Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông và triển vọng xung đột vũ trang




Chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông và triển vọng xung đột vũ trang
Ảnh minh họa
Ông Carl Thayer hiện là giáo sư khoa Nhân Văn và Xã Hội Học tại Ðại Học New South Wales, Úc Châu. Ông là chuyên gia nghiên cứu quân sự, kiêm giám đốc diễn đàn Nghiên Cứu Quốc Phòng, là tác giả của gần 400 bài viết nghiên cứu tình hình các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương.
Thưa Giáo Sư Carl Thayer, Trung Quốc muốn gì trong việc liên tục uy hiếp các tàu thăm dò địa chất của Việt Nam trong thời gian gần đây?
G.S. Carl Thayer: Họ muốn tỏ cho thế giới thấy là họ có chủ quyền hợp pháp trên biển Ðông. Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi ở đây, mà không bao giờ dẫn chứng hay giải thích được lý do căn cứ vào đâu mà họ nói như thế.


Bản đồ lưỡi bò mà Trung Quốc công bố không dựa theo đất liền cũng chẳng dựa theo luật biển quốc tế.
Cách đây vài năm, Trung Quốc nhắm vào các nỗ lực khai thác dầu khí của nước Mỹ, giờ đây họ nhắm vào tàu của Việt Nam và của Phi Luật Tân. Họ dùng tàu bè của cá nhân, chứ không phải tàu của Hải Quân để uy hiếp, cho nên rất khó cho Việt Nam phản ứng một cách thích hợp.
Sự kiện họ cắt dây cáp thay vì mang một tàu chiến tiến vào Việt Nam khiến cho tình hình không nặng nề lắm, nhưng cũng đủ để làm Việt Nam nóng mặt, vì bị ngăn chặn làm những việc mình có quyền làm trên lãnh hải của mình.
Trung Quốc muốn gì à? Họ muốn tỏ cho mọi người thấy họ quản trị vùng biển này, vùng biển này thuộc về họ, cho nên họ đi vào vùng đó bình thường như một người lính phòng vệ trên biển. Họ muốn biểu dương quyền của lực của mình, để dọa nạt, ra oai với Việt Nam, và cho Việt Nam biết là thăm dò gì đó ở vùng biển mà họ cho rằng mình làm chủ là không chấp nhận được.
Theo giáo sư thì tại sao Trung Quốc lại có những động thái này trong thời điểm này, mà không là 6 tháng trước đây, chẳng hạn?
G.S. Carl Thayer: Thời điểm mà Trung Quốc đã chọn rất tệ về phương diện giao tế, nhất là ngay trong lúc họ tuyên bố tại cuộc “Ðối thoại an ninh khu vực Shangri La” vừa qua là phải hòa hoãn trong việc giải quyết những tranh chấp. Không những thế, trước đó họ còn cử người qua gặp Phi Luật Tân để cam kết sẽ giải quyết trong hòa bình.
Tại Shangri La, Việt Nam đã tỏ một thái độ khá cứng rắn, Phi Luật Tân cũng thế, dù hơi nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên từ tháng 7 trở đi sẽ có một loạt những hội nghị của các nước ASEAN, để dẫn đến hội nghị thượng đỉnh của các nước Ðông Á vào tháng 10 tới đây, và từ giờ đến đó họ muốn chuẩn bị dư luận thế giới, cho thế giới thấy đây là vùng biển của họ.
Từ bây giờ đồng hồ bắt đầu điểm. Chỉ còn bẩy tháng nữa thì Indonesia sẽ làm chủ tịch của ASEAN, và nếu Bắc Kinh có thể thuận buồm xuôi gió vượt qua những tranh chấp này, họ sẽ có Brunei, Cambodia, Myanmar, Lào thay phiên nhau làm chủ tịch ASEAN.
Như vậy trong 4 năm liên tiếp, Việt Nam sẽ ở trong tình trạng mà những quốc gia thay phiên nhau làm chủ tịch ASEAN không có quyền lợi trực tiếp gì ở vùng biển Ðông, cũng như chưa hề có những thái độ cứng rắn (với Trung Quốc) từ trước giờ. Vậy nếu Trung Quốc chứng minh được, trong thời gian này, chủ quyền của mình ở vùng biển Ðông thì mọi việc sẽ coi như là được êm đi trong vòng 4 năm nữa.
Mặt khác một số nhà phân tích lại cho rằng Trung Quốc có tất cả 5 cơ quan quản trị hàng hải, và Hải quân Trung Quốc là một bộ phận riêng. Có thể những cơ quan địa phương này muốn chứng tỏ quan điểm của mình là phải khẳng định chủ quyền trên biển Ðông mạnh hơn, vì họ cho rằng Hồ Cẩm Ðào quá yếu.
Nếu phân tích này đúng thì đây là một vấn đề liên quan đến chính trị của nội bộ tương lai của Trung Quốc nhiều hơn là vấn đề biển Ðông, nhưng tôi không nghĩ thế. Dầu sao thì Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục bị áp lực thế giới là phải giải quyết vấn đề một cách đa phương thay vì song phương như họ muốn.
Giáo Sư Carl Thayer. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Giáo Sư Carl Thayer. (Hình: Hoàng Ðình Nam/AFP/Getty Images)
Về phía nhà cầm quyền Việt Nam, thì giáo sư đánh giá là họ có phản ứng thích hợp với tình hình không?
G.S. Carl Thayer: Việt Nam phải cẩn thận để tránh biến mình thành người gây hấn trong vùng, và rơi vào điều mà Trung Quốc muốn tuyên truyền.
Việt Nam phải làm sao cho thế giới thấy mình là nạn nhân trong cuộc tranh chấp chủ quyền này, không phản ứng thái quá, và cũng không nên chủ động làm leo thang sự trầm trọng của tình hình. Nếu không Việt Nam có thể bị dồn vào một thế hiểm nguy, là những nước còn lại trong ASEAN sẽ hoảng lên và can gián là “không nên làm quá, hùng hổ như vậy là không nên, vì chúng ta cần duy trì hòa bình ...” vì đa số những nước này đều sợ Trung Quốc, và muốn duy trì tình hình ổn định tại đây.
Như vậy, Việt Nam một mặt phải tỏ thái độ cứng và từ từ cho Trung Quốc thấy là mình có cũng “có xương sống” trước Trung Quốc, tiếp tục đặt vấn đề với lãnh đạo của nước này. Mặt khác tiếp tục tìm cách nói chuyện với các nước trong vùng để giải quyết vấn đề một cách đa phương, vì theo tôi nghĩ Trung Quốc đang tìm cách cô lập họ, khiêu khích họ, để biến họ thành kẻ hung hãn, rồi có dịp nói với các nước còn lại là hãy khuyên bảo Việt Nam có thái độ hòa hoãn để chúng ta cùng có một tương quan tốt.
Chúng ta phải hiểu rằng Trung Quốc đã dùng biện pháp ngoại giao và có một số thỏa thuận với Myanmar, vì thế Myanmar chưa bao giờ đề cập đến vấn đề biển Ðông.
Cambodia vì dưới ảnh hưởng của Trung Quốc cũng không đặt vấn đề, và Lào có lẽ cũng chẳng đặt vấn đề này làm gì. Như vậy ít nhất là ba trong 4 chủ tịch của ASEAN trong 4 năm tới sẽ một là ngả về Trung Quốc, hai là sợ Trung Quốc nên không dám lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này.
Tóm lại, theo tôi Việt Nam không thể để cho mình bị cô lập về mặt ngoại giao, nên vừa phải cứng rắn vừa phải khôn khéo, và đây là một chiếc dây rất khó đi sao cho vững.
Giáo sư vừa phân tích là Việt Nam đang đứng trước một tình hình vừa gay go vừa hết sức tế nhị, đòi hỏi phải có một giải pháp nhiều chiều. Như vậy ông chấm điểm Việt Nam về những mặt này như thế nào?
G.S. Carl Thayer: (Cười) Khi Việt Nam quyết định cho tàu Bình Minh 02 tiếp tục hành trình thăm dò địa chất ngoài khơi, sau khi bị cắp cáp, điều này cũng giống như một động tác đấu tranh bất hợp pháp. Quyết định mở ra hai cuộc tập trận vào ngày Thứ Hai tới đây chắc chắn sẽ đưa ra một tín hiệu rất rõ mà Trung Quốc không thể nào lầm lẫn được.
Từ trước đến giờ tôi vẫn chỉ trích Việt Nam là không phổ biến tin tức đầy đủ về những hành vi chơi ép của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Ðông. Thật ra đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam bị Trung Quốc cắt dây cáp, chẳng hạn như năm ngoái, nhưng từ trước đến giờ những tin loại này thường bị bưng bít. Câu hỏi được đặt ra là tại sao bây giờ Việt Nam lại cho phổ biến những tin này? Tôi cho rằng có thể cuộc đối thoại an ninh khu vực Shangri La trong tuần qua là một trong những lý do.
Theo giáo sư dự đoán thì việc gì sẽ xẩy ra? Tình hình có thể đưa đến chiến tranh không?
G.S. Carl Thayer: Tôi nghĩ là không đến nỗi sẽ có chiến tranh đâu. Nhưng Trung Quốc sẽ làm sao để ép tất cả các nước trong vùng, đặc biệt là Việt Nam vào cái thế phải “hợp tác khai thác” với họ, và dĩ nhiên Trung Quốc sẽ dồn các nước này vào những hợp đồng có lợi lớn cho Trung Quốc, và vô cùng bất lợi cho họ. Các nước trong vùng nên hiểu rằng, ngoài việc bảo vệ chủ quyền, làm thế nào để bảo vệ được quyền lợi kinh tế cho quốc gia cũng sẽ là một vấn đề vô cùng quan trọng.
Xin cám ơn giáo sư đã dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn này!
Nguồn Diendantheky

Tổng số lượt xem trang