Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Nỗi đau từ làng biển

Bà Lê Thị Như nhấp ngụm nước cháo loãng mớm cho đứa cháu tật nguyền
-Nỗi đau từ làng biển -Năng lượng Mới - Cơn mưa chiều tầm tã nhưng không át nổi tiếng hét thất thanh của một ai đó trong ngôi nhà tranh lụp xụp của bà Lê Thị Như, 65 tuổi ở xóm Nam Phong, xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh: “Nhật ơi, cháu làm sao thế này, ai cứu cháu tôi với!”. Nghe tiếng kêu, mọi người đội mưa, tới tấp chạy tới. Trên hiên nhà, bà Như vừa gào khóc vừa ôm cậu bé có thân hình dị dạng, đầu phình to, chân tay teo tóp quấn vào nhau, đôi mắt như lồi hẳn ra ngoài.

Có ai đó giấu giọt nước mắt thầm thì nói: “Khổ thân thằng bé, không khéo nó chết mất thôi”. Thế rồi, người đi nấu nước cháo, người đi kiếm tấm chăn đắp lên người cho cậu bé đang co giật. Bà Như nhấp ngụm nước cháo loãng mớm vào miệng cho cháu như thể con chim mẹ mớm mồi cho chim non mới ra đời.
Lát sau, cậu bé mới tỉnh lại. Đôi mắt mờ đục vô hồn nhìn quanh. Bà Như thều thào nói trong nước mắt: “Đã mấy ngày hôm nay cháu nó sốt cao không ăn uống gì, người cứ mềm nhũn. Chẳng hiểu kiếp trước cháu tôi có tội tình gì mà khổ thế này”.
Có người quay đi thở dài thườn thượt. Người ta thì thào bàn tán với nhau. Lại có một đứa trẻ bên xóm Đông Phong ra đời mang theo dị tật hãi hùng trên người. Đã có cả thảy 38 đứa trẻ trong xã Hộ Độ mắc những chứng bệnh quái ác mà không rõ nguyên nhân.
Không khí nặng nề, lo âu bao trùm lên ngôi làng nhỏ bé quanh năm ầm ào sóng biển này đã từ nhiều năm nay.
Những đứa trẻ ra đời mang theo nỗi đau
Từ nhiều năm nay, nước mắt bà Như đã không ngừng chảy khi nhìn đứa cháu dị tật dở sống, dở chết, chỉ còn chờ ngày vĩnh biệt cuộc đời. Đến nỗi, vì khóc quá nhiều, mắt bà Như đã lòa hẳn, không còn nhìn rõ mặt người. Bà Như thều thào, quờ tay với khăn lau miệng cho cháu rồi nói: “Nhiều lúc chỉ ước bà cháu tôi được chết. Chết thật nhanh, thật nhẹ nhàng, chứ sống như thế này thì khổ quá”. Nghe câu đó ai nấy đều rùng mình.
Qua những câu nói không đầu cuối của bà Như, chúng tôi được biết, cháu bé dị tật bà đang bế trên tay kia là con của anh Trương Duy Tân, sinh năm 1970, người con trai duy nhất của bà Như. Cũng vì hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, anh Tân phải tha phương vào tận rừng sâu Đắk Lắk để xẻ gỗ thuê từ năm 18 tuổi. Năm 1999, anh về quê lấy vợ là chị Trương Thị Trường, sinh năm 1979, người cùng quê.
Thế rồi bất hạnh ập đến khi chị Trường sinh đứa con đầu lòng vào năm 2000. Chị đã ngất ngay trên bàn mổ khi nhìn thấy đứa con dị tật, không giống hình hài một con người. Đầu cháu bé phình to như bọng nước, thân thể nhăn nhúm, teo tóp như dúm da dính vào đầu. Tuy thế, đứa bé vẫn sống.
Bà Như kể: “Sinh con ra được 3 tháng, nhà không còn một hạt gạo nào để nấu cháo vì tất cả tiền bạc đã đổ vào chạy chữa cho con. Hai vợ chồng thằng Tân lại dắt díu nhau vào Nam làm thuê. Đã hai tết nay chưa thấy vợ chồng nó về”.
Theo lời bà, thỉnh thoảng anh Tân có gửi về quê ít tiền để hai bà cháu rau cháo qua ngày. Nhưng đó là những khi anh Tân kiếm được, còn vào những tháng mưa không có việc làm, tiền không gửi về, bà Như lại phải đi xin cơm canh quanh xóm để nuôi cháu.
Chị Phan Thị Hương và các con mình
Bà Như kể: “Cháu Nhật đã 8 tuổi, cái đầu thì ngày càng to ra và cái chân, tay ngày càng co quắp lại. Cháu không ngồi thẳng lên được vì cái đầu quá nặng. Ngày hai lần tôi nhai cơm mớm cho cháu. Những khi trái nắng, trở trời cháu sốt cao gào khóc thì tôi chẳng còn biết làm gì. Đã mấy lần tôi tưởng cháu không qua khỏi…”.
Căn nhà mái gianh lụp xụp, đã nhiều năm nay không được sửa sang, quét dọn nay càng trở nên hôi hám, ẩm mốc. Vì Nhật tiểu tiện, đại tiện luôn trên giường nên không thể lúc nào bà Như cũng giặt giũ phơi phóng được. Bà Như đành nhờ người, kê giường mắc màn ngay trước cửa nhà để vài ngày bà lại hì hục bưng nước dội rửa cho sạch sẽ.
Bà Như gạt nước mắt nói: “Làng này nhiều trẻ con dị tật lắm chú ơi. Không ai hiểu nổi tại sao chúng tôi lại ra nông nỗi này”.
Theo hướng tay bà Như chỉ, chúng tôi tìm đến nhà chị Phan Thị Lương, sinh năm 1970, ở cách đó không xa. Căn nhà của chị Lương cũng mục nát, siêu vẹo như chực đổ sụp xuống. Chị Lương người gầy gò, mắt trũng sâu, tiếp chuyện chúng tôi bằng những câu nói ngắn dường như vô cảm.
Chồng chị, anh Trương Duy Nhạ, sinh năm 1966 cũng vào Nam làm thuê đã nhiều năm nay, thỉnh thoảng mới về nhà. Trong những lần về ấy, anh Nhạ để lại cho chị hai đứa con mang dị tật từ khi mới sinh ra.
Cháu Trương Duy Vũ, con đầu của chị Lương, sinh năm 1993, từ ngoài hiên đẩy xe lăn vào nhà ngô nghê nhìn chúng tôi cười hềnh hệch. Dãi từ trong miệng Vũ chảy ra nhoe nhoét trên cằm, trên cổ.
Chị Lương kể: “Khi mới sinh ra, cháu không có dị tật gì. Thế nhưng, khi lớn lên, đôi chân cháu ngày càng teo tóp, dài đuỗn ra, cứ đứng lên là ngã. Kéo theo đó, cháu bị tâm thần không nhận thức được, đến nói cháu cũng không nói được, chỉ ú ớ vài từ không ai hiểu”.
Cháu Vũ ngồi trên xe lăn, tha thẩn đi quanh nhà thỉnh thoảng lại vô hồn cười nấc lên. Chị Lương phải khoét một cái lỗ nhỏ dưới xe lăn để cho cháu đại tiện qua đó. Chị Lương kể: “Tôi không đi làm gì được vì lúc nào cũng phải ở nhà trông cháu. Nhiều khi, có việc gấp phải đi, khi quay về, cháu lùi xe ngã từ hiên xuống đang lồm cồm bò giữa sân, đầu be bét máu. Những lúc đó, tôi chẳng thiết sống nữa”.
Đứa con thứ hai của chị Lương là Trương Thị Thanh, sinh năm 2000, nhìn rất xinh xắn, bất chợt chị Lương thở dài rồi vạch tóc cháu lên chỉ cho chúng tôi xem cục u mọng đỏ, to bằng nắm tay. Khối u đó mỗi ngày một to lên không biết bao giờ vỡ ra mà người cháu Thanh thì ngày một còi cọc đi.
Cuộc sống khốn khó ngày càng trở nên kiệt quệ
Cả một vệt nhà trên triền đê, từ nhà chị Lương trở đi, nhà nào cũng có con mắc bệnh lạ. Có đứa trẻ khi sinh ra, bố mẹ chúng thở phào nhẹ nhõm vì trông chúng bụ bẫm, xinh xắn. Thế nhưng, niềm vui ấy chẳng được bao lâu khi chúng lần lượt có những biểu hiện bất thường trên cơ thể.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đến nhà chị Trương Thị Dương ở xóm Tân Hợp. Từ khoảng đất trước nhà chị Dương chúng tôi nhìn thấy lổng chổng xoong, nồi, bát, đĩa vứt đó. Chị thở dài bảo: “Hai thằng con điên dại của tôi thích bưng mâm bát ra giữa sân ngồi ăn. Trời mưa cũng như trời nắng mười mấy năm nay rồi”.
Đứa con trai lớn của chị Dương từ đâu chạy về, người ướt sũng. Cháu tên là Trương Đình Thanh, năm nay đã 11 tuổi. Nhìn cháu Thanh to béo, khỏe mạnh, tôi cầm tay cháu hỏi tên, cháu lắc đầu bảo không nhớ, hỏi tuổi, cháu hồn nhiên cười bảo: 70. Thế rồi cháu chạy quanh nhà, hú lên từng hồi điên dại.
Nhìn con, chị Dương thở dài lắc đầu bảo: “Chồng tôi là Nguyễn Văn Hiên, người tỉnh nào chính tôi cũng chẳng rõ nữa. Trong một lần đắm tàu dạt vào bãi biển xã Hộ Độ, tôi cứu được ông ấy. Thế rồi chúng tôi về ở với nhau.
Thằng Thanh, thằng Thiên ra đời ban đầu khỏe mạnh bình thường, lớn lên cũng không hề ốm yếu gì cả. Thế nhưng, chúng đều thiểu năng trí tuệ, không nhận thức được. Đến tên mình chúng cũng không nhớ nổi.
Theo lời chị Dương, chị đã cố gắng cho cháu đi học với hy vọng trường lớp sẽ làm cho hai cháu “khôn” lên. Thế nhưng, bao nhiêu năm rồi cả hai cháu vẫn chỉ học lớp 1 vì không nhận được mặt chữ. Các thầy, cô giáo rất ái ngại phần vì hai cháu kéo lùi thành tích của trường, phần vì thỉnh thoảng các cháu lại lên cơn động kinh rất sợ. Được cái chúng ăn rất khỏe.
Để có cái ăn cho con, cứ sáng sáng, mặc cho hai con hò hét, tranh ăn với nhau, chị Dương lại lầm lũi lên chợ người ở thị trấn Lộc Hà để đứng đợi việc. Chị có cái xe thồ, ai thuê chở gì cũng chở, từ đất đá làm móng nhà đến cả phân người đem bón ruộng.
Đó là những ngày nắng, những ngày mưa rỗi việc, chị Dương lại tìm đến những nhà giàu ở thị trấn Lộc Hà xin giúp việc để kiếm miếng ăn.
Khi chúng tôi hỏi về anh Hiên, chồng chị, chị đưa mắt ra phía biển rồi thở dài: “Ông ấy bỏ đi từ năm tôi mới sinh cháu thứ hai được mấy tháng. Không biết là đi đâu. Đến bây giờ tôi cũng không biết là ông ấy còn sống hay đã chết”.
Vừa lúc đó, chị Trương Thị Cúc, sinh năm 1974, hàng xóm của chị Dương thấy khách lạ tìm sang chơi. Trên tay chị, đứa con nhỏ có khuôn mặt dị dạng không ngừng gào khóc.
Như thể đã lâu lắm mới gặp người có thể giãi bày, chị Cúc nói liền một mạch: “Con em tên là Trương Đình Mạnh, đã 4 tuổi nhưng chỉ nặng 7kg. Các bác sĩ bảo cháu bị thoái hóa não, có nghĩa là sẽ tâm thần suốt đời. Khi nhìn thấy đứa con ngớ ngẩn ra đời, chồng em chán nản bỏ vào Nam sinh sống. Nghe người ta nói, anh ấy đã có vợ ở trong đó, không về nữa. Sao số em khổ thế không biết”.
Nói đến đây, chị Cúc òa khóc nức nở. Có lẽ những cơ cực bấy lâu dồn nén nay mới có dịp được trút ra.
Hàng ngày, để nuôi thân, chị Cúc gửi con sang nhà hàng xóm rồi theo chị Dương cùng một số chị em khác đi làm thuê kiếm sống qua ngày.
Đi tìm nguyên nhân
Trước những căn bệnh quái ác không hiểu vì nguyên nhân gì cứ ập đến những gia đình ở xã Hộ Độ. Để đến nỗi, mỗi khi có người phụ nữ mang thai, người ta lại thấp thỏm lo âu, chờ đợi xem cháu bé ra đời có bị dị tật gì không. Nỗi ám ảnh quá lớn bao trùm lên những người dân miền biển nghèo này.
Ông Nguyễn Hồng Khoa – Trạm trưởng Trạm Y tế xã buồn rầu nói: “Từ trước năm 1993, số lượng trẻ em sinh ra bị các dị tật chỉ rải rác, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Thế nhưng, từ năm 1993 trở lại đây, số lượng các cháu bị các bệnh về thần kinh, tim bẩm sinh, thoái hóa não, bại liệt tăng vọt.
Theo lời ông Khoa, hiện tại, cả xã Hộ Độ có 38 em từ 1-15 tuổi bị mắc các chứng nêu trên. Có người nghi ngờ rằng, họ bị nhiễm chất độc da cam. Thế nhưng, sau khi xét nghiệm, khám bệnh, người ta chỉ xác định được duy nhất cháu Trương Đình Vũ, sinh năm 1993 bị nhiễm chất độc da cam do bố cháu là anh Trương Đình Chất có thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Bác sĩ Võ Thị Bằng, Trạm trưởng Trạm Y tế huyện Lộc Hà
Bác sĩ Võ Thị Bằng, Trạm trưởng Trạm Y tế huyện Lộc Hà cho biết:
“Những căn bệnh bẩm sinh mà rất nhiều cháu nhỏ trong xã Hộ Độ mắc phải vốn không phải là căn bệnh lạ. Đó là những biến chứng chúng ta thường gặp với trẻ em như: Bại não, viêm màng não mủ, não úng thủy, bại liệt, thần kinh, thiểu năng trí tuệ. Đó cũng không phải là bệnh từ gien di truyền do bố mẹ các cháu để lại.
Thế nhưng, lạ một điều là số lượng các cháu bị dị tật trong xã Hộ Độ lại nhiều hơn mức bình thường và đang có nguy cơ phát triển. Sở Y tế huyện Lộc Hà cũng đã phối hợp với rất nhiều các cơ quan, ban, ngành có liên quan để tìm ra nguyên nhân nhưng tất cả mới chỉ là những phỏng đoán chứ chưa tìm ra nguyên nhân thực sự.
Trước hoàn cảnh của các gia đình có con em bị dị tật, huyện Lộc Hà cũng đã cố gắng trích quỹ giúp đỡ những gia đình đó phần nào vì các cháu đều không nằm trong diện trẻ em được hỗ trợ hàng tháng.”

Ông Khoa cho biết thêm, nguồn nước ở xã Hộ Độ cũng đã được xét nghiệm nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân bởi không có biểu hiện nhiễm độc nguồn nước. Có nhiều người xì xào bàn tán về khả năng “long mạch” làng bị động. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó.
Tiếp lời ông Khoa, ông Nguyễn Hữu Kha – Chủ tịch xã Hộ Độ cho biết: “Xã Hộ Độ không có nghề phụ gì khác ngoài nghề làm muối. Nhưng nghề muối cũng chỉ hoạt động được trong 3 tháng hè. Chính vì thế, đàn ông trong xã từ bao năm nay vẫn tha phương tứ xứ, làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Có lẽ do họ sống ở những nơi rừng thiêng nước độc, nhiều thứ chất độc đã nhiễm vào người nên sinh ra những đứa trẻ không lành lặn. Nhưng đó mới chỉ là những phỏng đoán ban đầu mà thôi”.
Anh Trương Duy Nghĩa, 55 tuổi, một người đàn ông hiếm hoi còn xót lại trong xóm Nam Phong cho chúng tôi biết: “Dù ai cũng sợ, ai cũng lo nhưng cứ ở làng thì chỉ có nước chết đói. Tôi đã nhiều năm vào Quảng Ngãi đào vàng, sốt rét gần chết không đi được nữa mới phải ở nhà. Rồi đây không biết lấy cái gì để bỏ vào miệng”.
Kinh tế của các hộ gia đình ở xã Hộ Độ đã khó khăn thì kinh tế của những gia đình có con em bị bệnh tật lại càng khó khăn hơn. Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một nỗi đau, cuộc sống của họ ngày càng kiệt quệ, nỗi lo của họ ngày càng lớn dần.
Chị Phạm Thị Vân, mẹ của cháu Hoàng Văn Trường, sinh năm 1998, bị khoèo chân, bại não, rơm rớm nước mắt nói với chúng tôi: “Mỗi năm tết đến, tôi dành dụm mua cho con được một bộ quần áo mới, nhìn lũ trẻ nhà hàng xóm chạy nhảy nô đùa mà lòng tôi quặn thắt. Thương con rồi xót xa cho phận mình”.
Tiếng sóng biển phía xa vẫn ngày đêm gào thét. Lại một mùa bão, một mùa đói ăn nữa lại sắp sửa ập xuống ngôi làng vốn đã quá nhiều đau thương này. Đàn ông thì vì miếng cơm, manh áo vẫn phải liều mình ra đi tha phương cầu thực. Những đứa trẻ dị dạng ra đời mang theo nỗi đau thì cứ nhiều lên mãi.

Phóng sự của Vũ Minh Tiến

Tổng số lượt xem trang