Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Cách tiếp cận chiến tranh của Trung Quốc

Tác giả: TS. Sheo Nandan Pandey, GS. Hem Kusum
 -Cách tiếp cận chiến tranh của Trung Quốc 
"Chiến lược ngoại biên tổng thể" trong trường hợp Trung Quốc nghĩa là những hành động quân sự chủ động được tiến hành dọc theo một số chiến trường, trong đó bao gồm cả các quốc gia có biên giới biển.

"Chiến lược quân sự ngoại biên tổng thể" (da zhoubian guojia junshi zhanlue) là một thuật ngữ mới được các nhà nghiên cứu Trung Quốc thường xuyên sử dụng. Lần đầu tiên, thuật ngữ này xuất hiện trong một bài viết đăng trên tờ báo xuất bản hàng ngày bằng tiếng Trung Quốc, Đại Công báo (Ta Kung Pao) vào ngày 24/9/2009. Nó thể hiện thái độ hồ nghi về năng lực thực sự của Quân Giải phóng Nhân dân trong việc bảo vệ các biên giới xa xôi.
Những quan điểm này sau đó còn được thể hiện lại trên một tờ báo hàng ngày xuất bản bằng tiếng Trung khác có trụ sở đặt ở Hồng Công, Jing Bao vào ngày 29/1/2010.


Bởi nội dung này liên quan đến yếu tố địa chính trị của nhiều quốc gia có chung đường biên giới với Trung Quốc, nên nó đòi hỏi phải có một sự nhận thức đúng đắn trong lĩnh vực học thuật.
Ba tháng sau, khái niệm này tiếp tục được đề cập đến trong một bài thuyết trình của Chen Xiangyang, một nhà nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR). Ông lý giải động cơ và tính cấp thiết của việc xây dựng một chiến lược cho Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị đang có những thay đổi chóng mặt ở khu vực Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á, và Đông Bắc Á. Sau này, ông tìm thấy độc giả trong hàng ngũ những sĩ quan cấp cao cả đang phục vụ và đã nghỉ hưu của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), trong đó bao gồm cả những đại biểu đến dự cuộc họp thường niên vừa mới bế mạc của Ủy ban quốc gia về Tư vấn Chính trị của Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Đáng chú ý trong số các đại biểu này có Phó Đô đốc Yin Zhou và Thiếu tướng Luo Yuan.
Ảnh China Daily
Một vài nhà quan sát Trung Quốc, trong đó có cả Christina Lin nhìn nhận động thái của Trung Quốc trong việc mở rộng các tuyến đường sắt cao tốc, và trang bị cho trên 1.000 nhà ga xe lửa với các phương tiện vận tải quân sự như là một bước đi theo định hướng này.
Các nhà phân tích dường như coi sự dính líu của Tổng cục Hậu cần (GLD) của PLA đến việc thiết kế, lên kế hoạch và thực hiện các dự án đường sắt chạy qua các khu vực chiến lược là một minh chứng cụ thể.
Quyết định sử dụng chuyến tàu tốc hành Thượng Hải - Nam Kinh của PLA để vận chuyển binh lính trở lại đơn vị vào tháng 11/2010 được đánh giá như là một bước thử nghiệm của ý định triển khai nhanh trong vài giờ.
"Chiến lược ngoại biên tổng thể" trong trường hợp Trung Quốc nghĩa là những hành động quân sự chủ động được tiến hành dọc theo một số chiến trường, trong đó bao gồm cả các quốc gia có biên giới biển. Bất chấp những tuyến đường sắt cao tốc đã được xây dựng ở Tây Tạng và dự kiến sẽ được kết nối với Nepal, trong vấn đề này, các kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt trong tương lai đến các quốc gia khác nằm trong phạm vi ngoại biên của Trung Quốc sẽ chỉ thu được những kết quả nghèo nàn bởi một số lý do. Bởi vậy, người ta kêu gọi một sự cải cách trong lĩnh vực học thuyết. Trong một thế giới đa cực tương lai, điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua sự đầu tư mạnh mẽ. Bởi Trung Quốc hiện nay đang đứng bên phải của cán cân quyền lực quốc tế đang biến đổi, những thay đổi trong giải pháp quân sự đơn phương không thể bị loại trừ hoàn toàn.
Bài viết này đi sâu vào tìm hiểu động cơ mà Trung Quốc xây dựng "Chiến lược ngoại biên tổng thể", cũng như tất cả những hàm ý chiến lược của chiến lược này. Được thừa kế một văn hóa chiến lược đặc trưng, xây dựng dựa trên nền tảng khái niệm của Shi, được coi là một biện pháp để làm dịch chuyển cán cân quyền lực chiến lược, các học giả Trung Quốc hiếm khi có những phát ngôn thiếu chính xác. Do vậy, việc các phương tiện truyền thông đề cập đến vấn đề này theo cách thức đó là kiểu "đánh lừa chiến lược" (Zhanlue Zhali) của Trung Quốc đối với thế giới nói chung. Phương pháp này rất giống với quan điểm chiến lược "đánh lừa đối phương" (bing yi zha li) của Tôn Tử.
Văn hóa chiến lược này của Trung Quốc cũng là một trong những nội dung được thể hiện qua các câu chuyện dân gian kể về Gia Cát Lượng (Zhuge Liang). Sự im lặng, bao gồm cả việc thiếu vắng một khái niệm trong cuốn Sách Trắng vừa mới được công bố, "Quốc phòng Trung Quốc năm 2010", là điều không thể chấp nhận được.
Cứ lần nào mà Trung Quốc đạt được thành tựu về kinh tế và quân sự, nước này lại sửa đổi học thuyết. Sự tâng bốc mà các phương tiện truyền thông giành cho khái niệm này vì vậy có thể được nhìn nhận như là một kết quả tất yếu nhưng đầy toan tính của quá trình trỗi dậy của Trung Quốc cả với tư cách của một cường quốc kinh tế và quân sự.
Nói tóm lại, bài viết này tập trung vào: Cơ sở học thuyết và động cơ của chiến lược này; những nhược điểm trong quá trình chuyển hướng chiến lược; và những biện pháp đối phó với ý đồ chiến lược này của Trung Quốc. Những giả thiết của nghiên cứu này gồm: sự chuyển hướng chiến lược của Trung Quốc từ phòng thủ sang tấn công là một sản phẩm của quá trình phát triển về kinh tế và quân sự; giới lãnh đạo đất nước Trung Quốc đều nhận thức được những sai lầm nên phần lớn các bài viết trên các phương tiện truyền thông hiện nay đều thiếu cơ sở để đi đến các kết luận cuối cùng; và các nước ở khu vực ngoại biên không có đủ điều kiện để tham gia chiến lược.
Cơ sở học thuyết và động cơ của chiến lược
Các thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau của Trung Quốc trong đó gồm cả Hồ Cẩm Đào được cho là tiếp tục phát triển văn hóa chiến lược sẵn sàng cho chiến tranh (parabellum). Trong văn hóa chiến lược này, khái niệm tuyệt đối linh hoạt (Quan Bian) là một yếu tố quyết định quan trọng. Nó được khắc họa tinh tế trong các nguyên tắc căn bản trong khái niệm của Shi (lợi thế chiến lược).
Khái niệm này mang lại cho giới lãnh đạo Trung Quốc một cách thức linh hoạt trong việc hoạch định chiến lược liên quan đến các yếu tố thời gian, địa điểm, sử dụng lực lượng và kế sách để khuếch trương các nguồn lực còn hạn chế và ngăn chặn đối phương chiếm mất lợi thế thông qua tấn công quân sự hoặc xóa bỏ hệ tư tưởng.
Khái niệm này được phát triển dựa trên quan điểm của Tôn Tử "chiến tranh là một chức năng quan trọng của nhà nước".
Theo như một nghiên cứu của Michael D. Swaine và Ashley J. Tellis đã chỉ ra, Trung Quốc cố gắng sử dụng các biện pháp răn đe và/hoặc hòa bình để hoặc tăng cường bảo vệ nước này trước nguy cơ ngoại xâm hoặc thôn tính các nước ở ngoại biên trong kỷ nguyên của quyền lực và hiện đại dựa trên sự tính toán toàn bộ các lợi thế so sánh của nước này. Sự phát triển và suy tàn của quyền lực và ảnh hưởng đối với các nước ở sát biên giới và khu vực ngoại biên đã luôn là một nhân tố dẫn đến sự thăng trầm của sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc (CNP).
Trong lịch sử, nước này đã từng sử dụng vũ lực quân sự trong khi đang đứng ở một vị thế mạnh để giải quyết những bất đồng trong quan hệ, để xâm chiếm các khu vực lãnh thổ và để ngăn chặn hoặc đánh bại các cuộc tấn công từ khu vực ngoại biên.
Văn hoá chiến lược tạo ra các khuynh hướng hay xu hướng. Vì vậy, rõ ràng nó có vai trò trong việc hình thành thái độ và hành vi. Đây là lý do giải thích tại sao đất nước Trung Quốc dưới thời Quốc dân đảng hay Đảng Cộng sản đều không có sự khác biệt trong vấn đề này. Cho dù chỉ đạt được những thành công hạn chế trong giai đoạn 1911-1935, Trung Quốc dưới thời Quốc dân đảng đã tiến hành các chiến dịch quân sự ở Tây Tạng, Tân Cương và Mông Cổ để xây dựng các vùng đệm vững chắc chống lại các cường quốc Anh và Nga ở khu vực ngoại biên.
Đi ngược lại với tất cả các yếu tố xã hội, văn hoá, ngôn ngữ và lịch sử hiện thời, những người theo chủ nghĩa dân tộc lấy cớ có quyền thống trị và/hoặc quyền cai quản nhất định của hoàng đế cuối cùng triều Thanh để bào chữa cho hành động phiêu lưu của mình.
Trong những năm 1950, 1960, và 1970, dưới thời kỳ chủ nghĩa cộng sản, Trung Quốc lại một lần nữa tiến hành các chiến dịch tương tự ở khu vực ngoại biên với một loạt những mục tiêu quân sự và chính trị, từ chính thức thành lập một khu vực ngoại biên mà đã tồn tại trong suốt triều đại nhà Thanh và giai đoạn đầu nền Cộng hoà đến xâm lược chủ quyền nước khác như Ấn Độ và Việt Nam.
Dẫu vậy, người ta có thể thấy những khác biệt trong trường hợp của chính sách, một chức năng của một loạt những yếu tố bao gồm cả công nghệ. Những theo đuổi liên tục của Trung Quốc trong việc cải cách chiến lược quân sự trong sáu thập kỷ qua đã chứng minh cho giả thiết này.
Trong khi là một bộ phận không thể thiếu được của tư duy chiến lược của Trung Quốc, vỏ bọc học thuyết của "chiến lược ngoại biên" của Trung Quốc đang dần cho thấy tính không rõ ràng của nó. Đây lại là một bước đi có tính toán của giới lãnh đạo Trung Quốc, gắn liền quá khứ chiến lược của họ, được thể hiện qua hai phép ẩn dụ, Vạn lý Trường Thành và Thành trống (kong yanwuting), những biểu tượng của sự kết hợp giữa những cái yếu và cái mạnh.
Có một sự thay đổi rõ ràng về nghĩa của những khái niệm chính trong các công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc ở cả bốn cấp độ dự báo chiến lược - tư tưởng quân sự (junshi sixiang), chiến lược quân sự (junshi zhanlue), chiến dịch quân sự (junshi Zhanyi) và chiến thuật quân sự (junshi zhanshu).
Trong suốt một thời gian dài cho đến tận các nghị quyết năm 1985 của Quân uỷ Trung ương (CMC) mà đã thể hiện sự ủng hộ với quan điểm của Đặng Tiểu Bình lấy "chiến tranh cục bộ" (jubu zhanzheng) để đối phó với chiến tranh tổng lực (quanbu zhanzheng), các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã không dự báo vượt ra khỏi khuôn khổ của những quy tắc của Chiến tranh nhân dân (renmin zhangzheng) và Phòng ngự tích cực (jiji fangyu). Có lẽ cũng không còn giải pháp thay thế nào khác.
Nền kinh tế yếu kém của Trung Quốc chắc hẳn không đủ khả năng trang bị thích hợp cho 2,8 triệu quân của Quân giải phóng nhân dân (PLA). Chiến lược chiến tranh nhân dân kêu gọi sự ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân và một chiến lược ba giai đoạn được tiến hành kết hợp với lấy chiến tranh du kích (youji zhanzheng) làm phương thức đấu tranh chính.
Mao Trạch Đông định nghĩa Phòng ngự tích cực trái với Phòng ngự bị động. Trong tác chiến, Phòng ngự tích cực nghĩa là giành thế chủ động tấn công trước. Căn cứ vào cách phân tích "mạnh-yếu" của Tôn Tử, chiến lược này cho phép Trung Quốc làm cái điều bất đắc dĩ phải làm.
Tất cả các chiến dịch quân sự của Trung Quốc trong quá khứ, kể cả Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, về mặt lý thuyết đã đặt nền móng cho sự ra đời của chiến lược ngoại biên này. Hiện tượng thay đổi, kéo theo sự minh bạch tương đối trong lời nói và hành động, là kết quả của một cuộc tranh luận khốc liệt khi đứng trước một loạt những phát triển, mặc dù chỉ diễn ra trong phạm vi của các mục tiêu quân sự quốc gia đã được định sẵn.
Khoa học Chiến lược Quân sự (zhanluexue), do Học viện Khoa học Quân sự (AMS) giới thiệu năm 1987, là một phương thức tiếp cận chiến lược "chiến tranh cục bộ" với mục đích tấn công, dựa trên Chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới, kết hợp giữa chiến tranh chiến hào và chiến tranh chớp nhoáng với tác chiến phối hợp quân binh chủng để đối phó với cuộc xâm lược có thể xảy ra từ phía Liên Xô.
Ngược lại, phiên bản năm 1999 của Khoa học Quân sự đã đề cập đến một phương thức tiếp cận chiến lược bao trùm hơn dựa trên việc chuẩn bị tiến hành một loạt những "cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ hiện đại" (gaojishu tiaojian xia jubu zhanzheng) mà rất khác nhau về mục đích, cường độ và tính chất ác liệt. Hai công trình nghiên cứu khác trong năm đó, một của Đại tướng Zhang Wannian và một của Đại tướng Ma Baoan lần lượt có tiêu đề là Các vấn đề quân sự thế giới đương đại và Quốc phòng Trung Quốc (Dangdai Shijie Junshi Yu Zhongguo Guofang) và Hướng dẫn nghiên cứu lý thuyết chiến lược (Zhanlue Lilun Xuexi Zhinan), là những sự bổ sung khía cạnh công nghệ cho luận điểm này.
Những bài phê bình về Chiến tranh vùng Vịnh 1991 và Kosovo 1999 thay vào đó sẽ là những minh chứng sống động. Việc Mỹ tăng cường "chiến lược con trăn" và tranh giành những gì tốt đẹp nhất của hai thế giới thông qua việc sử dụng có chọn lựa "Học thuyết Monroe", chính sách "Mở cửa", và "Học thuyết Truman" được các giảng viên trích dẫn như là một ví dụ tiêu cực trong việc xác định mục tiêu cho chiến lược.  Hướng dẫn nghiên cứu lý thuyết chiến lược (Zhanlue Lilun Xuexi Zhinan), do Đại học Quốc phòng Trung Quốc xuất bản năm 2002, thể hiện quan điểm nhất quán của các nhà nghiên cứu Trung Quốc về bản chất và đặc điểm của khái niệm "chiến tranh cục bộ trong điều kiện công nghệ cao hiện đại".
----
Nguồn: Viện Tư vấn Chiến lược, Chính trị, An ninh và Kinh tế
Người dịch: Công Định - - Bản dịch bài mà viet-studies đã link (hôm 20-6-11) Wherewithal of China’s Grand Periphery Military Strategy (South Asia Analysis Group 8-6-11) - - TS. Sheo Nandan Pandey – GS. Hem Kusum: Cách tiếp cận chiến tranh của Trung Quốc (P2) (TVN). 

-
Với việc một số nhân tố cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia của Trung Quốc có bước phát triển nhanh trong khi cơ cấu thể chế tồn tại từ thời xa xưa của nhà nước phản ứng dưới mức hiệu quả trong việc giải quyết những mâu thuẫn ngày một tăng, nguy cơ Trung Quốc sử dụng các công cụ quân sự để bảo vệ các lợi ích cốt lõi và/hoặc để giải quyết các tranh chấp với các nước láng giềng về mặt lý thuyết là có thực.
>>
Những kẽ hở trong hình thái chiến lược tấn công
Những thay đổi về cách thức tiếp cận chiến tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực học thuyết diễn ra song song với những thay đổi mạnh mẽ trong khả năng tổ chức và tiềm lực tác chiến của các cỗ máy chiến tranh của Trung Quốc. Tất cả những điều này đã xảy ra đồng thời với một sự thay đổi trong nhận thức về mối đe doạ của Trung Quốc. Sự tan rã của Liên Xô đã làm giảm nguy cơ của một cuộc chiến tranh tổng lực xuống còn bằng không. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hàng loạt những điểm nóng. Tình hình đó buộc các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc phải tính toán đến nguy cơ không thể tránh khỏi của "các cuộc chiến tranh cục bộ". Tuy vậy, tốc độ và tính chất ác liệt của cuộc Chiến tranh vùng Vịnh buộc các nhà chiến lược Trung Quốc phải suy tính "những cuộc chiến tranh cục bộ diễn ra trong những điều kiện hiện đại".
Trong khi việc thay đổi hình thái chiến lược của Trung Quốc là một thực tế tất yếu, quyết định lựa chọn giải pháp quân sự "tiến công" - "phòng ngự" đặc biệt khi liên quan đến các nước ở khu vực ngoại biên bao gồm cả Ấn Độ không phải là điều dễ dàng đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.
Những đề xuất của "học thuyết tấn công-phòng ngự" (ODT) trong khía cạnh chính trị quân sự, nhất là của Stephen Van Evera, Geroge H. Quester, Thomas J. Christensen, Keir A. Lieber và Jack Snyder, là những phát kiến có giá trị, cho dù có những phương pháp tiếp cận khác nhau về mối quan hệ giữa công nghệ và chiến lược, và giữa các tham biến độc lập và phụ thuộc. Họ quan niệm Cán cân Tiến công-Phòng ngự (ODB) là yếu tố quyết định hàng đầu.
Trong số các nhà lý luận quân sự Trung Quốc đương đại, Xu Jin và Tang Shiping có xu hướng tán thành vai trò nổi bật của nhân tố ODB trong các quyết định chiến lược trên chiến trường - tiến công hoặc phòng ngự.
Mặc dù khả năng dự báo của học thuyết này không phải là tuyệt đối, những thay đổi trong ODB của Trung Quốc đối với nước láng giềng này hay nước láng giềng khác kể cả Ấn Độ có thể là một dấu hiệu của hình thái chiến lược phòng ngự và/hoặc tiến công của Trung Quốc.
Căn cứ vào những yếu tố của "chủ thuyết phòng ngự", người ta khó có thể hình dung rằng giới lãnh đạo và các nhà chỉ huy quân sự Trung Quốc sẽ lựa chọn hình thái chiến lược tiến công cho dù ODB nghiêng về việc bảo vệ các lợi ích quốc gia. Tấn công phủ đầu như là một phần của hình thái chiến lược tiến công sẽ làm hao tổn các nguồn lực quân sự, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc mà không đem lại kết quả cụ thể nào.
Ảnh THX
Có thể là tốt hơn nếu Trung Quốc giấu mình sau tấm màn chính trị quân sự của một cường quốc quân sự lớn cho đến tận lúc những tiến bộ về công nghệ đủ khả năng tạo ra những lợi thế tiến công cho nước này. Đây là một điềm báo rằng những tông đồ của "học thuyết tiến công" của John J. Mearsheimer trong nhóm các học giả Trung Quốc không giành được thế thượng phong.
Công nghệ quân sự và chiến lược quân sự lần lượt là những tham biến độc lập và phụ thuộc của ODB trong ODT. Trong quá trình ra quyết định, lợi thế chiến thuật và chiến lược trước mỗi quốc gia và/hoặc nhóm quốc gia sẽ chỉ được viện dẫn sau cùng để phòng khi lợi thế đó có thể có những tác dụng ngược. Lẽ dĩ nhiên, một lợi thế nào đó không thể là tuyệt đối ở mọi thời điểm và trước mọi đối thủ.
Công nghệ quân sự về bản chất vừa mang tính phòng ngự vừa mang tính tiến công. Bởi vậy những thiếu sót sẽ là tiền đề dẫn đến những rủi ro sau này.
Từ lâu, năng lực đánh trả một cuộc tấn công hạt nhân thường được hiểu là dấu hiệu cho thấy khả năng vượt trội của phòng ngự trong cán cân tiến công-phòng ngự, đặc biệt là để đảm bảo an ninh cho nước sở hữu năng lực đó. Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực phấn đấu để đạt được khả năng đó. Tuy nhiên, nước này vẫn còn phải vượt qua một số dấu mốc trong hình thái chiến lược tiến công. Kỷ nguyên chiến tranh thông tin đã đến để biến tất cả các lợi thế của Trung Quốc thành hiện thực. Binh pháp Tôn Tử thể hiện quan điểm "chiến thắng mà không cần đến chiến tranh". Giới lãnh đạo và các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc có thể tận dụng tất cả các điểm dừng cho hình thái chiến lược tiến công chỉ khi mà "lợi thế chiến lược và hình thái chiến lược" trước đối phương tỏ ra phát huy tác dụng.
Những nguy cơ mà Trung Quốc có thể phải đối mặt và biện pháp đối phó
ODB của Trung Quốc phát huy tác dụng tích cực trước hầu hết các nước láng giềng. Ngoài tác dụng làm vô hiệu hoá các nhân tố ODB phái sinh, khả năng Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự giải quyết các vấn đề liên quan đến các lợi ích chính là rất cao. Với việc một số nhân tố cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia (zonghe guoli) của Trung Quốc có bước phát triển nhanh trong khi cơ cấu thể chế tồn tại từ thời xa xưa của nhà nước phản ứng dưới mức hiệu quả trong việc giải quyết những mâu thuẫn ngày một tăng trong cái mà người dân Trung Quốc gọi là quản lý xã hội (shehui guanli), nguy cơ Trung Quốc sử dụng các công cụ quân sự để bảo vệ các lợi ích cốt lõi và/hoặc để giải quyết các tranh chấp với các nước láng giềng với ODB tương đối thấp về mặt lý thuyết là có thực.
Điệp khúc của Chen Xiangyang và những đồng nghiệp khác của ông ta phát trên các phương tiện truyền thông để cổ vũ cho Trung Quốc áp dụng hình thái chiến lược tấn công trong trường hợp đối mặt với tình trạng bất ổn của các nước láng giềng có thể trở thành sự thật để đáp ứng các mục đích thực tế trong thời gian sắp tới.
Những tác động xấu của các cuộc khủng hoảng diễn ra vào tháng 4/2010 ở Kyrgyzstan đến các phong trào chính trị ở Khu vực tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương (XUAR) có lẽ khiến Trung Quốc phải quan ngại. Thủ phủ Ô Lỗ Mục Tề (Ulumuqi) của khu tự trị Tân Cương chỉ cách tỉnh Osh (nơi diễn ra các cuộc bạo loạn) ở miền Nam Kyrgyzstan một giờ bay. Như chủ bút của tờ Global Times nhận định, Trung Quốc lo sợ một cuộc khủng hoảng giống như đã diễn ra ở khu vực Ban Căng làm phương hại đến các lợi ích chiến lược của nước này.
Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc trong đó có Xu Xiaotian, một chuyên gia về Trung Á làm việc ở Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR) và Dong Manyuan, một chuyên gia về khống khủng bố tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) tỏ ra quan ngại với tính hiệu quả của các biện pháp an ninh khu vực nhằm chặn đứng những diễn biến bất lợi. Nhân tố Nga gián tiếp ngáng đường giới lãnh đạo và các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc, buộc họ phải tính toán đến các biện pháp quân sự chung cuộc cho tương lai.
Kazakhstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan, tổng cộng có hơn 60 triệu người thuộc các sắc tộc Kazakh, Tajik, Uzbek, và Turkmen. Họ có thể cảm thông với khát vọng chính trị của những người anh em của họ và có thể chờ đợi một số phận khác biệt hơn một chút.
Theo quan điểm chung của Chen Xiangyang và các đồng nghiệp của ông, các nước ở khu vực ngoại biên mà ở trong tình trạng bất ổn về chính trị thì cũng sẽ rơi vào tầm ngắm của hình thái chiến lược tấn công của Trung Quốc. Ở Nam Á, ngoài Ápganítxtan và Ấn Độ, hình thái chiến lược này cũng áp dụng với đồng minh thân thiết Pakistan. Ở Đông Nam Á, là Thái Lan và Myanmar, và ở khu vực Đông Bắc Á, là Mông Cổ, bán đảo Triều Tiên. Mặc dù hơi gò ép, các nhà chiến lược Trung Quốc buộc phải áp dụng thế chiến lược tấn công với trường hợp Nhật Bản.
Chen Xiangyang và các đồng nghiệp của ông cũng nhận thức được gót chân Asin của Trung Quốc. Trong khi cảnh báo về "hiệu ứng đôminô" ở khu vực láng giềng bất ổn, và đề xuất tính cấp thiết của việc áp dụng hình thái chiến lược tiến công, họ cũng kêu gọi phải cẩn trọng tránh liều lĩnh mù quáng và phải biết phân biệt giữa hiện tượng bất ổn chính trị diễn ra theo những chu kỳ nhất định ở những nền dân chủ lớn với tình trạng gần như vô chính phủ ở những quốc gia có nền dân chủ giả tạo. Ấn Độ, Hàn Quốc và Pakítxtan thuộc về nhóm thứ nhất trong khi đó Ápganítxtan, Pakítxtan, Myanmar, và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK) thuộc vào nhóm thứ hai.
Kết quả nghiên cứu từ những phát triển gần đây cho thấy cần phải chú ý đến những động thái của Trung Quốc trong việc hậu thuẫn cho các cỗ máy chiến tranh, nhất là việc cung cấp hậu cần. Christina Lin đề cập đến vùng "hiểm hoạ Trung Hoa", nơi mà những mạng lưới đường sắt hiện có và/hoặc sắp được xây dựng hứa hẹn giúp triển khai quân nhanh. Sự quan ngoại của bà đã nhận được sự chia sẻ của nhiều nhà phân tích, đáng chú ý có Konstantin Syroyezhkin đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược của Kazakhstan. Một số lần di chuyển quân của PLA gần đây, tiến hành thông qua mạng lưới đường sắt của Trung Quốc, được đánh giá như là một cuộc thử nghiệm vô thưởng vô phạt.
Đầu tháng 9/2010, Trung Quốc tiến hành di chuyển trên quy mô lớn một lực lượng của PLA, bao gồm hơn 1.000 sĩ quan lục quân và binh lính, một đơn vị làm nhiệm vụ đảm bảo hậu cần và một đơn vị tác chiến đường không đến Kazakhstan bằng đường tàu hoả. Hai tháng sau, vào tháng 11/2010, PLA lại di chuyển một lực lượng lớn từ địa điểm tổ chức Hội chợ World Expo ở Thượng Hải về các đơn vị ở Nam Kinh.
Những sự kiện này là phép thử đối với khả năng tung phóng lực lượng của Trung Quốc. Trung Quốc đã cho xây dựng các tuyến đường sắt đến Tây Tạng, và sắp tới nước này sẽ có tuyến đường sắt kết nối với Nepal. Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đến Lào, Singapore, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Iran, Afghanistan, và Tajikistan đã đồng ý hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một tuyến đường sắt Trung Quốc-Iran chạy từ Tân Cương qua Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, và điểm cuối là Iran. Như là một phần của Tuyến đường sắt xuyên Á do Liên Hợp quốc tài trợ, tuyến đường sắt này sẽ mở rộng theo hướng tây đến Irắc, Xêri, Thổ Nhĩ Kỳ, và kết nối với châu Âu. Phụ thuộc vào nhiều tham biến phụ thuộc và bổ sung, hình thái chiến lược tiến công của Trung Quốc do đó về mặt giả thiết có thể tác động đến tất cả những quốc gia này.
Các biện pháp đối phó với hình thái chiến lược tiến công của Trung Quốc phải đa chiều. Chúng có thể tạm gọi với cái tên quy tắc ngón tay cái. Trong khuôn khổ của ODT, các nước ngoại biên sẽ phải thiết lập một hàng rào hợp tác tập thể, đồng thời củng cố sức mạnh cứng và mềm của ODB để đối phó với hình thái chiến lược tiến công của Trung Quốc.

Tổng số lượt xem trang