Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, tính đến ngày 31-12-2010, tổng số dư nợ công ở mức 1.122 nghìn tỉ đồng, tương đương 56,7% GDP năm 2010 và dự kiến tổng số nợ công của năm 2011 sẽ ở mức khoảng 1.375 nghìn tỉ đồng, bằng khoảng 58,7% GDP năm 2011.
Theo Quyết định số 211/2004/QĐ-TTg ngày 14-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010, những chỉ số trên vẫn trong phạm vi giới hạn an toàn
Ngoài ra, theo đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế như WB, IMF, Việt Nam là nước có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ cao (HIPCs).
Mặc dù vậy, xu hướng gia tăng các khoản nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia là đáng lưu ý, đặc biệt khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2011 do chính sách tiền tệ, tín dụng trong nước thắt chặt, huy động vốn trong nước khó khăn.
Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đang nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý, có các đề xuất về hoạt động quản lý rủi ro nhằm kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài một cách hiệu quả.
Cũng theo Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại, từ đầu năm nay đến ngày 18-6-2011, Việt Nam đã có 22 hiệp định vay nợ, viện trợ; trong đó, có 14 hiệp định đã được ký kết, với tổng giá trị là 1.263,41 triệu đô la Mỹ. Trong năm nay, Việt Nam cũng đang đàm phán một số hiệp định vay ưu đã với giá trị lớn, như Hiệp định vay vốn từ Nga cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh thuận với trị giá dự kiến 7,7 tỉ đô la Mỹ; Hiệp định vay vốn của Nhật Bản cho dự án Nhà máy điện hạt nhân số 2; triển khai đàm phán vay theo hình thức OCR của ADB, IBRD; hoàn chỉnh thủ tục để ký kết Hiệp định vay bổ sung 100 triệu đô la Mỹ trong khoản tín dụng khung với Chính phủ Israel. |
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính)
Nguồn: TBKTSG