Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận định về tình hình căng thẳng ở biển Đông




Nhân vụ tàu Viking 2


Nguyễn Trọng Vĩnh  

"...chúng ta còn mất nhiều phần đất, mất cao điểm 1509 trong huyện Vỵ Xuyên, Hà Giang, ½ thác Bản Giốc, hơn 100m từ Hữu Nghị quan xuống Tân Thanh, cộng lại mất bằng cả một tỉnh Thái Bình. Trung Quốc bao giờ cũng tìm cách ăn hơn..."



Ngày 26/05 nhiều tàu Hải giám Trung Quốc xông vào cắt cáp của tàu Bình Minh 2 đang thăm dò địa chấn trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta chỉ cách tỉnh Khánh Hòa có 116 hải lý, đã bị Bộ Ngoại giao, báo chí và nhân dân ta phản đối, dư luận thế giới chỉ trích. Vậy mà sáng ngày 09/06 phía Trung Quốc vẫn cố tình ngang ngạnh cho hai tàu Hải giám yểm trợ tàu cá 6226 lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking 2 phá hoạt động thăm dò tại tọa độ 47,5’ Bắc và 109 độ 17,5’ Đông trong thềm lục địa Việt Nam.

1. Rơi mặt nạ

Hai sự hiện trên đã làm rơi “cái mặt nạ hòa bình, có trách nhiệm” của nước lớn, phơi rõ bộ mặt thật “bá quyền nước lớn ăn hiếp nước nhỏ” của những người cầm quyền Trung Quốc. Nó cũng làm rách toạc “tấm màn phù thủy 16 chữ và 4 tốt” được giăng ra với lãnh đạo Việt Nam lâu nay, " lộ rõ tính giả nhân giả nghĩa”, “ nói một đằng, làm một nẻo”, “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”, của những người lãnh đạo Trung Quốc.

2. Chống quốc tế hóa và đàm phán đa phương

 

Mọi tranh chấp, tốt nhất là nên giải quyết bằng đàm phán hòa bình. Chúng ta muốn đàm phán công khai giữa Trung Quốc với tập thể các nước ASEAN liên quan. Trung Quốc không chịu, cố đòi đàm phán nội bộ song phương với Việt Nam cũng như với từng nước ASEAN. Vì sao vậy?

a. Vì họ chỉ to mồm tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” chỗ này, chỗ kia mà họ không có được cứ liệu lịch sử nào có giá trị để chứng minh kể cả những vùng biển và bãi đá, cách rất xa Trung Quốc, gần nước hữu quan; còn về phía Việt Nam, chúng ta có đủ cứ liệu lịch sử và pháp lý. Từ đời vua Minh Mạng thứ 15 đã có sắc chỉ ban cho đội trưởng Hải đội Hoàng Sa phái ra Hoàng Sa tìm kiếm sản vật, coi giữ các đảo và cắm bia khẳng định chủ quyền đất nước Đại Nam (Việt Nam ngày nay).

Thời thực dân Pháp cai trị Việt Nam thì do một phân đội Pháp đóng giữ. Chiến tranh thế giới thứ II Nhật hất cẳng Pháp chiếm đóng, sau khi Nhật đầu hàng, tại Hội nghị San Francisco 1951 gồm 50 nước có cả đại diện Trung Quốc, ông Trần Văn Hữu thay mặt Việt Nam tuyên bố chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, cả Hội nghị không ai phản đối. Thời Việt Nam Cộng hòa, thì quân Việt Nam Cộng hòa đóng giữ. Khi chúng ta sắp giành toàn thắng thì Trung Quốc tranh thủ thời cơ đem quân đánh quân Việt Nam Cộng hòa mà chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc này cả thế giới đều biết. Nếu nhà nước ta công bố những tư liệu này và tuyên truyền rộng rãi ra quốc tế, đưa ra Liên Hợp Quốc, ra Tòa án Quốc tế, đưa ra trong đàm phán đa phương thì Trung Quốc thất lýcái “lưỡi bò” tự vẽ ra một cách phi pháp thì có giá trị gì, ai công nhận? Đây mới chính là lấy nước chữa lửa hung hăng ăn cướp của giới cầm quyền Trung Quốc.

b. Họ không chịu đàm phán tập thể với các nước ASEAN vì họ không có lý gì để cãi với họ trừ câu vẫn to mồm tuyên bố suông “chủ quyền của Trung Quốc không thể tranh cãi” trơ trẽn bấy lâu nay. Họ nằng nặc đòi đàm phán nội bộ song phương. Đó là thủ đoạn chia rẽ kiểu “bẻ từng chiếc đũa trong bó đũa”. Đàm phán tay đôi để họ dễ đe dọa, dụ dỗ, mua chuộc và gây nghi ngờ lẫn nhau giữa các nước hữu quan. Việt Nam ta công khai phải đoàn kết với các nước trong Biển Đông trong cuộc đấu tranh chung chống Trung Quốc vi phạm chủ quyền các nước chúng ta.

3. Đâu còn tình láng giềng, anh em

Về tình láng giềng anh em. Khách quan mà nói thì trong những năm 50, khi cách mạng hai nước thành công, khí thế cách mạng đang lên, còn có tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa, ta coi Liên Xô là anh Cả, Trung Quốc là anh Hai, lúc đó quả có tinh thần láng giềng, anh em. Không có sự giúp đỡ của Trung Quốc về vũ khí, phương tiện thì chúng ta chưa thắng Pháp vào năm 1954. Khi Mỹ hất cẳng Pháp nhảy vào đánh ta cùng với Liên Xô, Trung Quốc cũng giúp ta về nhiều mặt. Trong sự giúp đỡ đó cũng có lợi ích của Trung Quốc. Lúc đó ông Mao còn coi Mỹ là kẻ thù. Đánh Mỹ cùng Việt Nam trên đất Việt Nam còn hơn để Mỹ thẳng tiến sát biên giới Trung Quốc như năm 1950 Mỹ tiến sát sông Áp Lục, bom rơi vào đất Trung Quốc thì phức tạp. Về cuối cuộc chiến, Mỹ gặp khó khăn, Nixon tìm sang Trung Quốc hy vọng nhờ gỡ bí và Đặng Tiểu Bình cũng muốn bắt tay với Mỹ thì tình nghĩa anh em đối với Việt Nam đã dần phai nhạt. Đến tháng 2/1979 Đặng Tiểu Bình huy động hàng chục vạn quân sang bắn giết dân ta, tàn phá 6 tỉnh biên giới của ta và tiếp đến 1988 đem chiến hạm đánh đắm tàu của ta, giết hơn 70 cán bộ, chiến sĩ ta thì chính những người cầm quyền Trung Quốc đã coi Việt Nam là kẻ thù rồi, còn đâu là tình láng giềng anh em nữa mà bây giờ còn kỳ vọng?! (tôi không nói giữa nhân dân hai nước).

4. Trung Quốc đàm phán bao giờ cũng ăn hơn

Cuộc đấu tranh của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của mình là cuộc đấu tranh lâu dài, tất yếu rồi cũng có đàm phán, đàm phán cũng lâu dài, không dễ dàng. Chúng ta phải kiên trì. Tôi có kinh nghiệm là trong đàm phán, Trung Quốc bao giờ cũng ngoan cố giữ quan điểm của mình, không nhượng bộ. Cuộc đàm phán phân định biên giới trên bộ bắt đầu từ năm 1974, 1975. Khi tôi còn làm Đại sứ tại Bắc Kinh mãi đến năm 2000 hai bên ký hiệp định, chúng ta còn mất nhiều phần đất, mất cao điểm 1509 trong huyện Vỵ Xuyên, Hà Giang, ½ thác Bản Giốc, hơn 100m từ Hữu Nghị quan xuống Tân Thanh, cộng lại mất bằng cả một tỉnh Thái Bình. Trung Quốc bao giờ cũng tìm cách ăn hơn. Chúng ta cần cảnh giác!

5. Cậy mạnh ăn hiếp, Việt Nam cũng không sợ

Mặc dầu tôi biết bán chất của người cầm quyền Trung Quốc, nhưng tôi vẫn muốn mọi vấn đề xảy ra trong quan hệ hai nước đều được giải quyết bằng hòa bình. Tôi không chủ trương đối đầu quân sự với họ không phải vì thấy lực lượng quân sự của họ mạnh gấp nhiều lần lực lượng quốc phòng của chúng tôi mà sợ đâu. Tôi thấm nhuần tư tưởng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng tôi mà thôi. Tôi cũng muốn chung sống hòa bình hữu nghị với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, không xâm phạm lợi ích của nhau, không can thiệp vào nội bộ nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi. Tôi tin rằng, nhân dân Trung Quốc cũng muốn thế. Cuộc chiến tranh đánh Việt Nam năm 1979 họ được gì, các triều đại Hoàng đế Trung Quốc phát động xâm lược Việt Nam, người dân Trung Quốc được gì.

Qua hai vụ việc tối 26/05 và 09/06 tôi mong lãnh đạo chúng tôi nhận ra thực chất của “16 chữ và 4 tốt”, phát huy tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm, đi cùng nhân dân, lên tiếng đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, công bố tư liệu cho toàn thể thế giới biết, để cho quần chúng biểu thị lòng yêu nước của mình, để cho báo chí phê phán sai trái của Trung Quốc. Để họ chấm dứt hành động ngang ngược phá hoạt động bình thường của chúng ta trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta, chấm dứt hãm hại ngư dân ta. Trong tình hình thế giới hiện nay, nếu gây chiến tranh họ sẽ bị hoàn toàn cô lập.


Nguyễn Trọng Vĩnh
Nguồn: bauxitevn (BVN)

Tổng số lượt xem trang