Khi thầy thuốc khoác áo thầy cãi...
Chú Sam trên giường hồi sinh: chưa chết nhưng chưa tỉnh!
Hôm qua Thứ Năm mùng tám Tháng Bảy 2010, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF công bố tại Hương Cảng bản cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới (World Economic Outlook).
So với phúc trình Tháng Tư, dự báo về mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu được nâng thêm 0,4%: trong cả năm 2010, kinh tế thế giới có thể đạt mức tăng trưởng sản xuất là 4,6% thay vì 4,2% như IMF lượng định trước đây. Hầu hết truyền thông báo chí đều đưa lên tựa đề trên trang nhất việc điều chỉnh lạc quan này, coi đó là một tin mừng mà nhiều người trông đợi. Thông thường, khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu là 3,5% hoặc ít hơn thì IMF đánh giá là suy trầm, recession (xin nhớ hộ, suy thoái là depression, một bước trước khủng hoảng, là crisis).
Bây giờ, cả năm 2010 mà đạt 4,6% thì tình hình quả là không đến nỗi tệ, và có vẻ khả quan hơn những dự báo của quý trước. Chính quyền Barack Obama cũng nói không khác: tình hình đã có vẻ khá hơn rồi.
Nhưng, cũng trong phúc trình được công bố tại Hương Cảng, IMF lại ước tính rằng đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vào năm tới sẽ chỉ còn là 4,3% so với 4,6% của cả năm nay. Lồng trong đó là những đánh giá về mức rủi ro gia tăng cho kinh tế năm 2011. Tại Hoa Kỳ, phần ước lượng bi quan này lại ít được truyền thông nhắc tới, nếu ta không chịu khó đọc sâu hơn.
Chúng ta có hiện tượng "ly nước đã đầy một nửa - tức là còn vơi một nửa". Đầy vơi tùy người đối diện! Chẩn đoán lạc quan hay bi quan là tùy người báo cáo hay bình nghị.
Mà Tháng 11 năm nay, Hoa Kỳ sẽ có bầu cử giữa nhiệm kỳ gồm toàn thể Hạ viện, hơn một phần ba ghế Thượng viện - chưa kể hàng loạt cuộc bầu cử đặc biệt cho các ghế nghị sĩ tạm của những người đã tham gia nội các - và một số ghế Thống đốc Tiểu bang hay các chức vụ dân cử địa phương. Và năm tới Mỹ lại đi vào chu kỳ tranh cử cho cuộc tổng tuyển cử năm 2012. Các cuộc bầu cử này đều bị chi phối mạnh nhất bởi mối quan tâm ưu tiên của dân chúng: kinh tế.
Trước hết là việc làm, là mức bội chi ngân sách, là gánh nặng công trái... hay gánh nặng thuế khoá.
Tại Hoa Kỳ, trong một cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ bốn năm của một tổng thống, đảng của tổng thống đương nhiệm thường mất ghế. Lần này thì chiều hướng đó còn nặng hơn vì nỗi thất vọng của dân Mỹ - nhất là thành phần độc lập - về thành tích của cả Tổng thống Barack Obama lẫn của đảng Dân Chủ. Nhưng, nhờ biệt tài riêng - khá gần gũi với... người Việt quốc gia - đảng Cộng Hoà tại Mỹ thường tự phân hoá vì những chia rẽ cục bộ, xuất phát từ mâu thuẫn trong các ưu tiên. Cho nên chưa chắc đảng này đã giành lại được đa số bên Lập pháp, nhất là ở Thượng Viện.
Trong khi chờ đợi, chúng ta chứng kiến một hiện tượng khác của ly nước đầy vơi.
***
Tình hình kinh tế Hoa Kỳ chưa khởi sắc, thất nghiệp còn quá cao, và nhiều chỉ dấu tiên báo từ hai tháng nay đã chỉ ra nguy cơ suy trầm nữa, tức là đụng đáy hai lần sau khi đụng đáy vào Tháng Bảy năm 2009. Trong hoàn cảnh ấy và để chuẩn bị cho tranh cử, chúng ta thấy các chính trị gia bên cánh tả, đảng Dân Chủ, ồn ào nói về ly nước đã đầy một nửa - với hàm ý là sau khi bị ông Bush làm cho cạn đáy!
Bên kia, đảng Cộng Hoà cho rằng chính là các biện pháp kinh tế chính trị đầy tốn kém của đảng Dân Chủ sau gần bốn năm kiểm soát Quốc hội và gần hai năm lãnh đạo Hành pháp mới khiến cho ly nước vẫn còn vơi một nửa.
Vì dự báo kinh tế không là khoa học chính xác, người ta thường mỉa mai là các kinh tế gia đã đoán trúng chín lần trong sáu lần suy trầm đã qua! Giới nghiên cứu kinh tế chẳng phiền hà gì về chuyện ấy vì đều biết được giới hạn của mình. Nhưng rất phiền khi thấy các kinh tế gia nhảy vào cuộc tranh luận chính trị để bênh vực một quan điểm xã hội bằng sự hiểu biết kinh tế của mình.
Trong hoàn cảnh kinh tế bấp bênh hiện nay, các ông thày thuốc kinh tế bỗng biến thành thày cãi.
Người ngoại cuộc chẳng hiểu gì nhiều chứ các chính khách thì nhảy vào ăn có. Rằng chủ trương của đảng tôi có sự hỗ trợ của chuyên gia kinh tế, nghĩa là có cơ sở khoa học. Và họ viện dẫn thống kê kinh tế cùng các lập luận của kinh tế gia có chọn lọc để bênh vực lập trường của mình.
Các nhà bình luận cóc nhái bèn theo đó mà làm vấn đề thêm rắc rối khó hiểu....Ví thế mới có bài này.
***
Vì thật ra chuyện tranh luận ấy lại chẳng có gì mới lạ.
Gần 80 năm về trước, kinh tế thế giới bị tổng khủng hoảng (vụ 1929-1933). Ngay giữa cuộc khủng hoảng, ngày 17 Tháng 10 năm 1932, nhật báo Times của Anh đăng tải một lá thư dài của sáu chuyên gia kinh tế, đứng đầu là John Maynard Keynes, đề cao việc cấp cứu bằng tăng chi ngân sách, qua mọi ngả. Kinh tế đang ách tắc, người người lo sợ mà ghim tiền lại thì tài hóa chẳng lưu thông, tình hình sẽ càng nguy ngập. Khi ấy, chính quyền phải gia tăng các mục công chi để bơm thêm tiền vào kinh tế.
Chủ trương ấy được coi là có giá trị, trong nhiều thập niên sau đã được giảng dạy như chân lý kinh tế. Và sau này được các chính quyền thuộc cánh tả áp dụng không vì lý luận kinh tế tiềm ẩn bên dưới mà vì yếu tố "chính quyền tăng chi", nghĩa là chính quyền là giải pháp và các chính khách là cứu tinh, nên càng dễ đắc cử. Đó là chủ trương ngày nay của đảng Dân Chủ và Chính quyền Barack Obama, có hậu thuẫn của một kinh tế gia nổi tiếng là Giáo sư Paul Krugman của Printon, giải Nobel Kinh tế năm 2008.
Hai ngày sau lá thư của sáu kinh tế gia đó, ngày 19 Tháng 10 năm 1932, tờ Times đăng lá thư phản biện của bốn kinh tế gia thuộc Đại học Luân Đôn, đứng đầu là Friedrich Hayek, sau này cũng là một Khôi nguyên Nobel về kinh tế học!
Họ phê bình từng lập luận của trường phái kinh tế kiểu Keynes và phản bác quyết định tăng chi để cứu nguy kinh tế, trong khi đề cao việc khai thông ngoại thương và cảnh báo rằng nguy cơ bảo hộ mậu dịch - hạn chế giao thương để bảo vệ quyền lợi của từng quốc gia - sẽ khiến khủng hoảng còn kéo dài hơn.
Mãi sau này, các nhà nghiên cứu về lịch sử kinh tế mới thấy lý luận của Hayek là đúng, và từ những năm 1970 về sau càng thấy ra sự tai hại của trường phái kinh tế Keynesian, của Keynes. Hoa Kỳ nhớ đến tai họa đó dưới thời Jimmy Carter, Tổng thống một nhiệm kỳ. Chuyện đã xưa rồi...?
Người nào theo dõi cuộc tranh luận này còn chú ý tới một lý luận khác của Friedrich Hayek, rằng việc trao cho chính quyền cứu nguy kinh tế dễ đưa tới chế độ bao cấp - và thậm chí ách độc tài.
Những ai nghiên cứu kinh tế xã hội chủ nghĩa, kể cả các kinh tế gia Đông Âu thời Xô viết, đều dễ dàng đồng ý với lập luận ấy, khi so sánh hai nền kinh tế Đông Đức và Tây Đức. Ông Hayek còn viết cả một cuốn sách về hiểm họa này, và trở thành nhà lý luận đáng tin của xu hướng kinh tế tự do, của cánh hữu, của đảng Cộng Hoà tại Mỹ.
Bây giờ, dân Mỹ đang lại chứng kiến cuộc tranh luận tám chục năm trước giữa Keynes và Hayek khi kế hoạch tăng chi để kích thích kinh tế của ông Bush (đầu năm 2008, dự trù là 152 tỷ đô la mà sau thành 168 tỷ) và ông Obama (đầu năm 2009, dự trù 787 tỷ mà sau thành 865 tỷ) đã chưa đạt kết quả.
Mà vấn đề không chỉ là chuyện bàn cãi hàn lâm giữa các nhà nghiên cứu. Lý do là từ khi tranh cử đến khi cầm quyền, ông Obama liên tục hứa hẹn tăng chi để tạo thêm việc làm nhưng thất nghiệp vẫn cứ tăng. So với chỉ tiêu của ông thì hụt mất hơn bảy triệu "job".
***
Dân thất nghiệp khỏi cần biết mấy ông giáo sư kinh tế đó là ai mà chỉ thất vọng về các toa thuốc kinh tế của chinh quyền. Riêng tại California, nạn bội chi ngân sách cũng khiến cuộc tranh luận này trở thành đề tài thời sự và sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử cuối năm nay.
Nhớ lại thì cả hai trường phái kinh tế tạm gọi là tả hữu đó đều xuất hiện trước tiên từ Âu Châu và so sánh với Hoa Kỳ, Âu Châu có xu hướng bao cấp lâu dài và sâu xa hơn Mỹ. Bây giờ, khi kinh tế bị tổng suy trầm ("global recession" hay "great recession" theo cách gọi thịnh hành), Âu Châu bị nghẹn vì bội chi ngân sách quá cao. Nhiều quốc gia còn gặp nguy cơ vỡ nợ vì cứ vay tiền để tăng chi và kiếm phiếu. Khi bị bội chi như vậy mà lại còn đòi tăng chi để cứu nguy kinh tế thì kết quả sẽ ra sao?
Trong tháng trước, cuộc tranh luận về lý thuyết đã trở thành quyết định chính trị.
Các nước Âu Châu cùng hạ quyết tâm cắt giảm công chi để quân bình ngân sách, đi đầu là một quốc gia có kỷ luật ngân sách cao nhất, là Cộng hoà Liên bang Đức. Họ chủ trương kiệm ước và khắc khổ để ưu tiên khôi phục sản xuất. Nghĩa là đi ngược với chủ trương kinh tế kiểu Keynes mà họ theo đuổi trong nhiều thập niên. Ở bên này Đại Tây dương, tiếng nói lạc điệu lại là từ Chính quyền Obama, khi ban tham mưu kinh tế của ông kêu gọi các nước tiếp tục tăng chi để cứu nguy kinh tế.
Tại Thượng đỉnh kinh tế của khối G-8 rồi G-20 ở Gia Nã Đại, các nước ngả theo giải pháp Âu Châu, đồng ý với chỉ tiêu sẽ cắt giảm phân nửa bội chi ngân sách trong vòng ba năm, từ nay đến năm 2013. Chính quyền Obama bị bẽ bàng, nhưng dư luận ít theo dõi chuyện rắc rối ấy.
Thật ra, ở đẳng sau quyết định ngược dòng này của các chính quyền Âu Châu, phải nói đến vai trò và lý luận của một kinh tế gia rất trẻ người Ý, đang là giảng sư tại Đại học Harvard, vốn nổi tiếng là đại gia thiên tả nếu so sánh với Đại học Standford ở California.
Ông ta là Alberto Alesina.
Từ nhiều năm nay, Alesina đã nghiên cứu các thống kê kinh tế và đưa ra lập luận phản bác trường phái của Keynes bằng con số cụ thể. Tháng Tư vừa qua, ông còn trình cho tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, quy tụ hơn 30 quốc gia giàu mạnh nhất về kinh tế, một phúc trình đầy nghịch lý: chính là chánh sách kinh tế khắc khổ và biện pháp giảm chi để quân bình ngân sách quốc gia mới là giải pháp cứu nguy vì trấn an thị trường trái phiếu và giới đầu tư.
Lãnh đạo các nước Âu Châu nghiêng về lập luận ấy và lấy quyết định ngược dòng tại Thượng đỉnh G20 ở Gia Nã Đại.
Người viết thường tránh đề cập tới các vấn đề chuyên môn về kinh tế nhưng lần này lại đặc biệt giới thiệu hàng loạt tên tuổi chuyên gia kinh tế hay các lập luận kinh tế hàm chứa bên trong các quyết định chính trị.
Lý do đơn giản là nền dân chủ tùy thuộc vào dân trí và nếu người dân hiểu ra một vài khái niệm căn bản về kinh tế thì sẽ đỡ bị các chính trị gia lừa phỉnh. Là chuyện tầy trời đang xảy ra bên Mỹ khi Âu Châu đã vỡ mộng bao cấp và cố lùi bước để khỏi trôi xuống vực. Khi các kinh tế gia lại từ bỏ vai trò chuyên môn mà nhảy vào chính trường để bênh vực chủ trương kinh tế bằng lập luận ngoa ngụy thì chúng ta càng nên coi chừng!
***
Xin kết thúc bằng hai thí dụ.
Ông Valéry Giscard d'Estaing đã từng là Tổng trưởng Tài chánh rồi Tổng thống Pháp. Khi thi tuyển vào trường nổi tiếng là ENA tại Pháp (tạm gọi là Quốc gia Hành chánh), ông được hỏi trong kỳ vấn đáp về John Maynard Keynes và thao thao trình bày học thuyết kinh tế của Keynes với lời phê phán rất nặng. Vị giáo sư ngồi nghe cứ lạnh như tiền - hình như còn lắc đầu. Sinh viên ưu tú này bèn xin thêm 10 phút ra cuối phòng chuẩn bị lại phần trần thuyết rồi quay lại trình bày. Cũng thao thao bất tuyệt, với lý luận ngợi ca học kinh thuyết kinh tế của Keynes. Lúc ấy, vị giám khảo mới gật gù khen và cho điểm rất cao.
Rồi cho biết rằng trong thâm tâm thì ông không đồng ý với Keynes!
Ông chỉ thử nghiệm khả năng biến báo, nôm na là hiểu vấn đề và trình bày từ nhiều giác độ khác nhau. Với khả năng đổi trắng thay đen, cậu sinh viên sau này sẽ ở trong tầng lớp lãnh đạo quốc gia. Quả nhiên là Giscard d'Estaing thành công trên chính trường... Nghĩa là Keynes có lý hay không thì cũng còn tùy nhu cầu chính trị của người làm kinh tế.
Thí dụ thứ hai thì gần với chúng ta hơn, về cả không gian lẫn thời gian.
Lawrence Summers là kinh tế gia nổi tiếng của Harvard, đã từng là Tổng trưởng Tài chánh của Tổng thống Bill Clinton. Năm 1999, ông có góp phần quyết định việc giải tỏa kiểm soát tài chánh mà sau này đảng Dân Chủ cho là cái tội của Chính quyền Bush. Năm 1993, ông viết rằng việc tăng trợ cấp thất nghiệp quá lâu sẽ dẫn tới thất nghiệp vì gây tính ỷ lại khiến người ta ít chịu khó tìm việc làm nữa.
Y như việc giải tỏa kiểm soát tài chánh, đây là một lập luận đúng về kinh tế và tâm lý - vì kinh tế cũng dựa vào tâm lý học.
Bây giờ, khi làm Cố vấn trưởng về kinh tế cho Chính quyền Obama (Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia), ông Summers lý luận ngược lại những gì chính mình đã viết trước đó. Và bênh vực chủ trương nới rộng thời gian trợ cấp thất nghiệp lên tới 99 tuần. Nhìn từ học thuyết kinh tế bên kia, của đảng Cộng Hoà, thì đấy là liều thuốc đổ bệnh!
Thí dụ về Giscard d'Estaing và Summers cho thấy rằng ta rất nên thận trọng khi các kinh tế gia lại trở thành chính trị gia, thày thuốc lại đi làm thày cãi! Nhiễu âm của họ làm mờ trí người dân cho các chính khách tiếp tục moi tiền thiên hạ để mua phiếu cho mình.
Và làm nạn suy trầm kéo dài lâu hơn!
________
Xin yết lại một bài của năm ngoái để cùng nhìn ra vấn đề năm nay, và phân biệt đúng sai giữa các lý luận có vẻ uyên bác của các kinh tể ở cả hai đảng!
Xin ghi thêm rằng ngần ấy kinh tế gia trong ban tham mưu của ông Obama, như Laurence Summers, Christina Rohmer, Peter Orszag và Austan Goolsbee đều đã từ chức. Thay thế bà Rohmer làm Cố vấn trưởng về Kinh tế trong có mấy tháng, ông Goolsbee rút lui về Đại học Chicago chuẩn bị cho ông Obama ra tái tranh cử. NXN
Xin ghi thêm rằng ngần ấy kinh tế gia trong ban tham mưu của ông Obama, như Laurence Summers, Christina Rohmer, Peter Orszag và Austan Goolsbee đều đã từ chức. Thay thế bà Rohmer làm Cố vấn trưởng về Kinh tế trong có mấy tháng, ông Goolsbee rút lui về Đại học Chicago chuẩn bị cho ông Obama ra tái tranh cử. NXN