Thương lái Trung Quốc chỉ chọn hàng ngon, lại đưa ra nhiều quy định khắt khe, nhưng bà con trồng vải ở Bắc Giang vẫn thích vì giá cao hơn so với bán trong nước.
Giá bán tận gốc cho thương lái Việt Nam, theo tiết lộ của ông Minh Xuyến ở thôn Già Khê Núi (Tiên Hưng, Lục Nam, Bắc Giang) khoảng 6.000 - 7.000 đồng một kg. Riêng với loại một, quả to, đẹp, chất lượng tốt, có thể được 8.000 đồng. Song thương nhân Trung Quốc có thể trả tới 18.000 - 20.000 đồng, nên người trồng khá hào hứng.Không chỉ đánh container về tận nơi, nhiều thương nhân Trung Quốc còn thuê người dân chở vải lên tận cửa khẩu. Ảnh: Hoàng Đan.
Ông Xuyến kể phía bạn hàng Trung Quốc đặt ra những tiêu chuẩn rất khắt khe. "Họ chỉ thu mua tại các hộ gia đình áp dụng kỹ thuật trồng vải sạch và sử dụng hóa chất cũng như các chế phẩm do Trung Quốc cung cấp", ông Xuyến nói. Ngoài ra, còn có quy định về tỷ lệ cuống và quả.
Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang vào cuối tháng 6, có đến 60% sản lượng tại huyện Lục Ngạn là do thương lái Trung Quốc thu mua, với giá bán bình quân đạt 8.000- 14.000 đồng một kg, tùy loại.
Ông Lê Văn Huyến, trưởng thôn Chể, xã Phượng Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết vài ngày nay giá vải bắt đầu hạ nhiệt, nhưng bán cho Trung Quốc vẫn cao hơn trong nước 1.000-2.000 đồng một cân. Ông Huyến cũng xác nhận tư thương Trung Quốc chỉ mua những quả loại một, và từ chối mua loại xấu, trong khi bán cho người Việt dễ tính hơn.
Trưởng thôn Chể cũng cho biết lái buôn người Hoa còn sang nằm vùng tại một số địa phương để gom hàng, riêng tại Phượng Sơn có tới gần chục người.
"Họ đánh container sang, mỗi ngày trung bình thu mua một xe khoảng 8-10 tấn, ngày cân nhiều thì hai xe. Nhưng cũng có hôm họ nghỉ, không đến mua hàng", ông Huyến nói.
Ông Hoàng Văn Toán, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lục Nam xác nhận, việc thương nhân Trung Quốc ồ ạt sang thu gom vải đã diễn ra từ nhiều năm nay. Thường thì họ thuê nhân công Việt Nam chở hàng lên biên giới tập kết. Giai đoạn rộ mùa, họ đánh xe về tận nhà dân thu gom, cân tại ruộng, giá cả thỏa thuận trước.
Theo ông Toán, năm nay, trong tổng số 31.000 tấn vải cả huyện Lục Nam thu hoạch được, có đến một phần ba bán cho người Trung Quốc.
Trả giá nhỉnh hơn thương lái Việt Nam, tư thương Trung Quốc có thể thu gom được những quả vải đẹp nhất tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn (Bắc Giang). Ảnh: Hoàng Đan.
Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Lục Nam khẳng định với VnExpress.net, chắc chắn không có chuyện Việt Nam áp dụng quy trình trồng "vải sạch" của Trung Quốc như phản ánh nói trên của người dân. "Ở chỗ nào thì tôi không biết, nhưng tại huyện Lục Nam, chưa bao giờ tôi nghe nói đến sự việc này", ông Toán khẳng định.
Trao đổi với VnExpress.net, thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên xác nhận, Việt Nam đang khuyến khích chủ trương tiêu thụ nông sản kể cả vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang) với giá cao. Tuy nhiên, theo thứ trưởng, điều kiện để xuất khẩu và bán hàng cho nước bạn phải theo luật pháp của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Ông Biên khẳng định, Việt Nam không chấp nhận việc đưa những hóa chất bảo quản không phù hợp về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mà luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế đã quy định. "Trong trường hợp phát hiện các trường hợp thu mua trái quy định, chúng tôi đề nghị doanh nghiệp nêu cụ thể để Bộ có căn cứ xử lý", thứ trưởng Biên cho hay.
Trước đó, phía Trung Quốc đã đưa ra các tiêu chí để siết chặt hoạt động xuất khẩu vải thiều từ Việt Nam sang nước này. Theo đó, người dân có vải thiều xuất sang "hàng xóm" sẽ phải chịu thêm các chi phí về bao gói, đăng ký, thực hiện các yêu cầu về kiểm nghiệm và kiểm dịch thực vật. Đồng thời, hoa quả nhập khẩu qua kiểm dịch, kiểm nghiệm khi phát hiện thấy sinh vật hại, hoặc chất độc hại thuộc quy định chính thức của Trung Quốc, nước này sẽ căn cứ tình hình hàng hóa, tiến hành cách thức xử lý như trả lại, tiêu hủy, xử lý trừ dịch hại ... Chi phí xử lý phía chủ hàng phải chịu.