Tổng giám đốc PetroVietnam, ông Phùng Đình Thực, nhấn mạnh các hoạt động khai thác-thăm dò dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông hoàn toàn nằm trong khu vực chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, thuộc thềm lục địa và đặc khu kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngoài ra, PetroVietnam cũng dự định mua lại cổ phần của đối tác nước ngoài muốn rút khỏi khu vực. Tin Reuters ngày 8/7 cho hay PetroVietnam và các đối tác có thể sẽ mua lại các cổ phần của công ty dầu mỏ lớn thứ ba của Mỹ, ConocoPhillips, tại 3 mỏ dầu và khí gas tự nhiên ngoài khơi bờ biển Việt Nam, một phần trong nỗ lực bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
Theo bản tin điện tử Oilprice.com, các kế hoạch này của PetroVietnam sẽ không nhận được ánh mắt thiện cảm của Bắc Kinh.
Khi được hỏi về các biện pháp bảo vệ tàu và các thiết bị thăm dò tại Biển Đông sau 2 lần bị tàu Trung Quốc cắt dây cáp, Tổng giám đốc PetroVietnam cho biết tập đoàn sẽ bình tĩnh theo dõi hoạt động ở khu vực và phối hợp với các cơ quan liên hệ để bảo vệ an toàn cho hoạt động thăm dò, thực thi kế hoạch khai thác ở Biển Đông.
PetroVietnam báo cáo nửa đầu năm nay tổng sản lượng khai thác đạt gần 12 triệu tấn dầu.
Dầu khí hiện là mặt hàng thu về nguồn ngoại tệ lớn thứ hai cho Việt Nam và PetroVietnam nhắm mục tiêu tăng sản lượng lên khoảng 8%, đạt 7,8 triệu tấn từ đây đến cuối năm, với 5 mỏ dầu khí được đưa vào khai thác gồm mỏ Visovoi-Nhennhexxky, mỏ Tê giác Trắng và Đại Hùng ở giai đoạn 2, mỏ Chim Sáo và mỏ Dana lô SK 305.
Nguồn: Reuters, Oilprice.com, Thanhnien
-
Không thay đổi kế hoạch thăm dò dầu khí ở biển Đông (06/07) TT - Chiều 5-7, trong cuộc họp báo trực tuyến quý 2-2011, ông Phùng Đình Thực, tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), đã đưa ra quan điểm chính thức về việc thăm dò, khai thác dầu khí ở biển Đông sau vụ tàu Bình Minh 02 và tàu Viking 2 bị cắt cáp.
Không cắt giãn các dự án thăm dò dầu khí
Theo ông Thực, thời gian này PVN vẫn đang thực hiện các hoạt động thăm dò dầu khí tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN. Việc thăm dò này là theo đúng luật quốc tế chứ không phải tự VN tính ra nên ông Thực khẳng định hiện PVN không có bất cứ sự thay đổi kế hoạch nào dù sau sự kiện tàu Bình Minh 02 lại tiếp tục xảy ra vụ tàu Viking 2.
Theo ông Thực, năm 2011 thực hiện nghị quyết 11 của Chính phủ, PVN cắt, giãn 12 dự án với tổng vốn 7.250 tỉ đồng nhưng riêng lĩnh vực thăm dò dầu khí không dừng dự án nào. Theo báo cáo sáu tháng đầu năm của PVN, tập đoàn này đã có hai phát hiện dầu khí mới. PVN cho biết hai phát hiện này giúp gia tăng trữ lượng dầu khí 10,2 triệu tấn.
Trong sáu tháng qua, PVN đã ký được năm hợp đồng dầu khí mới, trong đó ở nước ngoài một dự án.
Trả lời câu hỏi một hãng dầu khí lớn là ConocoPhilips vừa phải từ bỏ một hợp đồng với PVN liệu có phải do áp lực nước ngoài, ông Phùng Đình Thực cho biết lý do quan trọng là mỏ dầu khí đó không phải giai đoạn gia tăng trữ lượng mà bắt đầu vào giai đoạn khai thác phức tạp, bản thân Hãng ConocoPhillips cũng có nhu cầu cơ cấu lại đầu tư. “PVN sẽ tính toán mua lại cổ phần” - ông Thực khẳng định.
Về những biện pháp, giải pháp bảo vệ tàu khảo sát, giàn khoan thời gian tới, theo ông Thực: “Biển Đông sẽ có nhiều biến động. Chúng tôi sẽ lấy “bất biến” là độc lập chủ quyền để ứng xử các “biến” khác”. Về khả năng đối phó và các phản ứng sắp tới, ông Thực cho biết PVN sẽ hết sức bình tĩnh theo dõi, xử lý và sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện đúng kế hoạch.
EVN nợ PVN hơn 7.000 tỉ đồng
Câu chuyện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nợ nần không có khả năng thanh toán cho các doanh nghiệp khác đã được PVN nhắc tới trong các kỳ họp báo trước. Lần này ông Phùng Đình Thực thông báo thêm, tính đến tháng 6-2011 tổng số nợ của EVN với PVN đã lên tới hơn 7.000 tỉ đồng so với con số 5.000 tỉ vài tháng trước.
Theo ông Thực, EVN đang khó khăn nhưng PVN sẽ cùng phối hợp, cùng các cơ quan chức năng bàn để tháo gỡ.
Câu hỏi về hiệu quả kinh tế của Nhà máy lọc dầu Dung Quất để bán được 49% cổ phần cho nước ngoài, ông Phùng Đình Thực công nhận PVN đang xây dựng cơ chế tài chính vì đúng là nếu có cơ chế tốt hơn, chế độ lợi nhuận hợp lý hơn mới khuyến khích tốt nhà đầu tư.
Cơ chế tài chính theo hướng ưu đãi cho Dung Quất, ông Thực cho biết PVN đang cùng Bộ Tài chính hoàn thiện để trình Chính phủ.
Đáng lưu ý, trong kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm của PVN, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong PVN đang lỗ lớn. Theo ông Nguyễn Sinh Khang - phó tổng giám đốc PVN, do giá dầu trong nước bị kìm để bình ổn vĩ mô, hai doanh nghiệp xăng dầu đầu mối của PVN là PV Oil và PETEC lỗ hàng trăm tỉ đồng.
Ông Thực công nhận trong PVN chỉ có hai doanh nghiệp này lỗ nặng và cho biết con số lỗ lên tới trên 400 tỉ đồng.
Về các giải pháp sáu tháng cuối năm 2011, báo cáo của PVN khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác khảo sát địa chấn tàu Bình Minh 02, phối hợp chặt với các cơ quan trong công tác bảo vệ tàu. Đồng thời sẽ tiến hành bảo dưỡng Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ ngày 15-7 đến 15-9.
Đặc biệt, ông Thực thông báo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa sẽ được khởi công ngay trong quý 3-2011 với công suất khoảng 10 triệu tấn/năm.
Giải thích việc Đạm Phú Mỹ bị Bộ Tài chính cho rằng tăng giá bất hợp lý, giá bán ra tăng gần gấp ba mức tăng giá đầu vào, ông Phùng Đình Thực khẳng định giá của Đạm Phú Mỹ vẫn “hết sức tốt”. Lý do, theo ông Thực, đầu năm 2011 chủ trương là bán đạm Phú Mỹ thấp hơn giá thị trường 10-15%. Nhưng nhiều nhà nhập khẩu đã không nhập khẩu nữa và trông chờ vào Phú Mỹ. Nhiều đại lý cũng không thực hiện nghiêm giá nên xảy ra thiếu, đầu cơ rồi ép giá, nâng giá. Vì vậy, Đạm Phú Mỹ mới nâng giá lên bằng giá thị trường. “HIện đang bán bằng giá thị trường” - ông Thực khẳng định. |
CẦM VĂN KÌNH