Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Hòn gạch gõ cửa và trí thức

hehe, bài này chắc có nhiều tranh cãi, xin mời các bạn....

-Thỉnh thoảng tôi giở Lỗ Tấn ra đọc. Nhưng vì hay xê dịch nhiều tôi không mang được sách theo mình. Cũng hay là trên mạng cũng có những tác phẩm của Lỗ Tấn, gõ vài ba chữ hú họa cũng tìm ra được cái gì đó của Lỗ Tấn đọc. Tôi chợt nhớ tới Lỗ Tấn vì tấm poster bộ phim Mười đêm mộng có ảnh của Soseki với bộ ria trông na ná giống Lỗ Tấn. Bộ ria mép như vậy có lẽ là mốt thời Minh Trị của người Nhật. Người Trung Quốc thời kỳ đấy không để ria như vậy. Lỗ Tấn có viết về bộ ria của mình vì có người yêu cầu ông cạo nó đi. Tôi mang máng có đọc ở đâu đó về chuyện này.

Hú họa tôi tìm được đoạn văn này của Lỗ Tấn: "Tóm lại, Khổng Phu Tử ở Trung Quốc là người được bọn quyền thế tưng đội lên, là ông thánh của bọn người quyền thế hay là muốn trở nên quyền thế đó, chứ không dính líu gì với dân chúng nói chung hết cả. Nhưng mà, đối với thánh miếu, bọn người quyền thế đó cũng chẳng qua có lòng sốt sắng trong một lúc mà thôi. Bởi vì trong khi tôn Khổng đó họ đã nhằm một mục đích khác, khi mục đích đã đạt một cái, thì lại càng là vô dụng hơn nữa. Ba bốn mươi năm về trước, phàm những người nào lăm le có quyền thế, tức là người hy vọng làm quan, đều đọc Tứ thư, Ngũ kinh, làm "văn bát cổ", một số người khác đặt tên chung cho cả các thứ sách vở văn chương ấy là "hòn gạch gõ cửa". Thế nghĩa là, khi thi đỗ rồi, cả các thứ ấy đồng thời đều bị quên bẵng, giống như hòn gạch đã dùng khi gõ cửa, cửa đã mở thì hòn gạch cũng bị vứt đi. Khổng Tử, cái con người ấy, thực ra thì sau khi chết rồi, cũng chỉ là người bị dùng làm "hòn gạch gõ cửa"". Đây là đoạn văn trong tạp văn Khổng Phu tử ở Trung Quốc đời nay, bản dịch của Phan Khôi.

Đọc đoạn tạp văn của Lỗ Tấn tôi chợt nhớ ra xứ Nam ta gần đây hay bàn về trí thức. Tôi có đọc những bàn luận đấy, nhưng đọc xong thường tránh xa. Cũng chẳng phải là quỷ thần để mà phải "kính nhi viễn chi" như Khổng Phu tử dạy. Tôi thường cảm thấy thấy phì cười vì những người hay bàn luận về trí thức Việt Nam mà tôi thấy lại chính là những người một thời từng hăng hái cầm "hòn gạch gõ cửa" và khi cửa mở ra rồi thì đã liệng phéng hòn gạch đó đi rồi. "Hòn gạch gõ cửa" của bọn họ, có khác với trong tạp văn của Lỗ Tấn, không phải là tứ thư ngũ kinh gì của Khổng Phu tử, thường là khoa học hay văn chương. Toán có, lý có và vân vân. Đấy đích xác là bọn một thời có quyền thế, tiến thân qua con đường khoa học, và đã vứt khoa học đi từ lâu. Giờ đây về già, cánh cửa quyền thế lại đã khép lại, tống họ ra ngoài cửa, cái hòn gạch mà họ đã liệng đi rồi, đâu còn tìm lại được nữa. Bọn họ giờ quay ra bàn luận về trí thức. Luận về trí thức có khi lại là một "hòn gạch gõ cửa" mới của bọn họ, chỉ có khác không phải để gõ cửa quyền thế như một thời đã qua của họ, mà để gõ một cánh cửa khác, không còn quyền thế nữa thì sang danh vậy. Lỗ Tấn ở Trung Quốc chắc chưa nhìn ra bọn này. 

Kẻ nào trót là trí thức, tôi thấy, thậm khổ. Bị bọn "gõ cửa" xăm xăm xoi mói, quay trước nghía sau để mà phân loại, để mà định danh, định tính. Nhỡ có chút lông lá nào không hợp với cái khuôn của bọn họ thì ráng mà gọt đi cho vừa nếu muốn được lọt vào cái danh của chúng. Rốt cuộc chính bản thân bọn trí thức cũng chỉ là "hòn gạch gõ cửa" của bọn "gõ cửa". Khi nào cánh cửa mở ra thì "hòn gạch gõ cửa" mới này cũng bị liệng đi thôi.

Người ta sinh ra ở đời hoặc thế này hoặc thế khác. Có hay không có phân loại trí thức thì đã làm sao? Cái cốt nhất là ở tự chính mình. Người nông dân trồng lúa có bao giờ phải bận tâm thiên hạ gọi mình là nông dân hay không nông dân. Tự nhiên đã là thế rồi. Việc gì mà phải bận tâm phải thế này hay không phải thế này. Nhưng có một điều tôi tin chắc, cái bọn đã từng liệng "hòn gạch gõ cửa" đi chắc chắn không bao giờ là trí thức. Tự nhiên là vậy.  

Nguồn Đông A




--Bọn tắc kè
 Cách đây khá lâu tôi có viết về loại người "hòn gạch gõ cửa". Giờ đây có những sự kiện khiến tôi nhớ lại bài viết đã cũ đấy. "Hòn gạch gõ cửa" là một phát hiện của Lỗ Tấn. Giờ đây tôi muốn điểm thêm một loại người khác. Tôi gọi là bọn tắc kè. Cái tên gọi này tôi nhận thấy không chuẩn lắm. Nhưng tạm thời tôi chưa tìm ra được cái tên khác nên đành dùng tạm. Thực ra bọn tắc kè này tôi lấy ý tưởng từ Milan Kundera: những kẻ thay đổi quan điểm nhân danh sự hòa giải với tinh thần thời đại. Nhưng tôi lại đã dùng khái niệm này của Kundera để chỉ một loại người khác mất rồi. Đành phải dùng tạm khái niệm "tắc kè".

Bọn tắc kè là tôi muốn nói tới những kẻ từng là quyền thế một thời. Có thể là thứ trưởng, có thể viện trưởng... Ví dụ như vậy. Lúc bọn họ đương thời quyền thế, tuyệt nhiên không hề thấy họ phê phán gì cái hệ thống mà chính họ không chỉ là một phần của nó, mà là một phần quyền thế của cái hệ thống đấy. Khi bọn họ bị đá ra khỏi thành phần quyền thế vì tuổi già, bỗng nhiên thấy họ phê phán cái hệ thống mà chính họ từng là một phần quyền thế của nó cứ như là họ chưa từng là một phần của cái hệ thống đấy hay không có liên quan gì hay chịu trách nhiệm gì vì cái hệ thống đấy. Đấy chính là loại người mà Kundera đã từng chỉ ra: "... những người tôi thấy thay đổi thái độ đối với Lênin, với châu Âu v.v tự phơi bày mình ra trong sự phi cá thể của họ. Sự thay đổi đó không phải là sáng tạo của họ, cũng chẳng phải là phát minh, là ý thích thất thường, là điều bất ngờ, là suy tưởng, là sự điên rồ của họ; nó không có chất thơ; nó chỉ là một sự sửa lại cho khớp với tinh thần hay biến đổi của lịch sử. Chính vì vậy mà họ thậm chí không nhận ra nó; rốt cục, họ bao giờ cũng nguyên như vậy: bao giờ cũng đúng, bao giờ cũng suy nghĩ cái mà, trong môi trường của họ, cần phải suy nghĩ; họ thay đổi không phải để đến gần hơn một điều gì đó cốt yếu trong cái tôi của họ, mà để hòa lẫn với những người khác; sự thay đổi của họ cho phép họ giữ mình không thay đổi. Tôi có thể diễn đạt cách khác: họ thay đổi các ý tưởng tùy theo cái tòa án vô hình chính nó cũng đang thay đổi các ý tưởng; sự thay đổi của họ như vậy chỉ là một món tiền đặt cược cho cái điều ngày mai tòa án sẽ tuyên bố là chân lý".

Những con tắc kè không bao giờ biết đến xẩu hổ.



-Không tạo ra tiền lệ
 Cá nhân tôi cho rằng Chính phủ không nên tạo ra tiền lệ và hình thành một loại công dân đặc biệt. Nếu có một nhóm người nào đấy kiến nghị Chính phủ cung cấp thông tin về các hoạt động của Chính phủ, Chính phủ không cần thiết phải cung cấp cho họ. Các hoạt động của Chính phủ đã đăng ở công báo. Các cơ quan của Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm và giải trình hoạt động của mình trước Quốc hội. Nếu có thư kiến nghị gửi tới các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan này chỉ cần gửi thư trả lời là đã nhận được thư kiến nghị và sẽ xem xét kiến nghị là đủ. Nếu đó là thư khiếu nại, tố giác thì tuân thủ theo luật khiếu nại, tố giác. Nếu các cơ quan của Chính phủ muốn tạo ra quan hệ công chúng tốt, thì cũng không cần phải gặp mặt nhóm kiến nghị để giải thích vì đấy sẽ tạo ra tiền lệ và hình thành một loại công dân đặc biệt, một thứ kiêu dân. Trong trường hợp muốn tạo ra quan hệ công chúng tốt, cơ quan của Chính phủ chỉ cần trả lời phỏng vấn báo chí về các vấn đề liên quan.
---------
-VẤN ĐỀ NGOẠI GIAO
Trong thời đại hiện nay, trong tất cả các ban ngành của một tổ chức doanh nghiệp hoặc của một đất nước vấn đề ngoại giao, có lẽ là vấn đề cốt tử nhất. Vì ngoại giao không là một ngành nghề mà, ngoại giao là một khoa học và nghệ thuật. Cho nên, không dễ để đưa ra một cách hiểu thật đơn giản và chính xác về lĩnh vực này.

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về ngoại giao, nhưng chưa có một định nghĩa nào là trọn vẹn, mà chỉ có thể hiểu chung nhất ngoại giao là cách mà một tổ chức hoặc một đất nước phấn đấu để sinh tồn trên thế giới. Thông qua đó, các tổ chức hoặc các nước muốn có sự hiện diện của mình, để đàm phán, phát triển mối quan hệ, tạo ra ảnh hưởng, bảo vệ quyền lợi về mọi lĩnh vực - an ninh, quốc phòng, kinh tế, chính trị, v.v...- của mình.

Vì ngoại giao quan trọng như thế, nên mới có chuyện các nhà ngoại giao được miễn trừ mọi kiểm soát về an ninh khi đang công cán. Họ được các quy chế miễn trừ theo luật quốc tế dù 2 nước đang là kẻ thù.

Vì ngoại giao quan trọng như thế nên, các nhà ngoại giao hầu như đồng thời là những tình báo viên cho đất nước. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe thông tin các nước trục xuất hoặc bắt giam các nhà ngoại giao vì vai trò tình báo của họ.

Vì ngoại giao quan trọng như thế nên, ông chủ Wikileads mới lao đao với toàn cầu khi ông đưa ra thông tin bí mất ngoại giao của Hoa Kỳ và các nước khác ra thanh thiên bạch nhật.

Vì ngoại giao quan trọng như thế nên, các vấn đề họp bàn của các quan chức ngoại giao được xem là bí mật quốc gia. Và mới có câu chuyện quan trọng chỉ được bạch hóa nhiều năm sau đó, khi thấy vấn đề đó không còn có giá trị ảnh hưởng đến ban giao giữa hai nước và toàn cầu.

Vì ngoại giao quan trọng như thế nên, nước ta đã xong đại hội XI hồi tháng 01/2011, mà vẫn khuyết một vị trí trong bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam đang nắm quyền. Trong khi đó, ông bộ trường ngoại giao đương nhiệm đã không còn chân trong bộ chính trị trong cuộc bầu bán của đại hội. Và với 14 vị tinh hoa này vẫn còn để ngõ một vị trí cho bộ ngoại giao, cho đến kỳ bầu cử quốc hội đầu tiên khóa 13 này mới bổ sung. Mặc dù, tình hình trong 6 tháng qua ngoại giao cực kỳ nhạy cảm với tình hình biển Đông và suy thoái kinh tế trong nước.

Nhìn rộng hơn ra thế giới, nước Mỹ, vị trí bộ trưởng ngoại giao có tiếng nói và quyền hành chỉ đứng sau tổng thống nước Mỹ.

Như vậy bản chất của ngoại giao là gì nếu không là hai mặt? Mặt sáng luôn đưa ra cho cộng đồng, mặt tối luôn giữ bí mật, dù mặt tối đó là có thể hai đối tác đang tư thế kề dao vào cổ nhau. Và mặt tối ấy là cái chỉ có những nhân vật quan trọng quyết định vận mệnh quốc gia biết để có phương sách với đối phương, mà chưa thể đưa cho cộng đồng biết được.

Nói thế để nhìn lại câu chuyện các trí thức nhân sĩ Việt Nam vừa qua đòi hỏi bộ ngoại giao Việt phải bạch hóa cuộc đàm phán của ông thứ trưởng bộ ngoại giao với bên Trung Hoa về tình hình biển Đông bị thất bại là lẽ thường tình. Chỉ có những người không hiểu biết về ngoại giao mới nghĩ rằng cuộc gặp giữa các trí thức nhân sĩ vào ngày 13/7/2011 là sẽ có kết quả thỏa lòng cả 2 phía.

Một đất nước, dù là đất nước có nền cộng hòa dân chủ thông thoáng như Hoa Kỳ, có những chuyện bí mật ngoại giao cũng là chuyện của các nhà ngoại giao sống để dạ chết mang theo.

Một đất nước có hình thái chính trị xã hội đơn nguyên như Việt Nam thì, chuyện ngoại giao càng thuộc về lĩnh vực mà người không có trách nhiệm càng không được biết dù là chuyện buôn lậu của các nhân viên ngoại giao. Huống hồ là chuyện quan trọng bậc nhất trong lúc này: biển Đông và độc lập tự chủ của quốc gia trước một nước lớn bá quyền.

Vì ngoại giao liên quan đến chuyện nước mất nhà tan, nên quyền và lợi của đảng cộng sản Việt Nam vẫn đủ to lớn để họ hiểu rằng khi nước còn thì vị trí lãnh đạo của họ còn. Họ có muốn mất nước không, để giữ vững những cái ghế của mình khi phải đương đầu với toàn dân và lịch sử? Hay là trong lúc họ đã tự làm yếu mình vì tham nhũng, vì đầu tư công bất hợp lý làm cho kinh tế suy sụp, họ cần phải có chính sách ngoại giao để tránh căng thẳng để còn giữ chiếc ghế lãnh đạo của mình giữa hai thế lực nội xâm tham nhũng và ngoại xâm bá quyền nước lớn.

Thế thì có lẽ cũng nên đặt lại vấn đề rằng, liệu các nhân sĩ trí thức đã xác định đúng việc mình làm chưa? Và sao họ không đòi hỏi đảng và nhà nước mạnh tay thay đổi hình thái xã hội cho phù hợp với lòng dân và thời đại để đưa dân giàu nước mạnh? Sao họ không đòi hỏi đảng và nhà nước công khai nợ chìm, nợ nổi quốc gia? Sao họ không đòi hỏi đảng và nhà nước công khai tiền dân đóng thuế nó đi về đâu? Sao các nhân sĩ trí thức không đòi hỏi đảng và nhà nước công khai những đầu tư công trước khi thực hiện để bàn luận với những người có chuyên môn? v.v... và v.v...

Thiết nghĩ đó là những việc làm thiết thực và có vai trò quan trọng hơn chuyện đòi hỏi công khai hồ sơ bí mật bên ngoại giao về biển Đông trong lúc rất căng thẳng này.

Hãy cứ đặt vị trí mình vào bản thân những người đang cầm lái quốc gia sẽ hiểu họ cư xử đúng mực hay sai trái trước khi đả kích và đòi hỏi họ. Đó mới là trí thức và nhân sĩ của thời đại vậy.

Asia Clinic, 16h13' ngày thứ Năm, 14/7/2011

Tổng số lượt xem trang