Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

ĐẾN VẼ MA CŨNG KHÔNG XONG!

-Nhật ký 2011 ( tuần XXVII --XXIX) VƯƠNG-TRÍ-NHÀN 3-7
      ĐẾN VẼ MA CŨNG KHÔNG XONG!
      Nhiều người thường làm ra vẻ cao đạo bảo rằng vẽ người mới khó chứ vẽ ma thì dễ nhất còn gì!  Hóa ra vẽ ma cũng khó lắm. Bài báo Phim kinh dị Việt: chỉ luẩn quẩn với ma, cho biết trong các phim ma - kinh dị của điện ảnh Việt, ma nhất là nhân vật luôn miệng “ma ma”, nhưng chẳng làm khán giả sợ. Xem thấy buồn cười bởi máu me chả ra máu me, oan hồn chả ra oan hồn. Ma mà như... hề-- loại hề rẻ tiền!
   Phim Bóng ma học đường được giới thiệu là có con ma cổ trang, độc ác, nham hiểm để điều khiển nhóm ma teen. Nhưng diễn viên hóa trang với chiếc áo choàng đen đỏ làm khán giả không thấy gì đáng sợ mà lại thấy như một chú hề vào vai ác. Nhiều khán giả còn nhận xét gọi là phim kinh dị, ma quái mà quá bình thường bởi kỹ xảo video chỉ như của học sinh mới học được vài chiêu làm ra.

VÌ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
      Trên mạng Bee có bài của Lê Đỗ Huy lược thuật lại một vài lời bàn của các trí thức phương Tây về sự biến Trung Đông.“Cái gì đưa lại các cuộc cách mạng ?”, sau khi tự hỏi Friedman trả lời, đó không phải là do GDP lên hay xuống, mà là “cuộc tranh đấu giành phẩm giá”.
      Thường thì tầm quan trọng của GDP được nhấn mạnh, còn nhu cầu tìm lý tưởng của dân chúng thì bị hạ thấp. Ở đây, “Phẩm giá trước, bánh mì sau” là khẩu hiệu của cách mạng Tunisie.
      Liên hệ tới tình hình Trung Hoa, Friedman khẳng định, có thể tự hào về nỗ lực nâng cao đời sống, nhưng đó không phải là điều duy nhất trong đời sống người dân, và từng nơi, từng lúc, đó không hề là điều quan trọng nhất. “Tia lửa làm bùng liều thuốc súng là cuộc tranh đấu đòi phẩm giá”, tác giả kết luận.  ”.

4-7
TRỊ QUỐC CHI ĐẠO
      Một lần ở một hiệu sách ở ga Bắc kinh, tôi  thấy một cuốn sách dày cộp  mang tên như trên. Chợt nhận ra việc quản lý quốc gia ở nước Trung Hoa cổ được ghi chép rất đầy đủ và nâng lên tới trình độ một bộ phận quan trọng trong văn hóa. Nay đọc cuốn sách Sử Trung quốc Nguyễn Hiến Lê viết cuối đời, càng thấy rõ điều đó.
      -- Tần Thủy Hoàng độc tài chuyên chế. Ông giết trí thức. Nhưng đó không phải là cách cai trị lưu manh vô học. Đã tin dùng  trí thức nào ( thừa tướng Lý Tư) là dùng đến triệt để. Đốt sách, kể cả Tứ thư Ngũ Kinh nhưng là đốt những bộ tạp nham, trong khi vẫn tàng trữ một bộ trong triều đình ( tr103, bản Sử TQ của Nxb Tổng hợp TP HCM,2006). Với những điều luật bắt buộc thư đồng văn xa đồng quỹ, ông ta có công đưa mọi sinh hoạt của quốc gia vào nền nếp. Các trường học dưới thời ông dạy rất kỹ môn pháp luật quốc gia.
      -- Thời Tiên Tần, TQ đã có những nhân vật quản lý xã hội đầy tài năng và có tư duy hiện đại như Quản Trọng, Thương Ưởng. TQ cuối thế kỷ XX cũng đang lặp lại nhiều biện pháp của Thương Ưởng.       
       -- Triệu Khuông Dẫn vua nhà Tống được quân lính đặt lên ngai vàng nhưng  công việc đầu tiên khi lên ngôi là đặt văn quan trên võ quan và hạn chế quyền lực của các chỉ huy quân đội.
        ( Nói như sách Các nền văn minh thế giới—Lịch sử & văn hóa  thì ngay từ đời Đường, người Trung Hoa đã tin chắc rằng các chế độ quân sự không hợp với một quốc gia có chuẩn tắc và văn minh.)
        -- Trong các biện pháp cải cách của Vương An Thạch đời Tống cũng có nhiều việc rất hiện đại, chẳng hạn khi tuyển dụng quan lại chỉ huy các việc nông điền thủy lợi không dùng người văn hay chữ tốt vừa đỗ đạt mà thiên về dùng người có chuyên môn tức có kinh nghiệm.
      -- Sau các chiến thắng quân sự lẫy lừng, chế độ cai trị mà Hốt Tất Liệt áp đặt lên xã hội Trung Hoa hết sức tùy tiện “triều đình là một mớ hỗn độn vô tổ chức, hiệu lệnh ban ra địa phương không nghe; mỗi gia đình đại thần tự làm chính trị,  mỗi người tự coi là quốc gia “ ( tr396-397)
      -- Trong số lý do khiến  Mãn Thanh về sau thành công, có lý do này -- “ triều đình ít can thiệp vào đời sống của dân “ ( tr 481), “ đất đai mênh mông mà số quan lại rất ít” (tr482). Ở trang 497 còn ghi rõ hơn 450 triệu dân chỉ có 100.000 quan lại.


  QUAN LẠI XUẤT THÂN TỪ DÂN NGHÈO
 CÀNG DỄ THAM NHŨNG
    Trong việc làm bộ sử này, Nguyễn Hiến Lê dựa nhiều vào các nhà sử học phương Tây, nhưng  bao giờ cũng dẫn họ ra rất đầy đủ sau đó có ý kiến riêng của mình.
      Ví như quanh chuyện quan lại và tham nhũng ở Trung quốc. Lối tuyển người làm quan ở đây là qua khoa cử, nó có cái mạnh là tránh đi vào cha truyền con nối của quý tộc châu Âu, và đấy là điều khiến cho Voltaire cũng từng khâm phục. Nhưng một nhà nghiên cứu là  Eberhard lưu ý ta một điểm khác. Ông này khi nghiên cứu về các đời Đường Tống đã nói rằng nguồn gốc của tệ tham nhũng là do quan lại được trả lương quá thấp. Khi nghiên cứu sang thời Minh, Eberhard lại lưu ý càng  đám quan lại xuất thân từ các tầng lớp dân nghèo, do đỗ đạt mà thành quan càng dễ tham nhũng. Tại sao? Muốn đỗ thì phải hối lộ quan trường, đỗ rồi muốn được bổ dụng thì phải đút lót nhà quyền quý... Đến lúc ra làm quan thì phải tham nhũng để thu hồi vốn và trả nợ.
       Khi chép lại nhận xét này của Eberhard( t.r441)  Nguyễn Hiến Lê tỏ ý không tin. Nhưng tôi thì lại thấy rất  tin vì nó giúp tôi giải thích tình hình quan chức thời nay.  
  
7-7          
GHI VẶT
          - Phương Quỳnh bạn tôi bảo nghĩ thương cho bọn con cái vào đời bây giờ. Đi làm cho nhà nước thì gặp cánh thư lại già nua cũ kỹ, tuyển nhân viên trẻ vào coi như con cháu toàn sai vặt. Còn đi làm cho các công ty ma quỷ bên ngoài thì cũng chỉ loanh quanh xoay xở làm ăn theo lối chụp giật và lúc nào cũng sẵn sàng phá sản để theo đuổi những phi vụ mới.
           - Hình như một lối làm tin trên báo được ưa chuộng thời nay là đưa những chuyện xấu chuyện bê bối kỳ cục chuyện chém giết nhau loạn xị trên thế giới để dân mình yên lòng, ra có những nơi dân họ còn hỗn hào hư hỏng bằng mấy mình -- các nhà báo ngầm nhắn nhủ vậy.
          - Trên những con đường nhiều xe đạp của Hà Nội trước 1986, tôi nghĩ tới một điều thuộc về tính cách hay phản bội của con người hiện đại - hay phản bội như sự dễ dàng rẽ ngoặt của những chiếc xe đạp.
          Còn một trong những tác động của các loại xe máy thời nay là nó kích thích và thỏa mãn bản năng lồng lộn quậy phá khoe khoang trưng diện của lớp trẻ.
          - Chị Đ. có một người em không có gia đình nay bị tai biến và vào viện dưỡng lão. Chị kể đi thăm em về chợt nhận thấy mình như chai sạn ra, không còn cảm thấy xót thương con người như vốn có. Bởi, chao ôi, những người già khi sống tập trung lại làm nên một thế giới sao mà đáng sợ, nó làm cho mình ngán ngẩm hơn với kiếp nhân sinh. Với người khác thế nào không biết riêng với chị, giá chớm ốm mà vào đấy không biết chừng sẽ ốm nặng hơn.
-- Em trai tôi sống ở một thành phố bên Đông Đức cũ kể là mùa hè năm nay bên đó đầu mùa còn nắng; nay sang tháng bẩy, nhiệt độ bình thường, chỉ là 13-14 độ; lại thêm vài giọt mưa nhỏ, từ trong cửa hàng còm cõi nhìn ra đường vắng tanh chẳng có bóng người. 
Ở các nước châu Âu, trong khó khăn người ta co cụm lại, sống bình thản với cái thiếu thốn trong khuôn khổ nhà mình. Còn người Việt thì càng khó khăn càng đổ ra đường. Tại sao? Theo tôi, một phần là vì nhiều người chúng ta nhà có đâu ra nhà.
Hồi làm phóng viên tạp chí Văn Nghệ quân đội, tôi học được nhiều về cách sống cách làm việc ở nhà phê bình Nhị Ca. Gia đình ông trước 1945, chỉ thuộc loại gia đình trung lưu, vậy mà ông bảo thuở nhỏ, luôn luôn cảm thấy trong nhà mình có những xó xỉnh mà mình chưa biết hết. Cái nhà hồi ấy dù đơn sơ thế nào cũng ra cái nhà. Còn ngày nay, vẫn lời Nhị Ca, chúng ta chỉ có những cái chuồng.

8-7
         Những ngày nóng nực… Nóng quá đến nỗi không ai nghĩ đến văn chương nữa. Và tôi chợt nhận ra trong khi  nói rất nhiều đến mùa xuân và mùa thu thì các văn thi sĩ VN nói rất ít đến mùa hè. Tại sao ? Có lẽ  một phần là vì nếu mùa xuân là mùa của nẩy nở và mùa thu là mùa của chiêm nghiệm trầm tư thì mùa hè là mùa của mưa nồng nắng lửa, của những cái gì được đẩy đến tận cùng, như một bên là  đám cỏ úa rã rời, bên kia là những đầm sen rực rỡ. 
        Mấy chữ mưa nồng nắng lửa tôi lấy từ một bài thơ của Xuân Quỳnh, bài Tháng năm viết 10-5-1967. Đây là mấy câu kết:
Tình yêu như tháng năm
Mang gió nồng nắng lửa
   Lòng anh là đầm sen
 Hay là nhành cỏ úa?
      Có một chi tiết tôi nhớ mãi vì nó là dấu ấn một thời. Trong tập thơ Hoa dọc chiến hào, trên giấy trắng mực đen thì hai câu cuối trong bài thơ trên  không phải như tôi dẫn, mà được in là Anh hãy là đầm sen—Anh sẽ là phượng đỏ. Tại sao? Vì  các nhà biên tập lúc ấy cảm thấy nếu đặt ra câu hỏi Lòng anh là đầm sen Hay là nhành cỏ úa thì có vẻ hoài nghi quá. Đang thời chiến điều đó không được phép. Họ bảo chữa và  Xuân Quỳnh đã phải chữa.
    Hồi ấy sao mà người ta sợ nói tới sự hoài nghi, họ dặn lớp trẻ phải tránh cho xa, chỉ còn chút lương tri sâu xa trong con người bảo chúng tôi là không phải vậy , chúng tôi vẫn đi tới cái hoài nghi một cách thận trọng nhưng không bao giờ từ bỏ.
        Ilya Ehrenburg từng có mấy câu thơ về niềm tin, tôi tạm dịch

…Cuộc sống rộng dài cuộc sống sặc sỡ
 Lòng tin là những những tấm kính che mắt ngựa
Lòng tin  có thể chuyển núi
 Nhưng tôi là người không phải trái núi
 Lòng tin không liên quan gì tới tôi
Lòng tin có thể thức tỉnh cả những người chết
 Nhưng tôi là người không phải xác chết
Tôi đã nhìn thấy người ta trở nên mù lòa như thế nào
 Tôi đã nhìn thấy người ta sống trong hỏa ngục như thế nào
 Tôi đã nhìn thấy mặt đất rung chuyển
 Tôi đã nhìn thấy bầu trời trong tro tàn
 Tôi không tin ở niềm tin
 Ghê tởm chăng? -- Hãy nói rằng ghê tởm
 Tin cậy chăng ?—hãy nói rằng tin cậy
Không vờ vịt không lên gân không theo đuôi không khẩn cầu
Ta  chỉ tin ở ngươi, một niềm tin đúng đắn.

Nhà văn Anh George Orwell (1903-1950) trong  tiểu luận Chế độ toàn trị và văn chương 1941 thì viết :

     Đặc trưng của nhà nước toàn trị là tuy nó kiểm soát tư tưởng, nhưng nó lại không xác định dứt khoát tư tưởng ấy là gì. Nó đưa ra một số tín điều không được tranh cãi, nhưng các tín điều ấy lại thay đổi hàng ngày. Chế độ cần tín điều vì cần các thần dân phục tùng một cách tuyệt đối, nhưng nó không thể không thay đổi theo các nhu cầu của tầng lớp nắm quyền. Khi tuyên bố là không bao giờ sai lầm, chế độ toàn trị đồng thời vất bỏ ngay chính khái niệm chân lí khách quan.

10-7
TỰ HUYỄN HOẶC MÌNH
         Mạng Tuần VN 9/07 có bài cho biết, theo số liệu của Tổng cục điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, có 18,9% dân số từ 25 tuổi trở lên có trình độ học vấn bậc trung, và chỉ có 5,4% dân số từ 25 tuổi trở lên có trình độ học vấn bậc cao. Tỷ lệ dân số có trình độ giáo dục bậc trung và bậc cao của Việt Nam đều thấp hơn so với các nước Đông Nam Á khác.
        Lại thêm một ví dụ cho cái điều tôi đã lưu ý lần trước, – nay là lúc tinh hoa không có đất sống, và cái nhân tố mà người ta thường coi là đầu tầu kéo xã hội đi tới, luôn luôn trong tình trạng hủi cùn hủi cụt đi về cả số lượng lẫn chất lượng.
       Chỗ đáng nói thêm là khi tìm nguyên nhân của tình trạng trên, bài báo chỉ nói đó là do chúng ta Ngủ quên trên những "huyền thoại". Tôi muốn cãi lại một chút. Cái huyền thoại ấy và những cái tương tự, chẳng hạn huyền thoại về người lao động ở ta tiếp thu nhanh, huyền thoại về dân mình cần cù chăm chỉ ham học-- có phải ai bỏ bùa mê thuốc lú cho đâu mà chẳng qua ta đã tự lừa mình mà dựng nó lên, nay muốn gỡ đi cũng khó.

15-7
THÍCH NGHI VÀ BIẾN DẠNG
      Nhiều  xí nghiệp nhỏ giải thể, nhiều nơi tư thương phải sang nhượng lại cửa hàng… Những cánh đồng muối bị bỏ hoang. Các xí nghiệp không vay được vốn đóng cửa …Biết là thời buổi lạm phát phải vậy, nhưng sao vẫn buồn.
     Lại còn buồn hơn nữa là nghĩ về công việc tiếp theo của những người ấy.  Rồi ra họ biết  làm gì kiếm sống nếu không phải là làm các nghề mà họ không quen biết và chắc phần nhiều là nghề phi pháp. Nghèo thì chở hàng thuê, trộm cắp. Giàu hơn thì tung tiền buôn lậu và chơi bời hư hỏng để khỏi tỉnh táo hối hận.    
      Cuộc sống vẫn rất cân bằng. Đang teo tóp đi, chỉ là những  cái tốt đẹp. Còn cái thấp hèn, bóng tối … ngày càng phát triển và nó cũng nhân danh sự sống mà lấn tới.
    Tôi chợt nhớ tới một phòng tranh mở ở nhà triển lãm Ngô Quyền khoảng mấy năm 1995-1996(?), dành riêng để  bầy tác phẩm của họa sĩ Trần Trung Tín. Trước cả Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh, các bức tranh với gam mầu xỉn tối cho tôi thấy con người trong chiến tranh bị dồn ép khủng khiếp ra sao, và trong cuộc đấu tranh gần như tuyệt vọng họ vẫn tồn tại nhưng đã trở nên biến dạng và thoái hóa ra sao. Chẳng hạn ở vài bức tranh, tôi bắt gặp tình cảnh con người như là con vật, các giống cóc nhái chui nhủi bất lực. Họ thu mình lại. Giống như nhân vật trong Ông già và biển cả của Hemingway, với cuộc đời này, bảo họ thua cũng đúng mà bảo họ thắng cũng đúng.  

16-7 
THỜI TRANG THỊ TÌ
 Nhìn vào nhiều nhà thấy quá choáng lộn. Nhiều lúc đi bộ trên đường tôi ngơ ngẩn cả người vì không ngờ người dân mình nay sài sang vậy. Cũng như nhìn cách ăn mặc hóa ra từ lúc nào con người bây giờ đã ăn mặc theo đủ mốt hiện đại mà bên Tây bên Tầu chắc cũng phải nể (?!).
Nhớ một đoạn văn của Viên Linh in trên báo Khởi Hành số 48 ra ở Sài Gòn 1970 :
   -- Đàn bà bây giờ như những con búp bê mặc duýp ngắn, quần chẽn, đeo kính tròn vo, trông có cái ngộ nghĩnh của đồ chơi, lại biểu lộ cái giống một cách ngây thơ, khiêu khích. Thời trang phương Tây đã thành công khi muốn biến đàn bà con gái từ cái chỗ bình đẳng chán ngấy thành trò giải trí. Từ đầu đến chân, từ y phục tới đồ dùng bên mình, thảy đều là đồ vui mắt. Vật dụng không phải để dùng. Còn để nghịch. Cái xách tay cũng là đồ chơi. Đôi giầy có khác gì đồ chơi, cái khoá, cái khuy áo lại càng giống đồ chơi nữa. Nhìn xa, một bà trên 30 tuổi cũng chẳng khác mấy so với một thiếu nữ.
     Trong những ý Viên Linh nói ở đây, tôi thú hơn cả là cái nhạn xét tổng quát  ông mang đặt tên cho cả đoạn:Thời trang thị tì. Không chỉ đàn bà mà cả đàn ông, không chỉ trong thời trang mà cả trên nhiều phương diện khác, cách tồn tại  của con người bây giờ có vẻ cùng gợi lên một cảm giác chung. Là thời đại cho họ quá nhiều. Là họ chưa xứng với thứ tiện nghi họ được hưởng. Nhìn vào họ cứ thấy có dấu ấn của những giá trị cao quý hôm qua mà họ đã đạp đổ, nhưng nay lại thèm muốn. Như thời xưa, nhìn vào các thị tì,  ta nhớ ra các công nương công chúa mà họ theo hầu.

22-7
VŨ TRUNG TÙY BÚT BẢN DỊCH MỚI
Khoảng năm Giáp Ngọ Ất Mùi trong nước vô sự, Thánh tổ Thịnh Vương để ý nhiều vào việc rong chơi du ngoạn. Các ly cung ở Tây Hồ Tứ Trầm đua nhau xây dựng. Các loại trân cầm, dị thú, cổ mộc quái thạch chậu hoa non bộ trong dân gian đều thu vét hết không bỏ sót. Trong phủ tùy chỗ mà điểm xuyết chẳng khác gì nơi bãi biển sườn non. … Bọn nội thần tiểu lại cậy thế dọa dẫm lừa người. Dò xem nhà người ta có hoa chim đẹp thì biên ngay hai chữ Phụng thù ( = vâng lệnh chúa mà lấy), rồi ngầm sai tay sai đem xe đến lấy phăng đi, sau đó còn gán cho người ta tội giấu giếm vật cung phụng để hạch sách tiền của. Gặp hòn non bộ hay cái cây to quá, có khi phải phá nhà hủy tường để đưa ra. Những nhà giàu có khi phải bỏ hết của cải để kêu xin. Nhà ta ở phường Hà Khẩu huyện Thọ Xương trước nhà tiền đường trồng một cây lê cao vài chục thước, nở hoa trắng xóa thơm lừng, trước nhà trung đường cũng có hai cây lựu một trắng một đỏ, khi ra quả trông rất đẹp, mẹ ta đều sai chặt đi, cũng vì cớ ấy.
.
Bên đây là một đoạn tôi chép từ Vũ trung tùy bút ( tùy bút viết trong mưa )của Phạm Đình Hổ. Nói là bản dịch mới vì trước đó Hà Nội đã có bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến xuất hiện đầu tiên trên Nam Phong, Sài Gòn trước 1975 cũng có một bản dịch khác chắc là của Phủ Quốc vụ khanh phụ trách văn hóa. Bản dịch lần này được sự bảo trợ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người dịch đề là Trần Thị Kim Anh.

Sở dĩ tôi thích Vũ trung tùy bút vì ở đó tác giả hiện ra như một người chép sử ghi lại nhiều phương diện của đời sống đương thời. Đây là xu hướng không được phổ biến trong văn xuôi cổ điển Việt Nam.

Hàng ngày đọc báo, và trong câu chuyện bên quán nước, thấy không hiếm những tin đại loại Pẻtrolimex báo rằng lỗ nhưng thực ra lãi to -- Một tờ trình về điều tra môi trường để làm thủy điện là đồ giả - Bác sĩ cho là bệnh nhân nói dối không cấp cứu để bệnh nhân chết oan-- Trong khi dân làm muối không biết bán muối cho ai thì các ngành công nghiệp vẫn phải lo nhập khẩu muối nếu muốn tồn tại-- Hai xã ở Vĩnh Long cho thuê ruộng để thương nhân TQ trồng khoai lang – Nhiều thương lái Việt đang buôn thịt lợn bán sang Trung Quốc và cách làm của dân mình phổ biến là có bao nhiêu thịt ngon lành mang xuất cả, sau đó nhập ngược lại các loại thịt kém hơn, về bán ở thị trường trong nước. So với các loại tin giật gân khác thì loại tin này thường chỉ chiêm một vị trí nhỏ nhoi, ít được đọc. Đến đám người đi bán báo rong cũng chẳng bao giờ buồn rao ầm ĩ trên đường. Nhưng tôi cho rằng nếu Phạm Đình Hổ sống trong thời nay, hẳn những tin tức loại này sẽ được ông ghi chép để làm tài liệu cho người nghiên cứu đời sau.

24-7
MỘT BÀI THƠ ĐƯỢC LÀM 60 NĂM TRƯỚC
Trong một số báo ra hồi kháng chiến chống Pháp, tôi ghi được bài thơ sau đây. Nhân vật được nói tới thì hẳn dân làm văn nghệ lớp cũ ai cũng biết. Nhưng cái chính làm tôi cứ tần ngần đọc đi đọc lại là cái cảm giác là lạ -- đủ gợi bâng khuâng nhớ tiếc đồng thời lại thoáng qua một chút như là bẽ bàng -- mà bài thơ để lại trong lòng. Tôi muốn bè bạn cùng đọc lại để thấy thời gian phôi pha và bao nhiêu thay đổi đã diễn ra trong tâm lý người làm văn nghệ khi quay cuồng giữa cơn cuồng phong vĩ đại hơn nửa thế kỷ qua.
Huy Phương
Gửi người bạn hôm qua
Đêm nay gió ngoài rừng heo hút
Chúng tôi sát lại gần nhau
Thì thầm chúng tôi hát
Bài hát năm xưa nào
Bài hát của anh:
Bài hát của anh còn đó
Như một dòng nước mát long lanh

Chúng tôi biết bên kia có người anh thương
Có mái nhà anh bên đường phố nhỏ
Rủ cành hoa ti gơn
Nhưng nếu chỉ là có thế
Anh bỏ mà đi sao đành

Ở bên phía mình
Chia nhau miếng cơm độn bắp
Nhường nhau manh áo trời đông
Nhưng chúng ta giầu một niềm thương
Có bà mẹ hiền hiền
Có giọng hát trong lành em bé
Tình nhân dân bọc đùm như sóng bể
Dạt dào ấm một niềm tin

Anh bỏ mà đi sao đành
Chiều nào đây đoàn cán bộ áo mong manh
Dằng dặc Trường Sơn đường chiều mưa đổ
Kề vai nhau bên bếp lửa
Thì thầm bài hát cũ
Mỗi người một lượt nhắc tên anh
Nhớ những đêm vui
Trăng sáng mái đình
Ngày mai trên nội cỏ
Có chú chăn trâu nho nhỏ
Quên mưa trưa chiều gió
Huýt sáo mồm hát bài của anh

Anh bỏ mà đi sao đành!
Anh về chi bên nớ
Cốc rượu đầy vơi
Cung đàn năm cũ
Buổi truy hoan tiếng cười nghiêng ngả
Bọn lính lê dương với bầy gái chứa
Còn ai nghe tiếng hát của anh

Hà Nội những đêm dài
Sương trắng mông mênh
Ai biết những bàn chân âm thầm phố nhỏ
Lỡ bước sang sông
Đường về cách trở
Nhớ thương những tháng những ngày
“Xót xa sao như mất một bàn tay”

Đêm nay mưa ngoài trời
Tiếng hát lặng thầm, bếp nhỏ lều tranh
Nước mắt ngắn dài từng giọt long lanh
Bà mẹ già cầm tay tôi hỏi
- “Ai làm bài ni rứa các anh?”

Nói làm sao cho đành
Chúng tôi nhìn nhau, lời nghẹn
Thương anh thêm căm giận
Anh có biết không anh
Bên kia anh có biết không anh?


-Năng lực tự kiềm chế

Các giá trị đạo đức trong sự phát triển kinh tế là tên bài viết của một nhà nghiên cứu nước ngoài - ông Harry D. Gideonse. Trong đó, ông đưa ra năm đức tính cần thiết cho một nước muốn đi vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Chú ý, đây không phải lời khuyên nhủ hay mách mối làm ăn, mà là nói chuyện đạo đức.
Đại khái, bài viết cũng gồm mấy điểm nhiều người đã biết, như phải quý trọng tài sản vật chất và tinh thần; phải có tính sáng tạo chủ động, đưa ra cái mới; phải có tinh thần trách nhiệm và tin tưởng vào tương lai.

Lạ nhất với tôi là cái điểm đầu tiên mà tác giả này nhấn mạnh : Cả xã hội cũng như mỗi cá nhân phải “biết kiềm chế sự ham muốn của mình, hay nói cách khác, phải có một ý chí mạnh mẽ để sản xuất nhiều hơn là tiêu thụ“ (Dẫn theo sách Tâm lý người Việt Nam nhìn từ nhiều góc độ in năm 2000, trang 79).

Những lời khuyên này là của chính những người đã giàu, nay rút kinh nghiệm về việc làm giàu của mình nên không thể xem thường.

Ở một nước như Trung Quốc, báo chí  phương Tây gần đây phát hiện, sở dĩ nền kinh tế phát triển như một kỳ tích, hệ thống ngân hàng không ngại tới chuyện đổ vỡ, một phần là vì tiết kiệm ở họ rất cao. Tính ra, có tới 40% thu nhập của các gia đình Trung Quốc được dành để chuyển vào ngân hàng, từ đó đầu tư vào việc làm ăn chung.

Quay về nhìn lại nước mình thì sao? Chắt bóp, kiềm chế, ăn tằn hà tiện, chín xu đổi lấy một hào vốn được coi là nền nếp đã có từ nhiều đời, không chỉ ở những người nghèo, mà cả những người có máu mặt. Trong một bài điều trần về Cải cách phong tục viết năm1871, Nguyễn Trường Tộ nhận xét : ”Nhiều quan viên ăn uống sơ sài không bằng nhà trung sản trong dân gian”. Ông kể, năm trước, tức là năm 1870, sứ bộ ta sang Tây, người Tây thấy sự ăn uống của sứ bộ quá đơn giản, họ bảo : “Ăn uống như thế mà có sức để bổ vào phần trí dũng, thật không sao hiểu được“. Hoặc về sự mặc, vẫn theo Nguyễn Trường Tộ, nhiều người thời ấy cố ý làm cho thô vụng xấu xa, và có tục ngăn cấm sự ham đồ tốt đẹp, từ quan đến dân đua nhau càng bớt chi tiêu càng tốt, làm cho những nghề tinh xảo ngày một tiêu mòn.

Trên đây là chuyện hơn một trăm năm trước. Đến thời tôi mới lớn lên, tức là năm chục năm trước đây, vẫn còn như vậy. Luôn luôn, tôi được nghe người trong gia đình kể là nhà nọ nhà kia hà tiện lắm, có tiền mà không chịu tiêu. Nhân vật Lão Hạc của Nam Cao chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt : “Thà nhịn ăn nhịn tiêu, thậm chí thà chết chứ không ăn vào phần của người khác!“ - cái tâm lý ấy  khá phổ biến trong xã hội cũ.

Nay thì cách sống, cách tiêu pha của không ít người dân nhiều phần ngược lại. Làm bao nhiêu lo tiêu hết chứ không tiết kiệm làm gì, người ta hồn nhiên tự xác định như vậy. Thậm chí người ta đi vay để mua nhà, đi vay để sắm xe mới, đi vay để cho con đi học. Nhắm mắt mà vay, không cần biết sẽ trả ra sao cũng cứ vay.

Nhiều người sống gấp sống vội sống buông thả, hoặc như cách miêu tả của các cụ ngày xưa “Vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy”. Họ cho rằng thời nay nói chuyện tiết kiệm cũng như chuyện chính chuyên, nghe đều cổ lỗ lắm rồi. Vậy thì mo-phú hết, tận hưởng cái đã. Triết lý sống này âm thầm chi phối khiến cho hàng ngũ những người trưng diện, khoác lác, khoe của một cách trắng trợn ngày một đông đảo.

Sự ham muốn không bị kiềm chế. Sự ham muốn đang được thả phanh để muốn đi tới đâu thì đi. Trong khi động cơ sống ở mỗi người được tăng cường thì cái phanh đã rỉ!
Kể ra điều này cũng có lý. Tinh thần hiện đại đã ảnh hưởng đến tâm lý số đông. Người ta có lý luận hẳn hoi : “Phải tiêu nhiều hơn làm rồi ra mới biết cách làm, chính vì cần tiêu mà làm”. “Chết có mang đi được đâu”. Người ta lấy ví dụ về sự ăn tiêu ngất trời ở bên Tây bên Tàu. Có biết đâu, chính những Việt kiều ở nước ngoài về cũng phải bảo là sự lãng phí ở trong nước tiến nhanh quá.

Thử đi tìm nguyên nhân dẫn tới cách sống buông thả của con người hiện thời : vì sau một thời gian quá khổ, nay mới được hưởng chút ít, người ta tranh thủ hưởng? Vì chưa có tiền bao giờ nên không biết tiêu tiền? Vì cảm thấy cuộc sống đầy những may rủi ngẫu nhiên, không biết tin điều gì? Vì bi quan về tương lai? Vì một triết lý hư vô đang ngự trị? Tất cả những lý do ấy hợp lại chi phối cách sống chúng ta.

Dư luận mới chỉ chú ý tới các tệ nạn xã hội. Những vụ đột nhập vũ trường, quán rượu cho thấy trình độ hưởng thụ ngày càng cao. Những vụ buôn lậu thuốc phiện và các chất ma túy có quy mô mỗi ngày một lớn hơn. Nhưng tôi cho rằng, cái triết lý hưởng thụ thấm sâu trong những người dân thường mới đáng ngại. Nó là một trong những yếu tố níu kéo chúng ta trên đường phát triển, mà lại chưa được chỉ mặt gọi tên một cách đúng mức.

trong Những chấn thương tâm lý hiện đại

Tổng số lượt xem trang