên gặp nhau, nhìn nhau khó chịu là rút dao đâm nhau, rồi bao nhiêu vụ người nhà hại nhau chỉ vì những quyền lợi con con… Mặt khác, nhiều người có chức năng đem văn hóa đến cho công chúng lại hành xử rất thiếu văn hóa.
Giáo dục có nhiều cố gắng nhưng chưa thấy hiệu quả. Có lẽ nhiều sáng kiến của ngành mang nặng tính chủ quan. Nghị quyết của Đại hội XI yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, nhưng đến nay vẫn chưa biết đổi mới thế nào. Vấn đề này chắc phải trưng cầu ý kiến công chúng chứ không thể quyết một cách chủ quan được.
Hai lĩnh vực văn hoá và giáo dục chuyển biến còn khó hơn kinh tế vì thường có “độ trễ” nhất định so với phát triển kinh tế. Cho nên, nếu không lo từ bây giờ thì rất khó đạt được kết quả khi kết thúc nhiệm kỳ.
"Phép thử" biển Đông
Quốc hội lần này sẽ bàn đến Biển Đông. Theo ông, Quốc hội có nên ra Nghị quyết về vấn đề này?
- Đây chính là thử thách đầu tiên để người dân đánh giá hoạt động của Quốc hội. Vì những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta, phá hoại hoạt động lao động hợp pháp của người dân và doanh nghiệp Việt Nam trên biển, áp đặt đường lưỡi bò hết sức phi lý… đang làm cho các tầng lớp nhân dân ta lo lắng và phẫn nộ.
5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ
Cả nước Việt Nam đang hướng về biển, đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Ảnh: Vietnamnet.
 


Nếu các đại biểu Quốc hội chỉ đọc tài liệu hoặc chỉ dừng ở việc nghe báo cáo thì không đáp ứng nguyện vọng người dân, không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc.
Người dân đang trông chờ vào thái độ của các đại biểu Quốc hội.
Tôi tin là các đại biểu Quốc hội khoá XIII sẽ xứng đáng với niềm tin mà người dân đã gửi gắm. Uy tín của Quốc hội sẽ được xác lập ngay qua việc bàn thảo và ra được Nghị quyết về Biển Đông.
Quốc hội lần này có nhiều đại biểu mới. Nếu được nhắn nhủ đến họ thì ông sẽ nói gì?
- Khi còn hoạt động ở Quốc hội, tôi thường tâm niệm là ở đời có nhiều người tài năng và tâm huyết hơn mình nhiều nhưng không phải ai cũng có điều kiện nói lên tiếng nói của người dân trên diễn đàn Quốc hội. Mình được Đảng, được dân giao nhiệm vụ thì phải gắng sức hoàn thành.
Tôi mong các đại biểu Quốc hội khoá XIII sẽ tiếp tục truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, tích cực nghiên cứu thực tế, suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề của đất nước, đưa lên bàn nghị sự để đáp ứng nguyện vọng của người dân, xứng đáng với lá phiếu mà người dân đã bầu cho mình.
Xin cảm ơn ông!

Thu nhập thực tế của người dân đang giảm
Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững là yêu cầu cấp bách để giải quyết tận gốc rễ các nguyên nhân gây ra bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn. Bằng một phép cộng đơn giản, trong giai đoạn 2006-2010 lạm phát tăng gần 60% trong khi tăng trưởng chỉ 35,1%. Hai con số này đã chứng tỏ thu nhập thực tế và mức sống thực của người dân, nhất là người nghèo, đã bị giảm sút rất mạnh.
Cần nhận thức rõ nội hàm khái niệm “đổi mới mô hình tăng trưởng” và “tái cấu trúc nền kinh tế” để việc triển khai có tính nhất quán và mang lại hiệu quả trên thực tế.
(Trích 10 kiến nghị của Ủy ban kinh tế của Quốc hội khóa XII)
-Nguồn: VTC :5 thách thức lớn đối với Quốc hội và Chính phủ

Tổng số lượt xem trang