Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

'Lãnh đạo Trung Quốc hành xử tiểu nhân với VN'

Nhà sử học Dương Trung Quốc- 'Lãnh đạo Trung Quốc hành xử tiểu nhân với VN'

Đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho rằng Quốc Hội nên thông qua luật biểu tình của người dân.

Một Đại biểu Quốc hội của Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên và băn khoăn về việc lãnh đạo Trung Hoa có những hành xử thiếu quân tử, mà ông gọi là 'tiểu nhân' với Việt Nam.

Trao đổi với Quốc Phương của BBC Việt ngữ hôm 03/7/2011, nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (VN) đánh giá Trung Quốc chưa thể hiện được đúng mức vị thế của một nước lớn.


Ông cũng đưa ra lời khuyên cho Chính phủ VN cần đối phó ra sao đối với Trung Quốc (TQ) trước những căng thẳng biển, đảo hiện nay, cũng như trước tham vọng lâu dài của nước láng giềng phương Bắc.

Ông Quốc cũng đề cập tới kinh nghiệm phân định lãnh thổ với TQ có liên quan tới Thác Bản Giốc cũng như đề xuất việc Quốc hội và Nhà Nước VN nên mau chóng thông qua một đạo luật về biểu tình của người dân.

Trước hết, nhà sử học, đại biểu quốc hội này cho biết phản ứng của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trước những hành vi được cho là cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc.

Đại biểu Dương Trung Quốc: Là cơ quan nghề nghiệp, đương nhiên vấn đề về Biển Đông, chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất nhiều rồi. Trong thời điểm này chúng tôi cũng ra một số tạp chí để phù hợp với không khí chung, thể hiện rõ một lần nữa quan điểm của giới sử học về vấn đề Biển Đông, cả về góc độ khoa học cũng như thái độ của giới sử học. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa việc nghiên cứu biển, đảo VN, vấn đề chủ quyền và truyền thống của ông, cha ta đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước như thế nào.
Một trong nội dung vốn là nguyên lý của Trung Hoa là tính quân tử. Tại sao những người lãnh đạo TQ hiện nay lại đang hành xử với VN, một cách thiếu quân tử, hay nói cách khác là tiểu nhân như vậy?
Ông Dương Trung Quốc

BBC:Còn quan điểm cá nhân của ông trước thái độ, hành xử gần đây của TQ?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Thực ra VN và TQ có một lịch sử rất lâu dài. Và trong 1.000 năm tự chủ của mình, người VN vẫn lấy sự hòa hiếu làm trọng. Chỉ khi nào bị xâm lược, thì chúng ta mới cầm vũ khí. Có thể nói, thái độ của ông, cha chúng ta là hết sức khôn ngoan và minh bạch. Hầu như tất cả các triều đại ngày xưa đều chấp nhận sắc phong của Trung Hoa, nhưng chưa bao giờ có một ông Vua nào của VN bước chân qua bên kia biên giới để nhận sắc phong đó cả.

Tôi có suy nghĩa như thế này, với tư cách một nước nhỏ, VN luôn muốn giữ hòa hiếu, rất nhiều giá trị của văn hóa Trung Hoa, người VN vẫn gìn giữ. Chúng tôi vẫn còn thấy những đền thờ từ rất xưa, như đền thờ ông Sỹ Nhiếp. Mặc dù ông là một quan Thái thú, nhưng bởi vì ông cũng có công đưa vào một số văn minh của Trung Hoa, người VN cũng gọi ông là Nam Giao Học Tổ. Vì thế tôi nghĩ rằng thái độ của người VN từ trước đến nay hết sức là hòa hiếu.

Thế nhưng tất cả những gì diễn ra gần đây khiến chúng tôi suy nghĩ rằng TQ là một nước lớn và bây giờ họ đang càng mong muốn thể hiện mình là nước lớn. Thế nhưng càng là nước lớn, thì càng phải có trách nhiệm đối với Thế giới và phải thể hiện được tư cách của mình. TQ có một nền văn minh rất lớn, tác động, ảnh hưởng nhiều quốc gia, trong đó có VN.

Một trong nội dung vốn là nguyên lý của Trung Hoa là tính quân tử. Tại sao những người lãnh đạo TQ hiện nay lại đang hành xử với VN, một nước nhỏ luôn ở bên cạnh mình vốn luôn giữ hòa hiếu, một cách thiếu quân tử, hay nói cách khác là tiểu nhân như vậy? Đấy là một điều chúng tôi đang băn khoăn. Những việc 'cắt cáp,' đối xử với ngư dân ngoài biển, những người dân lao động bình thường. Họ cũng như VN đều nhân danh là một chế độ luôn nhân danh đứng về phía người dân, mà sao lại đối xử như thế?

Đương nhiên, đã là một quốc gia đứng cạnh TQ, thì người VN cũng hiểu thế nào là Trung Quốc.
Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà NộiBiểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội

'Hành động yêu nước'

BBC: Lãnh đạo hội Khoa học Lịch sử VN có biết gì tới một cái gọi là 'đồng thuận chung' được đề cập trong chuyến thăm và hội đàm tuần cuối tháng Sáu vừa qua ở TQ của Thứ trưởng Ngoại giao VN Hồ Xuân Sơn với các đối tác nước này?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Đương nhiên tôi nghĩ rằng tìm cách tháo gỡ để giữ lấy hòa hiếu là mục đích chung và người dân chắc cũng mong muốn như thế. Nhưng còn cái đồng thuận chung là thế nào, cho tới giờ vẫn chưa có thông tin cụ thể. Mà theo các thông tin khác, thì mỗi phía đưa ra có phần chênh nhau, khác nhau. Tôi nghĩ rằng, trước sau như một, người VN vẫn mong muốn hòa hiếu như ông, cha của mình trước đây, nhưng phải giữ được chủ quyền của đất nước.

BBC: Đánh giá của ông về dư luận ở trong nước qua các cuộc biểu tình phản đối TQ vốn đã diễn trong suốt 5 tuần qua?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Sau các cuộc biểu tình đầu tiên, sau này dần dần, chúng tôi thấy trong truyền thông chính thức của nhà nước cũng đã xác nhận đấy là những hành động yêu nước của người dân. Cách thể hiện có thể chưa phù hợp lắm với chủ trương của Nhà nước về cách bày tỏ. Thế nhưng, dẫu sao việc người dân được thể hiện quan điểm của mình, tôi thấy là một điều hết sức cần thiết.
Đừng tranh luận 'biểu tình' hay 'tụ tập'. Vì bản chất biểu tình có cả hai mặt: biểu tình phản đối cũng có, biểu tình ủng hộ cũng có. Cho nên Nhà nước nên coi biểu tình là một lợi khí của mình. Nếu chúng ta biết dồn lòng dân vào một định hướng có ích cho đất nước, thì điều đó chỉ có lợi thôi.
Đại biểu Dương Trung Quốc

Tôi đã phát biểu trên một số phương tiện truyền thông trong nước rằng đừng tranh luận 'biểu tình' hay 'tụ tập'. Vì bản chất biểu tình có cả hai mặt: biểu tình phản đối cũng có, biểu tình ủng hộ cũng có. Cho nên Nhà nước nên coi biểu tình là một lợi khí của mình.

Nếu chúng ta biết dồn lòng dân vào một định hướng có ích cho đất nước, thì điều đó chỉ có lợi thôi.

Kể cả việc chúng ta mong muốn hòa bình, hữu nghị với TQ, thì việc lấy ý chí của người dân được thể hiện, tôi nghĩ cũng là một phương tiện. Vì thế tôi nghĩ rằng Quốc hội nên có một Luật Biểu tình.

Và nếu (biểu tình) đã trở thành một lợi khí, sẽ định hướng được lòng người phục vụ cho mục tiêu chung của đất nước. Và tôi nghĩ rằng điều này, nhân dân sẽ hết sức đồng thuận.
Biểu tình chống Trung QuốcÔng Dương Trung Quốc khuyên Quốc hội Việt Nam nên thông qua một đạo Luật Biểu tình.

Lời khuyên với VN

BBC: Ông có lời khuyên gì cho Nhà nước, Chính phủ VN đối phó với các hành vi gây căng thẳng của TQ hiện nay, cũng như trước ý đồ, tham vọng lâu dài của họ đối với lãnh thổ, lãnh hải của VN về lâu về dài?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Từ góc độ của người làm sử học, đây là một vấn đề phức tạp, không đơn giản, tôi nghĩ rằng đương nhiên đã xảy ra sự đương đầu, thì cần tìm hiểu sức mạnh của VN ở đâu. Chắc chắn trong điều kiện hiện nay, đứng về mặt kinh tế cũng như quân sự, chúng ta chưa có một lợi thế nào. Nhưng như trong quá khứ, chúng ta thường đặt ra một câu hỏi là tại sao trong những thế kỷ xa xưa, thời kỳ nhà Lê, hay nhà Trần trước đó, ông cha chúng ta có thể đánh thắng những giặc ngoại xâm rất hùng mạnh như giặc Nguyên Mông, hay giải phóng khỏi giặc Minh. Lúc đó VN làm gì có điều kiện để có sự viện trợ quốc tế. Hoàn toàn là sự tự thân, tự cường của mình. Câu trả lời chính là bởi vì chúng ta có lòng dân.
Trong bối cảnh hiện nay, cái mạnh nhất của VN chính là phát huy dân chủ. Nếu phát huy được dân chủ, thì Nhà nước cũng mạnh mà đất nước càng mạnh. Tôi nghĩ TQ rất e ngại nếu có một nước VN dân chủ ở bên cạnh sườn họ
Đại biểu Dương Trung Quốc

Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, cái mạnh nhất của VN chính là phát huy dân chủ. Nếu phát huy được dân chủ, thì Nhà nước cũng mạnh mà đất nước càng mạnh. Tôi nghĩ TQ rất e ngại nếu có một nước VN dân chủ ở bên cạnh sườn họ. Ít nhất chúng ta cũng ghi nhận một thời kỳ lịch sử, tuy không dài lắm, đó là giai đoạn kể từ năm 1945 tới năm 1950, lúc đó người VN đã có thể tự mình làm cuộc cách mạng giải phóng, giành độc lập từ tay Thực dân Pháp và đánh đổ chế độ Phong kiến VN. Thế nhưng lúc đó làm gì có một ai đứng đằng sau? Không có ai, nhưng người VN vẫn duy trì được cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến năm 1950, sau Chiến thắng Biên giới, đương nhiên lúc đó hoàn cảnh quốc tế thu hút VN vào trong cuộc đụng đầu Đông - Tây, cuộc Chiến tranh Lạnh, sang một bước khác.

Nhưng rõ ràng với hoàn cảnh hoàn toàn chỉ có người VN, song với tinh thần phát huy dân chủ, tinh thần yêu nước, VN vẫn có một sức mạnh.

Thua thiệt hay không?
Thác Bản GiốcÔng Dương Trung Quốc cho rằng Hiệp ước Biên giới Việt - Trung gần nhất đảm bảo sự yên ổn trước mắt.

BBC: Liệu VN có thua thiệt gì bất hợp lý trong các cuộc phân định biên giới lãnh thổ, lãnh hải với TQ, như trong trường hợp khu vực Thác Bản Giốc? Hội Khoa học Lịch sử VN có biết gì về những thỏa thuận bí mật cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, nếu có, và Hội có được Nhà nước tham vấn một cách thích hợp trong các thỏa thuận, phân định quan trọng cấp Nhà nước đó?

Đại biểu Dương Trung Quốc: Phân định lãnh thổ là một vấn đề rất phức tạp, với những quốc gia như VN với TQ chẳng hạn. Giữa hai nước này, trong quá khứ lịch sử xa xưa, tinh thần vẫn phải nói là phân định Bắc, Nam rõ ràng. Thế nhưng trên quan niệm nhận thức về lãnh thổ cụ thể, trên những tọa độ cụ thể, chắc lúc đó chưa rõ ràng. Sau đó chúng ta có một thời kỳ mà người Pháp đại diện cho VN thỏa thuận với TQ trong việc hoạch định biên giới. Và sau này, chúng ta vẫn lấy cơ sở là đường biên giới Pháp - Thanh làm nền tảng ban đầu. Cho nên việc phân định là vấn đề hết sức phức tạp, vì nó vừa là vấn đề lịch sử, vừa là vấn đề thực tế ở diễn biến của cả trăm năm thay đổi. Phải tính tới các tiêu chuẩn có tính chất phổ quát của quốc tế trong vấn đề phân chia ở những địa hình cụ thể.
Việc có được một Hiệp định Biên giới, ít nhất đó là một cơ sở pháp lý thuận lợi hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, nhất là với Trung Quốc - là một quốc gia luôn luôn tìm mọi cách để lấn át, với tất cả rất nhiều các thủ đoạn
Đại biểu Dương Trung Quốc

Trong quá trình làm việc về vấn đề biên giới, những người làm sử học, trong đó có các cơ quan nghiên cứu về lịch sử, vẫn được tham khảo ý kiến, đương nhiên tham gia vào một số chương trình nghiên cứu thôi, còn việc phân định là việc của Chính phủ, của cơ quan ngoại giao. Và chúng tôi cũng được biết rằng ngay trong Quốc Hội, trong quá trình chúng ta tiến hành ký kết, cũng có các cuộc trình bày ở Quốc hội cho các đại biểu quốc hội nắm vững thực tế vấn đề như thế nào.

Còn việc ngồi tính toán xem được mất như thế nào, thì chắc chắn đây là điều hết sức cụ thể. Tôi không bình luận về việc đó, nhưng tôi nghĩ rằng cho tới thời điểm bùng nổ căng thẳng trong quan hệ giữa VN-TQ, việc có được một Hiệp định Biên giới, ít nhất đó là một cơ sở pháp lý thuận lợi hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, nhất là với Trung Quốc - là một quốc gia luôn luôn tìm mọi cách để lấn át, với tất cả rất nhiều các thủ đoạn.

Tôi nghĩ, ít nhất điều này bảo đảm sự yên ổn trước mắt. Còn vấn đề đánh giá quá khứ lịch sử, thế nào là được, thế nào là mất, tôi nghĩ phải hết sức cụ thể, chứ không thể võ đoán được.

Tổng số lượt xem trang