Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Lãnh thổ toàn vẹn của đất nước là bất khả xâm phạm

( Thư gửi các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII )

Thưa quý vị đại biểu,
Trong tình hình đất nước ta hiện nay, Quốc hội khóa XIII (2011 - 2016) có tầm quan trọng hết sức đặc biệt đến vận mệnh của Tổ quốc, nổi bật là vấn đề Biển Đông được đồng bào cả nước rất quan tâm và đang theo dõi sít sao.

Đến thăm nhà giàn DK1
Ảnh: Hoàng Long
Quốc hội khóa XIII khai mạc kỳ họp đầu tiên vào lúc lãnh thổ toàn vẹn của đất nước đang bị đe dọa, Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Việc tàu Bình Minh 02 và Viking 02 tiến hành khảo sát địa chấn trong phạm vi thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cắt cáp. Trung Quốc đã hành động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc tham gia. Hơn thế nữa, hai vụ xảy ra chỉ cách nhau 14 ngày, chứng tỏ tính nghiêm trọng của sự vi phạm và sự tính toán có chủ đích của Trung Quốc. Những hành động khiêu khích trên đây do Trung Quốc cố tình gây ra, không mới mẻ chút nào với nước ta mà đã xuyên suốt, có hệ thống xuất phát từ tư tưởng bá chủ thế giới đã có từ rất lâu đời, tư tưởng Đại Hán ngày nay đã lỗi thời nhưng vẫn còn tồn tại trong một số người thuộc giới lãnh đạo Trung Quốc. Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, tự ý vạch ra cái gọi là "Đường chữ U 9 đoạn”, thường được gọi là "đường lưỡi bò”, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, bao gồm các phần lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã được địa lý và lịch sử thế giới phân định. Trên vùng Biển Đông thuộc lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 1974, Trung Quốc đã chiếm tất cả các đảo của Hoàng Sa, năm 1988 đánh chiếm 7 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa, từ đó đến nay thường xuyên tiến hành các hoạt động uy hiếp và xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền nước ta, tự ý ra lệnh cấm bắt cá trên Biển Đông, xua đuổi, bắt giữ, cướp tài sản của các tàu đánh cá trên vùng này.
Thưa quý vị đại biểu,
Cử tri cả nước rất mong Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ nhất thông tin kịp thời mọi diễn biến về Biển Đông liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải của ta, vạch rõ mọi mưu mô của Trung Quốc, lấn chiếm bằng đủ mọi thủ đoạn lúc tinh vi, lúc trắng trợn để đồng bào ta thường xuyên đề cao cảnh giác, sẵn sàng là chỗ dựa vững chắc của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống lại mọi hành động phi đạo lý, trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc, dám bóp méo mọi sự thật để mang lợi cho mình. Quốc hội họp là dịp thuận lợi để nâng cao hiểu biết của toàn dân về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên Biển Đông và cơ sở lịch sử - pháp lý về chủ quyền của Việt Nam, để mọi người càng hiểu sâu xa Hoàng Sa và Trường Sa là máu thịt của Việt Nam.
Hàng ngàn năm qua, lịch sử Việt Nam đã chứng minh rất hùng hồn, mỗi lần lãnh thổ của Tổ quốc ta bị ngoại bang xâm lấn, nhân dân ta vốn đã đoàn kết lại càng đoàn kết muôn người như một, không bỏ sót ai. Đặc biệt vào thời gian này khi Trung Quốc dồn quyền lực để thâm nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống của ta, cả nước càng phải tập trung cao độ nhân tài, vật lực, sức người sức của để làm thất bại mọi mưu đồ bành trướng của Trung Quốc. Chưa bao giờ những lời căn dặn, dạy dỗ của ông cha lại cần được con cháu ghi lòng tạc dạ, truyền đạt cho nhau bằng lúc này. Giặc Nguyên Mông chiếm nửa thế giới, rồi chiếm Trung Quốc nhưng tiến công Việt Nam ba lần đều thất bại. Về thắng lợi rực rỡ này, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trước khi mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300) đã dặn dò Vua Trần Anh Tông: "Vua tôi đồng lòng - Anh em hòa thuận - Cả nước góp sức”. Đó là bài học cốt tử cũng là cái gốc của thắng lợi vĩ đại, chỉ có đoàn kết muôn người như một thì mới có thể "lấy ít thắng nhiều”, "lấy yếu thắng mạnh”. Hưng Đạo Vương còn dặn dò "Kẻ kia cậy có tràng trận mà ta chỉ có đoản binh, lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế”.
Năm 1427, kết thúc 10 năm kháng chiến quét sạch giặc Minh, nhà Lê ra đời, Lê Lợi xưng vương Lê Thái Tổ (1428 - 1433), Nguyễn Trãi đã coi sức dân mạnh như nước, lật thuyền cũng là dân, chỉ dựa hẳn vào dân thì kẻ xâm lược mạnh đến đâu ta cũng đánh tan.
Về thời Vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim in năm 1964 tại Nhà xuất bản Tân Việt (Sài Gòn), có đoạn viết về "Việc giao thiệp với Tàu”, xin trích:
Nước ta bấy giờ tuy phải theo lệ xưng thần với nhà Minh nhưng vua Thánh Tông vẫn hết lòng phòng bị mặt Bắc. Thỉnh thoảng có những người thổ dân sang quấy nhiễu, thì lập tức cho quan quân lên tiễu trừ và cho sứ sang Tàu để phân giải mọi sự cho minh bạch. Có một hôm được tin rằng nhà Minh đem quân đi khác địa giới, Thánh Tông liền cho người lên do thám thực hư. Ngài bảo với triều thần rằng:
"Ta phải giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của Vua Thái Tổ để lại”.
Ngài có lòng vì nước như thế cho nên dẫu nước Tàu có ý muốn nhòm ngó cũng không dám làm gì, cho nên sự giao thiệp của hai nước vẫn được hòa bình. (trang 250)
Trong một trường hợp khác, bàn đến lãnh thổ của đất nước, Vua Lê Thánh Tông còn căn dặn:
Kẻ nào dám đem một thước, một tấc đất của Vua Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.
Thưa quý vị đại biểu,
Nhân dân ta yêu chuộng hòa bình, lúc nào cũng mong là bạn của mọi nước trên thế giới. Với Trung Quốc, nhân dân hai nước Việt - Trung từng sống bao năm coi nhau là những người bạn cùng hội, cùng thuyền. Ngay cả những khi Trung Quốc có những hành động bành trướng, lấn chiếm, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên trì sử dụng các giải pháp ngoại giao, chính trị để giải quyết các vụ đụng độ, tranh chấp trên Biển Đông bằng đàm phán giữa các nước có quyền lợi liên quan. Chúng ta mong những năm cùng chung sống hữu nghị, thân thiết sẽ thúc đẩy Trung Quốc trở lại với 16 chữ vàng trong phương châm chỉ đạo quan hệ Việt Trung. Lịch sử đã chứng minh chỉ có như vậy hai nước mới cùng phát triển, cùng phồn vinh.
Xin gửi quý vị lời chào trân trọng.
Thái Duy



Nguồn: -Lãnh thổ toàn vẹn của đất nước là bất khả xâm phạm

Tổng số lượt xem trang