Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Nên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại với TQ

-Nên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại với TQ
Không thể hạn chế hàng Trung Quốc giá rẻ kém chất lượng nếu doanh nghiệp trong nước không thể sản xuất được hàng hóa thay thế cho tiêu dùng nội địa. Nhưng để doanh nghiệp trong nước tồn tại và phát triển, với mục tiêu bảo vệ nền sản xuất và thương mại trong nước, Nhà nước cần có giải pháp căn cơ hơn với hàng Trung Quốc.

Xây dựng lại hệ tiêu chuẩn chất lượng Hàng hóa Trung Quốc không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng đang được bày bán tràn lan ở thị trường nội địa từ thôn quê đến thành thị. Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng, hàng Trung Quốc còn đất sống ở thị trường Việt Nam là do người dân vẫn còn rất nghèo, thu nhập thấp, nên yếu tố giá vẫn là ưu tiên hàng đầu khi người dân mua hàng.

"Chúng ta kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng thực tế số doanh nghiệp sản xuất ra được sản phẩm đáp ứng được cho nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng vẫn còn rất ít", một chuyên gia phân tích. Nhiều mặt hàng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất và đáp ứng nhưng vẫn phải nhập, vì chi phí nhập khẩu vẫn rẻ hơn sản xuất. Điều này đã bóp chết những doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng cùng loại với sản phẩm nhập khẩu. Đã có những công ty sản xuất đũa, tăm tre phải đóng cửa và chuyển qua nhập khẩu các sản phẩm này từ Trung Quốc về phân phối ở thị trường Việt Nam.
"Nếu sản xuất trong nước ở thời điểm này, thắt chặt tất cả chi phí, tiết kiệm lắm công ty cũng chỉ đạt được mức lời 10%. Trong khi đó, nhập khẩu những mặt hàng này từ Trung Quốc về bán, mức lời trung bình là 30%. Có những lô hàng, doanh nghiệp nhập khẩu nhiều, mức chiết khấu lên đến 50%", giám đốc một doanh nghiệp chuyên phân phối hàng tiêu dùng ở TPHCM, phân trần. Theo vị này, "chúng tôi muốn làm ra những mặt hàng Việt Nam cho người Việt dùng. Nhưng để doanh nghiệp tồn tại, chúng tôi không thể làm khác hơn..."
Kinh tế khó khăn trong những năm qua, khiến cho nhiều doanh nghiệp càng kiệt quệ hơn về vốn, công nghệ, nguồn lực, cũng như khả năng thâm nhập thị trường. Để hạn chế hàng Trung Quốc kém chất lượng trên thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần xây dựng lại hệ tiêu chuẩn về chất lượng cho những sản phẩm trong nước lẫn sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Nhiều quốc gia khác luôn có những hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế những mặt hàng kém chất lượng từ bên ngoài, bảo vệ người tiêu dùng trước những sản phẩm độc hại.
Để có thể sử dụng công cụ phòng vệ thương mại Trong một cuộc hội thảo về các biện pháp phòng vệ thương mại được tổ chức gần đây, các chuyên gia trong ngành cho rằng, để hạn chế hàng Trung Quốc ở thị trường Việt Nam, Nhà nước cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, hệ thống pháp luật của Việt Nam về công cụ phòng vệ thương mại đã được ban hành và đang được bổ sung hoàn chỉnh. Cục Quản lý cạnh tranh đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp.
Nhiều cuộc điều tra khảo sát về hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam được tiến hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, góp phần kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu. Nhưng kết quả thực hiện vẫn chưa đáp ứng được thực tế của thị trường và mong đợi của doanh nghiệp. Hàng nhập khẩu kém chất lượng, hàng giá rẻ vẫn tràn vào thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch lẫn chính ngạch.
Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội chưa chú trọng đến thị trường nội địa, và không quan tâm đến việc bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nước ngoài nhập khẩu. Đó là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp "quay lưng" với công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần được phát huy mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Cụ thể, những số liệu về giá cả, chủng loại hàng nhập khẩp từ Trung Quốc cần được tổng hợp và thống kê mỗi tháng, quí, năm.
Đối với hàng Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, Nhà nước cần thông tin rộng rãi về những độc hại của sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc có chất lượng kém cho những người kinh doanh nhỏ lẻ ở các chợ biên giới, cửa khẩu. Bên cạnh đó, cũng cần một cơ quan hay hiệp hội ngành hàng chứng minh được những thiệt hại trong ngành nghề của mình, do ảnh hưởng bởi hàng Trung Quốc. Số liệu về sản xuất, sản lượng hàng tiêu thụ, lượng hàng tồn kho, công nhân mất việc làm... nếu được thống kê đầy đủ, các hiệp hội hoàn toàn đủ cơ sở để chứng minh hàng Trung Quốc đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam gây thiệt hại cho nền sản xuất trong nước. Nhà nước cũng cần sớm thiết lập cơ chế hỗ trợ thông tin cần thiết cho việc khởi kiện của doanh nghiệp. Quy định những thông tin nào có thể tiếp cận trong quá trình thu thập dữ liệu, những quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước liên quan... sẽ giúp doanh nghiệp tự tin hơn trong quá trình khởi kiện.
Khống chế nhập siêu
Đối với tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc trong nhiều năm qua, một số ý kiến cho rằng, do nhu cầu của Việt Nam về nhập khẩu các loại hàng hóa từ Trung Quốc còn rất lớn và cùng với việc miễn giảm thuế theo khuôn khổ ACFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc), hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, các giải pháp hạn chế nhập siêu chưa phát huy tốt, tình hình nhập siêu từ Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, vấn đề đặt ra không phải là tìm cách hạn chế nhập siêu bằng mọi giá mà khống chế mức nhập siêu trong giới hạn cho phép, tức là mức nhập siêu không ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô như nợ nước ngoài, cán cân thanh toán.
Xử lý vấn đề nhập siêu một cách chủ động và bền vững chỉ có thể trên cơ sở đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu. Đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ, thu hút đầu tư từ Trung Quốc để bù đắp sự thâm hụt thương mại mà không gây nên những biến động bất lợi đối với kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý nhập khẩu để hạn chế nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu, ô nhiễm môi trường, hàng hóa chất lượng thấp. Nỗ lực gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc là phương cách tốt nhất để cán cân thương mại Việt Nam-Trung Quốc được cải thiện và hướng tới cân bằng trong tương lai.
(Theo TBKTSG)


“Phiêu” như mua hàng từ Trung Quốc (VEF)
 
Trong không ít các vụ mua bán từ các nhà cung cấp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt đã dính phải các tai nạn như người bán bỗng dưng biến mất cùng hàng chục ngàn đô la hoặc toàn bộ hàng nhập về bị lỗi, hỏng khiến doanh nghiệp dở khóc dở cười. Rủi ro là vậy nhưng doanh nghiệp đang phải chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Hàng ngày, hàng giờ, các doanh nghiệp Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau, từ đặt hàng trên các trang mua bán trực tuyến đến gặp gỡ trực tiếp, mua đủ các loại hàng hóa từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Trong không ít các vụ bán mua này, người bán bỗng dưng biến mất cùng hàng chục ngàn đô la hoặc toàn bộ hàng nhập về bị lỗi, hỏng khiến doanh nghiệp dở khóc dở cười. Rủi ro là vậy nhưng doanh nghiệp đang phải chấp nhận vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Chị Mai, giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu tại quận 7, TPHCM, kể chị vừa hoàn thành xong thủ tục khởi kiện một nhà cung cấp mặt hàng vải tại Trung Quốc do bị lừa dối lô hàng trị giá 55.000 đô la Mỹ đặt hồi tháng 4. Làm ăn ở ngành hàng vải vóc đã hơn 10 năm, một năm qua lại Hàng Châu - nơi sản xuất mặt hàng này vào hàng lớn nhất Trung Quốc - vài ba lần nhưng chị Mai thừa nhận vẫn bị lừa không ít lần và vụ lần này là lớn nhất. Theo chị Mai, nhà cung cấp kể trên mới chỉ giao dịch vài lần, sau vài lô với số lượng nhỏ, thấy hàng đảm bảo nên chị tin tưởng đặt số lượng lớn. Không ngờ tiền chuyển khoản xong, giấy tờ xuất nhập khẩu đã hoàn thành mà chờ hoài không thấy hàng về cảng. "Các chứng từ chúng tôi đều có đầy đủ nên khởi kiện có thể thắng. Chỉ bực mình là tốn thời gian, công sức thuê luật sư, theo kiện. Làm ăn với mấy ông này, mình biết, nên đã cẩn thận lắm rồi mà vẫn bị dính đòn", chị Mai than.
Tuy nhiên, điều làm chị Mai bức xúc hơn là tất cả những rủi ro đều biết nhưng phải chấp nhận, không thể tránh hay thay đổi đối tác vì nếu không lấy hàng từ Trung Quốc, công việc làm ăn của chị coi như ngừng luôn. Theo chị Mai, mỗi tháng chị nhập khẩu 20 tấn vải dùng để sản xuất khăn ướt, hoàn toàn từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Đơn giản vì loại hàng trên không có nhà cung cấp trong nước, còn các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, hay Malaysia thì cũng chỉ được một vài nhà sản xuất, nhưng chỉ đủ phục vụ trong nước, không dư cho xuất khẩu. "Chí tính riêng ở Hàng Châu thôi, họ đã có hàng chục nhà sản xuất lớn nhỏ, cần bao nhiêu hàng là được đáp ứng ngay. Không lấy hàng của họ coi như không có hàng bán luôn", chị Mai cho hay.
Không may như chị Mai khi có thể khởi kiện để đòi lại tiền đã mất, anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Zero, trong nhiều lần bị nhà cung cấp "xù" không giao hàng chỉ biết chấp nhận mất tiền, không có cách nào lấy lại vì phương thức mua bán thường là đặt hàng trên các trang web mua bán, chuyển khoản và đợi giao hàng. Anh Tùng cho hay, anh cũng như hầu hết bạn bè lấy hàng từ Trung Quốc đều hơn một lần mất tiền oan, người ít thì vài ngàn đô la Mỹ, người nhiều thì cả chục ngàn mỗi lần. Phương thức, thủ đoạn thì chỉ một kiểu: giao hàng đảm bảo 1-2 lô đầu để tạo lòng tin, khi đặt hàng nhiều thì bỗng dưng biến mất không dấu vết.
Bị lừa nhiều nhưng anh Tùng vẫn phải tiếp tục lấy hàng từ nhà cung cấp Trung Quốc vì "không lấy hàng của họ thì biết lấy ở đâu?" và phòng trừ rủi ro bằng cách: thuê một người địa phương làm nhiệm vụ nhận và kiểm kê hàng tại chỗ, trước đó là thẩm định thông tin của nhà cung cấp. Đây là lời mách nước của một người bạn đang làm việc tại Thâm Quyến - Trung Quốc cho anh Tùng. Tiền lương mỗi tháng là 350 đô la Mỹ. "Dù có bạn đang sống tại Thâm Quyến nhưng chúng tôi không thể hợp tác làm ăn theo kiểu anh ta mua rồi bán lại cho tôi. Vì nguyên tắc làm ăn của họ lạ lắm. Giá bán cho người nước ngoài lại rẻ hơn giá bán cho người địa phương mua đi bán lại", anh Tùng cung cấp thêm thông tin.
Còn chị Phương, một chành trái cây tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức kể về kinh nghiệm của mình. Trước đây chị đã từ bỏ việc gom hàng mang lên biên giới Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc, để chuyển sang đi bán thuê cho các thương nhân Trung Quốc. Chị Phương kể: "Bán hàng cho mấy ổng khổ lắm, lãi thì có lãi thiệt nhưng không đủ bù vào các lần đổ hàng về tay trắng. Mấy ổng liên kết ép giá, người trước trả 3 đồng, mình không bán đợi được giá hơn thì người sau trả xuống 2 đồng 8, người sau nữa xuống 2 đồng rưỡi". Chịu không thấu, chị Phương chuyển sang gom hàng mang về nước bán nhưng rồi liên tục gặp lừa đảo. Một container trái cây thì tới một phần ba là hàng xấu, hàng không đạt chất lượng trộn vào. Cuối cùng, chị Phương chuyển sang làm chành, ăn tiền "cò", nhìn theo chợ mà bán giá cao, giá thấp, không lo lỗ, lãi.
(Theo TBKTSG)
 

Tổng số lượt xem trang