Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Tại sao lại như vậy?

Lâu không thấy bác Quyên, không hiểu chuyện đi kiện của bác đến đâu rồi ?!
QĐND - Đơn của anh Phạm Tùng Sơn, hiện là lái xe của Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh tại TP Hồ Chí Minh, hộ khẩu ở xóm Nam Mỹ, thôn Tú Sơn 2, xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi viết: “Anh trai tôi là Phạm Trường, năm 1977 tham gia thanh niên xung phong và hy sinh do tai nạn lao động. Năm 1984, tôi nhập ngũ và được đào tạo hạ sĩ quan tăng - thiết giáp. Ra trường, tôi nhận ngay nhiệm vụ chiến đấu tại chiến trường K, không có điều kiện liên lạc với gia đình, thư từ về nhà gặp nhiều khó khăn nên gia đình tôi hoàn toàn không biết tôi đang làm gì, ở đâu. Thế nhưng, không hiểu do đâu có thông tin là tôi đào ngũ nên từ đó gia đình tôi bị chính quyền sở tại hạch sách, xóm làng đàm tiếu, xa lánh. Năm 1986, chính quyền thôn Tú Sơn 1, đại diện là ông Tịnh đã ép mẹ tôi phải giao hết ruộng đất - do ông nội tôi là Phạm Văn Xê (mất năm 1980) mua có giấy chứng nhận hẳn hoi (cả gia đình tôi từng sinh sống và canh tác ở đó một thời gian dài trước khi tôi nhập ngũ) - cho ông Tịnh làm nhà ở.
Mẹ tôi nhiều tuổi, không rõ thế nào nên chính quyền nói sao bà nghe vậy. Cũng thời gian này, mảnh vườn cha tôi mua của ông Nguyễn Kẹp tại thôn Tú Sơn 2 từ năm 1968 và đã sinh sống bằng nghề làm kem tại đây cũng bị bà Phạm Thị Nhung (hiện cư trú tại Tú Sơn 2) chiếm dụng.
Thời gian xảy ra các việc trên, anh em tôi đều đang ở chiến trường. Kết thúc trận đánh, anh Nguyễn Điều là đồng đội cùng đơn vị chiến đấu với tôi tại đồi 547 được về phép có ghé thăm mẹ tôi và gia đình. Lúc đó, anh mới biết sự thật ở nhà tôi vô cùng khó khăn và rối ren. Với tính cách Bộ đội Cụ Hồ, anh đã cùng mẹ tôi đến gặp Bí thư chi bộ Đảng lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tồn và ông đội trưởng Huỳnh Lục để phân tích, nói rõ, đưa ra những bằng chứng chứng minh tôi vẫn hoàn thành nghĩa vụ tốt và không phải là một người đào ngũ. Lúc đó, ông Tồn đã nhận khuyết điểm sai sót trong việc không nhận giấy báo đào ngũ chính xác từ đơn vị của tôi, hứa sẽ giúp đỡ khắc phục khó khăn và từ đó gia đình tôi không còn bị hạch sách, khinh rẻ nữa. Người dân quê tôi đều biết, từ ông Đội trưởng Trần Bình, ông Trưởng thôn Nguyễn Chơn đến cán bộ địa chính xã là Gần, Nghề đều tham gia giải quyết nhưng không dứt điểm”.
Trong đơn đề ngày 15-7-2011, anh Sơn viết: “Bản thân tôi hiện nay không có nhà ở, đất sản xuất mà phải nuôi một mẹ già và hai con nhỏ. Tôi viết đơn này mong quý báo điều tra làm sáng tỏ sự thật, trả lại cho gia đình tôi tài sản đã mất để những người lính hy sinh tuổi thanh xuân như tôi không bị thiệt thòi. Tôi cam kết nội dung trình bày, có gì gian dối xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Tại phòng tiếp dân của Báo Quân đội nhân dân, anh Sơn xuất trình Quyết định xuất ngũ về địa phương ngày 17-7-1987 do Đoàn trưởng Đoàn 556-Trung tá Trịnh Ba Phổ ký, giấy xác nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ của chỉ huy Đại đội 10 tên Hoàng Anh; nhiều huân, huy chương do Chủ tịch nước Võ Chí Công trao tặng; giấy xác nhận của chủ thửa đất đã bán và bản trích lục sổ địa chính xác định hai thửa đất thuộc quyền sở hữu của gia đình và thắc mắc: “Từ năm 1990, tôi đã đi gõ cửa và nộp đơn nhiều nơi yêu cầu trả lại đất nhưng tất cả các cơ quan đều không trả lời. Gần đây, tôi được biết bà Nhung lại có sổ đỏ mảnh đất chiếm dụng của ba tôi. Tại sao lại như vậy?".
Sự việc anh Sơn phản ánh như trên, chúng tôi xin được chuyển tới Chủ tịch UBND xã Đức Lân và Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức xem xét, giải quyết.  
Hà Phương
-Nguồn: QĐND: Tại sao lại như vậy?

Tổng số lượt xem trang