Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Khi khu Công nghiệp làm theo phong trào: Khu công nghiệp… trồng sắn

KCN Khánh An (U Minh) bỏ hoang vì không sử dụng hết diện tích Ảnh: Tiến HưngKCN Khánh An (U Minh) bỏ hoang vì không sử dụng hết diện tích. Ảnh: Tiến Hưng.
-Biến đất lúa thành đất hoang 
TP - Sau thời gian các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rầm rộ quy hoạch KCN, bây giờ nhiều vùng đất nông nghiệp bỗng biến thành đất hoang, khiến cuộc sống người dân bất ổn, một số nơi gia tăng ô nhiễm.


 
Đất bỏ hoang
Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng ông Lâm Hùng Kiện cho biết, Sóc Trăng xin được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 Khu công nghiệp, hiện mới chỉ Khu công nghiệp An Nghiệp có nhà máy, còn lại đang kêu gọi đầu tư.
KCN An Nghiệp ở TP Sóc Trăng, nơi gọi là thành công, có tổng diện tích cho thuê 178 ha, mở ra trên vùng đất lúa hàng đầu của tỉnh. Từ những cánh đồng lúa xanh rì ngút mắt, ngân sách bỏ ra hơn 70 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện mới có 17 doanh nghiệp thuê 82,96 ha đất (46% tổng diện tích). Còn gần trăm ha bỏ hoang.
Năm khu công nghiệp khác trong tình trạng hoang vắng. Điển hình là KCN Cái Côn nằm trên địa bàn xã An Lạc Thôn (Kế Sách) với tổng diện tích quy hoạch là 135,2 ha, chưa giải phóng mặt bằng. Từ đây nhìn sang phía sông Hậu, thấy những bãi đất trống mênh mông, cỏ dại mọc um tùm.
Ông Nguyễn Văn Đây, nông dân xã An Lạc Thôn nói: “Đất đai vùng này rất màu mỡ. Tôi có 2 ha ruộng, mỗi năm làm ba vụ thu được 60 tấn lúa, nuôi con cái ăn học khỏe re. Nay bị thu hồi đất để xây dựng KCN, tôi chẳng biết phải bám víu vào đâu, hai vợ chồng vào tuổi già yếu cùng con cái lo lắng vô cùng!”.
Là tỉnh cực Nam tổ quốc, giao thông cách trở, Cà Mau quy hoạch 4 KCN gồm Khánh An (U Minh), Hòa Trung (Cái Nước), Sông Đốc (Trần Văn Thời) và Năm Căn (huyện Năm Căn). Ông Nguyễn Việt Lập, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Cà Mau cho biết: “Cơ sở hạ tầng KCN chưa thu hút doanh nghiệp”.
KCN Khánh An có diện tích quy hoạch giai đoạn 1 là 360 ha, dự kiến mở rộng giai đoạn 2 lên 750 ha, nằm trong tổng thể Cụm công trình Khí- Điện- Đạm Cà Mau. Năm 2007, Tổng Cty CP hạ tầng Sài Gòn- Cà Mau cam kết đầu tư một nghìn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng, mời gọi đầu tư nhưng đến nay chưa thấy hình dáng KCN. Một số nhà đầu tư đến tìm hiểu thuê đất triển khai các dự án đều ngao ngán ra đi, không hẹn ngày trở lại.
Ông Trần Phú Hữu, nông dân xã Khánh An, kể: “Hơn trăm hộ dân xóm Cựa Gà, xã Khánh An, bao năm rồi sống không điện, không đường, không trường học vì quy hoạch KCN Khánh An. Toàn bộ đất 2 vụ lúa không còn cấy được lúa vì mùa mưa nước ngập tới nền nhà, mùa khô không có nước ngọt. Chúng tôi đi không được mà ở cũng không xong, quy hoạch thì không biết treo đến bao giờ?”.
KCN Sông Đốc (Trần Văn Thời) 250 ha nhưng mới giải phóng mặt bằng chừng 12 ha. KCN Năm Căn trước dành cho Tập đoàn Vinashin làm chủ đầu tư với diện tích 512 ha, vốn cam kết ban đầu gần một nghìn tỷ đồng nay chuyển thành Khu kinh tế Năm Căn để trở lại nuôi tôm nhưng đang chờ người đến nuôi.
Người dân xóm Cựa Gà, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau) nhiều năm sống tạm bợ vì dự kiến mở rộng KCN Khánh An. Ảnh: Tiến Hưng
Người dân xóm Cựa Gà, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau) nhiều năm sống tạm bợ vì dự kiến mở rộng KCN Khánh An. Ảnh: Tiến Hưng.
 
Cuộc sống bất ổn
Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An (U Minh, Cà Mau), cho biết: “Vị trí những hộ dân xóm Cựa Gà dự kiến xây dựng KCN Khánh An nhưng ngân sách chưa có tiền bồi thường cho dân và cũng chưa giải quyết dứt điểm nên người dân phải chờ đợi”.
Ông Lê Hồng Phúc và những hộ dân ở cạnh Khu công nghiệp Khí- Điện- Đạm Cà Mau chìa ra xấp giấy tờ thông báo của chính quyền lẫn đơn thưa kiện của dân, yêu cầu không làm được KCN thì xóa quy hoạch treo để đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất, dân sinh nhưng chưa cơ quan nào trả lời.
Quy hoạch KCN rồi để đó vì không có tiền bồi thường giải tỏa là thực trạng chung ở ĐBSCL gây hậu quả nhãn tiền là cuộc sống người dân bất ổn. KCN Thạnh Lộc tại ấp Hòa Lộc, xã Thạnh Lộc (Châu Thành, Kiên Giang) quy hoạch 250 ha bị treo đã 5 năm. Tấm bảng quy hoạch dựng gần trụ sở ấp đã gỉ sét, đọc không ra chữ nữa. Người dân sống trong vùng quy hoạch chủ yếu sống bằng nghề làm lúa, rất hoang mang.
Ông Nguyễn Phước An nói: “Kể từ khi công bố qui hoạch có không biết bao nhiêu cuộc họp về giải tỏa, bồi thường cho dân, lúc thì giá này lúc giá kia; lúc thì nói vô tái định cư, lúc vô khu chung cư vượt lũ… chẳng biết ra làm sao. Nhà cửa, ruộng vườn, cây cối đều kê khai, đo đạc hết rồi. Dân không được xây nhà, không được đào ao nuôi cá, đường sá trong ấp xuống cấp cũng không cho làm, học trò đi học mà như đi lội ruộng”.
Tiến Hưng - Hồng Lĩnh



TP - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2015, định hướng năm 2020, Cần Thơ có 10 khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhưng Cần Thơ lại quy hoạch đất lên 14 khu và cụm, với tổng diện tích 2.057 ha.
Đất thuộc KCN, nhưng CAWACO chuyển nhượng trái luật thu lợi gần 55 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Chương.
Đất thuộc KCN, nhưng CAWACO chuyển nhượng trái luật thu lợi gần 55 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Chương.
 
Đến nay, diện tích thực tế triển khai tại Cần Thơ 372 ha, chiếm 18% diện tích đất quy hoạch, gây lãng phí lớn tài nguyên đất đai. Từ đó, trục lợi xảy ra.
Đại quy hoạch treo
Có 6 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Các nhà đầu tư này làm thủ tục thuê đất của nhà nước, sau đó đầu tư xây dựng hạ tầng và cho thuê lại. Những nơi dân còn quản lý sử dụng đất, nhà đầu tư phải đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện mới có một KCN hoàn tất giải phóng mặt bằng, nhờ xây dựng từ thời chế độ cũ, KCN Trà Nóc 1 diện tích xấp xỉ 131 ha. Năm KCN bồi hoàn dang dở, còn lại mới vẽ trên giấy.
Các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã có quyết định thuê đất 372 ha (18% tổng diện tích quy hoạch) nhưng thực tế mới ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước được 225 ha (xấp xỉ 11% tổng diện tích quy hoạch). Còn tính quy hoạch chi tiết được phê duyệt, cũng mới có gần 606 ha (29% tổng diện tích quy hoạch).
Hàng nghìn héc-ta đất lọt vào vùng quy hoạch, nhiều năm nay người dân bị hạn chế các quyền sử dụng và không biết còn kéo dài đến bao giờ, cuộc sống bị xáo trộn gây bất ổn rất lớn. Nhất là những diện tích đã có quy hoạch chi tiết, bồi hoàn nham nhở thì đất màu mỡ trở thành đất hoang, nhà đầu tư lẫn người dân đều khổ.
Dự án nhà máy lọc dầu ở phường Phước Thới (Ô Môn, Cần Thơ), được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 19-5-2008, trên diện tích rộng đến 250 ha trong phần quy hoạch mở rộng của KCN Trà Nóc 2. Dự kiến vốn đầu tư 538 triệu USD, nhưng rồi do trục trặc đối tác nước ngoài, vốn teo dần và diện tích cũng rút xuống còn 50 ha.
Sau nhiều lần hứa và khất, đến nay vẫn im lìm và UBND TP Cần Thơ đang gia hạn cuối cùng là tháng 8-2011. Người dân trong vùng quy hoạch khốn đốn thêm do chuyển lúa trồng cam để hy vọng được bồi hoàn cao, nay sống dở chết dở.
Ông Nguyễn Văn Bích, cán bộ Hội Nông dân khu vực Thới Ngươn A, phường Phước Thới, cho biết: “Hầu hết ruộng lúa của gần 400 hộ dân chuyển thành vườn cam, nay lúa không còn, ôm cây cam èo uột”. Ông Nguyễn Văn Đức có 2.000m2 đất, vay mượn gần 30 triệu đồng lên vườn cam “tưởng ngon ăn, nay mang nợ”.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trần Thanh Mẫn giải thích, có nhiều quy định về quản lý chồng chéo và hay thay đổi đã ảnh hưởng tới việc triển khai xây dựng KCN. Chẳng hạn, giá đất tăng nhanh hằng năm và cơ chế đền bù không thống nhất làm cho việc đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư. Tuy nhiên, Bí thư Mẫn cũng thừa nhận, nguyên nhân chủ quan là chính, do năng lực quy hoạch và thực hiện còn yếu.
Nhiều hành vi trục lợi đã xảy ra. Cty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã quản lý sử dụng gần 115 ha đất ở KCN Trà Nóc 2, nhưng chưa ký hợp đồng và trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Số tiền chưa kê khai nộp ngân sách nhà nước xấp xỉ 3 tỷ đồng. Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng KCN Trà Nóc 2 (quận Ô Môn) xác định đền bù thiếu hơn 10.700 m2 đất công.
Điển hình trục lợi
CAWACO là tên viết tắt của Cty Cổ phần Năng lượng Kho ngoại quan (nay là Cty Cổ phần Dầu khí Năng lượng Cần Thơ-CAPECO). Năm 2003, CAWACO được UBND TP Cần Thơ cho thuê gần 6,9 ha đất ở KCN Hưng Phú để xây dựng kho bãi cảng ngoại quan.
Đến ngày 18-5-2009, UBND TP Cần Thơ cho chuyển sang hình thức giao đất 50 năm có thu tiền sử dụng đất. Không đầy một tháng sau, CAWACO ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ khu đất cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, giá hơn 96 tỷ đồng. TCty này trả ngay 20 tỷ đồng.
Khi ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng khu đất, CAWACO chưa trả tiền sử dụng đất và chưa được cấp sổ đỏ. Trưởng ban Quản lý các KCN- Khu chế xuất Cần Thơ Võ Thanh Hùng nói, chuyển nhượng đất trong KCN là trái pháp luật. Mặt khác, còn gắn liền với việc chuyển nhượng dự án kho bãi cảng ngoại quan, cũng không được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định.
Theo tính toán của Cục Thuế TP Cần Thơ, số tiền thu lợi của CAWACO do hành vi chuyển nhượng đất trái luật là gần 55 tỷ đồng. Vụ này có trách nhiệm quản lý của Sở Tài chính, Sở TN-MT và UBND TP Cần Thơ. Riêng Sở TN-MT tham mưu chuyển nhượng sai và còn bỏ qua nhiều quy định khi cấp sổ đỏ cho CAWACO rồi cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.
Cuối năm 2010, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định thu hồ sổ đỏ cấp cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Thanh tra Chính phủ từng yêu cầu thu về ngân sách số tiền hưởng lợi trái quy định của CAWACO và xử lý hành chính vi phạm pháp luật đất đai đối với CAWACO nhưng CAWACO không thực hiện.
Hiện nay, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Bộ Công an để xử lý theo pháp luật hành vi sai trái của tổ chức và cá nhân liên quan.
Sáu Nghệ
Ô nhiễm môi trường
KCN Hòa Trung ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước- Cà Mau) tập trung những doanh nghiệp chế biến thủy sản có tổng diện tích 235 ha. Do làm tự phát, các doanh nghiệp trả tiền cho dân để giải phóng mặt bằng, hùn tiền làm đường giao thông, kéo điện. Vì thế, KCN Hòa Trung không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đặc biệt, tập trung các doanh nghiệp chế biến thủy sản nên có mùi đặc trưng, ảnh hưởng lớn đến dân cư xung quanh.
Phía nam KCN Hòa Trung còn 150 hộ dân “mắc kẹt” trên diện tích 58 ha giữa các nhà máy chế biến nặng mùi. Ông Trần Văn Xây, một người dân nói: “Hôi thúi cả ngày lẫn đêm. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xả nước thải xuống kinh xáng Lương Thế Trân, gây ô nhiễm môi trường, tôm cá chết sạch. Bà con nông dân chúng tôi khiếu kiện, giải quyết tới giải quyết lui mà chưa biết bao giờ mới có kết quả”.
Tiến Hưng

Dân xin được 'cởi án treo'

TP - Nhiều dự án khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế mở ra tại tỉnh Bình Định nhưng hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu, trong khi người dân phải sống trong cảnh mất đất sản xuất, nơm nớp nỗi lo giải tỏa…
Sau 2 năm xây dựng, KCN Hòa Hội (Bình Định) vẫn chỉ là bãi đất trống Ảnh: V.H
Sau 2 năm xây dựng, KCN Hòa Hội (Bình Định) vẫn chỉ là bãi đất trống.
Ảnh: V.H.
 
Nơm nớp nỗi lo giải tỏa
KCN Hòa Hội (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) khởi công từ tháng 7-2009, do Cty CP Hòa Hội làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật. KCN này có diện tích 265 ha, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 giải tỏa hơn 76 ha, tương ứng số tiền đền bù 15 tỷ đồng; giai đoạn 2 (thực hiện trong năm 2010), chủ đầu tư được UBND tỉnh Bình Định tạm ứng hơn 23 tỷ đồng để bồi thường GPMB gần 97,7ha. Giai đoạn 3 sẽ GPMB khoảng 63ha.
Tuy nhiên, đến nay, hầu hết hộ dân nhận được tiền bồi thường GPMB trong giai đoạn 1 và 2 vẫn tiếp tục sống “treo” trong vùng dự án để chờ bố trí đất tái định cư. Anh Nguyễn Văn Lộc (xóm Hanh Nam, thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, Phù Cát) nói: “Tôi đã nhận tiền bồi thường nhà cửa đất đai và chờ ngày đến khu tái định cư dựng nhà mới nhưng chờ dài cổ gần 2 năm nay chẳng thấy đâu…”.
Những hộ dân ở các xóm Hanh Thông, Hanh Minh… (thôn Mỹ Hóa) có đất nằm trong khu vực GPMB KCN Hòa Hội giai đoạn 3 cũng khổ sở không kém. Từ năm 2008, sau khi nhận được quyết định thu hồi 2 ha đất trồng điều, kinh tế của gia đình ông Võ Cảnh (xóm Hanh Thông, thôn Mỹ Hóa) trở nên chật vật.
Ngoài trồng lúa, mọi chi tiêu của 7 miệng ăn trong gia đình ông Cảnh đều trông chờ vào vườn điều này. Nhưng gần 3 năm nay, cái “án” thu hồi đất luôn treo lơ lửng, gia đình ông không dám đầu tư phân bón, công chăm sóc… nên năng suất điều giảm đáng kể.
Quá bức xúc, tháng 5 vừa rồi, 19 hộ dân thôn Mỹ Hóa phải làm đơn gửi cơ quan chức năng, khiếu kiện việc thu hồi đất xây dựng KCN Hòa Hội kéo dài gây ảnh hưởng đời sống của người dân. Ngày 18-6, UBND tỉnh Bình Định đã quyết định đình chỉ nhiệm vụ chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội đối với Cty CP Hòa Hội, do không đủ năng lực tài chính triển khai dự án.
Đồng thời giao cho BQL Khu kinh tế tỉnh phối hợp các sở ngành kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Hòa Hội. Không biết, khi nào dân mới hết cảnh sống treo.
Khó thu hút đầu tư vì … cát bay !
Ở Bình Định, còn có khu kinh tế Nhơn Hội, được triển khai từ năm 2005, với tổng diện tích quy hoạch 12.000ha, nằm trên địa bàn huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Hiện đã tiến hành bồi thường và san lấp mặt bằng được khoảng 2.000ha. Để giải phóng mặt bằng, đã có khoảng 400 hộ trên tổng số khoảng 1.400 hộ phải rời nhà cửa, đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, hiện mới có 33 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 32.544 tỉ đồng, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 1.554 tỉ đồng (tỉ lệ chưa đầy 5%). Diện tích đất cho thuê 3.858 ha, chiếm đến 60% diện tích đất khả dụng của Khu kinh tế, nhưng cơ bản chưa đưa vào khai thác.
TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét một cách hình ảnh: Thực trạng Khu kinh tế Nhơn Hội như một vườn cây đã tốn nhiều công của để vun trồng suốt 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa cho trái. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, đến nay chưa đủ thời gian để cho trái hay do việc chọn giống, quá trình ươm trồng, chăm sóc không đúng cách, nên không chịu ra trái, nếu có cũng èo uột; hay do tác động của thời tiết nên chậm ? Một trong những nguyên nhân, có thể do Bình Định đã dàn trải, thiếu tập trung trong việc thu hút đầu tư giữa Khu kinh tế Nhơn Hội và các KCN, cụm công nghiệp khác trên địa bàn ...
Tuy nhiên, theo Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Bình Định, ông Man Ngọc Lý, thì: “Một trong những vấn đề gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội là nạn … cát bay ! Các ngành chức năng của tỉnh đang tìm giải pháp để xử lý hiện trạng này, như thuê tư vấn nghiên cứu và thực hiện các giải pháp đồng bộ, tổ chức trồng cây tạo thảm thực vật trên các mặt bằng và xem xét giải pháp phủ keo hoặc phủ đất trên đồi cát, san thấp các đồi cát...”.
Việt Hương
 


Khu công nghiệp… trồng sắn

TP - Đồng Nai là một trong những tỉnh có số lượng khu công nghiệp (KCN) lớn nhất nước, với 30 KCN, có tổng diện tích trên 9.500 ha. Việc ồ ạt làm KCN ở khắp 10/11 huyện, thị của tỉnh này dẫn đến nhiều KCN đất bị bỏ hoang, có khu phải cho dân thuê lại trồng sắn (mì).
Bà Nguyễn Thị Hai cắt cỏ nuôi bò trong KCN Nhơn Trạch 6
Bà Nguyễn Thị Hai cắt cỏ nuôi bò trong KCN Nhơn Trạch 6.
 
Thả bò, trồng sắn
Nhơn Trạch là huyện có nhiều KCN nhất tỉnh Đồng Nai, phần lớn đất nông nghiệp ở địa phương này đã được xây dựng KCN. Tuy nhiên, trong khi những KCN được xây đầu tiên ở đây còn chưa lấp đầy diện tích thì nối tiếp các KCN khác lại ra đời.
KCN mở ra nhiều, nhưng nhà đầu tư đến ít dẫn đến đất mênh mông bát ngát ở nhiều KCN đang bị bỏ hoang hóa. Thay vì các nhà máy mọc lên, tại các KCN ở Nhơn Trạch, đất đang được chủ đầu tư cho thuê đất trồng sắn.
Chạy xe qua hàng chục km đường nội bộ KCN ở Nhơn Trạch, sắn xanh tốt vút tầm mắt. Bà Nguyễn Thị Hai ở xã Long Thọ đang cắt cỏ bên rìa đường KCN Nhơn Trạch 6 cho hay, trước đây gia đình bà có 5 công đất trồng điều, cách đây 4 năm nhà nước thu hồi đất làm KCN, được bồi thường gần 300 triệu, bà chia cho con mua đất làm nhà, phần còn lại mua 4 con bò.
Hàng ngày bà thả bò vào khu đất vườn đã thu hồi, nhưng năm nay đất KCN đã được trồng sắn kín hết diện tích, không còn đất thả bò. Bà Hai nói: “Tình hình này tôi sẽ phải bán bò chứ không đủ sức cắt cỏ, nhưng bán bò rồi thì không biết làm gì kiếm sống”.
Phó chủ tịch UBND xã Long Thọ, Hoàng Thế Vinh, cho biết, xã có trên 1.000 ha đất nông nghiệp thì bị thu hồi gần hết làm KCN, trên 2.000 hộ dân trong xã chỉ còn đất vườn, thổ cư và một ít đất làm hoa màu.
Sau khi nhận tiền đền bù bà con phần lớn mua đất nơi khác, xây nhà ở và chuyển từ nghề nông sang đánh bắt thủy sản trên sông Thị Vải. Trước đây đàn trâu bò của dân trong xã có khoảng 2.000 con, nhưng nay không còn đất chăn thả nên chỉ còn khoảng 90 con.
Ông Vinh thắc mắc đất nông nghiệp trong xã đã được làm KCN gần hết, nhưng đến nay vẫn còn nhiều KCN đang để đất trống như KCN Nhơn Trạch 6 do Cty Tín Nghĩa, Sài Gòn BIL... đầu tư với diện tích khoảng 400 ha, nay không có doanh nghiệp thuê, họ cho dân hợp đồng thuê lại trồng sắn.
KCN Tân Phú (huyện Tân Phú) có diện tích 54 ha cũng do Cty Tín Nghĩa đầu tư xây dựng đã 4 năm nay, nhưng mới chỉ có một công ty vào thuê đất.
Ông Ngô Sĩ Bảng, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, cho biết dự án này đã tạo việc làm cho khoảng 900 lao động tại địa phương. Còn KCN Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) sau 6 năm hoạt động cũng chỉ có 4 doanh nghiệp vào thuê đất, hàng chục ha nơi đây đang trở thành bãi chăn thả bò của người dân địa phương.
KCN Nhơn Trạch 6 đang được cho dân thuê trồng sắn
KCN Nhơn Trạch 6 đang được cho dân thuê trồng sắn.
 
Lãng phí kép
Theo báo cáo, hiện nay tổng diện tích lấp đầy các KCN tại Đồng Nai chỉ đạt trên 60%. Trong khi các KCN ở khu vực thuận lợi vẫn chưa lấp đầy diện tích, thì các các địa phương ở vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quy hoạch xây dựng các KCN, như Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Long Khánh, Thống Nhất. Bởi thế, các KCN này hiện rơi vào cảnh ế ẩm.
Ngoài nguyên nhân cung vượt cầu, một số KCN tại các huyện vùng xa như KCN Tân Phú, Xuân Lộc, Định Quán và Long Khánh ít doanh nghiệp đến thuê, do nằm ở vị trí không thuận lợi về giao thông, thiếu các dịch vụ hỗ trợ khác.
Hệ lụy trước mắt là, trong khi dân không có đất sản xuất, thì nhiều KCN đất bỏ hoang hoá. Bản thân doanh nghiệp đầu tư xây dựng KCN thất bát, đầu tư dở dang, tài nguyên đất bị
lãng phí.
Đức Minh

Tổng số lượt xem trang