Tờ People’s Daily của Trung Quốc cho hay, tranh chấp biển Đông trở thành đề tài “nóng” trong hội nghị Ngoại trưởng các quốc gia Đông Nam Á ngày 23/7 vừa qua tại Bali.
Tờ báo này dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, hội nghị thông qua quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Tờ báo này dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho rằng, hội nghị thông qua quy tắc hướng dẫn thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Ông này nhấn mạnh, bước tiến này cho thấy sự hợp tác giữa Đông Nam Á và Trung Quốc là có cơ sở và hoàn toàn có thể giải quyết tranh chấp giữa hai bên về vấn đề biển Đông.
Tuy nhiên, People’s Daily cũng không quên “chêm” vào câu khẳng định lập trường vô căn cứ của Bắc Kinh rằng, biển Đông rõ ràng thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Tờ báo này còn nhấn mạnh, Bắc Kinh giữ vững quan điểm rằng, xung đột trên biển Đông cần được giải quyết qua con đường ngoại giao. “DOC được ký từ năm 2002 nhằm duy trì ổn định, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác giữa các bên trên biển Đông, đồng thời tạo điều kiện cũng như môi trường pháp lý thích hợp cho các bên giải quyết tranh chấp. Vậy mà hơn 9 năm nay, khu vực này vẫn chưa thể yên ổn”, People’s Daily than thở.
Dù luôn miệng nói muốn giải quyết bằng con đường ngoại giao nhưng hành động của Trung Quốc lại đi ngược điều đó. Ảnh minh họa. |
Những luận điệu vô lý của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Shen Jiru, chuyên gia tại Viện nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc mới đây còn “lên giọng” rằng, những quốc gia láng giềng như Việt Nam và Philippines hiểu sai chân tình của Trung Quốc và ngộ nhận sự nhẫn nhịn của Bắc Kinh.
Ông này thậm chí bóp méo sự thật khi cho rằng: “Các quốc gia này xâm chiếm các hòn đảo và rặng san hô thuộc chủ quyền Trung Quốc”.
Ngoài ra, chuyên gia Shen bình luận, một số quốc gia trong khu vực một mặt coi DOC là công cụ để kìm chế Trung Quốc, mặt khác lại không chịu thực thi nguyên tắc này. Không chỉ vậy, ông Shen còn cáo buộc Việt Nam và Philippines tập trận cùng với Mỹ để phức tạp hóa vấn đề, theo đó, gây sức ép đối với Trung Quốc.
Cũng với giọng điệu vô lý trên, Teng Jianqun, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Trung Quốc nhấn mạnh, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực.
Trên cơ sở pháp lý đó, các quốc gia láng giềng không tiến hành xâm chiếm bằng lực lượng quân sự. Tuy nhiên, một số nước láng giềng đã thay đổi cách xâm chiếm từ quân sự sang hình thức đánh cắp tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc và không ngừng đẩy mạnh các hoạt động kiểu này.
“Khai thác tài nguyên bất hợp pháp lại càng làm vấn đề tranh chấp biển Đông thêm phức tạp. Theo ông Teng, dù đề xuất “giữ vững chủ quyền, ngừng tranh chấp và cùng khai thác” của Trung Quốc được một số quốc gia chấp thuận song những quốc gia này vẫn kiên quyết đơn phương khai thác tài nguyên.
Cũng có những suy nghĩ đổi trắng thay đen như trên, ông Shen cho rằng, đề xuất trên của Bắc Kinh hoàn toàn phù hợp về mặt lịch sử và pháp lý. Chuyên gia này quả quyết, Trung Quốc và ASEAN cùng ký nguyên tắc hướng dẫn thực thi DOC tại hội nghị Bộ trưởng và nguyên tắc đó “bao gồm cả quan điểm về việc gác tranh chấp và cùng khai thác của Trung Quốc”.
Trung Quốc không thực tâm "gác tranh chấp, cùng khai thác". Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, thực tế, giới phân tích quốc tế cho rằng, quan điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Bắc Kinh không cao cả như tuyên bố của quốc gia này.
Khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung Quốc có bốn yếu tố bao gồm chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc; khi điều kiện chưa chín muồi để có giải pháp triệt để, hoãn lại đàm phán về chủ quyền để có thể gác tranh chấp sang một bên; khai thác chung các vùng lãnh thổ liên quan và mục đích của khai thác chung là nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho giải pháp cuối cùng về chủ quyền lãnh thổ.
Phân tích rõ ra sẽ thấy, “Chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc” là một trong những yếu tố của khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác” nhưng khả năng chủ quyền thuộc về những nước khác đối với toàn bộ hay một phần lãnh thổ bị tranh chấp lại không được đề cập tới. Yếu tố này chính là một sự tranh chấp chủ quyền và đi ngược với tinh thần “gác tranh chấp”.
Ngoài ra, các vùng lãnh thổ liên quan có thể khai thác chung là một ý niệm mơ hồ. Việc khai thác chung chỉ có thể công bằng trong những vùng lãnh thổ mà lý lẽ chủ quyền của các bên trong tranh chấp hợp lý hơn một mức tối thiểu nào đó.
Tuy nhiên, ranh giới 9 đoạn của Trung Quốc quá vô lý cho nên nếu khai thác chung với Trung Quốc trên cơ sở ranh giới đó thì sẽ không thể công bằng. Không thể chấp nhận được việc một nước đòi hỏi tới đâu thì các nước kia phải khai thác chung với nước đó tới đó.
Như vậy, dù khái niệm “gác tranh chấp, cùng khai thác” nghe có vẻ chấp nhận được, nhưng với những quan niệm của Trung Quốc đằng sau nó thì trước mắt sẽ bất công cho các nước liên quan.
Không chỉ vậy, đúng vào ngày Trung Quốc-ASEAN đạt được đồng thuận về văn bản hướng dẫn thực thi DOC sau gần 10 năm đàm phán, Bắc Kinh lên tiếng nhắc lại lập trường là không chấp nhận cho Mỹ can thiệp vào vấn đề này. Theo China Daily, “bóng ma của mối đe dọa tiềm ẩn đối với biển Đông là hình ảnh một cường quốc lớn khác, đó là Mỹ”.
Bắc Kinh khẳng định, chính quyền Obama luôn miệng nói đến chính sách “trở lại châu Á” nhưng thực chất Washington chưa từng “dời mắt” khỏi khu vực này nếu xét về khía cạnh kinh tế và quân sự nên không thể gọi là “quay lại”.
Theo tờ báo này, có hai lý do khiến ông Obama phải lưu ý đến chiến lược mà ông cho là “quay trở lại châu Á” này. Thứ nhất, Mỹ muốn kìm hãm tốc độ phát triển của Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ lo sợ ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ quay sang ủng hộ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á còn hạn chế là do quốc gia này vừa muốn kìm chặt Trung Quốc, song lại không dám đối đầu với Bắc Kinh.
Chính vì vậy, China Daily khẳng định, Washington muốn lợi dụng tranh chấp biển Đông để che giấu toan tính duy trì lợi ích và thế độc tôn của mình tại Đông Á.