Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Tướng Thước gửi thư ngỏ cho 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (bên trái ảnh) trong cuộc giao lưu trực tuyến tại Báo GDVNTrung tướng Nguyễn Quốc Thước (bên trái ảnh) trong cuộc giao lưu trực tuyến tại Báo GDVN
(GDVN) - Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên đại biểu QH khóa VIII, IX, X vừa gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam lá thư ngỏ gửi 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII ngay trước thềm khai mạc kỳ họp thứ nhất diễn ra vào ngày mai 21.7.2011. Tướng Thước là người đã từng được xếp vào bộ tứ nhân vật quyết liệt, thẳng thắn và có trách nhiệm cao tại nghị trường “Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả lá thư nhiệt huyết của vị tướng chiến trường đã bước sang tuổi 85 này.

Kính gửi: BAN BIÊN TẬP BÁO ĐIỆN TỬ GIÁO DỤC VIỆT NAM

Mấy điều gửi gắm gửi các đại biểu Quốc hội khóa XIII

Khóa XIII: Quốc hội của những nhà trí thức (*)

Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp cả về tổ chức triển khai, cả về kết quả và chất lượng, thể hiện trình độ dân trí ngày càng cao, ý thức về quyền dân chủ và trách nhiệm được thực chất hơn so với trước, tỷ lệ phiếu người trúng cử không chênh lệch nhiều, nói lên ý thức lựa chọn của cử tri…
Điểm đáng lưu tâm nhất qua kết quả thì trong 500 người trúng cử, có đến 45,8% trình độ trên đại học, 52,4% trình độ đại học, chỉ có 1,8 % là trình độ dưới đại học. Nhìn về con số thì Quốc hội lần này thực sự là một Quốc hội của những nhà trí thức, một yếu tố quan trọng mà cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước cần có để có trình độ thực thi nhiệm vụ chức năng được nhân dân giao phó, quyết định những vấn đề thuộc vận mệnh của đất nước, của chế độ, của nhân dân.

Những yếu tố trên là cần, nhưng qua thực tế thì cái cần hơn là người đại biểu của dân phải là người luôn bám sát thực tiễn, nắm bắt thực tiễn, bắt gặp được nhịp đập của cuộc sống trên mọi lĩnh vực xã hội của người dân.

Đất nước cần gì, xã hội cần gì, người dân cần gì, trong đó cái dân cần là yêu cầu số 1, vì còn dân thì còn tất cả: Tổ quốc, chế độ, nhà nước. Tôi muốn nói như vậy, vì qua hoạt động thực tiễn 15 năm (3 khóa), tuy là đại biểu kiêm nhiệm nhưng nghĩ rằng dân tin mình, giao trọng trách cho mình mà không làm được điều gì có ích cho dân thì là một nỗi bất hạnh của dân vì đã nhầm giao sinh mệnh của mình, sinh mệnh quốc gia cho một kẻ hám danh, hám lợi, bất tâm, bất tài.

Vì vậy, ngay cả khi nhiệm vụ Quốc phòng rất nóng bỏng nhưng tôi cố kết hợp một công đôi ba việc, tranh thủ ngày đêm học hỏi qua nhiều kênh: Nghe dân nói, xem dân làm, nghe nhà khoa học, nhà trí thức, nhà chuyên môn, báo chí, v.v…để chỗ nào học được cái gì là cố gắng tìm hiểu, học hỏi, do đó cũng đã góp được một phần rất nhỏ nhoi trong trọng trách này. Nếu nếu là một đại biểu chuyên trách thì chắc chắn tôi có điều kiện để đóng góp nhiều hơn.

15 năm, tôi vẫn còn nợ dân nhiều lắm

15 năm thay mặt dân nhưng làm được quá ít, còn nợ nhân dân nhiều lắm, nên nay, tuy đã nghỉ gần 10 năm nhưng thấy việc gì của nước, của dân thì tôi tích cực tham gia. Bác Hồ đã luôn dạy như thế.

Câu chuyện của những người mê bóng đá đã nói lên đam mê đến mức “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. Tôi nghĩ bóng đá đã là vậy thì việc dân lại càng phải gấp nhiều lần thế nữa.

Khi mà người đại biểu của dân “ăn nghĩ đến dân”, “lúc ngủ cũng nghĩ đến dân” thì mới thực sự là người đại biểu chân chính của dân, thực sự vì dân.

Nhân dân thường phàn nàn, một số đại biểu khi ứng cử thì hứa nhiều nhưng suốt nhiệm kỳ không thấy đóng góp được gì cho dân.

Nhớ một lần đi tiếp xúc cử tri, nhiều người đã thẳng thắn nêu: “Chúng tôi bầu bác, phản ánh với bác những điều nóng bỏng của dân, nếu ra Quốc hội mà không thấy bác có hành động gì để Quốc hội biết mà giải quyết thì lúc về chúng tôi sẽ đề nghị cách chức bác”.

Câu nói nghiêm túc, chân tình đó luôn ghi nhớ trong tôi để không lỡ hẹn với dân. Là đại biểu của dân, phải quan tâm đến trên 84 triệu dân, nhưng trong đó, theo tôi, đối tượng phải tập trung là tầng lớp dưới: Công nhân, nông dân nghèo, cận nghèo, các bà con dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ, chất độc da cam,v.v…. Những người đó hiện đang chiếm số đông trong dân cư nhưng lại phải gánh chịu những thiệt thòi nhiều nhất trên mọi phương diện: Vật chất, tinh thần, văn hóa, y tế, giáo dục, v.v…Dù theo nghị quyết của Đảng là phải đảm bảo an sinh xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh, nhưng còn nhiều nơi chưa làm được như vậy.

Lâu nay, một điều tôi thực sự băn khoăn, trong kế hoạch kinh tế cứ nêu chỉ tiêu GDP đầu người là 1200-1300 USD thể hiện sự giàu có của đất nước, nhưng theo tôi quan trọng hơn là sự phân phối đó, số giàu là bao nhiêu, số nghèo tầng lớp dưới là bao nhiêu, nếu khoảng cách quá xa giữa giàu, nghèo thì con số đó thực chất giảm ý nghĩa thực tế đối với chế độ ta.

Hiện nay, kế hoạch nhà nước năm nay sẽ xuất khẩu trên 6 triệu tấn gạo, nhưng trong lúc, nhiều địa phương, nhiều vùng, nạn đói vẫn đang xảy ra nghiêm trọng, chính phủ đã phải xuất hàng chục vạn tấn gạo để cứu đói, vấn đề này các đại biểu phải suy nghĩ lắm.

Nếu khoảng cách đó ngày càng loãng ra, thì chắc chắn, sự cố kết giữa các tầng lớp ngày càng sa sút.  Đề nghị các đại biểu khi hoạch định chủ trương, chính sách, kế hoạch, pháp luật, cũng như thực hiện chức năng giám sát tối cao cần đặc biệt quan tâm điều này, phải đặt câu hỏi việc đó đưa lại lợi ích gì trước mắt, lâu dài ai được hưởng lợi nhiều?

Một thực tế hiện nay, trong số 500 đại biểu, chắc chắn tuyệt đại bộ phận đều thuộc lớp trên của xã hội chắc là không có hoặc nếu có, chỉ là cá biệt thuộc diện nghèo.
Thực tế đó phản ánh mặt tốt thể hiện năng lực vươn lên của đại biểu nhưng cũng đề phòng ai đó lại xa rời tầng lớp dưới, quên gốc gác của mình rồi sinh quan liêu, cá nhân vụ lợi, tiêu cực tham nhũng (những người có chức quyền).

Trong tình hình hiện nay, đấu tranh với tệ nạn tham nhũng, lãng phí không dễ chút nào, bởi lẽ, ai chống ai (tham nhũng thường nằm ở những người có chức có quyền trong bộ máy Đảng, Nhà nước còn dân thường muốn tham nhũng đâu có được), nhất là khi bọn tham nhũng đã cấu kết, bè phái, biến tướng.

Đó là cái khó, nhưng khó bao nhiêu cũng phải làm để bảo vệ lấy chế độ này. Muốn làm được, người đại biểu phải có một bản lĩnh chiến đấu kiên cường, vượt lên chính mình, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu một mất một còn với tệ tham nhũng.

Trước đây, kẻ thù ở bên kia ranh giới, cuộc chiến ác liệt, nhiều hi sinh nhưng có thể vượt qua.

Nay, cuộc chiến đấu với kẻ thù (bọn tham nhũng) nằm ngay trong lòng mình vẫn là “đồng chí”, là “cấp trên” hoặc “cấp dưới”, hoặc “đồng cấp”, có “ân”, có “nghĩa” thì thật vô cùng khó, nhưng đã là cơ quan quyền lực cao nhất không thể không làm, vì sự tồn vong của chế độ.

Không làm trong sạch bộ máy thì không thể có chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu để bọn tham nhũng lũng đoạn thì dần dần bộ máy nhà nước sẽ trở thành cái bình phong cho kẻ tham nhũng thao túng và nỗi khổ cuối cùng dồn lên đầu dân. Điều đó, trước hết thuộc trách nhiệm của mỗi đại biểu.

Với tâm huyết của một công dân suốt cuộc đời phấn đấu cho mục tiêu của Đảng, của dân dưới ngọn cờ vinh quang của Bác Hồ xin được bộc bạch tâm tư và gửi trọng niềm tin vào 500 đại biểu được nhân dân giao phó.

Nhân dân sẽ đứng về phía các đồng chí để cùng xây dựng đất nước, thực sự dân chủ, công bằng, văn minh theo nghị quyết của Đại hội Đảng, sánh vai cùng các cường quốc năm châu mà không thế lực nào có thể “nắn gân” ta được.

Các đại biểu cựu chiến binh phải là tấm gương sáng

Một điểm nữa là trong  500 đại biểu, lần này, chắc có rất nhiều đại biểu là hội viên CCB (một số do TW hội CCB Việt Nam giới thiệu, một số là hội viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp) và một số có thể chưa là hội viên nhưng vẫn mang trong mình dòng máu bất khuất của người bộ đội cụ Hồ.

Nếu được tổ chức sinh hoạt trao đổi thì đây chắc sẽ là một lực lượng thẳng thắn, nhiệt huyết trong Quốc hội.

Đề nghị TW hội CCB Việt Nam nên có một cuộc gặp gỡ, trao đổi để thống nhất hành động, phát huy đầy đủ vai trò trách nhiệm của đại biểu là CCB, nêu cao phẩm chất, bản lĩnh bộ đội cụ Hồ, mỗi người góp được một công trình cụ thể trong kế hoạch công tác của Quốc hội. Những khóa trước, anh em CCB phàn nàn, nhiều đại biểu là CCB và trong quân đội, công an, vai trò trên thị trường còn khá mờ nhạt.

Đề nghị các đồng chí lắng nghe, tiếp thu để vai trò đại biểu là CCB phải là những điển hình sáng giá trên nghị trường Quốc hội (xin lưu ý là chắc chắn có nhiều đồng chí đại biểu là CCB giữ những chức vụ quan trọng ở TW, cũng như các địa phương).

Chúc 500 đại biểu khóa 13 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình để không phụ lòng tin và sự gửi gắm niềm tin của cử tri và nhân dân cả nước.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10.

-Nguồn: Tướng Thước gửi thư ngỏ cho 500 đại biểu Quốc hội khóa XIII

Tổng số lượt xem trang