Chiều 13/7, sau khi nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và những giải pháp 6 tháng cuối năm 2011, các đại biểu đã phân làm 4 tổ thảo luận nhóm. Nhiều vấn đề nhức nhối ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân đã được các đại biểu nêu ra.
Đại biểu Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Tá Lâm. |
Đại biểu Lê Mạnh Hà, tân Phó chủ tịch UBND thành phố trăn trở, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và sức khỏe của người dân thành phố.
"Hầu như cái gì chúng ta ăn ở trên bàn đều bị nhiễm độc cả. Tôi đề nghị trong 6 tháng cuối năm và về lâu dài phải có biện pháp thật mạnh để đảm bảo cho người dân có được bữa ăn an toàn", ông Hà nói.
Phó chủ tịch đề nghị thành phố nên dựng một hàng rào về vệ sinh thực phẩm. "Tức là tất cả những gì độc hại sẽ không vào được thành phố chúng ta. Phải làm quyết liệt việc này để trên bàn ăn của người dân là thực ăn sạch", ông nói.
Chia sẻ bức xúc về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đại biểu Văn Đức Mười (quận Gò Vấp) cho rằng, có hai vấn đề cần giải quyết căn cơ là tạo ra một công cụ kiểm soát và trang bị kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
"Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề trang bị kiến thức thì dù có kiểm soát thế nào đi nữa cũng không thể đem lại hiệu quả. Bởi vì khi người dân biết, họ sẽ từ chối những sản phẩm không an toàn", ông Mười nhấn mạnh.
Đại biểu Huỳnh Thanh Nhân (quận Thủ Đức) thì quan tâm đến nguồn cung cấp thực phẩm. Trong 6 tháng qua, thực phẩm được cung cấp cho thành phố theo chuỗi, tức là từ nơi sản xuất đến các siêu thị, chợ... mới đến tay người tiêu dùng. "Vậy thông tin về nguồn thực phẩm có được người dân biết đến?", ông Nhân đặt câu hỏi.
Đại biểu Nhân cho rằng, lực lượng quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm rất mỏng. Ví dụ ở quận Thủ Đức hiện nay có 1.800 cơ sở sản xuất kinh doanh ăn uống nhưng chỉ có một đội kiểm tra cấp quận. "Nếu chỉ có lực lượng này, tôi nghĩ 2-3 năm mới vòng lại kiểm tra một lần", đại biểu Nhân bức xúc.
Đại biểu Võ Văn Sen thì cho rằng, dù thành phố đã có một đoàn kiểm tra liên ngành nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được đảm bảo. "Tôi đề nghị cần rà soát, đánh giá lại kết quả làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành này. Đoàn làm việc không hiệu quả", ông Sen nói.
Các đại biểu tại buổi họp tổ. Ảnh: Tá Lâm. |
Nhiều đại biểu cũng bày tỏ bất bình trước giá thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh tăng chóng mặt. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: sự quá tải ở các bệnh viện ngày càng trầm trọng, Sở Y tế sẽ có biện pháp gì để người dân có điều kiện khám và điều trị bệnh tốt? Vì sao công tác phòng ngừa dịch bệnh được dự báo sớm, công tác dự phòng cũng làm tốt nhưng thành phố năm nào cũng xảy ra dịch bệnh?
Vấn đề bình ổn giá thị trường cũng được "mổ xẻ" tại kỳ họp lần này. Chương trình bán hàng bình ổn giá mà TP HCM triển khai trong những năm qua được các đại biểu nhất trí cao và đề nghị mở rộng mạng lưới phân phối, nâng cao chất lượng sản phẩm. "Giá bình ổn vẫn cao, người dân nghèo ở vùng xa vẫn chưa tiếp cận được chương trình này", đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Loan nói.
Theo chương trình, sáng 14/7 các đại biểu sẽ chất vấn Sở Y tế về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và giải pháp khống chế dịch bệnh... Tiếp đó, các đại biểu sẽ chất vấn Sở Công Thương về giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát…
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, HĐND sẽ đề nghị UBND thành phố trả lời chất vấn để làm rõ một số quy hoạch "treo", quy hoạch chậm tiến độ trên địa bàn. Với Sở Y tế, các đại biểu sẽ "truy" về năng lực của ngành và khả năng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Tá Lâm
Nguồn:--'Hầu như những gì chúng ta ăn đều nhiễm độc' (VnEx) -- '10 năm mới xây được một trường mầm non' (VnEx) --Sợ bệnh viện nội, dân 'giẫm gai cũng phải ra nước ngoài chữa trị' (VnEx) Ông Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM khẳng định chuyên môn, kỹ thuật ngành y tế của Việt Nam không thua kém ai, nhưng khi người dân dù "đạp gai cũng ra nước ngoài chữa bệnh" thì cần chấn chỉnh lại.