Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Nước mắt người trồng vải

-Mọi ngả đường đều tắc nghẽn vì vài thiều (ảnh chụp sáng ngày 1.7).
- 1kg vải thiều = 2 ly trà đá (Tuổi trẻ).

TT - Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang vào chính vụ và năm nay được mùa. Nhưng chính quyền huyện cũng như người trồng vải lại lo vì đầu ra quả vải bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Vải đổ về các điểm mua ở phố Kim (Lục Ngạn) Ảnh: Đ.Bình
Những ngày trung tuần tháng 7 này, cả trời Bắc Giang, đặc biệt vùng Lục Ngạn, rực đỏ một màu vải thiều. Vải chín đỏ từ các sườn đồi, các vườn vải, đỏ từ sân nhà ra ngoài ngõ, rực khắp các ngả đường ra đến chợ. Giá vải giảm chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg.
Chẳng được là bao
Chở một sọt vải kềnh càng đi 6-7km về chợ vải phố Kim (xã Phượng Sơn), sau khi cân bán cho điểm mua Đoàn Tú, nhận mấy trăm ngàn đồng ướt nhoẹt mồ hôi, ông Hà Gia Phú (xã Đông Hưng) ngao ngán: “Hơn tạ vải chỉ được 600.000 đồng. Được từng này tiền nhưng vất vả lắm, bao công sức chăm bẵm, thu hái, phân loại”.
Gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt sau bốn chuyến chở vải ra phố Kim bán, chị Lê Thị Liễu (thôn Chể, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn) thở dài: “Năm ngoái bán xô tại vườn cũng được 13.000 đồng/kg, năm nay phải tự bẻ mang ra tận điểm cân mà cũng chỉ được 5.000 đồng/kg”. Trong khi đó, giá trà đá có lúc là 2.500 đồng/ly.
Theo ông Hà Gia Phú, với hơn 100 gốc vải dự kiến thu cỡ 10 tấn, giá bán bình quân 6.000-7.000 đồng/kg, dự kiến năm nay nhà ông thu khoảng 65-70 triệu đồng, trừ tiền phân bón, thuốc trừ sâu 7 triệu, tiền công cũng cỡ 7 triệu đồng, rồi tiền nuôi thợ thì cả nhà “lãi” khoảng 45 triệu đồng.
Số tiền này khá lớn so với cuộc sống của người dân vùng trung du, miền núi như Lục Ngạn. Nhưng nếu tính cả năm mà cả nhà 4-5 nhân khẩu chỉ trông chờ vào vải như thế thì cũng chẳng được là bao.
Dù sao bán được giá như ông Phú cũng là may vì vải của ông thuộc loại khá đẹp, quả đỏ đều, căng mọng, không chấm (vết sâu bệnh), còn khá nhiều nông dân khác chỉ bán được giá 3.500-5.000 đồng/kg. Để cứu vãn mùa vải của mình, anh Phạm Văn Tư (thôn Ngọt, xã Hồng Giang) quyết định xây lò sấy, thuê bốn thợ hái đại trà (hái cây nào hết cây đấy, không hái chọn) để tự sấy rồi xuất bán sang Trung Quốc.
Và để mỗi ngày đủ một mẻ sấy khoảng 3 tấn vải, anh còn lập điểm mua vải ngay tại nhà, thuê thêm năm thợ sấy vải (200.000 đồng/người/ngày, chưa kể nuôi ăn ba bữa). Theo anh Tư, nếu giá vải tươi mua 3.000-4.000 đồng/kg thì một mẻ lò 3 tấn vải cũng “nướng” cỡ 11-12 triệu đồng. Nhưng bù lại, giá 1kg vải khô khi xuất bán tại Đồng Đăng được cỡ 8-10 tệ/kg (1 tệ Trung Quốc bằng gần 3.200 đồng). Một mẻ lò/ngày được gần 1 tấn vải khô, thu 25-30 triệu đồng. Trừ mọi chi phí cũng thu hơn bán vải tươi.
Phụ thuộc vào... Trung Quốc
Ông Chu Văn Báo, trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn, cho biết vải Lục Ngạn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Vụ vải năm 2010 mất mùa nên sản lượng cả huyện chỉ 60.000 tấn, nhưng có đến 30.000-40.000 tấn được các thương nhân Trung Quốc mua.
Năm nay sản lượng tăng gần gấp đôi năm ngoái, có thể đạt 100.000 tấn, ông Báo cho biết tư thương Trung Quốc phải tiêu thụ đến 60% và họ chỉ mua loại vải ngon nhất, đẹp nhất. Trong 100.000 tấn thì khoảng 20% là vải loại 1, 50% vải loại 2, khoảng 25% vải loại 3 và còn lại là loại “vải rừng” (xấu nhất). Đã là vải thiều trồng trên đất Lục Ngạn thì đều ngon, ngọt, mọng nước, róc hạt.
Việc phân loại chỉ căn cứ vào vải trồng theo quy trình Viet GAP (tiêu chuẩn VN về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc) hay không và phụ thuộc vào hình dáng, mẫu mã bên ngoài. Tư thương Trung Quốc thường sẽ mua toàn bộ vải loại 1 và 70-80% số vải loại 2 bằng mọi cách, kể cả nâng giá để mua. Số vải loại 2, loại 3 còn lại các tư thương mua đưa vào miền Trung, miền Nam và các tỉnh lân cận.
Ông Tăng Đức Hậu, đội phó Đội quản lý thị trường số 3 Lục Ngạn, cho biết năm nay lượng tư thương Trung Quốc sang tận nơi mua vải nhiều hơn năm ngoái, ít nhất đến lúc này cũng có đến khoảng 30 thương nhân ở hẳn Lục Ngạn để mua hàng. Tại chợ, A Tùng - một tư thương từ Bằng Tường (Trung Quốc) - cho biết đã sang VN làm ăn hơn 10 năm nay và có ba mùa vải liên tiếp trực tiếp đến Lục Ngạn mua vải.
Có lẽ vì thế mà A Tùng nói tiếng Việt khá rành và biết được cả tâm lý người trồng vải. Theo A Tùng, vì đã sang tận nơi để mua vải về bán ở Bắc Kinh, Chiết Giang, Phúc Kiến nên phải mua vải thật đẹp, thật ngon. Bà Hải Bích, một người đứng ra mua vải cho tư thương Trung Quốc, cho biết mỗi ngày bà mua khoảng 30-35 tấn, đủ đóng hai container. Vải thì cùng một loại (chỉ loại 1) nhưng không phải cùng một giá. “Giá vải mình không quyết định mà do chính người Trung Quốc đứng ra mặc cả với nông dân” - bà Bích nói.
“Bửu bối” giúp nông dân bán được giá cao
Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho rằng sản xuất nông nghiệp khó có thể tránh được quy luật cung - cầu của thị trường, nên khi cung lớn mà cầu không biến động chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng “được mùa rớt giá”. “Vải thiều hay bất cứ loại nông sản nào nếu thực hiện sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn Viet GAP thì sản phẩm bao giờ cũng được đảm bảo chất lượng, giá lại cao” - ông Tiệp khẳng định.
Theo ông Tiệp, Lục Ngạn có gần 20.000ha trồng vải thiều nhưng mới có khoảng 6.000ha thực hiện trồng theo quy trình Viet GAP. Qua kiểm tra thực tế giá vải Viet GAP luôn cao hơn và bán rất chạy. Ngược lại, không theo quy trình này giá rất thấp và phụ thuộc hoàn toàn vào người mua.
“Nếu thực hiện đúng thì Viet GAP chính là bửu bối giúp nông dân yên tâm sản xuất, trồng trọt” - ông Tiệp nói. Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác, vì thế hàng nông sản xuất nhập khẩu theo đường chính ngạch cần phải có bao bì ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Muốn vậy, phải sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP mới đảm bảo xuất khẩu. Còn với hầu hết vải thiều hay bất cứ mặt hàng nông sản nào khác không có bao bì, nhãn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ thì phải chấp nhận bán ngoài thị trường.
ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG


-Nước mắt người trồng vải
(Dân Việt) - 100km là khoảng cách từ “thủ đô vải thiều” đến thủ đô Hà Nội. Và đi theo quả vải thiều trên quãng đường 100 km ấy, tôi đã thấy công sức lao động của người nông dân bị chèn ép thế nào trong đời sống kinh tế hiện tại.
Cuối tháng 6 đầu tháng 7 là thời điểm vải thiều vào chính vụ. Ngày 4.7, dọc tuyến Quốc lộ 31 từ TP.Bắc Giang lên Lục Ngạn chỉ 40km nhưng phải mất gần 3 tiếng đồng hồ tôi mới thoát khỏi những khu chợ nườm nượp người và vải. Vải được chất thành đống to như những quả núi nhưng ở phía xa xa, trên các triền đồi vẫn đỏ rực một màu vải của các gia đình chưa kịp hái đi bán.
Sôi nước mắt

Gạt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đem nhẻm sau những ngày phơi nắng dầm mưa vật lộn với 2ha đồi vải, ông Vũ Công Huệ ở thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) thở dài: “Con đường từ nhà ra tới thị trấn Chũ là điểm cân vải chưa đầy 8km, vậy mà vợ chồng tôi hì hục hái vải từ chiều hôm trước để sáng dậy đi từ gà gáy nhưng cũng phải tới gần trưa mới đến được điểm thu mua vì... tắc đường. Dù khéo xếp, mỗi ngày ông Huệ cũng chỉ mang được 1 tạ vải đến chợ”.
Vào chính vụ, vải mang thương hiệu 100% Lục Ngạn cũng vẫn bị ép giá. Chẳng biết ngoài Thủ đô người ta bán được bao nhiêu, ở đây người trồng vải như chúng tôi phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà giá mỗi cân vải chỉ bằng 1 cốc trà đá ngoài Hà Nội” - ông Huệ than.
Tôi hỏi chuyện “sôi nước mắt” là thế nào, bà Nguyễn Thị Huê - vợ ông Huệ giải thích: Cả năm trời vun xới, bón phân, tỉa cành, phun thuốc trừ sâu, tưới nước... đến mùa vụ, hái được vải xuống nhiều lần say nắng ốm hàng tuần, thậm chí nhiều khi bị bọ xít đái cho sưng hết cả mặt mũi, có người còn đau mắt phải nằm ở nhà nửa tháng trời. Bọ xít mà đái vào mắt không “sôi nước mắt” mới là lạ...”.
Nghe cách giải thích của bà Huê tôi chỉ còn biết cười gượng gạo khi nghĩ tới nỗi nhọc nhằn của những người trồng vải. Bà Huê đưa cho tôi chùm vải chín đỏ, dù không lạ gì với loại hoa quả này nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được hương vị của vải thiều chín trên cây ngon đến thế! Bà Huê bảo: “Chú thấy đấy, vải ngọt là thế nhưng chúng tôi thấy đắng cả... lòng”.
Giải thích cho nguyên nhân giá thấp, ông Vũ Công Thạc – Trưởng thôn Đồng Quýt cho rằng, một phần là do loại quả chín mọng này khó bảo quản, sau một vài ngày là đổi màu, vỏ thâm lại thì bán được cho ai. Ngoài Lục Ngạn và Thanh Hà (Hải Dương) là có thương hiệu, hầu như ở khắp các tỉnh miền Bắc đều trồng vải theo “phong trào” nên khó tiêu thụ. Vào chính vụ, người dân ở khu vực lân cận còn mang vải tới Lục Ngạn để cân, nhằm mượn thương hiệu cho... được giá cao. Chuyện “chở củi về rừng” dẫn tới tắc đường và càng làm cho các thương lái ép giá.
Nhớ lại những năm trước, nhiều gia đình ở các xã heo hút, giao thông cách trở, vải có thời điểm giảm xuống còn 500 đồng/kg, nếu thuê người hái cũng mất 100 nghìn đồng/người/ngày nên đành chọn phương án mặc cho vải rụng đỏ gốc. Có người tiếc của đã đầu tư thêm mấy cái lò, mua than về sấy dù chưa biết vải khô có bị ép giá hay không.
Thắt nghẹn lòng
Ông Ngô Duy Long - Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Quý Sơn quyết định chưa đem vải đi bán mà chỉ đi tham khảo giá, cho biết: “Tới thời điểm này đã là chính vụ, dù vải năm nay được mùa nhưng thương lái lại lên đây ít hơn những năm trước. Thời tiết vào vụ lại mưa nắng thất thường, nếu vải nắng quá thì bị héo, còn mưa không bảo quản cẩn thận là bị thối ngay nên nhiều thương lái vin vào cớ này mà ép giá, vải đẹp nhất cũng chỉ 5 - 6 nghìn đồng/kg”. Nhiều người dân mang được sọt vải ra chợ, tắc đường nên từ sáng tới chiều mới cân xong cũng chỉ được có 200-300 nghìn đồng.
Ông Vũ Công Huệ ở thôn Đồng Quý, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) nhọc nhằn đưa vải đi cân.
Sau một ngày theo chân người trồng vải đến chợ tiêu thụ, tôi lại ngược lên Hà Nội. Tại chợ Long Biên, 12 giờ đêm là thời điểm vải được vận chuyển về nhiều nhất. Anh Trần Văn Tuyên - một tài xế chở vải thuê cho biết, với chiếc xe 2,5 tấn chở vải từ Bắc Giang về Long Biên, giá cước xe thương lái trả 1,6 triệu đồng. Lên tới chợ đầu mối hoa quả Long Biên, các thương lái xuống hàng, tuỳ từng mẫu mã, màu sắc được phân loại khác nhau đã có giá 6 nghìn đồng/kg, tính trung bình, quả vải từ quê lên đến phố đã tăng thêm 2 nghìn đồng/kg. Với mỗi xe 2,5 tấn các thương lái trừ chi phí vận chuyển (1,6 triệu đồng) cũng có hơn 3 triệu đồng tiền lãi (bằng gần 1 tấn vải).
Sáng 5.7, tìm đến các điểm bán hoa quả và một số hàng rong trên địa bàn Hà Nội mới thấy người Thủ đô muốn có một cân vải vẫn phải bỏ ra hơn 10 nghìn đồng. Thế nhưng đấy cũng chỉ là vải “mượn thương hiệu”. Vải thiều Lục Ngạn chính hiệu đi vào các nhà hàng, siêu thị với giá cao hơn nhiều.
Tại thời điểm này, tại các cửa khẩu phía Bắc, vải thiều cũng đang bị ứ đọng. Thương lái Trung Quốc chỉ nhập hàng với giá 7 – 8 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, giá vải Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc (nơi tập trung chủ yếu hàng hoa quả của Việt Nam xuất sang) có giá 12 tệ/kg (gần 40 nghìn đồng).
Nghe câu chuyện hai bố con “ăn” hết chục cân vải của ông anh họ tên Hưng ở Phượng Sơn (Lục Ngạn) thì đúng là cười ra nước mắt. Bán hết vườn vải, anh Hưng đưa con gái xuống Hà Nội thi đại học. Hôm đến làm thủ tục, lúc ra về, trời mưa, anh dẫn con gái vào quán cà phê gần nơi thi để tránh mưa. Chỉ dám gọi cho con gái cốc sữa, uống hết cốc sữa mà mưa vẫn không ngớt, anh Hưng gọi đĩa vải ra ăn cho “đỡ ngượng”.
Tính toán thế bởi theo suy nghĩ của anh, trong số hoa quả bày trong tủ kính kia, chỉ có vải là rẻ nhất. Ai dè lúc tính tiền mới biết là 50 nghìn đồng/đĩa, anh Hưng trả tiền mà thắt nghẹn lòng. Số tiền ấy, tại nhà anh mua hơn yến vải, thế mới có chuyện hai bố con ăn hết hơn chục cân vải. Nghe phì cười mà đắng cả lòng.
Nghĩ tới công sức của người trồng vải phải bỏ ra nhưng chỉ thu về một khoản tiền quá nhỏ, bỗng dưng tôi nhớ câu nói nổi tiếng của V.I Lenin: “Hãy để người nông dân suy nghĩ trên chính luống cày của mình”. Kính thưa bậc tiền nhân, vậy ngoài luống cày thì ai suy nghĩ cho người nông dân đây?

Tổng số lượt xem trang