Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Mỹ và Trung Quốc, ai hiểu Việt Nam hơn?

Tin liên quan:   Bình tĩnh trong cơn sóng gió

-Mỹ và Trung Quốc, ai hiểu Việt Nam hơn?
Việt Nam thấu hiểu quan niệm “không có đồng minh vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”.

Từ cuối tháng 6/2011, Mỹ đồng thời tiến hành 2 cuộc tập trận quy mô ở Đông Nam Á. Một cuộc tập trận mang tên CARAT với Philippines ngoài khơi đảo Palawan, một cuộc tập trận mang tên Iron Teak 2011với Indonesia tại căn cứ không quân Abdurahman Saleh, Đông Java.


Dự kiến, sau các cuộc tập trận, Hải quân Mỹ còn có hoạt động chung nhằm thúc đẩy quan hệ, trao đổi chuyên môn với các nước trong khu vực. Loạt hoạt động này được coi là cách mà Mỹ thể hiện sự có mặt ở khu vực mà nước này có nhiều lợi ích, đặc biệt là vấn đề thương mại hàng hải.


Trùng với thời gian diễn ra các cuộc tập trận, ngày 5/7, trang tiếng Trung của tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải bài viết “Mỹ có “tử tế” nếu can thiệp quân sự tại biển Đông?” Bài viết đưa ra nhiều nhận định của ông Zhu Fangyin, chuyên gia thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc.

Trong đó, nội dung tập trung phân tích, đánh giá vai trò của Mỹ trong khu vực, đưa ra cảnh báo đối với việc Washington can thiệp vào vấn đề biển Đông, đặc biệt là biện pháp quân sự. Đồng thời, bài viết còn tỏ thái độ “khuyên bảo”, thực chất là cảnh cáo tới các quốc gia Đông Nam Á, trực diện là Việt Nam và Philippines, những nước mà theo ông Zhu Fangyin, “sẽ thất vọng tràn trề” nếu đặt hy vọng vào mối quan hệ với Mỹ.

Không chỉ có vậy, ông Zhu Fangyin còn nhận xét, sự “thân mật bất ngờ” của Mỹ khiến nhiều người lầm tưởng nước này “vô tư giúp đỡ và sẵn sàng đứng ra bênh vực” cho các nước trong tranh chấp biển Đông vì đây “chỉ là một lá bài trong chiến lược của Washington tại châu Á”, xuất phát từ “lợi ích chiến lược của Mỹ”. Bên cạnh đó, ông này còn nhắc nhở Washington nếu “cổ vũ quá đà” sẽ khiến Việt Nam, Philippines như những “con hổ ẩn mình”, “vùng dậy và tuột khỏi tầm kiểm soát của Mỹ”.

Đặc biệt, lố bịch nhất trong bài viết đăng trên Thời báo Hoàn Cầu là giọng điệu “tư vấn”: “Việt Nam đừng hão huyền về viễn cảnh sẽ được che chở và tăng cường sức mạnh từ Mỹ, nếu cố tình lên gân và xung đột quân sự với Trung Quốc”.

Trong bối cảnh Mỹ đang xúc tiến các hoạt động hợp tác với các nước Đông Nam Á, có thể thấy mặt bên kia của những lời “khuyên bảo”, “cảnh báo” thực chất là sự e ngại trước mối quan hệ đang có nhiều tiến triển giữa Mỹ và các nước trong khu vực. Đây chính là tiền đề cho việc đa phương hóa giải quyết các tranh chấp ở biển Đông, cũng là điều mà Trung Quốc không hề mong muốn và luôn tìm cách né tránh suốt thời gian qua.

Truyền thống dựng nước và giữ nước để lại cho Việt Nam nhiều bài học quý báu. Trong đó, bài học lớn nhất là độc lập, tự chủ. Trong lịch sử hiện đại, để đối đầu với Đế quốc Mỹ suốt 30 năm ròng, Việt Nam đã nhận được nhiều sự trợ giúp của bạn bè quốc tế, trong đó có Trung Quốc.

Thế nhưng, nếu chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhân dân Việt Nam không thể nào hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bởi hơn ai hết, dân tộc Việt Nam thấu hiểu quan niệm “không có đồng minh vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn” đã và đang chi phối các mối quan hệ quốc tế và lịch sử đất nước của mình như thế nào.

Bước vào kỷ nguyên mới, đối thoại và hội nhập, độc lập, tự chủ không đồng nghĩa với chủ nghĩa biệt lập. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, đồng thời, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua con đường đàm phán hòa bình, trên nguyên tắc bình đẳng, các bên cùng có lợi. Do đó, Việt Nam nhìn nhận sự phối hợp các bên có lợi ích đan xen trong vấn đề biển Đông thể hiện thái độ trách nhiệm với an ninh chung trong khu vực, kiềm chế các lực lượng bá quyền gây hấn, khiêu khích mưu đồ áp đặt luật chơi ích kỷ và thách thức luật pháp quốc tế.

Nhìn lại lịch sử, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Mc Namara từng than thở: “Mỹ không thắng được ở Việt Nam vì Mỹ không hiểu Việt Nam”. Là người Trung Quốc, sống trong một quốc gia có vị trí địa lý gần gũi, quan hệ lâu đời với Việt Nam, lại là chuyên gia của Viện Khoa học quân sự, chuyên nghiên cứu những vấn đề có tính chiến lược, chẳng lẽ ông Zhu Fangyin lại không hiểu con người và lịch sử Việt Nam bằng ông Mc Namara?

Trường Hải

Tổng số lượt xem trang