Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Mối liên hệ Mỹ-Việt từ thời TT. George W. Bush


-Mối liên hệ Mỹ-Việt từ thời TT. George W. Bush



Lời tác giả: Năm 2007 tôi hân hạnh được gặp ông Cựu TT Hoa Kỳ, George W. Bush tại Tòa Bạch Ốc. Nhân dịp này, tôi đã đề nghị Hoa Kỳ không nên viện trợ các thiết bị tối tân cho Hà Nội để họ có vũ khí đàn áp Phong Trào Dân Chủ.  Lúc đó, ông TT. Bush đã quay ra hỏi cố vấn trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và họ lắc đầu, ông Bush nói “cho đến giờ phút này, ông Đỗ yên tâm, điều đó chưa xảy ra”. Hiện nay tình thế đã khác, tàu chíên Mỹ đã cập bến Đà Nẵng, quân đội hai nước đã tập trận chung. Mặc dù chính quyền, đảng phái chỉ là phương tiện; dân tộc, đất nước mới là cứu cánh. Nhưng vấn đề đặt ra là: Liệu chúng ta có nên ủng hộ một chính quyền độc tài đang lợi dụng lòng yêu nước, ý chí bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ để họ tiếp tục cai trị dân tộc Việt Nam? Liệu Cộng đồng Người Việt tại Hải ngoại, nhất là ở Mỹ có nên ủng hộ chính quyền Mỹ viện trợ vũ khí tối tân trong cuộc chiến Việt-Trung, để Hà Nội vừa bảo vệ lãnh thổ nhưng cũng để tiếp tục duy trì một chế độ chuyên chế, độc tài?


——————————————————–

Tháng 5 năm 2007, Thứ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ông Robert Zoellick đã có cuộc họp với đại diện Hà Nội. Đây là cuộc họp cao cấp nhất kể từ lúc Cựu Tổng Thống George Bush đắc cử nhiệm kỳ 2. Bên cạnh các trao đổi về quan hệ kinh tế, trọng tâm của cuộc họp thảo luận những quan tâm về chính sách đối phó với khủng bố và thiết lập ảnh hưởng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam . Tuyên bố với báo chí, ông Zoellick cho biết Hà Nội rất mong muốn cải thiện mối giao thương giữa hai nước, tuy nhiên họ có những lo ngại khác quan trọng hơn, đó là tình hình an ninh khu vực. Việt Nam muốn có liên hệ mật thiết với Hoa Kỳ về quân sự để giảm mối quan tâm trước anh láng giềng khổng lồ Trung Quốc, đang gia tăng bành trướng tiềm năng quân sự một cách đáng kể.

Mối tình hữu nghị Trung-Việt bề ngoài trông thân thiện vì có cùng ý thức hệ nhưng hai bên coi nhau cựu thù. Cuộc chạm trán hồi 1988 trên biển Đông về việc tranh giành chủ quyền đảo Trường Sa (Spratley Islands)  vẫn chưa giải quyết. Từ 1974, Trung quốc đã dùng vũ lực tấn công và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa ( Paracel Islands ). Trung Quốc từng liên tiếp cáo buộc Việt Nam vi phạm chủ quyền khi ký kết dự án 2 tỷ dollars với hãng dầu British Petrolium để khai thác quặng mỏ khí các đảo gần Trường Sa. Biển Đông không nằm im, biển Đông sẽ dậy sóng vì những tranh giành quyền lợi về kinh tế và ảnh hưởng quân sự.

Việt Nam có nhu cầu phải tìm đồng minh. Nếu dựa vào Trung Quốc thì hoạ mất nước có thể xảy ra trước tham vọng bành trướng. Ngược lại, đi hẳn với Mỹ, Hà Nội sợ bị ảnh hưởng của xu hướng dân chủ hoá, làm yếu đi chính quyền chuyên chế. Do đó, Việt Nam, về  đối ngoại, cần một chính sách ngoại giao đi dây, về đối nội chính sách này phải thể hiện sự cân bằng giữa nhiều khuynh hướng chính trị trong Đảng. Một mặt quỵ luỵ Trung quốc để tránh các áp lực đè nặng sát nách, mặt khác nắm bắt các thăm dò của Hoa Kỳ để làm đối trọng, mặc cả đôi bên. Ưu tiên, vẫn phải giữ chính quyền độc tài, độc đảng và toàn trị.

Đi dây với Siêu Cường




Chính sánh đi dây của VN. Ảnh minh họa nguồn Vietbao


Gần đây, Hoa Kỳ hứa hẹn viện trợ vũ khí, tập trận chung trên biển Đông và huấn luyện quân sự cho Hà Nội nhằm kéo Hà nội đến gần với Hoa Thịnh Đốn. Chính ông Zoellick đã từng tiết lộ Hoa Kỳ ra mặt ủng hộ Việt Nam vô Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vì Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam đã có những chứng tỏ tiến bộ về mặt cải cách, nhân quyền lẫn tự do tôn giáo.

Thực chất, Hà Nội không chủ trương cải cách và hẳn điều này Washington cũng thừa biết. Tuy nhiên trước nhu cầu phải chứng tỏ thiện chí về cải tổ chính trị để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hà Nội chủ trương đi bước lùi. Chính sách ngoại giao “du kích chiến” được Hà Nội áp dụng đối với Mỹ và thế giới. Trong suốt năm 2005 và 2006, Hà Nội đã ngậm bồ hòn để nhìn các lực lượng dân chủ từng bước trỗi dậy. Hệ thống công an được lệnh ém quân, không ra tay đàn áp, tạm án binh bất động để đạt các mục tiêu lâu dài. Nhờ vậy, phong trào dân chủ đã phát triển, nhiều nhà dân chủ xuất hiện, nhiều phong trào ra đời, báo chí mạng, báo in phát hành, các đảng phái, phong trào, hiệp hội nắm bắt cơ hội công khai, thậm chí một số nhà dân chủ còn được mời đến Sứ quán Hoa Kỳ để ăn mừng ngày lập quốc của Hoa kỳ.

Hà  Nội liên tiếp đạt thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, được Hoa Kỳ lấy tên ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm về đàn áp tôn giáo (CPC), vô Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và được quy chế bình thường hóa quan hệ thương mại vĩnh viễn (PNTR).

Mãi đến cuối năm 2006, mọi chuyện ở thế bất khả vãn hồi thì Hà Nội trở mặt. Sau khi nắm chắc các phần thắng trong tay, đạo quân công an, cảnh sát bắt đầu phản công mà không ngại dư luận phản ứng.

Nếu trước kia họ để cho các nhà dân chủ đến sứ quán Mỹ ăn mừng, chụp ảnh, tuyên bố, chứng tỏ thái độ cởi mở chính trị thì chỉ trong vòng vài tháng sau hội nghị APEC chấm dứt, Hà Nội liền có thái độ cứng rắn. Thời điểm để đàn áp lại là một vấn đề khác có tính nội bộ. Tuy nhiên sự kiện họ công khai  trấn áp thể hiện tính nhất quán của chế độ toàn trị. Gia đình các nhà dân chủ bị ngăn chận khi đại sứ Mỹ, Michael Marine đích thân mời đến nhà. Dân biểu Mỹ, bà Loretta Sanchez  từ Hoa Kỳ sang thăm, Hà Nội không cho tiếp xúc các nhà đối kháng và gia đình của họ. Hàng loạt nhà dân chủ trước kia được mời công khai đến sứ quán thì nay bị cô lập, sách nhiễu hoặc ngồi tù. Hà nội biết rõ sẽ bị phản ứng về công luận, nhưng họ tự tin vì cũng chỉ là những phản ứng có tính cách biểu tượng. Về kinh tế, Hà Nội đang đạt những thành quả, đang trở thành đối tác song phương với Hoa Kỳ, các hiệp ước, qui chế về thương mại đã nằm trong tay. Thậm chí họ đang nắm vị thế “đắc lợi” vì sách lược ngăn chận mà Mỹ đang cần Hà nội làm đồng minh.

Chiến lược của Hoa Kỳ


Việt Nam từng bước xích gần với Hoa kỳ. Hiệp ước về huấn luyện quân sự (International Military Education and Training) giữa hai nước đã được ký kết. Thực chất chỉ là ngôn ngữ ngoại giao. Hà Nội và Hoa Kỳ thêm chữ giáo dục và huấn luyện để làm nhẹ bớt tầm vóc của hiệp ước, tránh khiêu khích và làm Trung Quốc lo ngại.

Bề trái của những ngôn từ ngoại giao là những gì đang diễn ra về lãnh vực quân sự mới là mối quan tâm của Trung Quốc. Dĩ nhiên, trên bình diện an ninh vùng và vai trò Trung Quốc ở Đông Nam Á, một Việt Nam thân Mỹ, chịu ảnh hưởng của Mỹ, và được Mỹ trang bị quân sự là điều Trung Quốc không thể chấp nhận.
Bài học lịch sử vẫn còn ghi đậm máu cũa những binh sĩ Trung – Việt đổ ra dọc theo biên giới. Các cuộc tấn công và tàn phá nát tỉnh Lạng Sơn của quân đội Trung quốc không thể một sớm quên được. Thái độ “ăn cháo đá bát” của Hà Nội đã từng làm Đặng Tiểu Bình giận tím mặt mỗi khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam. Khuynh hướng ngả theo Hoa Kỳ gần đây của lãnh đaọ đảng CSVN làm cho Trung Quốc hồi tưởng lại lúc Lê Duẩn vội vã đi Moscow, để ký kết hiệp ước song phương quân sự Việt-Xô, làm lò lửa quân sự của Trung-Việt nóng lên. Vì vậy, những bước đi dọa dẫm của Hà Nội với Hoa Kỳ chỉ là sự lập lại chiến lược đối đầu thập niên 70. Nếu có khác thì người anh cả để Hà Nội dựa lưng không còn là Liên Xô vĩ đại, mà chính là tên đế quốc đầu sỏ Mỹ.

Hoa Kỳ muốn ảnh hưởng Việt Nam trên cả kinh tế lẫn quân sự. Nguyên một vùng ở phiá Nam Trung Quốc, cửa ngõ xuống Đông Nam Á, chỉ Việt Nam đủ khả năng ngăn chận. Những mâu thuẫn có tính lịch sử, những đụng độ quân sự, vị trí chiến lược của Việt nam đối với Đông Nam Á về đất liền lẫn biển Đông, kinh nghiệm đối đầu của Việt Nam với Trung quốc, thêm quá khứ bị đô hộ và nghi ngờ dã tâm bành trướng. Việt Nam giữ vị trí hoàn hảo nhất để làm con chốt trong bàn cờ kinh tế, chính trị và quân sự. Vì vậy, trong mắt cũa những chiến lược gia Hoa Kỳ, họ không nghi ngờ về tầm nhìn và tính đúng đắn của chiến lược be bờ. Báo cáo của Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Mỹ thời Tổng Thống George Bush, trước Ủy ban Quan hệ Thế giới thuộc Quốc Hội “Việt Nam đang trở thành đối tác quan trọng đối với Mỹ ở khu vực Đông Nam Á trong những năm sắp tới” (1) Cùng với những chuyển động ngoại giao của hai nước, thể hiện rõ chính sách của Mỹ đối với Việt Nam.

Trong cuộc đìều trần trước quốc hội về quan hệ Việt-Mỹ, khi hỏi thái độ Việt Nam thế nào về khả năng hợp tác quân sự giữa hai nước. Liệu họ có quên đi quá khứ của cuộc chiến Mỹ-Việt để nhắm đến tương lai hay chưa?  Ông Đô đốc Hải quân Hoa kỳ, Dennis Blair trả lời “Những người Việt Nam đang giữ vị trí cao cấp trong lãnh vực quân sự đều nhắm đến tương lai, những hợp tác trong quá khứ cũng như hiện nay giữa hai nước chỉ có mục tiêu ôn cố để tri tân”


Ở đây, quan niệm của Đặng Tiểu Bình và Hoa kỳ giống nhau. “Mèo trắng hay đen cũng không quan trọng miễn bắt được chuột”. Điều này đồng nghĩa với chiến lược của Mỹ, “Dân chủ hay độc tài không phải vấn đề, quan trọng là chính quyền đó có cùng mục tiêu hay không”


Vì vậy, đối với Nhà Trắng, Việt Nam dân chủ hay độc tài không phải là mối bận tâm. Một Việt Nam thuần phục, chấp nhận vai trò con chốt, làm đồng minh quân sự chính là điều Hoa Kỳ muốn nhắm đến. Do đó, những nhượng bộ của Mỹ trước hội nghị APEC đủ xác nhận bản chất của chính quyền George W. Bush. Thực ra, điều này cũng chỉ thể hiện quan niệm thực tiễn về chính trị của người Mỹ, cho dù đảng Cộng Hoà hay Dân Chủ có nắm chính quyền.

Khi từng nắm chức Bộ trưởng Bộ ngoaị giao, bà Condoleezza Rice đã vạch ra sách lược ngoại giao của chính phủ Mỹ trong vùng Đông Nam Á như sau:  “Ổn định trước nhất để nắm bắt cơ hội và sau đó mới thúc đẩy và khuyến khích nền tự do quốc gia.  Chính sách này cần được thực hiện trong quan hệ đa phương và hợp tác song phương.” (2)


Vai trò con chốt Việt Nam


Việt Nam đã từng đi dây rất khéo để làm vừa lòng Trung Quốc và Liên Xô trong thời chiến tranh chống Mỹ. Giờ đây họ phải lật lại bài bản đó để học. Khi ông Cựu Chủ tịch nước Việt Nam đi Mỹ gặp TT. George W. Bush, Nguyễn Minh Triết đã đến Trung Quốc. Cũng cần nhắc lại là khi Cựu Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm đến Hoa Thịnh Đốn, Khiêm đã phải ghé thăm Bắc Kinh rồi mới về Hà Nội. Nó là một hình thức triều cống của thế kỷ 21 mà một chính phủ độc tài, chuyên chế không do dân bầu, không mang tính chính thống nên đối ngoại thì nuốt nhục, đối nội thì độc đoán, trơ lỳ. Thiếu sức mạnh dân tộc, sức mạnh nền tảng để giữ nước khi biến loạn, chế độ Hà Nội không đủ sức tự vệ, giữ lấy chính quyền nếu có quốc biến. Trong bối cảnh đó, một cuộc chiến tranh quốc gia xảy ra, thắng bại đã phân minh.

Về phía Hoa kỳ, chiến lược “lưỡng cực” nhằm sử dụng Việt Nam để ngăn chận ảnh hưởng Trung Quốc không mới mẻ gì. Nó chỉ lập lại quan niệm cũ của thời chiến tranh nóng. Sau nhiều thập niên nắm cây gậy thần chiến tranh, Hoa kỳ vẫn không thay đổi quan niệm chiến lược quân sự. Dựa vào khả năng tối tân, trông cậy nơi sức mạnh vũ khí hiện đại. Hoa kỳ chỉ có thể thắng ở chiến thuật thần tốc,  tìm diệt, nhưng không bảo đảm yếu tố giữ quân lâu dài. Chiếm thành dễ, giữ thành mới khó. Những diễn biến quân sự từ xưa và cận đại của quân sử Hoa kỳ chứng minh điều này. Thất bại sau cuộc chiến Việt Nam, sa lầy ở A Phú Hãn và Iraq là bài học cụ thể. Với bản tính thực dụng, và chưa bao giờ bị ngoại xâm, người Mỹ quên mất yếu tố để thắng trong chiến tranh, ngoài sức mạnh về vũ khí, ý chí dân tộc tự quyết mang yếu tố quyết định.

Vì vậy, tham vọng trang bị quân sự “có hạn chế cho VN nhằm cầm chân Trung quốc không phải là sách lược tối ưu. Cho dù Hoa Kỳ tân trang tận răng, Việt Nam không phải là đối thủ của Trung Quốc. Một Việt Nam mạnh về quân sự chỉ làm tăng thêm sự khiêu khích đối với Trung Quốc, gây ảnh hưởng không an tâm cho các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời tạo cơ hội để chế độ độc tài tiếp tục đàn áp, đối đầu với khát vọng dân chủ. Về mặt đạo đức, Hoa Kỳ đang tiếp tay cho Việt Nam để củng cố chính quyền toàn trị, đi ngược lại xu hướng của nhân dân: một Việt Nam tự do và dân chủ. Nói cách khác, vì quyền lợi quân sự, chính phủ Hoa kỳ nuôi dưỡng chế độ độc tài khi viện trợ quân sự, vũ khí cho Việt Nam.

Trung Quốc đang trỗi dậy như một cường quốc về kinh tế lẫn quân sự sau hai thập niên canh tân. Những khoản tiền khổng lồ nhằm hiện đại hoá quân sự từ sau cuộc chiến Trung Việt, không riêng Việt Nam mà Mỹ cũng lo ngại. Với những mâu thuẫn, tranh giành quyền lợi về kinh tế, lãnh hải giữa các quốc gia Đông Nam Á, chạm trán quân sự Việt Nam và Trung Quốc có khả năng xảy ra.

Thượng sách, Trung quốc làm kiệt quệ Việt Nam bằng chiến tranh kinh tế, môi trường và chính trị. Hàng giả, hàng nhái, hàng rẻ đã ào ạt vượt biên giới tràn ngập Việt Nam từ nhiều năm nay. Số lượng tiền giả lưu hành tại Việt Nam hết sức tinh vi, tiền giấy nhựa polymer nhà nước cộng sản vừa phát hành thì vài tháng sau thị trường đã lưu hành tiền giả. Trình độ kỹ thuật in, tầm vóc và nguồn phát hành công an Hà nội biết nhưng vẫn ngậm tâm. Các dự án xây dựng đê điều của Trung Quốc, ngăn chận lượng nước chảy xuống phiá Nam có nguy cơ kiểm soát và tác động môi trường,  làm thiếu nước hoặc ngập lụt nếu cần. Mới đây các vùng biển Việt Nam đã  bị ô nhiễm nặng vì dầu loang xuất phát từ phiá Bắc. Nhiều khu vực du lịch đã bị ảnh hưởng trầm trọng, chưa tính đến những hậu quả lâu dài về môi sinh cho tôm cá, làm thiệt hại trử lượng và khả năng đánh bắt thuỷ sản dọc bờ biển Việt Nam nhiều chục năm về sau. Về chính trị, liên tục cho tay sai, phe nhóm gây khủng hoảng nội bộ, tạo các biến động giả, tung các vu cáo vì an ninh nội bộ để đàn áp dân chủ và các khuynh hướng tiến bộ,  nhằm đẩy Việt Nam xa dần ảnh hưởng Mỹ.

Hạ  sách, tấn công trực diện. Tuy nhiên, thế giới ngày nay không thuận lợi cho một cuộc chiến tranh xâm lăng lâu dài. Những chạm trán quân sự ngắn hạn, nhanh chóng tấn công toàn diện để triệt hạ, tàn phá rồi rút lui là những chiến lược quân sự Trung Quốc toan tính. Cuộc chiến Việt Trung là thí dụ thuyết phục, bất ngờ tấn công, tàn phá và nhanh chóng rút lui để tránh sa lầy và sức ép dư luận thế giới. Đây là những chiến lược quân sự,  con cháu Tôn Tử đang thực hiện, không những áp dụng đối với Việt Nam mà ngay cả đối với các quốc gia khác. Trung quốc thừa hiểu, họ có thể bất ngờ tấn công Việt Nam, tạm chiếm đóng các vùng hải đảo xa xôi nhưng không thể xâm lăng lâu dài. Cả ngàn năm trước họ đã thất bại thì hiện tại hay tương lai không khác biệt. Tuy nhiên, một chính quyền Việt Nam độc tài, yếu kém về cai trị, mất lòng dân sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc làm suy yếu và tấn công hủy diệt. Ngược lại một chính thể tự chủ, do dân bầu và tiềm ẩn sức mạnh dân tộc, Trung quốc sẽ thất bại nếu có tham vọng xâm lăng.

Các chính sách dựa vào sức mạnh quân sự để đối đầu ẩn chứa những hiểm hoạ xung đột.  Hay hỗ trợ chính quyền độc tài, một chính quyền không đại diện cho dân, không do dân bầu,  để tìm kiếm lợi ích quốc gia chỉ đắc dụng ngắn hạn, không bền vững và lâu dài. Chính quyền, đảng phái chỉ là phương tiện, dân tộc, đất nước mới là cứu cánh. Một Việt Nam tự do dân chủ, phát triển về kinh tế, độc lập về chính trị và quân sự, chính là mục tiêu mà Việt Nam và Hoa Kỳ cần quan tâm.


© Đỗ Thành Công


© Đàn Chim Việt
————————————————————–

(1)   “Viet Nam is also emerging as a regional player, a role that will be increasingly important to U.S. interests in East Asia in the coming years.”

(2)   Eric G. John, Deputy Assistant Secretary, East Asian and Pacific Affairs “Secretary Rice articulated our goals in the region: security, opportunity, freedom. Against this backdrop of favorable trends and challenging issues, we seek to promote policies to achieve the Secretary’s goals through strong multilateral and bilateral engagement.”

Tổng số lượt xem trang