"Tam thập lục kế" trong lịch sử Việt Nam "Chỉ Tang Mạ Hoè" rồi còn "Du Long Chuyển Phượng".... |
Làm con rồng thất kinh!...
ĐQAThái: Thưa quý thính giả, chúng tôi là Đinh Quang Anh Thái, xin trở lại "Giờ Giải Ảo" với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, phát thanh mỗi tối Thứ Ba trên băng tần 1190AM của đài NVR và trên mạng lưới điện toán toàn cầu kxmx.com cùng trang nhà của nhật báo Người Việt. Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, trong chương trình tuần trước, khi nói về tam thập lục kế của văn hoá Trung Hoa để minh diễn và nhắc tới lịch sử Việt Nam, ông có làm nhiều thinh giá chú ý và thấy lý thú về cái kế "chỉ tang mạ hoè" mà Nguyễn Phúc Ánh đã áp dụng với Giám mục Bá Đa Lộc. Ông còn nói vào cùng thời đại ấy, vua Quang Trung Nguyễn Huệ cũng đã áp dụng một kế tương tự, nhưng lại nhắm vào Hoàng đế Mãn Thanh là Càn Long. Vì vậy, kỳ này xin đề nghị ông khai triển tiếp về cái kế chỉ cây dâu mà mắng cây hoè....
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trong kỳ trước, ta nói đến hoàn cảnh khó xử của ông Nguyễn Ánh khi cần tới sự yểm trợ của Giám mục Bá Đa Lộc, nhưng vẫn sợ ông này chi phối Hoàng tử Cảnh theo hướng bất lợi cho mình vì làm các tướng bất mãn. Vì vậy, muốn mắng cây hoè, Nguyễn Ánh phải chỉ vào cây dâu, thực tế là đốn luôn cây dâu là quan Giám quân Tống Phúc Đạm, người ông giao cho nhiệm vụ phò tá Hoàng tử Cảnh ở Diên Khánh, bên cạnh ông Bá Đa Lộc. Nhưng Tống Phúc Đại cũng lại bị Bá-Đa-Lộc thuyết phục mà xin Nguyễn Ánh tôn trọng quyết nghị của Giáo hội La Mã phê phán những "nghi thức Trung Hoa" để bãi bỏ một số nghi lễ ông Giám quân này gọi là mê tín ở trong triều. Nguyễn Ánh bèn hài tội Tống Phúc Đạm và vụ xử án quan Giám quân chính là một cách "Chỉ tang mạ hoè" khiến Bá-Đa-Lộc chột dạ lẩn tránh mất mấy ngày.
- Sau đấy, ông Giám mục phải kể công là đã giúp Nguyễn Ánh từ bao năm nay và nhấn mạnh đến vai trò "sứ thần của Hoàng Đế Pháp" mới củng cố được vị trí của mình. Đồng thời, Đông cung Cảnh cũng bắt đầu biết sợ và lánh dần ảnh hưởng của Đạo Gia Tô, trở về với giáo dục cổ truyền của các quan trong triều. Nhưng, mưu kế của Nguyễn Ánh không có kích thước quy mô bằng kế hoạch ngoại giao của Quang Trung Hoàng Đế đối với triều Mãn Thanh của vua Càn Long. Lần này, cây hòe bị chửi chính là Thanh Càn Long trong khi Hoàng đế của ta lại chỉ sang hai chứ không phải là một cây dâu!
ĐQAThái: Nếu vậy, xin ông kể luôn cho kế này vì câu chuyện có vế hấp dẫn quá!
Nguyễn Xuân Nghĩa: Phải chi là lãnh đạo Hà Nội ngày nay nhớ đến kế ấy trong cách hành xử với Bắc Kinh thì đất nước ta có khi đã tránh được một thời Bắc thuộc mới. Vì vậy, mình cần đọc lại sử để giải ảo!
- Đầu đuôi là sau chiến thắng Đống Đa năm 1789, Quang Trung đặt bài toán ngoại giao với nhà Mãn Thanh như sau: Phải làm hoà với triều Mãn để có thời giờ khôi phục đất nước. Nhưng, làm hòa như thế nào khi triều Mãn lại vừa bị tổn thất quá nhục nhã? Nếu phải xử nhũn, thì nhũn đến mức nào để không mất thể thống và tư thế của nước Nam? Theo nguyên tắc 'mềm nắn, rắn buông', Quang Trung sai Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích tiến hành việc thăm dò phản ứng của Phúc Khang An, là tân Tổng đốc Lưỡng Quảng, và Thang Hùng Nghiệp, là Tả giang Binh bị đạo của Quảng Tây.
- Phúc Khang An có biệt danh là "Đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu", chính là tông thất của Càn Long và là tay quỷ quái hơn đời. Ông ta đã thấy gương Tôn Sĩ Nghị áo quần tiều tụy, không binh không tướng, chết hụt chạy về nhếch nhác, nên chột dạ, đổi ý chủ chiến thành cầu hòa. Còn Thang Hùng Nghiệp cũng chẳng can đảm hơn, nên chính Thang đã gởi thư gợi ý cho Quang Trung xin nhà Thanh phong vương cho mình thay thế nhà Lê, nghĩa là tuyệt nhiên không dám nói đến việc đem 50 vạn quân sang báo thù như đã dự trù nữa. Nắm được yếu tố này, Quang Trung mới cho soạn văn thư gửi Càn Long - một văn thư tiêu biểu của lối "chỉ tang mạ hoè", vừa dọa nạt, vừa đẩy tội cho người khác để Càn Long khỏi bị xúc phạm tự ái.
ĐQAThái: Nghĩa là Quang Trung có gửi thư mắng mỏ, nhưng không mắng trực diện cây hoè mà lại chỉ vào cây dâu, có phải vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Lá thư này do ông Phan Huy Ích soạn, nêu ra hai thủ phạm của những binh đao vừa xảy ra giữa hai nước. Đó là hai cây dâu bị chỉ đích danh.
- Thủ phạm thứ nhất là Lê Duy Kỳ (tức là Chiêu Thống) bị mắng là dâm bạo bất tài, hãm hại kẻ trung lương, giết chết người đồng tông, chém giết những viên mục theo Tây Sơn, mổ bụng cả những người có mang với các tướng Tây Sơn. Khi bị hỏi tội - bởi một viên tiểu tướng của Tây Sơn - Duy Kỳ sợ bóng sợ gió, đương đêm chạy trốn và chuốc lo vào mình.
- Thủ phạm thứ hai bị nêu danh trong thư là Tôn Sĩ Nghị. Thư viết rằng y là kẻ đại thần ở biên cương, đáng lẽ phải hiểu rõ những sự trên, và tâu về Yên Kinh để xin phân xử, thì lại ham tài sắc, nghe lời đàn bà (là bà mẹ Duy Kỳ) đòi động binh sĩ mượn tiếng khôi phục nhà Lê định đánh rốc vào tới Quảng Nam để tiêu diệt nhà Tây Sơn tận gốc rễ.
- Rồi lá thư mới nêu câu hỏi theo kiểu bắt bí: Tôn Sĩ Nghị làm vậy vì bị xui khiến, muốn tự chuyên để lập công hay làm vậy vì chỉ thị của Càn Long? Và trình bày tiếp theo kiểu nhũn nhặn, rằng Quang Trung đã sai gia tướng đem ba đạo bẩm văn để giãi bày nội vụ, yêu cầu Tôn Sĩ Nghị đừng động binh trước khi điều tra rõ ràng sự thể. Nhưng Tôn Sĩ Nghị nghe lời ton hót của mẹ Duy Kỳ, giết sứ giả đưa thư và lùa quân vượt Nhị hà vào Thăng Long. Tại đây, thấy quân Tây Sơn đã rút, Tôn được thể tàn sát, mỗi ngày đến ba bốn chục người, chứa dồn lại đến hơn một nghìn mạng.
- Buộc lòng, bên ta phải 'đem dăm ba trai tráng trong làng trẩy ra' - nội dung lá thư như vậy – là muốn nói chuyện phải trái, nhưng Tôn Sĩ Nghị đánh trước và vừa giao phong đã đổ vỡ chay tan bốn ngả, xô đè lẫn nhau mà chết. Thây xác đầy nội nghẽn sông! Tàn quân chạy ra ngoài thì bị dân gian uất ức đánh chết gần hết.... Chẳng qua, cũng vì Tôn Sĩ Nghị không tâu rõ sự việc, che lấp tai mắt nhà vua (Càn Long) đến nỗi sự thể mới rối ren như vậy.
- Sau khi gỡ thể diện cho Càn Long bằng cách vạch lỗi của Chiêu Thống và Tôn Sĩ Nghị, Quang Trung mới đi vào phần chính của lá thư và nói chuyện với cây hoè.
- Rằng "Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, thế đại đổi thay chẳng phải chỉ một họ (tức họ Lê của Chiêu Thống cũng vậy). Trải qua những triều đại đó, hai nước vẫn muốn giao hiếu, mặc dù có những chuyện... không vui như Ô Mã Nhi và Hoàng Phúc (hai bại tướng của Nguyên và Minh). Nay lòng trời đã chán nhà Lê, con cháu họ Lê đớn hèn không được dân theo nữa, Tôn Sĩ Nghị không biết đòi gây dựng sự nghiệp cho họ nên bị thiệt hại. Hoàng đế nhà Mãn Thanh nên thuận theo ý trời mà chấm dứt việc phong cho vua Lê, thứ cho cái tội đón đánh Sĩ Nghị, và ban ơn mệnh mới cho vua mới là Quang Trung!"
ĐQAThái: Chúng ta trở lại khúc hấp dẫn của kế chỉ tang mạ hoè mà Quang Trung đã áp dụng qua lá thư của ông Phan Huy Ích. Nghĩa là sau khi đổ lỗi cho Lê Chiêu Thống và Tôn Sĩ nghị rồi vẫn đòi cầu phong thay thế nhà Lê để tạm tránh binh đao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thực ra, vua Quang Trung hiểu rất rõ thâm ý của Càn Long. Vì trong đà chiến thắng của trận Đống Đa, quân ta chặn đánh Tôn Sĩ Nghị ở Phượng Nhỡn, làm Tổng đốc Mãn Thanh vứt bỏ hết quân ấn, kỳ bài và sắc thư. Trong đó, quan ta lấy được một sắc thư của Càn Long chỉ cho Tôn Sĩ Nghị kế sách thôn tính nước ta như sau:
"Nghe lời tâu của khanh (là Tôn Sĩ Nghị), Trẫm cho phép đem binh mã ra cửa ải (vào nước ta), nhưng phải đi từ từ, đừng vội vã. Trước phải truyền hịch ra oai, rồi thả các quan theo Lê về nước để họ chiêu tập lực lượng và tìm ra Lê Tự tôn (tức là Duy Kỳ, Lê Chiêu Thống) đương đầu với Nguyễn Huệ. Nghe họ chọi nhau mà xem chừng.
"Nếu lòng người dân Nam còn mến vua Lê, Nguyễn Huệ sẽ thua và phải lui. Bấy giờ hãy sai Tự tôn tiến binh đuổi bắt, khanh kéo quân theo sau hỗ trợ. Thế là không khó nhọc mà thành công.
"Nếu nước Nam nửa theo phe này, nửa theo phe kia, thì Nguyễn Huệ chắc không chịu lui. Khanh nên đưa thư dỗ bảo họa phúc xem Huệ xoay trở ra sao.
"Khi nào thủy quân của ta từ Phúc Kiến và Lưỡng Quảng kéo ra biển khơi, khanh cứ đánh lấy Thuận Hoá, Quảng Ngãi trước. Rồi mới thúc quân bộ tiến lên khiến Nguyện Huệ thụ địch sau lưng và trước bụng, thể nào cũng phải hàng. Lúc đó, ta cứ nuôi sống cả hai, từ Thuận Quảng về Nam thì cắt cho Huệ, từ Hoan Ái (Nghệ An - Thanh Hoá) ra Bắc thì chia cho Lê Tự tôn. Ta đóng đại binh ở giữa, cai quản cả hai...
- Vua Quang Trung đưa cho Ngô Thời Nhậm coi tờ sắc thư này và phán bảo: Nhà Thanh chỉ nghề đòn sóc hai đầu chứ có thực lòng giúp Lê đâu. Nay bị đánh thua, nhịn thì nhục, báo thù thì khó. Muốn dân nghỉ nước yên, ta phải tạm gác can qua, dùng ngọc bạch. Khanh là tay khéo từ lệnh, nên lập tức đưa thư sang Thanh dàn xếp cho êm việc đi.
- Nhớ lại giai đoạn lịch sử đó thì trong kế này, Quang Trung biết rõ mọi việc đều từ Càn Long mà ra. Nhưng, trực diện khiêu khích ông vua kiêu mạn và nhiều mưu lược này của nhà Thanh là điều thất sách. Vì vậy, ông phải nói thác đi, tức vạch ra một đối tượng khác là Tôn Sĩ Nghị để tấn công. Nhưng, ngay trong cách nêu tội Tôn Sĩ Nghị, nhà vua cũng gián tiếp hăm dọa chính âm mưu của Càn Long. Trong văn thư gửi Thang Hùng Nghiệp đính kèm lá thư này, Quang Trung không còn bóng gió mà nói hẳn ra ý mình: "... Ví bằng Thiên triều không chịu khoan dung một chút, cứ muốn động binh để tranh chiến, thì bấy giờ Đại quốc có dạy bảo gì, tôi cũng chỉ xin theo thôi." Nghĩa là nếu Đại quốc có muốn gây chiến thì chúng tôi xin hầu tiếp!
- Lá thư gọi theo đời nay là "cover letter" của Quang Trung làm Thang Hùng Nghiệp hết hồn và giấu biến, không dám dâng lên Càn Long nữa! Sau này, việc "dùng ngọc bạch" mà Quang Trung nói chính là hối lộ các quan Mãn Thanh như Phúc Khang An hay Thang Hùng Nghiệp và Hoà khôn để họ khuyên can Càn Long bãi binh đừng trả thù! Tức là thời ấy ta đã biết vận dụng nội gián ngay trong triều đình Mãn Thanh ở Bắc Kinh. Đời nay, Bắc Kinh dùng nội gián trong tầng lớp lãnh đạo của Hà Nội! Xưa và nay quả là có khác...
ĐQAThái: Quả là lý thú ly kỳ khi chúng ta đọc lại sử theo kiểu minh diễn bằng mưu kế chính trị của cổ nhân. Nội các của vua Quang Trung thời ấy có quá nhiều người giỏi.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Và nhất là không quá sợ Trung Quốc. Xin hay đọc thơ văn chữ Hán của Ngô Thời Nhhiệm thì biết!
- Cũng nhờ vậy mà ngay sau kế "Chỉ tang mạ hoè", Quang Trung còn dùng tay chân của Càn Long để áp dụng một kế khác là "Du long Chuyển phượng"!
ĐQAThái: Chúng ta còn ít phút nên thính giả tất nhiên cũng muốn nghe về kế "Du Long Chuyển Phượng" này.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nghĩa đen của kế này là Lấy cắp con rồng thế vào chỗ con phượng, là tráo người này vào chỗ người khác, lấy vật này thế cho vật khác, hay minh danh điều này mà thi hành điều khác, v.v... để đánh lừa đối phương. Về hình thức, kế này có vẻ tương tự như kế Kim Thiền Thoát Xác, (tức Ve Sầu Vàng Lột Xác), thay hình đổi dạng để lừa địch, nhưng có tính cách chủ động hơn, trong khi kế ve sầu thoát xác ứng dụng cho việc thay đổi hình dạng trong hoàn cảnh nguy cấp để thoát hiểm. Điển hình của kế ve sầu thoát xác là việc Lê Lai mặc áo hoàng bào xuất trận hy sinh thay cho Lê Lợi để đánh lừa giặc Minh khi quân ta bị vây khốn tại Chí Linh. Lê Lợi thoát xác thành một nghĩa quân trốn khỏi vòng vây của địch và tiếp tục lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống giặc Minh. Trong khi đó, kế "lấy rồng thay phượng" có nội dung chủ động, và đòi hỏi những chuẩn bị dầy công hơn để đánh lừa đối phương.
- Trong chính trị cổ đại, thí dụ thông dụng của kế này là chuyện đánh tráo di chiếu của một ông vua vừa băng hà để thay người được chỉ định trong di chiếu bằng một người khác. Thời Tây Sơn, kế này được Quang Trung Hoàng Đế và Ngô Thời Nhiệm thi hành để đánh lừa Càn Long, với sự toa rập của các quan Mãn Thanh mới là thần tình!
- Số là vào Tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, Quang Trung đại phá quân Thanh và giải phóng toàn cõi Bắc Hà khỏi sự thống trị của quân Mãn Thanh. Trên vùng biên giới Hoa Việt, dân Trung Hoa thấy tàn binh Mãn Thanh chạy túa về cũng hoảng sợ chạy theo, làm biên thùy vắng tanh đến mấy trăm dậm. Tin về tới Yên Kinh, Càn Long căm giận xuống chiếu gọi Tôn Sĩ Nghị về trình diện và sai Phúc Khang An làm Tổng đốc hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây đốc xuất binh mã chín tỉnh định đem nửa triệu quân qua cửa Nam Quan rửa hận. Triều Thanh còn đang chuẩn bị kế hoạch phục thù thì Phúc Khang An đã thấy Tôn Sĩ Nghị lếch thếch chạy về, gần 30 vạn binh bị tan tành manh giáp nên chính Phúc Khang An, "đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu" văn võ toàn tài, lại là người chột dạ trước nhất và trở thành... chủ hòa.
- Thắng xong Mãn Thanh, Quang Trung Hoàng Đế lại lui về Phú Xuân giữ căn cứ địa, từ Thăng, Điện trở ra Bắc. Từ Quảng Ngãi trở vào Nam là đất của Thái Đức Nguyễn Nhạc, nhưng Nhạc hết ý chí phấn đấu nên chỉ giữ được Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Phú Yên thôi, mặc cho Nguyễn Ánh trở về Gia Định phát triển lại lực lượng ở trong Nam.
- Trước khi về Phú Xuân, Quang Trung mới dặn bảo các tướng văn võ: "Việc binh giao cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân, việc từ lệnh với nhà Thanh thì ủy cho Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích. Phàm việc, ta cho tùy tiện mà quyết định, ta về Nam rồi, những việc không quan trọng khẩn yếu thì khỏi cần bẩm báo".
- Ngô Văn Sở là Tổng thống quân quốc cơ vụ, và Ngô Thời Nhiệm lo mọi việc bình định chính sự và soạn thảo các văn thư giao thiệp với Mãn Thanh. Vì vậy, văn thư trao đổi với vua quan nhà Thanh đều do Ngô Thời Nhiệm viết, trừ những tài liệu của phái bộ ngoại giao viết trên đất Thanh sau này là do Phan Huy Ích soạn.
- Theo kế hoạch được Quang Trung vạch ra từ trước khi động binh, Ngô Thời Nhiệm và Phan Huy Ích tiến hành đường lối ngoại giao ôn hòa để Càn Long nguôi hận nhưng cũng không kém phần quyết liệt để làm nhụt chí phục thù của triều đình Mãn Thanh.
- Việc bang giao giữa hai nước sau này đều do Ngô Thời Nhiệm bên ta và Phúc Khang An bên Mãn Thanh quyết định cả. Trong triều Mãn Thanh, có Hoà Khôn (có sách viết là Hoà Thân) là người Mãn, do chân ấm sinh lên làm quan trong Nội các, thuộc doanh Hoàng kỳ (cờ vàng), là người lắm uy quyền và ưa nhũng lạm, nên cả Ngô Thời Nhiệm và Phúc Khang An đều khéo léo khai thác làm tay trong để vận động cho giải pháp chủ hòa.
- Sau khi Quang Trung lui về Phú Xuân, Tháng Năm năm Kỷ Dậu, Ngô Thời Nhiệm đưa cháu của Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển sang đất Thanh mở chiến dịch tấn công ngoại giao với chính Phúc Khang An, nhắm mục đích hóa giải mộng báo thù của Càn Long và đề nghị triều Mãn Thanh công nhận Quang Trung Hoàng Đế là vua nước Nam, chấm dứt việc yểm trợ cho Lê Chiêu Thống.
- Trong triều Mãn Thanh, Hoà Khôn tâu với Càn Long là "Từ xưa đến giờ, Trung Quốc chưa bao giờ đắc chí ở cõi Nam cả. Chính các đời Tống, Nguyên, Minh cũng đều thất bại, gương ấy hãy còn sờ sờ", vì vậy nhà Thanh cũng đành vuốt giận. Nhưng Hoà Khôn cũng khéo nêu ra hai điều kiện gỡ thể diện là 1) nước Nam phải lập đền thờ Đề đốc Hứa Thế Hanh (triều Mãn gọi là Đề trấn) và 2) vua Quang Trung phải thân sang triều cận để được phong vương, vào năm tới, nhân dịp bát tuần khánh thọ của Càn Long là mừng Càn Long 80 tuổi.
- Bên ta, Ngô Thời Nhiệm lờ đi yêu sách lập đền thờ Hứa Thế Hanh và nhân việc Càn Long muốn mời vua Quang Trung thân chinh tới Yên Kinh mà đưa ra lý luận là “Quốc trưởng - Quang Trung - chưa được nhận phong mà sang năm cùng với Quốc trưởng các nước khác nhất tề vào chúc mừng Đại Hoàng Đế (Càn Long) thì không khỏi bất tiện”. Mục đích để đòi nhà Thanh phong vương trước đã! - Kết quả là triều Mãn Thanh phải chịu lép!
- Càn Long ban chỉ dụ phong vương cho Quang Trung, tự tay viết một bài thơ tặng và đặc phái hai quan đại thần mang tờ sắc đến nước Nam tuyên phong. Nhưng Mãn Thanh cố gỡ thể diện bằng cách thuyết phục là dù nước Nam chỉ là phiên thuộc nhưng Quang Trung vẫn được phong làm Thân Vương, so với các Thân Vương dù là tông thất hay ngoại phiên thì cũng chẳng kém gì, mà còn trên thứ bậc của những người tông thất hay ngoại phiên giữ tước Quận Vương. Chỉ cần Quang Trung tới Thăng Long nhận sắc và hứa năm sau sẽ sang chúc thọ Càn Long.
- Ngô Thời Nhiệm ậm ừ nhận lời nhưng đòi sứ nhà Thanh phải vào tận Phú Xuân phong vương. Từ Tháng Sáu đến Tháng Chín năm Kỷ Dậu đó, ông viết thay cho Quang Trung Hoàng Đế một loạt văn thư nêu hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn việc Quang Trung ra Thăng Long tiếp đón sắc thư phong vương của Thanh Càn Long: Khi thì gặp lụt lội khó khăn cho việc di chuyển, lúc thì phải trông coi việc tu sửa Nghệ An, rồi lại bị cảm hàn, hẹn cuối Tháng Chín (âm lịch) sẽ ra Thăng Long, rồi viện cớ là tới Nghệ An rồi vua ta lại phải quay về Phú Xuân coi việc ứng phó với một đám chiến thuyền lạ mặt trưng cờ nhà Thanh đe dọa vùng duyên hải từ Nghệ An đến Thuận Hóa ("ngoài bể Đông nước tôi có chừng hơn 100 chiến thuyền đến thẳng núi Biện Sơn, ở ngoài mặt bể tỉnh Nghệ An tiến dần vào cửa bể Nhật Lệ, Tư Dung, thuộc tỉnh Thuận Hoá, quân kỳ và khí giới đều là hình dáng ở nội địa - tức là đất Trung Hoa, theo cách nói của ta - cướp bóc dân cư ở dọc bờ biển khổ không kể xiết... nếu tôi - chỉ Quang Trung - sai gia tướng ra đánh nã lỡ lại là quan quân Thiên triều thời tôi... phạm lỗi với Thiên triều. Văn thư này không nói gì đến việc Quang Trung ra Thăng Long nữa, mà đề nghị cho Quang Thùy ra đại diện, và hỏi vặn Phúc Khang An muốn ta xử trí thế nào về đám chiến thuyền này!
- Sau đó, hai bên đều giằng dai về việc chuẩn bị lễ tiếp đón hai sứ giả của Càn Long đem sắc phong và bài thơ tặng của Càn Long. Bên nhà Thanh, Phúc Khang An muốn ta chuẩn bị đường xá người ngựa thật chu tất. Bên ta, Ngô Thì Nhiệm khi thì thay mặt Quang Trung Hoàng Đế khi thì thay mặt Quang Thùy viện cớ đất Thăng Long tiêu hết vượng khí hoặc Quang Trung bị cảm chưa khỏi để không ra nhận sắc, đòi sứ giả vào tận Phú Xuân làm lễ tuyên phong!
- Trong khi đó, hai sứ giả của Càn Long đã đến Quảng Đông và tới Thăng Long vào trung tuần Tháng Chín, đợi đến cuối tháng vẫn không thấy Quang Trung ra, nấn ná mãi đành trao sắc phong cho Quang Thùy là đại diện tại Thăng Long và trở về vào khoảng mùng 10 Tháng 10 rồi trở về, hẹn mùa Xuân năm sau sẽ được đón vua Quang Trung sang dự lễ chúc thọ Càn Long. Bên ta, Phan Huy Ích làm Khâm sai điều động việc tổ chức lễ nhận sắc phong, tiếp đãi sứ giả của Càn Long rất chu đáo.
- Kết quả là nhà Thanh phải chịu phong vương cho Quang Trung, trong khi Hoàng Đế ta vẫn ở Phú Xuân và Phúc Khang An đành chèo kéo việc mời vua ta sang thăm Càn Long. Đấy là lúc Ngô Thời Nhiệm thi hành kế Du Long Chuyển Phượng bằng cách tìm một người diện mạo giống Quang Trung làm "giả vương", thay thế Quang Trung đi cùng Quang Thùy qua tới cung Nhiệt Hà của Càn Long chúc thọ. Chúng ta sẽ có dịp nói về kế này trong một kỳ khác. Kỳ này, tôi chỉ xin nhắc là một trong các viên tướng Trung Cộng tấn công miền Bắc nước ta vào năm 1979 có Hứa Thế Hữu là chắt của Hứa Thế Hanh! Người ta không quên được nỗi nhục lịch sử và làm gì cũng có tính toán mà mình quên lịch sử của tiền nhân thì quả là rất cần giải ảo!