-(Dân Việt) - Nếu gặp tai nạn theo kiểu bị tàu nước ngoài đâm chìm tàu ngư dân, hoặc lực lượng chức năng nước ngoài tịch thu tàu bè, tài sản ngư dân, bắt người bỏ tù, đáng buồn thay, ngư dân phải tự mình gánh chịu hệ lụy.
Ngư dân gặp nạn không ít
Loại tai nạn nói trên xảy ra với rất nhiều ngư dân ở miền Trung nhưng tập trung nhất là ngư dân Quảng Ngãi. Chỉ trong vài năm lại đây, tỉnh này có 115 tàu thuyền và 1.302 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Trong đó, bị Trung Quốc bắt là 64 tàu thuyền/787 ngư dân; Philippines là 11 tàu/113 ngư dân; Malaysia là 11 tàu/125 ngư dân; Indonesia là 10 tàu/195 ngư dân...
Hiện tại vẫn còn 21 tàu/130 ngư dân của Quảng Ngãi bị các nước bắt và giữ.
Lý Sơn là địa phương có nhiều ngư dân nhất gặp loại tai nạn này ở Quảng Ngãi. Đơn giản vì ngư trường truyền thống của ngư dân ở huyện đảo này là vùng biển Hoàng Sa mà phía Trung Quốc ngang ngược tuyên bố là họ có chủ quyền.
Chỉ trong hai năm 2009 và 2010, đã có 10 tàu với 129 ngư dân của huyện này đi đánh cá ở Hoàng Sa bị nước ngoài bắt giữ, và có 20 tàu khác cũng của huyện này bị nước ngoài tịch thu tài sản trái phép. Ở Lý Sơn có trường hợp bị tàu Trung Quốc bắt, tịch thu tài sản đến 4 lần - đó là tình cảnh của ngư dân Mai Phụng Lưu (thôn Tây, xã An Hải).
Gần đây nhất, vào cuối tháng 5.2011, khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, tàu anh Huỳnh Công Nhiệm (thôn Đông, An Hải) đã bị tàu Trung Quốc khống chế và trấn lột toàn bộ tài sản. Ngư dân trên tàu phải mượn lưới cụ, trang thiết bị, nhiên liệu... của một tàu cùng quê để tiếp tục ở lại đánh bắt hải sản mà vớt vát ít thu nhập.
Ít được bồi thường và hỗ trợ
Toàn bộ các trường hợp bị rủi ro nêu trên đều không được hỗ trợ gì đặc biệt của chính quyền cũng như không được thanh toán gì của cơ quan bảo hiểm.
Nói cho đúng thì lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng xót xa trước tình trạng hàng loạt ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài hành hạ, trấn lột gây tán gia bại sản, và cũng có ban hành văn bản về việc hỗ trợ cho những trường hợp này. Cụ thể, các nạn nhân được hỗ trợ một số gạo ăn và một số tiền (cao nhất đến 120 triệu đồng/trường hợp). Văn bản thì đã có nhưng được hỗ trợ thì chưa có ai. Lý do là để được hỗ trợ này, các nạn nhân phải đáp ứng khá nhiều yêu cầu, thủ tục mà thực tế thì họ không đáp ứng được.
Đối với các công ty bảo hiểm đây là không phải là loại tai nạn mà họ nhận bảo hiểm và phải chi trả tiền. Đây là quy định chung của ngành bảo hiểm chứ không riêng gì các đơn vị bảo hiểm ở Quảng Ngãi.
Tại Quảng Nam, địa phương có khá nhiều tàu thuyền ngư dân bị bắt, bị nước ngoài đòi tiền chuộc, ông Đỗ Ngọc Dũng - cán bộ Phòng nghiệp vụ Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Quảng Nam, nói thẳng: “Trong trường hợp ngư dân bị các nước khác bắt giữ, tịch thu tàu cá, ngư cụ… thì phía bảo hiểm sẽ không chi trả bồi thường cho các ngư dân. Chỉ có các trường hợp do thiên tai, tai nạn thông thường xảy ra trên biển, chúng tôi mới giải quyết.”
Tại Đà Nẵng, địa phương chưa có trường hợp nào được thanh toán bảo hiểm khi gặp phải loại tai nạn này, ông Hồ Phó - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, giải thích rằng: Những tai nạn xảy ra do đụng độ, tranh chấp, bị cướp ngư cụ trên những vùng biển tranh chấp, vụ việc hoàn toàn do ngư dân trình báo với Bộ đội Biên phòng, không hề có quay phim, chụp ảnh lại, đơn vị bảo hiểm cũng không thể ra tận nơi để xác định nên việc thanh toán bảo hiểm là không thể tiến hành.
(Còn nữa)
Công Xuân - Vân Anh - Hoàng Đạo