TT - Nhiều doanh nghiệp (DN) ở các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) không tuyển được lao động. Nhưng theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, số lượng lao động đăng ký thất nghiệp trong sáu tháng đầu năm 2011 lên đến hơn 146.500 người (tăng ba lần so với cùng kỳ năm trước).
Vậy thì nguồn lao động đang đi về đâu và giải pháp nào cho việc thu hút lao động vào làm việc trong các DN? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Định, phó trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM, về thực trạng này và những giải pháp cho tình hình hiện nay. Ông Định nói:
- Các DN sau một thời gian đầu tư sản xuất đi vào ổn định thì bắt đầu mở rộng sản xuất và tuyển thêm nhiều lao động, nhất là DN trong các ngành thâm dụng lao động như may, da giày, chế biến thủy sản. Đây chính là những khu vực đang “khát” công nhân (CN) nhất. Trong năm năm tới, các DN trong các KCX-KCN cần tuyển thêm 100.000 lao động nên việc thiếu lao động dự báo ngày càng gay gắt.
Thiếu lao động vì lương không đủ sống
"Không ở đâu trả lương cho công nhân thấp như ở nước ta. Các doanh nghiệp đầu tư vào các KCX-KCN tận dụng nguồn lao động giá rẻ để đạt lợi nhuận, nhưng trả lương rẻ mạt như vậy thì công nhân không thể gắn bó lâu dài được. Và thế là cái vòng cứ luẩn quẩn. " Ông Nguyễn Tấn Định (phó trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM) |
- Các DN sản xuất trong lĩnh vực thâm dụng lao động thiếu lao động nhất. Trước đây, tuyển 100 thì có 1.000 người xếp hàng dự tuyển, nay tuyển 1.000 thì chưa đủ 100 người đăng ký. Trước đây, nhiều nơi chỉ tuyển lao động trình độ tốt nghiệp THPT rồi dần hạ xuống lớp 10, lớp 9, thậm chí dưới lớp 9. Một số cán bộ lao động ở các tỉnh cho biết nhiều CN chỉ biết ký tên mình để nhận lương chứ không biết đọc biết viết. Nhiều DN rao tuyển lao động trình độ phổ thông nhưng thực tế có bao nhiêu là tuyển bấy nhiêu, không kể trình độ.
* Có phải do lương thấp, tăng ca nhiều, điều kiện sống không ổn định nên CN bỏ việc về quê hoặc tìm công việc khác gây ra tình trạng thiếu lao động?
- Chưa hẳn như vậy. Tại các KCN ở các tỉnh và vùng nông thôn cũng đang thiếu lao động, thiếu ở đây là tình trạng thiếu chung của cả nước. Thực tế, số lượng lao động ngoại tỉnh tại TP.HCM quay về quê làm việc không nhiều lắm, theo thống kê có trên 90% CN của các KCX-KCN TP.HCM quay lại làm việc sau đợt tết vừa rồi.
Chính xác phải nói là người lao động chê DN chứ không phải thiếu lao động. Nguyên nhân chính của tình trạng này một phần là do DN chưa có chính sách chăm lo thỏa đáng để giữ chân CN, một phần là người lao động có nhiều sự lựa chọn công việc. Còn một tình trạng nữa là hiện nay nhiều DN không nâng mức lương tối thiểu, không nâng lương niên hạn cho CN nên không khuyến khích được CN gắn bó với DN, khiến họ bỏ đi. Nếu đồng lương sống được thì muốn bao nhiêu lao động cũng có.
* Trong sáu tháng đầu năm nay, có 30.000 CN các KCX-KCN tại TP.HCM bỏ việc. DN đang “khát” lao động nhưng số người thất nghiệp và bỏ việc lại tăng cao, vì sao thưa ông?
- Người lao động có xu hướng làm việc nơi này vài năm thì bỏ để lãnh một khoản trợ cấp thất nghiệp, rồi nhảy qua công ty khác. Do tình hình chung là thiếu lao động nên họ dễ dàng xin được ngay việc khác. Vì vậy con số thất nghiệp hiện nay chỉ là con số “ảo”.
Giải pháp với “lão hà tiện”
* Có bao giờ ông trao đổi với lãnh đạo các DN về cách giữ chân công nhân không?
- Một vị lãnh đạo một DN ta thán rằng năng suất của CN chỉ đạt 50% trong khi hàng phế phẩm (sản phẩm không đạt chất lượng) trong sản xuất lên đến 15-18% nên không thể tăng lương được. Sau khi tìm hiểu về DN này, tôi nói rằng anh trả lương cho CN ở đây chỉ bằng 1/6 CN ở nước khác nhưng năng suất đến 50% là rất cao. Thứ hai là suất ăn của CN chỉ có 8.000 đồng, trừ đi chi phí của nhà cung cấp còn khoảng 5.000 đồng vào bụng CN thì làm sao họ đứng nổi mà làm. Vì vậy CN thường nghỉ việc. Do đó DN phải tuyển CN mới nên hàng phế phẩm sẽ tăng lên.
* Giải pháp nào để khắc phục tình trạng thiếu lao động trong các KCN-KCX hiện nay, theo ông?
- Thứ nhất, Chính phủ phải điều chỉnh mức lương tối thiểu làm sao đảm bảo đời sống cho CN, đừng để DN lợi dụng mức lương tối thiểu thấp để áp giá tiền lương trả. Nếu điều này không được thay đổi thì tình trạng thiếu lao động sẽ tiếp tục kéo dài. Mặt khác, việc tăng lương hằng năm dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như hiện nay là không phù hợp vì CPI là rổ tính của hàng ngàn mặt hàng, trong khi những thứ thiết yếu mà CN dùng hằng ngày chỉ có vài mặt hàng tăng rất cao, nhất là thực phẩm. Lấy việc tăng chung của ximăng, vàng, sắt thép cộng lại rồi theo đó đề ra mức tăng lương cho CN là không hợp lý.
Thứ hai, chính quyền địa phương có KCN-KCX cần ổn định đời sống cho CN bằng cách giữ được giá cả ổn định, lo chuyện nhà ở, nhà trẻ cho con của họ, đưa hàng bình ổn giá đến được với họ...
* Nhưng về phía DN, họ cũng cần phải thấy trách nhiệm của mình chứ, thưa ông?
- Tất nhiên. Tình trạng CN bỏ nơi này sang nơi khác chỉ vì mức thu nhập cao hơn có 100.000-200.000 đồng hoặc được lo chỗ ở rất phổ biến. Sự mất ổn định lao động này không có lợi cho CN lẫn DN.
Tôi biết có một DN trong lúc giá cả leo thang đã không tính đến chuyện đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận, chia cổ tức mà đặt trọng tâm nhiệm vụ chăm lo cho người lao động. Vì họ biết nếu CN bỏ đi thì sau khủng hoảng sẽ không đủ lao động để phát triển sản xuất. Kết quả là trong năm kinh tế khủng hoảng nhưng DN đó vẫn lãi lớn do CN làm việc hết sức mình để giúp họ vượt khó. Điều này cho thấy DN cần chủ động đưa ra chính sách tiền lương thỏa đáng để người lao động ổn định tâm lý và gắn bó với mình. Còn khi đình công đã xảy ra, CN yêu cầu tăng thêm 500.000-700.000 tiền lương thì dù DN có chấp nhận, mối quan hệ của hai bên đã đổ vỡ.
Công nghệ lạc hậu, năng suất thấp Theo ông Nguyễn Tấn Định, 10-15 năm trước, các doanh nghiệp đến đầu tư đều đưa máy móc mới vào. Đến nay dây chuyền sản xuất đó đã lạc hậu. Vì nhiều lý do, các doanh nghiệp cũng chưa kịp thời đổi mới. Đó cũng là một trong số các nguyên nhân làm hiệu quả, năng suất lao động chưa cao, dẫn tới trả lương cho công nhân không cao. |
ĐÌNH DÂN - NGUYỄN NAM thực hiện
-Hãy nghe tiếng kêu của người lao động
TT - Chiều 8-7, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Minh Huân đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các doanh nghiệp năm 2011.
Công nhân đóng tiền nhà cho chủ trọ ở Q.Thủ Đức, TP.HCM. Tiền nhà trọ là một khoản lớn so với thu nhập ít ỏi của công nhân - Ảnh: Ng.Nam |
Theo đề án mà Bộ Lao động - thương binh và xã hội đưa ra, mức lương tối thiểu sẽ tăng theo bốn vùng, thấp nhất 1,4 triệu đồng (vùng IV), cao nhất 1,9 triệu đồng (vùng I) và thực hiện từ ngày 1-10-2011 (sớm so với lộ trình ba tháng). Mức lương này thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt khu vực doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài phương án mà Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra lấy ý kiến, tại hội nghị này Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề xuất phương án tăng cao hơn, trong đó vùng IV là 1,6 triệu đồng và 2,2 triệu đồng cho vùng I.
Lương thấp nhất khu vực
Phụ cấp công vụ cho cán bộ, công chức Chính phủ vừa ban hành nghị định về chế độ phụ cấp công vụ. Mức phụ cấp này bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm. Phụ cấp công vụ được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng. Chế độ quy định tại nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1-5-2011. V.V.T. |
Trước đó, sáng cùng ngày, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng đã có cuộc tham vấn ý kiến doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp. Theo ông Huân, một số doanh nghiệp có ý kiến không đồng tình với tăng lương tối thiểu trước thời hạn vì đang trong thời điểm khó khăn và bị động.
Một số doanh nghiệp nước ngoài còn dọa sẽ rút đầu tư sang các nước khác. Đại diện của Phòng Thương mại và công nghiệp chi nhánh phía Nam (VCCI) cũng cho biết việc điều chỉnh tăng lương và tăng trước thời hạn sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp dệt may, da giày thâm dụng lao động vì hợp đồng đơn hàng họ đã ký cho cả năm khó mà thương lượng lại được.
Tuy nhiên, phản ứng lại vấn đề này, ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, phát biểu: “Lấy lý do sợ nhà đầu tư không vào hay rút đi là ngụy biện, không có cơ sở. Hãy cứ tăng lương tối thiểu đủ để đáp ứng cuộc sống của người lao động xem doanh nghiệp họ có đi không. Tôi nghĩ họ không thể đi đâu được vì mức lương của chúng ta hiện nay là thấp nhất khu vực rồi. Ngay cả Campuchia hay Lào, lương cơ bản cũng cao hơn ta”.
Ông Lâm còn nói thực tế tranh chấp lao động là lý do mà doanh nghiệp sợ đầu tư vào đây chứ chưa có doanh nghiệp nào rút đầu tư vì trả lương cho người lao động cao. Ông Lâm ví dụ: “Vừa qua ở Khu chế xuất Tân Thuận xảy ra tranh chấp lao động nhiều và hầu hết là ở các doanh nghiệp Đài Loan. Chúng tôi đã có cuộc họp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đài Loan và tư vấn cho họ hãy trả lương cao hơn để tránh đình công. Họ nói là rất muốn trả cao hơn nhưng không thể vì quy định lương của Chính phủ Việt Nam quá thấp, các đối tác nước ngoài dựa vào đó kềm giá đơn hàng nên có muốn cũng không thể tăng hơn được”.
Đồng tình với ý kiến của ông Lâm, ông Huỳnh Văn Tịnh - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Đồng Nai - nói: “Các doanh nghiệp cứ kêu ca khó khăn vì thế này thế khác nhưng theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng đầu năm của tỉnh Đồng Nai, việc sản xuất của các doanh nghiệp vẫn ổn, vì thế tăng lương tối thiểu và tăng trước thời hạn là điều nên làm”. Nhiều đại biểu khác cũng cho rằng điều chỉnh tăng lương là điều nên làm, các doanh nghiệp không thể không tăng.
Ủng hộ mức đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động
Với phương án điều chỉnh lương tối thiểu lần này, tính từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã năm lần điều chỉnh mức lương tối thiểu: theo đó, đối với doanh nghiệp trong nước thấp nhất là vùng IV từ 450.000 đồng lên 1,4 triệu đồng; cao nhất là vùng I từ 620.000 đồng lên 1,9 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thấp nhất là vùng IV từ 710.000 đồng lên 1,4 triệu đồng, cao nhất là vùng I từ 870.000 đồng lên 1,9 triệu đồng. Ngoài phương án tăng lương, Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết Chính phủ quy định doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động với mức tối thiểu 15.000 đồng/bữa/người. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tiếp tục thực hiện mức hỗ trợ ăn giữa ca tối đa 620.000 đồng/tháng và từ ngày 1-1-2012 tối đa là 730.000 đồng/tháng. |
Hội nghị có 11 ý kiến thì hầu hết đều cho rằng phương án tăng lương tối thiểu của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là lạc hậu, không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người lao động. Ngay bà Tống Thị Minh, vụ trưởng Vụ Tiền lương của Bộ LĐ-TB&XH, cũng cho biết mức điều chỉnh này chỉ phần nào bù được trượt giá chứ chưa thể đáp ứng cuộc sống tối thiểu cho người lao động.
Tất cả ý kiến khác cho rằng ngay cả mức đề xuất tăng lương tối thiểu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn còn thấp nhưng tạm chấp nhận được. Nhiều đại biểu cho rằng giá cả lương thực, thực phẩm thì tăng phi mã (18%), trong khi mức điều chỉnh lương thấp như thế thì tranh chấp lao động vẫn sẽ xảy ra.
Ông Hồ Xuân Lâm cho rằng mức điều chỉnh mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là quá lạc hậu, không đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. “Lần điều chỉnh trước chúng tôi đã có ý kiến là quá thấp, không bám vào đời sống thực tế người lao động và sau đó hậu quả là tranh chấp lao động vẫn tiếp diễn và có phần tăng cao hơn. Hãy nghe tiếng kêu của người lao động, nếu không chúng ta sẽ đối mặt với tranh chấp lao động liên tục và căng thẳng hơn”.
Đại diện của tỉnh Long An cho biết hầu hết doanh nghiệp ở tỉnh đã trả lương thực tế thấp nhất là 1,6 triệu đồng và cao nhất 1,9-2,2 triệu đồng/tháng nhưng tranh chấp lao động vẫn xảy ra và rất nhiều. Ngay trong tháng 7 đã có hơn 40 cuộc tranh chấp lao động với nguyên nhân là lương thấp, vậy mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra mức điều chỉnh như thế là chưa đánh giá đúng tình hình.
Kết luận hội nghị, ông Phạm Minh Huân cũng đồng tình với ý kiến cho rằng ngay cả mức lương tối thiểu mà Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất chưa đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, ông cho rằng bộ đưa ra mức điều chỉnh trên là dựa nhiều vào các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, phải tính toán đến lợi ích hài hòa giữa người lao động và doanh nghiệp.
Nhất quyết phải tăng lương tối thiểu Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: - Theo lộ trình, đến đầu năm 2012 mới điều chỉnh tăng lương, tuy nhiên do tình hình có nhiều thay đổi, lạm phát giá cả tăng phi mã nên Chính phủ quyết định điều chỉnh lương trước thời hạn ba tháng để ổn định cuộc sống của người lao động. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu trước thời hạn lần này sẽ có hai mặt tác động, người lao động sẽ được hưởng lợi sớm trong khi có doanh nghiệp chuẩn bị được nhưng cũng có doanh nghiệp sẽ bị động. Tuy nhiên, tình hình chung là nhất quyết phải điều chỉnh tăng lương tối thiểu. * Thưa Thứ trưởng, mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu như đề xuất của Chính phủ vẫn còn quá thấp và thậm chí là lạc hậu, không bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động? - Chính phủ đưa ra mức tối thiểu sàn là để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. Việc trả lương phải do sự thỏa thuận giữa hai bên (chủ sử dụng lao động và người lao động). * Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp không thỏa thuận với người lao động mà họ chủ động áp đặt mức lương dựa theo quy định lương tối thiểu của Nhà nước nên người lao động luôn chịu thiệt? - Hệ thống công đoàn của chúng ta ở đâu? Họ là đại diện quyền lợi của người lao động nên phải đấu tranh cho người lao động chứ. Tôi thật sự buồn khi tổ chức công đoàn hoạt động không hiệu quả, không đại diện đấu tranh cho người lao động lại còn nhiều khi đổ lỗi cho Nhà nước. Có một tiền lệ mà doanh nghiệp nào cũng phải sợ và né tránh, nếu trả lương thấp công nhân đình công thì anh thiệt hại nhiều. Ngược lại, nếu chăm sóc công nhân tốt thì họ sẽ làm việc có năng suất. * Thứ trưởng nghĩ gì khi hầu hết đại biểu đều ủng hộ mức đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam? - Cái này thì chúng tôi ghi nhận và kiến nghị lên Chính phủ xem xét, đây là hội nghị lấy ý kiến chứ không có quyết định mức tăng nào cả. HỒ VĂN |
HỒ VĂN
HÀ NỘI (TT) - Chiều 8 tháng 8, Thứ Trưởng Bộ Lao Ðộng Việt Nam Phạm Minh Huân lên tiếng chỉ trích các tổ chức nghiệp đoàn “không tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của công nhân mà chỉ toàn đổ lỗi cho chính quyền.”
Giới thợ thuyền trông chờ được tăng lương. (Hình: báo Tuổi Trẻ)
Ông này tuyên bố trong cuộc họp báo rằng, “rất buồn vì tổ chức công đoàn không đại diện cho quyền lợi của người lao động,” và đặt câu hỏi rằng “hệ thống nghiệp đoàn không biết đang ở đâu.”
Báo Tuổi Trẻ cho biết, trong cuộc họp báo chiều ngày nói trên, ông Phạm Minh Huân công bố dự thảo qui định tăng mức lương tối thiểu của người lao động lên 1.4 triệu đồng/tháng, tương đương với 70 Mỹ kim.
Ðây là mức lương căn bản tối thiểu được áp dụng tại vùng 4 trong khi mức lương căn bản tối đa tại vùng 1 được ấn định là 1.9 triệu đồng, tương đương với 98 Mỹ kim.
Một số cán bộ khu chế xuất tại Việt Nam ủng hộ qui định này và cho rằng đó là mức lương, mặc dù sắp được tăng, vẫn thấp nhất khu vực Ðông Nam Á. Một số người còn chỉ trích thái độ chậm chạp của Bộ Lao Ðộng khi ban hành qui định tăng mức lương tối thiểu để buộc các công ty phải tuân thủ nhằm bảo đảm cuộc sống căn bản thợ thuyền.
Theo họ, thái độ chậm chạp này gây nên tình trạng đình công liên tiếp của người lao động từ đầu năm đến nay sau 3 đợt giá cả leo thang, từ Nam tới Bắc.
Có nơi, công nhân đã phải trả giá bằng máu của mình như vụ đình công ngày 27 tháng 6 tại công ty Giai Ðức, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tại công ty này, ông tổ trưởng bảo vệ tông xe vào đám đông đang đình công làm 1 người chết và 6 người khác bị thương.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên cán bộ lãnh đạo Bộ Lao Ðộng chỉ trích các nghiệp đoàn không chịu tranh đấu để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Thế nhưng, ai cũng hiểu, công cụ tranh đấu đòi quyền lợi duy nhất của công nhân là đình công, một quyền bị cấm cản lâu nay tại Việt Nam. (PL)