Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Hoa Kỳ và Việt Nam

-Hoa Kỳ và Việt Nam

Nguyễn Xuân Nghịa - Đinh Quang Anh Thái - "Giờ Giải Ảo" 20100330

Những Mục Tiêu Bất Nhất và Những Tính Toán Chết Người... Khác!

Cậu ấm Kennedy và Nikita Krushchev

ĐQAThái: Thưa quý thính giả, đây là Giờ Giải Ảo với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trở lại với quý vị vào mỗi tối Thứ Ba trên làn sóng 1190AM của đài phát thanh NVR và trên mạng lưới điện toán toàn cầu kxmx.com cùng trang nhà của nhật báo Người Việt. Chúng tôi là Đinh Quang Anh Thái, xin kính chào ông Nghĩa. Thưa quý thính giả, từ 35 năm nay, cứ đến Tháng Tư, thì người Việt khắp nơi lại nhớ về biến cố 1975 và nhiều người trong chúng ta tự hỏi vì sao Hoa Kỳ lại có những quyết định tai hại như vậy cho người Việt và cho cả danh dự hay quyền lợi của nước Mỹ? Chúng ta sắp bước vào Tháng Tư nên chúng tôi nêu câu hỏi với ông Nghĩa để tìm hiểu về chuyện này, mà cũng có khi để tự giải ảo chăng? Ông Nghĩa nghĩ sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa:- Tôi thiển nghĩ là mình có oán nước Mỹ thì cũng chẳng làm thay đổi được quá khứ. Bây giờ ở trên đất Mỹ, thì ta nên cố tìm hiểu lại chuyện xưa và có khi cũng cần tự giải ảo trong cách vận động vào chính trường Hoa Kỳ cho quyền lợi của một nước Việt tự do. Ta sẽ phải mất nhiều chương trình thì may ra mới trình bày hết được mọi chuyện. Phần tôi thì tôi xin đề nghị là ta sẽ nói về chuyện gần trước, chuyện xa mình đề cập sau, và nếu có nêu được vài ý kiến giúp thính giả suy ngẫm về thảm kịch của dân tộc thì cũng là điều vinh hạnh cho chương trình chúng ta.

ĐQAThái: Ông nói là sẽ trình bày từ gần đến xa là như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Xa thì ta nhớ quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ khởi đầu một cách gián tiếp khi Hoàng tử Cảnh gặp Thomas Jefferson vào cuối thế kỷ 18, và trực tiếp khi Bùi Viện gặp Tổng thống Ulysses Grant vào hạ bán thế kỷ 19. Cả hai lần đều không thành vì khi ấy Hoa Kỳ nhìn qua hướng khác. Sau đó là từ những năm 1945 tới 1954 thì thành mà từ đấy cũng... thành đại họa cho Việt Nam do rất nhiều khúc mắc của lịch sử và tính toán của Hoa Kỳ.

- Gần thì ta có biến cố của mươi năm trước khi Hoa Kỳ ký Hiệp định Thương mại Mỹ-Việt và cho Việt Nam hưởng quy chế tối huệ quốc sau năm 2000, hay có biến cố 15 năm trước, khi Mỹ thiết lập bang giao với chế độ Cộng sản Hà Nội vào năm 1995 sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế vào năm 1994.

- Ở giữa thì có biến cố 1975, và rất nhiều chuyện thương tâm khác.... Trong cuộc hội thảo quốc tế vào ngày 28 tháng Tư này tại Rose Center, một số học giả Hoa Kỳ được chúng tôi mời qua Quận Cam có thể cũng sẽ trình bày quan điểm của họ về những vấn đề này. Vì sao Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam rồi vì sao lại tháo chạy và hậu quả của những quyết định ấy là gì? Phần mình, tôi xin nêu ra vài ý kiến đầy nghịch lý để tự giải ảo.

ĐQAThái: Như vậy, nếu nhớ lại chuyện cũ 35 năm và nhiều dấu mốc thời gian khác, chúng ta nên nhìn lại nước Mỹ trong quan hệ với Việt Nam...

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết, hãy nói chuyện gần. Sau khi bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế năm 1994, Hoa Kỳ tái lập bang giao với Việt Nam năm 1995. Từ đấy, các chính quyền nối tiếp - cả Dân Chủ lẫn Cộng Hoà - đều tích cực giúp Việt Nam cải thiện kinh tế với cao điểm là năm 2001, khi Tổng thống Bill Clinton cho ký hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt, bên trong có điều khoản tạm chấp nhận quy chế tối huệ quốc (là mậu dịch bình thường - NTR) được tái xét hàng năm. Quy chế NTR đó trở thành vĩnh viễn và thường trực từ năm 2007 khi Hoa Kỳ thời ông Bush mở cửa cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Lý do chính thức là cải thiện kinh tế sẽ cải thiện chính trị, và Hà Nội gọi đó là "âm mưu diễn biến hoà bình"!

ĐQAThái: Rồi từ đó, tình hình Việt Nam có thay đổi không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là từ đó, tình hình kinh tế Mỹ-Việt có đổi khác. Tôi xin được nêu vài con số về sự đổi khác này nhưng nhấn mạnh rằng đời sống đa số người dân Việt Nam thì vẫn chưa.

- Trong 15 năm, từ 1994 đến cuối năm 2008, xuất cảng của Việt Nam qua Mỹ đã từ 50 triệu Mỹ kim tăng đến hơn 12.000 triệu, tức là hơn 12 tỷ - gấp 250 lần. Ngược lại, xuất cảng của Mỹ qua Việt Nam chỉ tăng từ 172 triệu Mỹ kim lên gần hai tỷ bảy - gấp 15 lần thôi. Rồi kể từ 1995 đến giữa năm  2009, Việt Nam liên tục đạt xuất siêu - là xuất nhiều hơn nhập cảng - với Hoa Kỳ. Kỷ lục là xuất siêu gần 10 tỷ Mỹ kim năm ngoái. Việt Nam có lợi lớn trong quan hệ buôn bán với Mỹ! Nhưng lời được 10 tỷ thì Việt Nam lại... trả cho Trung Quốc vì bị nhập siêu ngạch số tương đương với nước láng giềng phương Bắc, đàn anh và quan thầy của lãnh đạo Hà Nội!

- Ngày nay, khi một số giới chức Mỹ lại có vẻ muốn giúp Việt Nam nâng khả năng bảo vệ nền độc lập trước sức ép của Trung Quốc, tới độ ngầm kêu gọi thông cảm trước sự vi phạm nhân quyền quá trắng trợn của Hà Nội, thì ta nên ngạc nhiên, và nói thật là nên coi chừng vì mục tiêu của Mỹ lại dời đổi! Cũng y như khi họ nó về trường hợp Miến Điện vậy.

- Hiểu cho gọn thì hợp tác với chế độ quân phiệt Miến hay độc tài Việt Nam để chặn Trung Quốc có khi lại là giải pháp! Và nhiều người Mỹ gốc Việt rất ưa chuyện đó vì trở về Việt Nam làm ăn với hàm ý là để giúp đất nước ngăn ngừa Trung Quốc! Có khi nhờ Mỹ ép Hà Nội mà mình còn được ra làm quan trong một chính thể đa nguyên kiểu Mỹ!

ĐQAThái: Nhưng vì sao Mỹ lại có mâu thuẫn giữa lý tưởng tự do dân chủ với quyết định kinh tế? Chẳng hạn như vì sao Hoa Kỳ cứ nói là nhờ chuyển hóa kinh tế mà phát huy dân chủ tại các quốc gia khác, nhưng rốt cuộc thì có thể vì quyền lợi kinh tế mà hợp tác với các chế độ độc tài?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chuyện quyền lợi kinh tế lại không đơn giản là để bán hàng hoặc đầu tư vào Việt Nam nhằm kiếm lời vì như ta thấy đấy, Mỹ bán ít mua nhiều và Việt Nam có lợi hơn khi làm ăn với Mỹ.

-  Thứ nữa, nước Mỹ đã hợp tác với chế độ Hà Nội ít nhất 15 năm dù biết rằng chế độ này độc tài và tham ô hơn hai nền Cộng Hoà đã bị họ lật đổ hay bức tử tại miền Nam. Còn lại, thì truyền thông và thầy cô thiên tả của Mỹ tiếp tục duy trì lý luận xuyên tạc là vì chế độ ông Diệm độc tài chế độ ông Thiệu tham nhũng và Quân lực Việt Nam không chiến đấu nên mới thua! Tôi xin miễn bàn về sự bất công nguy hiểm đó cho trí não của con em chúng ta vì nhiệm vụ cải sửa sự sai lầm ấy là của mọi người. Nhưng cũng xin nhắc lại rằng Hà Nội thì mở chiến dịch giải thích rằng khi xưa ông Hồ Chí Minh đã muốn hợp tác với Mỹ và tiếp xúc với cơ quan tình báo OSA của Hoa Kỳ mà vì bị Mỹ từ chối nên buộc lòng ông ta phải dựa vào Nga vào Tầu để đánh đuổi thực dân Pháp! Ra cái điều ông ta yêu nước và thực tâm tranh đấu vì độc lập dân tộc và rằng chủ nghĩa cộng sản chỉ là phương tiện! Đó là đổi trắng thay đen.

- Trở lại chuyện cũ, suốt 15 năm ấy, cộng đồng người Việt tại Mỹ có nhiều cuộc tranh luận về việc nên hay không bãi bỏ cấm vận kinh tế và bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hà Nội. 

- Một bên thì cho là phải dùng kinh tế nâng cao mức sống người dân thì mới nâng cao dân trí và đấy là điều kiện cần thiết cho dân chủ. Bên kia thì không tin vào lời cam kết thay đổi của Hà Hội nên chủ trương là nên giữ lệnh cấm vận, hoặc chỉ thận trọng giải tỏa những hạn chế kinh tế theo từng bước cải thiện chính trị tại Việt Nam. Cuộc tranh luận ấy đã hết vì khi Mỹ bắt tay và làm ăn với Hà Nội thì việc một số người tỵ nạn năm xưa trở về làm ăn với chế độ - hoặc ở ngoài này cộng tác với tay chân của chế độ - là việc họ cho là hợp lý, nếu chưa là hợp đạo lý. Chẳng lẽ chúng ta lại đòi bảo hoàng hơn vua mà chống Cộng hơn Mỹ? Vả lại, cáo bao tử phải no hơn thì cái đầu mới suy nghĩ thông thoáng hơn.

- Theo lý luận khôn ngoan của họ thì hãy cứ trở về "xây dựng đất nước", rồi làm giàu cho mình và trở ra tìm cách bênh vực chế độ! Đâm ra, cái đầu của chính trị rất biết xài cái bao tử của con buôn. Còn chuyện người dân là chuyện bá tánh, ở dưới!

ĐQAThái: Nhưng vì sao Hoa Kỳ đã từng muốn giúp miền Nam có tự do hơn miền Bắc cộng sản, mà sau lại bỏ cuộc và giờ đây lại giúp đỡ Việt Nam Cộng sản và 15 năm sau vẫn chưa thấy có cải thiện gì nhiều về chính trị cho tự do hơn? Họ biết rất rõ về những tệ nạn đàn áp đó chứ?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Có lẽ ít ra một lần cho xong, chúng ta nên hiểu ra động lực của Hoa Kỳ trước và sau 1975 thì sẽ dễ hiểu ra chuyện 1975. Nhiều người cho là chỉ vì Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger đầy gian hùng. Sự thật lại chưa hẳn như vậy mà còn kinh hãi hơn vậy!

- Ngay từ cuối năm 1967 - một năm trước khi tranh cử Tổng thống - ông Nixon đã viết trên số tháng 10 tờ Foreign Affairs rằng "Về dài [Hoa Kỳ] không thể mãi mãi để Trung Quốc nằm bên ngoài cộng đồng các quốc gia để nghiền ngẫm sự hoang tưởng, ôm ấp hận thù và đe dọa các nước láng giềng". Ông ta thận trọng chuẩn bị việc giải vây Trung Quốc và kéo xứ này ra khỏi tình trạng bế quan toả cảng, để sẽ đứng cùng phe với Hoa Kỳ. Mục đích của Nixon là chính trị.

- Chính trị đó là giải toả sự cô lập của quốc gia đông dân nhất địa cầu - khi đó có hơn 500 triệu dân - hầu lập thế liên minh Mỹ-Hoa trong mối quan hệ tay ba giữa Hoa Kỳ, Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc và Liên bang Xô viết. Ông thành công mỹ mãn, với cái giá là đẩy một đồng minh là Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ra khỏi Liên hiệp quốc. Còn đồng minh kia, "tiền đồn thế giới tự do" là Việt Nam Cộng Hoà, thì được đẩy xuống biển. Hay vào vòng tay Cộng sản ở miền Bắc.

- Qua các tài liệu được giải mật sau này thì trong năm năm bẻ tay Việt Nam Cộng Hoà để đòi cùng ký bản Hiệp định Paris, Nixon và Kissinger đều cân nhắc và chấp nhận rủi ro là miền Nam sẽ rơi vào chế độ Cộng sản. Là điều họ đã đồng ý với Tổng lý Chu Ân Lai của Trung Quốc trước sự ngạc nhiên của họ Chu! Miễn rằng điều ấy xảy ra đủ lâu sau khi Hoa Kỳ triệt thoái để khỏi bị mang tiếng.

- Việc miền Nam chỉ sụp đổ hai năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết là phép lạ, của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, chứ Chính quyền Nixon đã chờ đợi một sự sụp đổ sớm hơn! Y hệt như trước đó, khi Bảo Đại chỉ định ông Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng, bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng nội các của ông Diệm khó tồn tại sau năm tuần! Nào ngờ ông Diệm lật ngược được thế cờ, thống nhất được miền Nam hỗn loạn thời ấy thì Mỹ mới nhảy vào ủng hộ. Trong khi đó đa số dư luận vẫn cứ xem ông Diệm như người của Mỹ, được Mỹ đưa về làm Thủ tướng!
  
- Kỷ niệm 35 năm, ta cần nói đến phép lạ đó của Quân lực chúng ta khi đã bi bỏ rơi, hết đạn mà vẫn cố chiến đấu và trước đó còn xả thân bảo vệ Hoàng Sa trong khi Đệ thất Hạm đội Mỹ ở gần đó vẫn dửng dưng theo dõi từ bên ngoài! Đô đốc Elmo Zumwalt còn nói rằng Hoa Kỳ chẳng có quyền lợi gì ở khu vực đó! Chuyện binh lính miền Nam chiến đấu đến cùng cho Tổ quốc Việt Nam thì ta phải nói ra vì lịch sử chỉ nhớ tới vài ba bức hình của binh lính ta bám trực thăng mà chạy và không ai còn lưu giữ để phố biến hình ảnh bộ đội Bắc Việt bị xiềng vào chiến xa.

- Động lực của Hoa Kỳ tại Việt Nam là như vậy, cách tiến hành của họ tất nhiên là thô bạo và phũ phàng. Khi miền Nam hấp hối và cố đương cự hoặc gây dựng khả năng cầm cự về kinh tế hay quân sự thì nỗ lực đó đều bị Hoa Kỳ chặn đứng! Việc Việt Nam Cộng Hoà muốn vét sạch vốn liếng còn lại vào đầu năm 1975 - chừng 300 triệu Mỹ kim - để mua súng đạn tự vệ đã bị cản trở.

- Trước đó, một nỗ lực gây vốn đầu tư từ tập thể quân đội tương tự như Nam Hàn thời Pak Chung Hee là Quỹ Tiết kiệm của Quân đội và Kỹ thương Ngân hàng của quỹ này cũng bị Mỹ diệt gọn. Lý do chính thức: chuyện ấy giới hạn kinh tế thị trường của tư doanh và vi phạm luật lệ viện trợ Mỹ!... Khi ấy, bản thân tôi làm Phó Tổng giám đốc ngân hàng phát triển loại trung ương của Chính phủ Sàigon còn được yêu cầu là không tài trợ cho các dự án của Kỹ thương Ngân hàng. Triết lý kinh tế chính trị Mỹ là chuyện thiêng liêng mà cay đắng lắm. Bây giờ, hãy nhìn tư doanh Mỹ vui vẻ liên doanh với doanh nghiệp nhà nước của Bắc Kinh hay Hà Nội thì ta rõ tính chất co giãn của triết lý chính trị ấy.

ĐQAThái: Vì sao ông cho rằng vấn đề ở đây không là tính chất gian hùng của Nixon hay ngụy tín của Kissinger, hoặc sự lật lọng của đảng Cộng Hoà?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa nó là một đặc tính chính trị của lãnh đạo Hoa Kỳ, thuộc cả hai đảng.

- Ngay sau khi đơn phương đổ quân vào Đà Nẵng - trước sự chưng hửng của lãnh đạo miền Nam, của Đại sứ Mỹ vốn là một Đại tướng là Maxell-Taylor - vào hồi tháng Ba năm 1965, cách đây 45 năm, Tổng thống Lyndon Johnson của đảng Dân Chủ đã vừa leo thang chiến tranh vừa tìm cách đàm phán với Hà Nội để kết thúc chiến tranh! Ông ta khó tháo chạy vì thừa hưởng di sản Việt Nam của một Tổng thống bị ám sát là John Kennedy, và không muốn mang tiếng đi ngược chủ trương chính thức của vị tiền nhiệm.

ĐQAThái: Mà chủ trương của Kennedy là gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau khi thất bại tại Cuba trong vụ đấu trí với Nikita Krutchev năm 1962, thực ý của cậu ấm Kennedy chỉ là biểu dương ý chí chống cộng ở một nơi an toàn vì rất xa nước Mỹ, là Việt Nam nơi mà bản thân ông và ban tham mưu toàn đại trí thức thì không hiểu gì cả. Ông trù tính dấn tới để cho thấy mình là tay diều hâu chống cộng, rồi sẽ rút sau khi tái đắc cử năm 1964. Cứ như chuyện thời sự ngày nay vậy!

- Rồi biến cố bi thảm tháng 11 năm 1963 khi Kennedy bị ám sát tại Dallas lại phá vỡ tính toán đó khiến Johnson lên làm Tổng thống và phải bày tỏ ý cương quyết mà thật ra không phải chí quyết thắng. Ông Johnson mang họa vì hồ sơ Việt Nam chứ có những ưu tiên lớn hơn ở nhà: xây dựng "Xã hội Đại đồng" (Great Society) với các chương trình giáo dục, xoá nghèo đói, bảo dưỡng và trợ giúp y tế (Medicare Medicaid)... Nếu nhìn từ quyền lợi của Hoa Kỳ, đấy là chuyện chính đáng - mà ngày nay thì cũng vậy thôi!

ĐQAThái: Ông nêu ra ý kiến hơi lạ là ông Johnson không có chí quyết thắng. Vì sao ông nói như vậy khi mà Johnson leo thang chiến tranh và có lúc đổ tới nửa triệu lính Mỹ vào Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi rất thương và rất quý trọng người chiến binh và thương nhất là khi họ bị hy sinh cho mục tiêu chính trị!

- Thật ra, Johnson vừa đòi đánh vừa muốn đàm ngay từ tháng Tư năm 1965 đến tháng Tư 1968 là khi đồng ý hoà đàm với Hà Nội, qua trung gian của nào Ấn Độ, nào Tổng thư ký Liên hiệp quốc là U Thant, qua Thủ tướng Anh Harold Wilson, qua Cộng hoà Nam Tư Yugoslavia, hay đức Giáo hoàng Phao lồ Đệ lục, Canada, v.v... Mỗi lần Mỹ leo thang lại một lần bắn tiếng, mỗi lần đề nghị hưu chiến và ngưng oanh tạc lại là một lần hỏi han để đàm phán việc triệt thoái. Cỡ hai chục lần như vậy trong ba năm - mà nhiều khi người Việt mình khi đó không biết. Và Hà Nội thì bất cần!

- Trong chuyện ấy, sai lầm chiến lược của Chính quyền Johnson hay của Tướng Westmoreland tại Việt Nam là chuyện của Mỹ. Nhưng sai lầm sinh tử cho nước Việt Nam chính là mục tiêu của lãnh đạo Hà Nội, muốn vay đạn Tầu đánh Mỹ cho toại chí Bắc Kinh và ngày nay ta mới lãnh họa! Đã 35 năm rồi mà nhiều người ở Hà Nội chưa thấy tối... Thời ấy, nhà thơ Chế Lan Viên của Hà Nội đã vẻ vang minh họa chân lý tối mò đó như sau, tôi xin được đọc lại và sẽ còn đọc lại mãi để mong rằng con trẻ đời nay ở trong nước có dịp hiểu ra sự thật:
"Phương Nam nguyện hái hoa màu lửa,
Cho thỏa lòng mơ bạn Bắc Kinh!"

- Trở lại động lực của Hoa Kỳ, vì sao Mỹ can thiệp vào Việt Nam để "xây dựng tiền đồn tự do" và "ngăn làn sóng đỏ" sau lại bơi vào làn sóng đỏ mà đạp tiền đồn này xuống nước? Chúng ta xin giành câu hỏi này cho chương trình khác của Giờ Giải Ảo....

Tổng số lượt xem trang