Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Muốn chở bauxite, TKV phải lo cầu, đường

--Đề nghị bố trí vốn cho dự án phục vụ khai thác bô-xít ở Lâm Đồng

QĐND - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn để có thể khởi công Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 nối từ tỉnh Đồng Nai đến Lâm Đồng vào năm 2012, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ khai thác bô-xít khi chưa có cảng Kê Gà. Bộ này cũng kiến nghị Thủ tướng giao Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam ứng trước vốn năm 2011 để thực hiện đầu tư ngay dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 725 (đoạn từ Tân Rai đến Bảo Lộc dài 17km) và tỉnh lộ 769 (đoạn từ Dầu Giây đến Long Thành dài 33,5km), đồng thời làm công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án khác.

Trước đó, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án cải tạo Quốc lộ 20 nối Đồng Nai với Lâm Đồng với tổng mức đầu tư gần 4000 tỷ đồng nhưng hiện vẫn chưa bố trí được vốn. Trong khi đó Quốc lộ 51 đoạn xuống cảng Gò Dầu dài 20km dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012. Cả hai tuyến đường này cùng với tỉnh lộ 725 và tỉnh lộ 769 đều nằm trong phương án vận chuyển bô-xít– nhôm khi chưa có cảng Kê Gà đã được Bộ GTVT lựa chọn.
Đỗ Hưng
- Muốn chở bauxite, TKV phải lo cầu, đường(PLTP).
Hệ thống cầu trên các tuyến đường vận chuyển alumin từ Lâm Đồng về Đồng Nai đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể chịu đựng được các đoàn xe chở alumin đi qua.
Theo dự kiến, tháng 9 tới các đoàn xe với tải trọng 40 tấn/xe của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), chủ đầu tư dự án bauxite Tây Nguyên, sẽ bắt đầu lăn bánh vận chuyển alumin từ Lâm Đồng về Đồng Nai. Tuy nhiên, đến giờ này TKV vẫn chưa rót tiền cho Bộ GTVT để thực hiện việc nâng cấp các tuyến đường chuyên chở bauxite. Vì thế, những ngày gần đây chính quyền tỉnh Đồng Nai liên tục lên tiếng cảnh báo nguy cơ cầu, đường trên địa bàn tỉnh này sẽ bị hư hỏng nặng nếu phải gánh lượng xe chuyên chở bauxite như trên.
Không chi tiền, xe chở bauxite khỏi chạy!
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 28-7, ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cho biết các tuyến đường vận chuyển alumin từ Lâm Đồng về Đồng Nai, nhất là quốc lộ 20, đường 725, 769 hiện đều đã xuống cấp. Đặc biệt là hệ thống cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, không thể chịu đựng được các đoàn xe chở alumin đi qua, nếu đi thì rất dễ xảy ra sự cố mất an toàn giao thông nên bắt buộc phải được nâng cấp trước khi các đoàn xe này lăn bánh. “Việc các địa phương nằm trên tuyến đường vận chuyển alumin, bauxite lo ngại về cầu, đường hư hỏng, gây mất an toàn khi đoàn xe của TKV đi qua là chính đáng” - ông Vinh nói.
Tuy nhiên, theo quy định, các xe chở hàng hóa quá tải đều có thể được phép tham gia giao thông nếu xin được giấy phép của cơ quan quản lý đường bộ. Trong khi đó, TKV là một doanh nghiệp nhà nước và liệu rằng Tổng cục Đường bộ có dành cho TKV sự ưu ái trong việc cấp giấy phép lưu hành cho xe quá tải khi mà cầu, đường chưa được nâng cấp?


Sắp tới quốc lộ 20 nối Lâm Đồng - Đồng Nai với lưu lượng xe đông lại phải gánh thêm đoàn xe bauxite mỗi ngày. Ảnh: HTD
Ông Vinh khẳng định sẽ không có sự ưu ái nào cho TKV mà tất cả sẽ phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. “Muốn xin giấy phép vận chuyển hàng hóa quá tải thì phải có phương án, phải có kinh phí để chúng tôi nâng cấp cầu, đường. Còn nếu không thì chúng tôi không thể cấp phép cho chạy được” - ông Vinh cho hay.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cũng cho rằng TKV là một tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước. Do đó, hơn ai hết TKV phải là đơn vị đi tiên phong trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. “Nếu TKV không chấp hành, cố tình đưa xe chở quá tải trọng cho phép tham gia giao thông thì không những gây tác hại đến cầu, đường mà còn “khuyến khích” các doanh nghiệp tư nhân, các lái xe khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về chở quá tải” - ông Hùng cảnh báo.
Cơ quan quản lý đường bộ “bó tay” vì chưa có tiền
Ông Vinh cho biết để thực hiện việc nâng cấp các tuyến đường phục vụ vận chuyển bauxite, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ làm chủ đầu tư dự án và nghiên cứu đề xuất các phương án cải tạo. Hiện Tổng cục đã có văn bản ủy quyền, giao Ban Quản lý dự án 5 (PMU5) có trụ sở tại Đà Nẵng lập dự án khảo sát, nâng cấp các tuyến đường phục vụ phát triển ngành công nghiệp nhôm.
Vì sao là chủ đầu tư mà Tổng cục lại không bỏ tiền ra để nâng cấp mà cứ phải đợi kinh phí từ TKV chuyển sang? ông Vinh nói: “Trong kế hoạch bố trí ngân sách cho đơn vị năm 2011 không có dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường phục vụ vận chuyển bauxite. Hơn nữa, theo văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thì TKV có trách nhiệm ứng tiền để nâng cấp cầu, đường. Tuy nhiên, đến nay TKV chưa chuyển tiền cho Tổng cục nên việc thực hiện nâng cấp các tuyến đường chưa thể thực hiện được”.
Cũng theo ông Vinh, nếu có tiền vào thời điểm này thì đơn vị sẽ thực hiện nâng cấp và trong khoảng hai tháng có thể hoàn tất. Tuy nhiên, đến thời điểm này mà TKV vẫn chưa có một động thái, văn bản nào khẳng định sẽ chuyển tiền nên đơn vị khó có thể thực hiện nâng cấp cầu, đường trên các tuyến quốc lộ trước tháng 9. Ông Vinh cũng cho biết thêm ngay cả một số tuyến đường tránh TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) để phục vụ vận chuyển bauxite dù đã phê duyệt nhưng đến nay cũng không có tiền để làm.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, Bộ GTVT, Cục CSGT đường bộ - đường sắt, các cơ quan chức năng thuộc các tỉnh có xe chở bauxite đi qua và cả Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) cần phải xử lý nghiêm hành vi chở quá tải, bất kể đó là xe của đơn vị nào.
Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG,
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Nếu xe của TKV chở bauxite quá tải chạy qua địa bàn thì sẽ bị xử lý. Bởi nếu không xử lý xe chở bauxite quá tải thì làm sao chúng tôi xử lý các xe quá tải khác. Tất cả phải bình đẳng trước pháp luật, không có ngoại lệ nào!
Ông TRẦN VĂN VĨNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai
(Theo Tuổi Trẻ ngày 28-7)
THÀNH VĂN
-Bàn phương án vận chuyển bauxite (SGTT 28-7-11)

Tổng số lượt xem trang