Hải quân Việt Nam tuần tra trên quần đảo Trường Sa (hình chụp ngày 13/5/2010). Hình: Reuters
-Xuyên qua tin tức, người ta được biết có nhiều cuộc tập trận của Hải quân Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, với hàng trăm vụ tàu chiến và hải giám Trung Cộng bắn giết, bắt bớ, đánh đập, khủng bố, phá hoại, cướp bóc tài sản bà con ngư dân Việt Nam, không ai nghe nói đến sự can thiệp, bảo vệ của lực lượng Hải quân VNCS. Đây là một vấn đề vô cùng mâu thuẫn: Vùng biển Việt Nam mà không có Hải quân VN tuần phòng thường xuyên để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của nước và dân ta một cách hữu hiệu.
Nhà cầm quyền không thể viện cớ không có đủ ngân sách, vì tin tức báo chí cho thấy trong thời gian qua, vô số công trình quy mô chưa cần thiết đã được thực hiện. Có thể nói, ngân sách nhà nước đã không được ưu tiên sử dụng cho việc bảo vệ chủ quyền đất nước.
Nếu nói là Hải quân không đủ người thì hoàn toàn không đúng. Nhà cầm quyền đã có ngân sách đào tạo, nuôi dưỡng hàng trăm ngàn công an chìm nổi để bảo vệ chế độ được thì tại sao lại không có ngân sách xây dựng một lượng Hải quân có đủ khả năng để bảo vệ quyền lợi quốc gia?
Nếu nhà cầm quyền bảo rằng cần phải có thái độ ôn hoà để giải quyết các tranh chấp trong hoà bình thì tại sao lại có hành động trấn áp thô bạo đối với những công dân bày tỏ lòng yêu nước một cách ôn hoà? Đó là thái độ hèn yếu hay đồng loã với Bắc phương?
Chế độ chính trị có thể thay đổi, khác nhau song quyết tâm giữ nước phải luôn đồng nhất. Trên Biển Đông, sự hiện diện liên tục của lực lượng Hải quân là yếu tố tối cần thiết.
Nhà cầm quyền Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động tuần tra một cách đầy đủ và thường xuyên trên những vùng biển trực thuộc chủ quyền đất nước. Đồng thời, cần theo dõi và mạnh dạn bảo vệ lãnh hải, các thương thuyền, ngư thuyền của ta bằng mọi phương tiện và khả năng có được. Trong mặt chính sách, tối thiểu nhà cầm quyền cũng phải có đủ ý chí đối đầu với những hành động gây hấn, đe doạ hay tấn công của Trung Cộng, tương tự như nhiều nước khác trong khu vực. Mặt khác, lực lượng Không quân cũng cần được sử dụng để yểm trợ lực lượng Hải quân để bảo vệ vùng biển nước nhà.
Đối với chuỗi sự kiện xảy ra trên vùng Biển Đông, chúng ta cần có lập trường và thái độ dứt khoát: Trung Cộng đang xâm lấn lãnh hải Việt Nam, chứ không phải đây là một vùng biển có tranh chấp như Trung Cộng vẫn nói. Chúng ta cần khẳng định hải phận Việt Nam từ thực tế chủ quyền đã có liên tục trước tháng 1/1974. Khi dùng từ “tranh chấp” thì vô tình hàm ý chấp nhận Trung Cộng có thể có chủ quyền một phần nào đó trên hải phận Việt Nam và cần được giải quyết ổn thoả. Như vậy là SAI và mắc mưu Trung Cộng.
Chúng ta khẳng định chủ quyền trên vùng biển này, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là những hòn đảo đã được các triều đại, chính thể Việt Nam quản lý, khai thác từ thế kỷ 15. Sự quản lý và khai thác liên tục qua bốn thế kỷ đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển và hai quần đảo này. Nhà nước Việt Nam cần khẳng định chủ quyền đất nước bằng hành động chứ không phải chỉ là những ngôn từ phản đối suông.
Sự kiện Trung Cộng cưỡng chiếm đảo Hoàng Sa (1/1974), đảo Gạc-Ma thuộc Trường Sa (3/1988) bằng vũ lực chứng tỏ một cách rõ ràng rằng: Đây là một cuộc cưỡng chiếm có kế hoạch, nằm trong một chiến lược bành trướng lâu dài. Với tình hình đó, sách lược đối phó của Việt Nam không phải đơn giản chỉ là trao đổi với Trung Cộng để tìm sự cảm thông, hợp tác như nhà cầm quyền Việt Nam đang tiến hành. Đảng CSVN nên chuyển dụng sách lược chống phong trào dân chủ thành sách lược chống xâm lăng; có nghĩa là mạnh mẽ với giặc TÀU và ôn hoà với dân TA.
Dân tộc ta không hiếu chiến và nước ta cũng không có nhu cầu gây chiến tranh nhưng việc giữ nước thời nào cũng phải được thực hiện bằng một quyết tâm sắt đá. Chúng ta thừa hiểu lực lượng Hải quân Việt Nam thời VNCH và VNCS đều không có đủ sức mạnh để đối đầu với Hải quân của Trung Cộng. Tuy nhiên, việc bảo vệ chủ quyền, tài sản quốc gia và công dân không nhất thiết phải có sức mạnh quân sự. Ý chí chống xâm lăng của toàn dân và chính quyền mới thật sự là vũ khí hữu hiệu nhất. Với ý chí chiến đấu và sự khôn khéo ngoại vận, chúng ta có thể bảo vệ nước nhà một cách hữu hiệu.
Trong bối cảnh thế giới ngày nay, bộ phận lãnh đạo nhà nước đã có đủ thông tin để hiểu được sức mạnh quân sự của Trung Cộng có thể được sử dụng đến mức độ nào, và trong những trường hợp nào. Từ đó, chúng ta không phải lo sợ một cuộc chiến tranh nào đó có thể sẽ xảy ra khi nước ta có một thái độ cứng rắn trong việc bảo vệ chủ quyền. Trong trường hợp tình hình diễn biến phức tạp và việc bảo vệ lãnh hải là cần thiết, có nghĩa là không có con đường nào khác hơn, thì ý chí chiến đấu bằng mọi giá vẫn là yếu tố không thể thiếu được để giải quyết vấn đề. Chúng ta không chống nhân dân Trung Hoa nhưng quyết chống đến cùng mọi hành động xâm lấn của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Hoa.
Vùng Biển Đông của Việt Nam trực thuộc Việt Nam, tính theo thực tế chủ quyền trước tháng 1/1974. Sự tranh chấp cần được tôn trọng và thương lượng là những hòn đảo đã nằm dưới sự quản lý của các nước từ nhiều thập niên trước.
Bảo vệ chủ quyền đất nước không đơn giản. Nó đòi hỏi sức mạnh, khôn ngoan và quyết tâm. Nếu nhà cầm quyền CSVN không có đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và ngư dân ta, thì chứng tỏ rằng nó không thể tự bảo vệ được quyền lãnh đạo trong thời gian sắp tới.
Chúng ta cần chính thức đồng loạt lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền CSVN phải đưa lực lượng Hải quân ra biển để bảo vệ hải phận và ngư dân Việt Nam. Biển ta mà ta không có những hình thức tuần tra, bảo vệ một cách thường xuyên và hữu hiệu, thì mọi sự phản đối Trung Cộng xâm lấn đều sẽ không hợp lý. Không những thế, nếu sự hiện diện thường xuyên của hải quân Trung Cộng ở Biển Đông tiếp tục kéo dài, thì yếu tố đó sẽ rất dễ tạo thành một tình huống mặc nhiên là vùng biển đó là lãnh hải của họ.
Sự phản đối suông của CSVN là một hình thức chấp nhận dần dần sự cưỡng chiếm của Trung Cộng — một thái độ không thể chấp nhận được.
Hải quân Việt Nam phải hiện diện, tuần tra và bảo vệ hải phận Việt Nam!
Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
Nguồn:Hưng Việt - Lâm Thế Nguyên