Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Con đường gỗ Việt-Lào

-- Con đường gỗ Việt-Lào - (BBC)-
Gỗ tập trung tại Atapeu, miền Nam Lào, để chuyển sang Việt Nam
Một tổ chức vận động bảo vệ môi trường quốc tế vừa ra phúc trình tố giác các hoạt động buôn bán gỗ trái phép từ Lào sang Việt Nam, mà theo tổ chức này có thể lên tới hàng trăm triệu đôla mỗi năm.
Tổ chức Điều tra Môi trường (Environmental Investigation Agency - EIA), trụ sở chính tại Anh quốc, nói trong lĩnh vực mua bán gỗ lậu có cả các doanh nhân có quan hệ với chính phủ và một công ty của quân đội Việt Nam.
Các điều tra viên của EIA đã hoạt động bí mật tại Lào và Việt Nam từ tháng 10/2010-5/2011.
Những người này đã bám theo con đường vận chuyển gỗ từ các tỉnh Attapeu và Sekong ở miền Nam Lào, tới các nhà máy chế biến gỗ và sản xuất hàng nội thất ở Quy Nhơn, Hà Nội và các nơi khác, cũng như tới tận cảng Đà Nẵng.
Các kết luận điều tra được đăng trong phúc trình có tên 'Crossroads' (Giao lộ), vừa ra mắt hôm thứ Năm 28/07.
Nội dung chính của phúc trình là nói về cái mà tổ chức này gọi là 'Hoạt động buôn bán gỗ trái phép giữa Lào và Việt Nam'.
BBCVietnamese.com xin giới thiệu một số chi tiết chính của các điều tra do EIA thực hiện.

Luật lệ lỏng lẻo

Đất nước Lào không có biển nên rừng là nguồn sống của hàng triệu người dân. Thế nhưng, các cánh rừng ở đây đang dần bị tàn phá vì nhiều lý do, trong đó có nạn đốn gỗ, mà chủ yếu là để cung cấp nguyên vật liệu cho công nghiệp chế biến gỗ tại các quốc gia lân cận.
Về lý thuyết, Lào có đầy đủ các luật lệ để kiểm soát lĩnh vực khai thác và kinh doanh gỗ, thí dụ chỉ được chặt cây ở những khu vực có giấy phép, cấm xuất khẩu gỗ chưa qua chế biến... Tuy nhiên, theo đánh giá của EIA, tình hình thực tế vô cùng "hỗn độn và dễ xảy ra tham nhũng".
"Phải trả tiền mới xin được quota... phải trả tiền mới vận chuyển được gỗ về Việt Nam... cả hải quan và kiểm lâm, chúng tôi phải trả tiền hết."
'Tony', công ty Gỗ Tốt ở Hà Nội
Bản phúc trình của EIA nhận định: "Tham nhũng tràn lan trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Lào". Con số cán bộ và quan chức kiểm lâm bị buộc tội ăn hối lộ cũng ngày càng nhiều.
Hồi tháng 2/2011, các điều tra viên của tổ chức này, dưới vỏ bọc là doanh nhân mua gỗ, đã tới tỉnh Sekong tại miền Nam Lào, đễ tìm hiểu về tình hình đốn gỗ bán ra nước ngoài ở khu vực mà Nhà nước Lào chuẩn bị xây đập thủy điện Sekong 4.
Tại đây, họ chứng kiến nhiều đống gỗ súc còn tươi đang chờ ngày vận chuyển sang Việt Nam. Số gỗ này thuộc về một công ty trong tập đoàn Phonesack mà chủ là một đại gia hàng đầu ở Lào, ông Phonesack Vilaysack.
Công ty gỗ Phonesack, ngoài hoạt động khai thác gỗ, còn vận hành một nhà máy chế biến gỗ ở tỉnh Khammoune, nhưng chỉ để làm bình phong. Người phụ trách xuất khẩu của công ty, Butch Lugay, giải thích với điều tra viên của EIA rằng phải có nhà máy thì chính phủ mới cấp quota khai thác gỗ.
Mỗi năm công ty gỗ Phonesack được cấp quota khai thác tới 120.000 mét khối gỗ, chủ yếu để xuất sang Việt Nam và ông chủ Phonesack kiếm bộn tiền từ hoạt động kinh doanh này.
Các nhân viên của Phonesack Vilaysack không ngần ngại 'tiết lộ' với điều tra viên của EIA rằng ông chủ của họ có quan hệ thân cận với các lãnh đạo chính phủ Lào, nhất là ông chủ tịch nước; thậm chí một số người nhà của Chủ tịch Choummaly làm việc cho Tập đoàn Phonesack.

'Chỉ sợ tiền không nhiều'

Bên kia biên giới, một số doanh nhân Việt Nam dường như nắm rõ cung cách 'lách luật' ở bên Lào.
Điều tra viên của EIA, vẫn trong vỏ bọc thương gia mua ván sàn gỗ, đã tới Hà Nội để thăm trụ sở chính của công ty Gỗ Tốt, một doanh nghiệp làm ăn với Lào nhiều năm nay.
EIA phát hiện ra rằng, tuy công ty Gỗ Tốt có cả nhà máy chế biến bên Lào, nhưng phần lớn gỗ mới sơ chế được chuyển sang Việt Nam trong dạng gỗ súc tròn và vuông.
Cũng giống như công ty gỗ của Phonesack, nhà máy chế biến chỉ dùng để làm bình phong lấy quota xuất khẩu gỗ của chính phủ Lào.
Điều tra viên của tổ chức môi trường nói chuyện với người có tên tiếng Anh là Tony, phụ trách Xuất nhập khẩu của công ty Gỗ Tốt trong suốt một tiếng đồng hồ. Ông này nói trên cuốn băng được ghi hình bí mật rằng muốn xin quota thì "phải có quan hệ với Chính phủ".
"Phải trả tiền mới xin được quota... phải trả tiền mới vận chuyển được gỗ về Việt Nam... cả hải quan và kiểm lâm, chúng tôi phải trả tiền hết."
Vận chuyển gỗ sang Việt Nam
Gỗ chưa chế biến được chuyển qua biên giới sang Việt Nam
"Lào cấm xuất khẩu gỗ súc tròn và vuông, nhưng một số công ty như chúng tôi vẫn nhập khẩu được".
Ông Tony còn nói đùa: "Như Bác Hồ nói: Không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều".
EIA nói trong kho của Gỗ Tốt đầy gỗ chưa chế biến từ Lào, và công ty này xuất khẩu chúng sang các nước khác lấy lời. Hồi tháng 1/2011, công ty này bán 1.200 mét khối gỗ hương sang Trung Quốc.
Khá nhiều công ty sản xuất đồ nội thất của Việt Nam c̃ung sử dụng gỗ từ Lào, trong khi EIA nói các doanh nghiệp hàng từ gỗ của Lào lại than phiền về việc khan hiếm nguyên vật liệu.
Tổ chức này dẫn lời một doanh nghiệp Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh nhận xét: "Ở Lào, muốn làm ăn thì phải đút lót. Xuất khẩu gỗ bị cấm, khó khăn lắm, nhưng ở cảng Quy Nhơn người ta vẫn có nhiều cách để nhập gỗ về".

Công ty quân đội

Một số công ty Việt Nam có quan hệ thân cận với Lào đến nỗi họ có thể mang cả công nhân sang Lào đốn gỗ, để rồi vận chuyển về công ty mình ở Việt Nam, nghĩa là làm từ A đến Z cho dù chính phủ Lào vẫn cấm xuất khẩu gỗ chưa qua chế biến.
Tổ chức EIA nói trong số đó có một công ty thuộc Quân khu 4, Bộ Quốc phòng.
Lần đầu vào tháng 10/2010 các điều tra viên của EIA phát hiện ra dấu xanh của công ty này trên các lô gỗ đang được tập trung tại cảng Quy Nhơn.
Lần theo con đường vận chuyển các tảng gỗ đánh dấu xanh này, EIA sang tới tỉnh Atapeu thuộc miền Nam Lào và chứng kiến cảnh gỗ được quy tụ trong các khu vực do Công ty Hợp tác Kinh doanh Quân khu 4 (COECCO) quản lý.
Điều tra viên của EIA giả làm người mua gỗ đã tìm đến trụ sở chính của công ty này tại TP Vinh, Nghệ An, và tiếp xúc với một số lãnh đạo phòng xuất khẩu của công ty.
Các quan chức này giải thích với điều tra viên của EIA rằng họ nhận quota xuất khẩu gỗ thẳng từ chính phủ Lào ở Vientiane, cử công nhân sang Lào đốn gỗ và vận chuyển thẳng về Việt Nam mà không qua doanh nghiệp Lào.
Lượng gỗ này được COECCO chuyển tới các cảng Quy Nhơn và Tiên Sa để bán cho các công ty chế biến gỗ trong nước.
"Công ty chúng tôi hoạt động theo đúng các thỏa thuận đạt được giữa hai chính phủ, tuân thủ pháp luật và không làm gì trái phép."
Ông Trần Xuân Hòa, Tổng công ty COECCO
Trong số các công ty Việt Nam mà EIA điều tra, tổ chức này nói COECCO là công ty khai thác và vận chuyển lượng gỗ lớn nhất từ Lào và cũng thuộc loại làm ăn lâu năm nhất ở Lào (20 năm).
Hôm 28/07, đại diện của COECCO trong một cuộc nói chuyện điện thoại với BBC đã bác bỏ cáo buộc mua và vận chuyển lậu gỗ từ Lào.
Ông Trần Xuân Hòa nói các tố giác của tổ chức môi trường EIA là 'không đúng sự thật'.
Ông cũng nói công ty của ông "hoạt động theo đúng các thỏa thuận đạt được giữa hai chính phủ, tuân thủ pháp luật và không làm gì trái phép".

Điểm đến của gỗ Lào

Phúc trình của EIA được đưa ra trong lúc Liên hiệp châu Âu đang xem xét dự luật nhằm siết chặt quy định về nhập khẩu và kinh doanh gỗ và hàng làm từ gỗ.
Năm ngoái, theo thống kê chính thức, Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỷ đôla tiền đồ gỗ xuất khẩu, chủ yếu tới Mỹ và châu Âu.
EIA kêu gọi EU thúc đẩy kiểm soát nguồn gốc hàng từ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam đồng thời làm việc với các chính phủ Lào và Việt Nam để cải thiện khung luật pháp liên quan lĩnh vực lâm nghiệp và hải quan.
Đại diện EIA tại Bangkok nói trong các tiếp xúc với giới hữu quan ở Việt Nam, họ nhận được tín hiệu đã có nhận thức tích cực về các vấn đề còn tồn tại.
Họ cũng cho hay, một số doanh nghiệp sản xuất hàng nội thất ở Việt Nam, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, đã quan tâm hơn tới 'khía cạnh đạo đức' của sản phẩm và tỏ ra minh bạch trong chứng minh nguồn gốc nguyên vật liệu.
Tuy nhiên tổ chức điều tra môi trường có uy tín này cũng nhận định quá trình đấu tranh sẽ còn kéo dài nhiều năm tháng.
Trong khi đó, các cánh rừng Lào vẫn đang dần dần bị tàn phá 'với tốc độ chóng mặt'.

Tổng số lượt xem trang