Bất cứ xã hội nào, dù danh xưng có thay đổi, cũng có một đẳng cấp thống trị nhỏ, luôn luôn nhiều quyền lực và của cải hơn đại đa số người dân.
Lúc còn là sinh viên năm thứ 3 của đại học, năm 1966, tôi và 2 người bạn Tàu làm "ta ba lô" du lịch Bắc Âu. Ấn tượng nhất trong chuyến lữ hành qua 4 nước là một buổi sáng mùa hè, chúng tôi lấy chiếc xe điện để đến Christiania ở Copenhagen, Đan Mạch. Giờ đi làm, xe khá đông, không còn chỗ ngồi và chúng tôi phải đứng.
Cạnh tôi là một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, xách cặp đội nón, phong cách thường thấy ở những anh quản lý kế toán chuyên nghiệp. Mặt đẹp trai, nụ cười đôn hậu và có vẻ như quen biết nhiều người trên xe vì những cái gật đầu chào hỏi "godmorgen" liên tiếp. Ông ta cũng quay nói "hello" với tôi và tôi cũng "hello" lại dù không biết ông ta là ai.
Sau khi rời xe điện, tôi quay hỏi người bạn Đan Mạch đi cùng. Anh ta nhún vai, "Ồ, đó là Ông Otto, Thủ Tướng, đang trên đường đi làm". Tôi ngạc nhiên, tròn mắt và anh ta hỏi lại tôi, tại sao, "Ông ta cũng phải đi làm mỗi ngày như mọi người, có gì là lạ?" Thì ra, đây là chuyện bình thường ở xứ sở này. Một ông công chức, dù cao cấp, vẫn leo lên chiếc xe điện, như những cư dân Hà Nội leo lên chiếc xe buýt để đến sở làm. Hết chỗ ngồi thì cũng phải đứng như mọi người khác.
Dù còn trẻ và rất dốt về chuyện chính trị, tôi cũng mường tượng trong cách hành xử của ông Thủ Tướng đó có cái gì tương quan đến việc tại sao người Đan Mạch có mức sống cao nhất thế giới và một văn hóa sống thông minh đương đại.
Vào năm 2007, tôi có dịp đến Sở Kế Hoạch Thành Phố để ký vào 1 văn kiện gì đó trong việc xin giấy phép kinh doanh. Buổi trưa trời nóng như thiêu đốt và tôi muốn đi bộ sau bữa ăn no cho tiêu cơm. Chiếc quần ngắn và cái áo thun là một giải pháp hợp lý. Khi đến cổng, 2 ông bảo vệ không cho tôi vào. Tôi hỏi lý do và được biết là lối ăn mặc của tôi "tỏ thái độ vô lễ" với các ông đầy tớ ngồi trong phòng lạnh. Sau một biện luận chừng 5 phút, tôi phải rút lui vì phản hồi của 2 ông bảo vệ rất logic và vững vàng. Thuyết phục nhất là lời đe dọa "nhốt tôi" nếu còn cãi bậy.
Như đã trình bày nhiều lần qua các bài viết, tôi thực sự không quan tâm gì đến chính trị hay lý thuyết cao rộng đằng sau các tuyên ngôn của các đảng phái, phe nhóm chánh trị; hay các bài diễn văn (thường làm tôi ngủ gục) của các quan chức mọi nơi trên thế giới. Trong trí óc của một con ếch quê mùa dưới đáy giếng, những hành động gì làm cho người dân giàu hơn, khỏe mạnh hơn, làm cho môi trường tươi sạch hơn, tạo một văn hóa hài hòa hơn... .là những điều tôi ca tụng. Ngược lai, thì mọi văn từ hoa mỹ chỉ là mị dân.
Vừa rồi một anh sinh viên Việt soạn luận án Tiến Sĩ ở Úc xin gặp tôi vài giờ để bàn thảo và phản biện cho đề tài nghiên cứu. Anh đang cố gắng chứng minh là mức thu nhập của người dân (GDP per capita) có tỷ lệ nghịch với những can thiệp của chánh phủ vào vận hành kinh tế tài chánh. Số liệu cho thấy ở những nước mà chánh phủ biết tiết kiệm tối đa về ngân sách và ít dính líu đến các hoạt động của thị trường, cũng như ít quyền lực về mặt kiểm soát, điều hành; thì người dân ở các quốc gia đó có mức sống khả quan nhất. Hai nền kinh tế tiêu biểu cho giả thuyết này là Thụy Sĩ và Hồng Kông. Ngược lại, 2 quốc gia ma người dân phải lãnh búa rìu nặng nề nhất là Bắc Hàn và Zimbabwe.
Té ra cái kết luận ngờ nghệch phiến diện của tôi lại có một căn bản vững chắc về mặt khoa học.
Ngay cả một ông Tổng Thống Mỹ (Reagan) cũng phải công nhận, " Chánh sách của các chánh phủ với nền kinh tế có thể tóm lược như sau: nếu chúng (các doanh nghiệp) sống, thì bắt đóng thuế; nếu chúng sống mạnh, thì phải kiểm soát; mạnh quá thì phải cấm; và nếu chúng không sống nỗi, thì hỗ trợ chúng". Thử tưởng tượng chúng ta đối xử với những người thân yêu của chúng ta theo phương thức vừa kể. Khi con cái khỏe mạnh thì làm đủ chuyện để tạo gánh nặng làm cho chúng yếu hơn. Còn với những người bệnh hoạn kiệt lực thì cố gắng "không cho phép" họ chết. Tóm lại, xã hội sẽ đẩy những xác chết biết đi (zombies). Và với một nền kinh tế đầy những ngân hàng zombies, những công ty sản xuất zombies, những quan chức zombies... thì tương lai nào cho thế hệ trẻ hiện nay?
Tôi nhớ đến một hội thảo ở Ấn Độ khi tôi đề nghị với ngài Thứ Trưởng Kế Hoạch là nên sa thải 50% công chức và tăng lương cho 50% nhân viên còn lại. Họ sẽ bận rộn với công việc hơn, có tiền nhiều hơn; do đó, họ sẽ không còn thì giờ để nặn đẻ ra những quyết định, văn kiện sách nhiễu người làm kinh tế tư nhân. Đây sẽ là một gói kích cầu lớn nhất của mọi thời đại trên thế giới. Tôi rất sợ những quan chức rảnh rỗi thì giờ, ngồi nghĩ ra đủ cách để "cứu" dân, nhất là sau khi ngà ngà trên bàn nhậu.
Tệ hại hơn các giải pháp cứu dân là lời kêu gọi để chính phủ tự kinh doanh để kiếm tiền dùm cho dân. Đây là căn bản của lý thuyết "quốc hữu hóa" các tài sản của tư nhân thành xí nghiệp quốc doanh, vì chính phủ quản lý thì tiền không chạy vào túi các tên tư bản ích kỷ. Thông điệp này rất được cử tri ưa chuộng vì phần lớn dân nghèo đều hoang tưởng rằng đồng tiền này sẽ thực sự chạy vào túi mình. Chắc chắn họ sẽ thất vọng khi nhận ra là nó luôn luôn chạy vào túi người khác.
Năm 1945, ông Attlee lên thay ông Churchill làm Thủ tướng nước Anh sau khi vận động thắng cử với tiêu đề hãy "quốc hữu hóa" trên toàn diện nền kinh tế, nhất các công ty lớn. Sau cuộc họp phê chuẩn của quốc hội, ông Attlee tình cờ gặp lại ông Churchill trong phòng vệ sinh. Đang đi tiểu, ông Churchill bỗng dời chỗ ra xa khi ông Attlee vừa đến đứng cạnh ông. "Tại sao, ông có điều gì thù ghét tôi chăng?" Churchill nói, " Hoàn toàn không. Tôi chỉ sợ ông thấy cái kích thước (size) của tôi, ông lại đòi quốc hữu hóa thì phiền lắm".
Thực ra, suốt 5,000 năm lịch sử của nhân loại, bất cứ xã hội nào, dù danh xưng có thay đổi, cũng có một đẳng cấp thống trị nhỏ, luôn luôn nhiều quyền lực và của cải hơn đại đa số người dân. Tôi chấp nhận điều này, như chấp nhận chuyện mưa hay nắng, vì biết mình sẽ không thay đổi được gì. Có điều, nếu các quan chức thoải mái gần gũi với mọi người dân hơn một chút thì đời sống xã hội sẽ hài hòa vui vẻ hơn.
Tôi nhớ một hôm đi đánh tennis ở câu lạc bộ Bel Air, bỗng gặp ông thị trưởng nổi tiếng của Los Angeles bước vào sân. Anh bạn cùng nhóm tennis đứng từ cuối sân số 8 hỏi vọng qua sân số 1. "Ngài thị trưởng ơi, sáng giờ ngài đã ăn hối lộ chưa?" Khoảng 30 người trên sân cùng cười ngặt nghẽo. Như một chính trị gia rành nghề, ông thị trưởng đáp "Chưa, ông có dự án nào hấp dẫn không? Vợ con tôi đang đòi tiền đi nghỉ mát". Các lãnh tụ cứ thoải mái với số phận may mắn, nhưng nếu không làm được gì ích quốc lợi dân, ít nhứt các ngài cũng nên cho phép chúng tôi xả "stress" một chút.
- T/S Alan Phan là Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai. Du học Mỹ từ năm 1963, ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Email của ông là aphan@asiamail.com và Web site cá nhân là www.gocnhinalan.com.