Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Các Khu, cụm công nghiệp Tiền Giang: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường

Các Khu, cụm công nghiệp Tiền Giang:
- Thêm “vòi rồng” đen ở các cụm công nghiệp
TP - Cụm công nghiệp An Thạnh ở xã An Cư (Cái Bè, Tiền Giang) đang xả khói và bụi từ các nhà máy xay xát lúa gạo, bao trùm lên các khu dân cư. Môi trường ở đây đã bị ô nhiễm từ lâu. Người dân sống gần cụm công nghiệp Trung An và khu công nghiệp Mỹ Tho ở xã Trung An (TP Mỹ Tho) cũng đang chịu cảnh tương tự. Ông Võ Văn Tuấn, ở xã Trung An: “Bụi khói bám đầy, mùi hôi nặc nồng rồi tiếng ồn làm xáo trộn hết cuộc sống”.
Một “vòi rồng” đen ở khu công nghiệp Mỹ Tho
Một “vòi rồng” đen ở khu công nghiệp Mỹ Tho.
Ba năm qua, cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh đi vào hoạt động, nguồn nước đen chảy ra đồng ruộng đã tàn phá nhiều hoa màu của dân phường 9 và xã Tân Mỹ Chánh (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ông Lê Hoàng Long, ở xã Tân Mỹ Chánh nói: “Nhà tôi gần kênh, ô nhiễm khiến tôi bị sổ mũi, viêm xoang, trị không hết”. Cụm công nghiệp này rộng 23,5 ha, có 18 nhà máy chế biến thủy sản, nông sản hoạt động, được UBND TP Mỹ Tho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 300 m3/ngày đêm nhưng khi công trình hoàn chỉnh thì đóng cửa. Nước thải từ các nhà máy xả thẳng ra kênh Nam Vang, mùi hôi thối tràn vào trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam bộ làm thầy trò khổ sở.
Ông Nguyễn Hồng Châu, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, thừa nhận, các cụm và khu công nghiệp ở Tiền Giang đã gây ô nhiễm từ nước đến không khí nhưng chưa có giải pháp khắc phục.
Đức Thịnh


-Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường
(VOV) - Doanh nghiệp vô tư xả thải ra môi trường, cơ quan chức năng chưa thực sự vào cuộc. Chỉ có người dân đang hàng ngày phải chịu đựng sự ô nhiễm này

Hiện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 5 Khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Điều đáng quan tâm là hoạt động của các Khu, cụm công nghiệp này kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất và sức khỏe của cư dân.
Kênh Nam Vang bị ô nhiễm nặng
Người dân than trời vì ô nhiễm

3 năm qua kể từ khi cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh đi vào hoạt động, nhiều hộ dân ở phường 9 và xã Tân Mỹ Chánh (thành phố Mỹ Tho) phải hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng. Ông Lê Hoàng Long, người dân xã Tân Mỹ Chánh chỉ cho chúng tôi dòng kênh Nam Vang - kênh phục vụ nước sinh họat và sản xuất của người dân ngày nào nay nước đã có màu đen kịt. Nguồn nước đen này làm cho các ao cá ven kênh của người dân đều bị chết, cây ăn trái, hoa màu cũng không sống được. Nước đen còn bốc mùi hôi thối tỏa ra khắp khu dân cư. Sở dĩ có hiện tượng này là do nước thải chưa qua xử lý của cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh xả thẳng xuống dòng kênh mỗi ngày.
Ông Lê Hoàng Long bức xúc cho biết: “Nhà tôi gần kênh nên chịu ô nhiễm rất nặng nề, hơn 3 năm qua, tôi bị sổ mũi, viêm xoang trị mãi mà không dứt. Chúng tôi đề nghị cấp trên cần có biện pháp xử lý, chứ để tình trạng này kéo dài người dân khổ lắm”.
Không khí hôi thối từ kênh Nam Vang còn tràn qua gây khó khăn cho việc dạy và học của trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam bộ. Ban Giám hiệu Nhà trường và người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm này.
Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh có diện tích 23,5 ha với 18 nhà máy chế biến thủy sản, nông sản... đi vào hoạt động. Để xử lý nguồn nước thải, UBND thành phố Mỹ Tho đầu tư xây dựng một Nhà máy xử lý nước thải công suất 300m3/ngày, đêm với tiêu chuẩn nước thải loại B. Tuy nhiên, sau khi xây dựng hoàn chỉnh, Nhà máy vẫn đóng cửa cho đến nay, bởi theo quy định, nước thải loại B mà Nhà máy xử lý không được xả thẳng ra môi trường. Không có Nhà máy xử lý nước thải, các doanh nghiệp đang hoạt động trong cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh cứ vô tư xả nước thải xuống kênh Nam Vang.
Từ lâu, người dân sống gần Khu công nghiệp Mỹ Tho và Cụm công nghiệp Trung An, (xã Trung An, thành phố Mỹ Tho) đã phải sống chung với bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. Mỗi ngày, người dân phải chịu đựng mùi hôi thối, tiếng ồn toát ra từ các nhà máy, nhất là các nhà máy chế biến thủy sản và thức ăn gia súc. Ông Võ Văn Tuấn, người dân xã Trung An cho biết: “Từ ngày có Khu công nghiệp, cuộc sống người dân nơi đây bị xáo trộn. Mùi hôi thối nồng nặc,  tiếng ồn, bụi khói bám đầy nhà… Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến ngành chức năng nhưng vẫn chưa có động thái gì”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Khu công nghiệp Mỹ Tho đã có Nhà máy xử lý nước thải với công suất 3.500m3 /ngày, đêm nhưng đa số các doanh nghiệp đều lén lút xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Tiền. Khu công nghiệp Tân Hương (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang) có số doanh nghiệp hoạt động không nhiều nhưng cũng xảy ra tình trạng nước thải rò rỉ xuống kênh, rạch tự nhiên, gây ảnh hưởng nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân lân cận. Đáng nói là cụm công nghiệp An Thạnh (xã An Cư, huyện Cái Bè), khói bụi từ các nhà máy xay xát lúa gạo bao trùm trên diện rộng, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhà máy xử lý nước thải Tân Mỹ Chánh bị bỏ hoang
Vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để
Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các Khu, Cụm công nghiệp tại tỉnh Tiền Giang đã xảy ra trong một thời gian dài, người dân phản ánh, chính quyền và ngành chức năng địa phương đều biết nhưng chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các Khu, cụm công nghiệp ở Tiền Giang do nhiều nguyên nhân. Hầu hết các Khu, cụm công nghiệp chưa được xây dựng Nhà máy xử lý nước thải ngang tầm, chưa đủ công suất để xử lý nguồn nước thải ra từ các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp vì sợ tốn chi phí nên lén lút xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường. Trong khi đó, các ngành chức năng như: Cảnh sát môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường vẫn chưa thường xuyên thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, đến nay mới chỉ có 12 doanh nghiệp thủy sản được kết nối đưa nguồn nước thải qua sản xuất với Nhà máy xử lý nước thải tập trung để xử lý nước thải đạt loại A. Còn lại các doanh nghiệp khác tự xử lý nước thải và tự xả ra sông Tiền. Riêng nguồn nước thải trong sinh hoạt của các doanh nghiệp thì chưa được quan tâm, xử lý.
Nguồn nước thải chưa được xử lý xả ra môi trường không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân lân cận mà còn làm cho nguồn nước dưới sông, rạch của tỉnh Tiền Giang ngày càng ô nhiễm nặng nề. Kết quả quan trắc chất lượng nước trên sông Tiền, địa phận tỉnh Tiền Giang của các ngành chuyên môn cho thấy, nguồn nước mặt này bị ô nhiễm trầm trọng. Đáng lưu ý là trong 15 thông số của nhóm hóa lý, vi sinh thì chỉ có 5 thông số đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước mặt; trong đó có nhiều thông số về oxy hòa tan, chất rắn, nhiễm vi sinh… vượt mức cho phép. Nguồn nước này nếu chưa qua xử lý mà sử dụng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo ông Nguyễn Hồng Châu, Phó Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, để khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường tại các Khu, cụm công nghiệp cần phải có sự quan tâm từ nhiều phía; trong đó chủ doanh nghiệp phải có ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp cần nâng cấp, mở rộng các nhà máy xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định. Các ngành chức năng phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; nếu cần nên công bố trên báo chí.
Sản xuất kinh doanh phải thân thiện với môi trường, đây là hướng đi tất yếu của nền công nghiệp bền vững. Do đó, việc ô nhiễm môi trường ở các Khu, cụm công nghiệp của tỉnh Tiền Giang phải sớm được ngành chức năng và chủ doanh nghiệp quan tâm, khắc phục để đảm bảo tính bền vững cho sản xuất và không gây khó khăn cho sinh hoạt và sức khỏe của cộng đồng dân cư./.

Trường Duy

Tổng số lượt xem trang