Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Phân tích 'một Trung Quốc hai bộ mặt'

Giới chức Trung Quốc thường khẳng định đến sự trỗi dậy trong hòa bình của nước này.
-Phân tích 'một Trung Quốc hai bộ mặt'
Khi trả lời phỏng vấn, hầu hết quan chức hay học giả Trung Quốc đều có câu cửa miệng về “sự trỗi dậy trong hòa bình” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, nhà phân tích James Palmer nhận định trên tờ Global Times rằng, thực tế xã hội Trung Quốc không phát triển hòa bình như tuyên bố của giới chức nước này.

Nhà phân tích James Palmer thừa nhận, trong 30 năm qua, Trung Quốc không tham gia một cuộc chiến nào. Theo ông, đây là một “thành tích” ấn tượng với một cuộc gia có quy mô lớn như Trung Quốc.
Trong khi đó, quân đội Mỹ lại liên tục tham chiến ở Grenada, Libya, Lebanon, Panama, Iraq, Afghanistan, Somalia và Haiti. Tương tự, quốc gia láng giềng của Trung Quốc là Ấn Độ cũng từng hai lần xung đột vũ trang với Pakistan, đồng thời New Delhi còn điều quân sang Sri Lanka.
“Về khía cạnh này, có vẻ tuyên bố yêu chuộng hòa bình của Trung Quốc khá đáng tin cậy”, ông James Palmer nhấn mạnh.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, thực tế xã hội Trung Quốc không như những gì giới chức nước này tuyên bố. Ông lấy ví dụ trong một quyển sách dạy đếm cho học sinh Trung Quốc, bên cạnh cách dạy đếm “một con thỏ, hai con thỏ, ba con thỏ” là “một tàu chiến, hai tàu chiến, ba tàu chiến” và “một máy bay chiến đấu, hai máy bay chiến đấu, ba máy bay chiến đấu”.
Bên cạnh đó, tại sân chơi của trẻ em Trung Quốc, ông James Palmer nhận thấy, trên bức tường được vẽ rất nhiều hình thù với màu sắc sặc sỡ, bên cạnh những xe tải, ô tô hay tàu thuyền là cả “tàu chiến mang tên lửa”, “xe tăng chiến đấu” và “tàu vũ trang” được đề tên bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung.
“Đây có thực sự là những hình ảnh và từ vựng mà bọn trẻ cần?”, ông James châm chọc. Theo ông, thực tế các bé trai thường thích súng và xe tăng nhưng người lớn không nên khuyến khích sở thích đó của chúng.
Nhà phân tích James nhấn mạnh, trẻ em ở phương Tây cũng thường chơi súng đồ chơi nhưng rõ ràng đó chỉ là đồ giả. Còn tại Trung Quốc, họ sản xuất cả những khẩu AK-47 tuy bằng nhựa nhưng lại có đầy đủ từng chi tiết như nòng súng hay đạn.

Ông James cho rằng, trẻ em Trung Quốc được tiếp xúc quá nhiều với súng ống.
Ngoài ra, đối với sinh viên Trung Quốc, hai tuần đầu tiên nhập học không phải dành cho giảng đường mà là bãi tập quân sự. Cuối những chương trình huấn luyện quân sự này, sinh viên thường được bắn thử súng với đạn thật.
Chưa hết, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) thường phát sóng những buổi diễu binh vào một số dịp lễ. Điển hình là dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đường phố Trung Quốc tràn ngập xe tăng và những tên lửa thế hệ mới và hình ảnh này được phát sóng trên khắp các kênh truyền hình.
Nhà phân tích James còn nhận thấy, trong khi bảo tàng chiến tranh ở Manchester, Anh cố tạo ra một không khí ảm đạm để nhắc nhở mọi người về nỗi sợ hãi của chiến tranh thì bảo tàng quân sự Bắc Kinh lại tràn ngập súng ống từ khắp các nơi trên thế giới và những câu chuyện yêu nước của các chiến sĩ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).
Không chỉ vậy, trong cuốn sách mới mang tựa đề “lựa chọn không tự nhiên”, nhà báo Mỹ Mara Hvistendahl nhấn mạnh đến những nhóm cộng đồng hiếu chiến như “Câu lạc bộ những người yêu nước, đội quân Thượng Hải, chiến binh Quảng Châu và mũ nồi xanh Trùng Khánh”.
Những nhóm này thường kêu gọi các thành viên tham gia những cuộc chiến mà họ gọi là “trò chơi chiến tranh”. Theo ông James, quả thực phương Tây cũng có những nhóm như thế này nhưng họ bị giới hạn ở những trò đánh trận giả, chứ không phải sử dụng súng hơi và bắn đạn nhựa có thể khiến mù mắt như ở Trung Quốc.


>> Trung Quốc 'kéo bè' thách thức phương Tây?
Trà My (theo Global Times)

Tổng số lượt xem trang