Ông Trần Ngọc Lữ trước tấm bia chiều ngày 26/7/2011...
-Phạm Xuân Nguyên Lời cuối cho một lần cuối của vụ việc: DÁN VÀ BÓC
1. Vậy là cái tấm composite ghi lời chiếu Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp dán đè lên bài văn bia khắc lời thơ Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đã được bóc ra. Trưa 31/7/2011 một người bạn tôi ở Vinh vừa đi lên đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết đã gọi điện báo cho tôi biết sự việc này. Tùy tiện dán vào và tùy tiện bóc đi. Thích thì dán, thích thì bóc, không cần thông báo, giải thích, coi đền thờ anh hùng dân tộc như nhà riêng của mình. Điều đó khiến có cảm giác một việc làm mập mờ và lén lút. Nhưng nếu không có một sự đánh động thì chỉ có tùy tiện dán mà không có tùy tiện bóc, để rồi biến thành sự hiển nhiên thay bia. Tùy tiện đến nỗi nghe đâu, lúc đầu tấm composite ấy định để lên một cái giá đặt bên cạnh bia cho du khách đối chiếu, so sánh (thận trọng biết bao!), nhưng vì giá chưa làm được (khó đến vậy sao!), nên cứ dán vào, che đi cho chắc đã. “Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng / Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ” (M. Lermontov), trong khi đền thờ và tấm bia thờ Quang Trung còn mới nguyên và vững chãi vì chỉ mới được ba năm!
2. Nhiều người đọc không kỹ bài tôi nên đã hiểu nhầm là ông Vũ Khiêu viết bài văn bia mới thay vào tấm bia khắc lời ông Hồ. Không phải vậy. Ông Vũ Khiêu nhận lời mời của tỉnh Nghệ An viết bài phú kể sự nghiệp vua Quang Trung để thay cho bài văn kể công trạng (tấm bia bên trái từ cổng vào). Tôi chưa đề cập tấm bia đó. Bài viết của tôi chỉ tập trung vào tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh (đặt ở bên phải từ cổng vào) đã bị thay bằng tấm composite ghi lời chiếu của Quang Trung để đặt câu hỏi: Ai thay? Vì sao phải thay? Do hiểu nhầm như vậy nên đã có những lời bình khá nặng nề đối với ông Vũ Khiêu, thiết nghĩ không cần thiết phải thế.
3. Thật ra, những người có trách nhiệm ở thành phố Vinh và Nghệ An trong chuyện tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung có thể học được kinh nghiệm xử lý của chính vị “anh hùng áo vải”. Đó là hãy nhận trách nhiệm về mình và sửa sai. Trong bài viết thứ hai của mình, tôi có dẫn ra hai câu thơ Quang Trung trả lời đơn của dân làng Văn Chương xin dựng lại những tấm bia Văn Miếu bị hư hỏng do binh đao. Hai câu đó là nằm trong bản phê đơn viết bằng chữ Nôm của Quang Trung gồm ba cặp lục bát.
Trước hết vị vua trẻ nhận lỗi về mình:
Thôi, thôi, thôi việc đã rồi
Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta
Rồi ông hứa với nhân dân:
Nay mai dọn lại nước nhà,
Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
Và kết thúc, ông một lần nữa nhận lấy trách nhiệm về mình, dặn dân đừng đổ vấy cho triều trước:
Cơ đồ họ Trịnh đã tan,
Việc này cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải!
Một thái độ đạo đức đối với dân với nước như vậy của Nguyễn Huệ-Quang Trung cũng là thái độ đạo đức của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Tấm gương của hai vị đáng khắc bia dựng tượng để cháu con ghi nhớ, học tập, và noi theo. Nếu những người có trách nhiệm chính trong chuyện này, và không riêng chuyện này, hiểu biết lịch sử, kính trọng tiền nhân, phục vụ nhân dân, thì đã biết ứng xử có văn hóa và đạo lý.
4. Tiếc thay, người ta đã không có phản hồi chính thức, đã coi là bài đăng trên mạng thì không “chính thống” nên không trả lời. Nhưng không phản hồi chính thức mà vẫn đưa ra những lời chống chế và ngụy biện. Và rốt cục người ta đã phải bóc ra cái đã dán vào. Hành động bóc đó chứng thực là họ không thể coi thường dư luận của mạng cá nhân, tuy ngoài miệng họ nói khác. Toàn bộ diễn biến sự việc càng khẳng định điều tôi đã nói: đó là việc làm tùy tiện và lấp liếm. Nên tôi vẫn còn lo, một thời gian sau khi thấy dư luận nguôi đi rồi thì người ta sẽ “bóc ra rồi lại dán vào như không”. Lịch sử không thể và không được dán và bóc như vậy.
Một điều làm tôi buồn nữa là không một tờ báo nào thuộc “lề phải” đăng chuyện này lên, dù sự việc là hoàn toàn có thực, và dù tôi đã có nói với một số tổng biên tập báo giấy, báo mạng. Câu trên đây tôi đã định viết là “không một tờ báo nào thuộc “lề phải” dám đăng chuyện này”, nhưng thế thì lại càng buồn hơn. Có gì phải dám ở đây, khi lẽ thường một thông tin như vậy, một sự thật như vậy, báo chí đúng nghĩa báo chí là phải đưa ra cho người đọc biết.
Dẫu sao, bây giờ lên núi Dũng Quyết (Vinh – Nghệ An) thăm đền thờ Quang Trung, mọi người Việt Nam vẫn còn được đọc những lời Hồ Chí Minh nói về Nguyễn Huệ khắc trên tấm bia đá dựng ở bên phải cổng vào:
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà
May thay!
Hà Nội 31.7.2011
P.X.N
Tác giả gửi cho Quê choa
-VỀ CHUYỆN TẤM BIA GHI LỜI CỤ HỒ TẠI ĐỀN THỜ QUANG TRUNG…Phạm Viết Đào.
Trong bài viết trước, tôi có đưa ý kiến của ông Trần Ngọc Lữ: không có chuyện Nghệ An đục phá bia; Ban quản lý di tích mới chỉ làm một việc: Cho in một tấm compozit chồng lên…Đó là một thông tin xác thực và tôi đã chứng minh bằng 2 tấm ảnh, có hình ảnh của tôi đứng cạnh…
Chiều 26/7 khi tôi lên thăm thì tấm compozit này đã bị bong rời ra rồi… Vì hành vi đục xóa bia và dán chồng lên một một văn bản khác là 2 hành vi khác nhau. Còn hành vi nào nghiêm trọng hơn hành vi nào thì tùy quan điểm nhìn nhận của từng người. Riêng tôi, tôi bây giờ mới bình luận về chuyện này…
Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của tấm bia. Tấm bia này ra đời cùng với Đền thờ Quang Trung, một công trình do Bộ Văn hóa-Thông tin đầu tư xây mới hoàn toàn; Chủ Đầu tư là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch của Nghệ An…Công trình xây dựng xong năm 2008. Đền thờ Quang Trung không phải là một công trình trùng tu, tôn tạo, do đó không thể coi là một di tích lịch sử văn hóa mà chỉ là một công trình văn hóa mới. Như vậy bản thân tấm bia không phải là một di tích được xem xét, căn ke bảo bảo quản, bảo vệ theo Luật Di sản…
Tác giả của tấm bia này chính là những người tham gia xây dựng đền…Do đó, về tư cách tác giả công trình người ta có thể lựa chọn cái gì để trưng bày đều thuộc trách nhiệm, thẩm quyền …Điều này khác với các di tích được bảo vệ bởi Luật Di sản…
Vậy thì việc dán che mấy câu thơ đã khắc trước đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng hay sai, nên hay không nên?
Cần phải hiểu mấy câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được rút ra từ bản diễn ca Lịch sử nước ta viết từ năm 1942-1943 ( theo Phạm Xuân Nguyên ) chứ không phải do một lần về Nghệ An, cụ Hồ lên thăm Đền, ( thời Cụ Hồ còn sống chưa có đền ở đây ) và viết ra mấy câu thơ này giống như chuyện Cụ về thăm Đền Hùng…
Do đó khi những tác giả của công trình văn hóa này, lựa chọn đưa vào chắc cũng đã suy nghĩ kỹ càng…Còn bây giờ có ý muốn thay bằng những đề từ khác chắc cũng bị một sức ép nào đó từ phía các du khách thăm quan đền…Trong hoàn cảnh này thì bất cứ ai ở vào cương vị ông Trần Văn Lữ, kể cả ông Phạm Xuân Nguyên đều chịu sự tác động nhiều chiều của dư luận xã hội. Điều này là điều cần được cảm thông chia sẻ; và do vậy khi chúng ta lên tiếng về chuyện này cần phải có những lời lẽ bình tĩnh, khách quan, tôn trọng người đối thoại, tránh dùng lời lẽ thóa mạ, hạ nhúc nhau; nói, viết để người ta nghe được, để người ta tiếp thu, để người ta điều chỉnh hành vi nếu quả thật họ có việc làm nào đó chưa chuẩn…Số phận của những người bảo vệ những công trình văn hóa như Đền thờ Quang Trung là làm dâu trăm họ…
Tôi hiểu cái nguyên nhân sâu xa của việc muốn thay đổi đề từ này; trong cái bối cảnh quan hệ phức tạp có phần căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc như hiện nay, đòi hỏi mỗi con người ở mỗi cương vị đều nên phải hết sức thận trọng, bình tĩnh và cố gắng khách quan, với cái tâm trong sáng vì lợi ích quốc gia dân tộc để mà hành xử…Vì thế, mặc dù không phải là người có trách nhiệm, chịu trách nhiệm trong các quan hệ với Trung Quốc, nhưng rất nhiều lần tôi đã tự đặt cho tôi câu hỏi: Nếu tôi là người chịu trách nhiệm đại diện cho đất nước, thì tôi sẽ ứng xử như thế nào trong quan hệ với Trung Quốc…Xin mở ngoặc: đây là câu hỏi và câu tự trả lởi của tôi, cho tôi, một người đã tham gia vài ba lần các cuộc biểu tình phản đổi Trung Quốc ở Hà Nội…
Nói tóm tắt, nếu tôi là nhà nước, tôi cũng sẽ tìm cách có những hành động tránh để Trung Quốc có cơ sở vu cho là Chính phủ Việt Nam cố tính khiêu khích Trung Quốc, tuyên chiến với Trung Quốc, làm mất thể diện của Trung Quốc…Nhưng Chính phủ vẫn phải kịp thời lên tiếng một cách thuyết phục, có cơ sở pháp lý chứng minh những việc làm của Trung Quốc đe doa, uy hiếp, thách thức đối với Việt Nam…Có điều lên tiếng với lời lẽ như thế nào là chuyện cần cân nhắc thận trọng, không làm “ đẻ số”…Khi xưa, cha con Mạc Đăng Dung đã chịu trói mình, lên biên giới quỳ tha tội trước vua quan nhà Minh…
Muốn tránh một cuộc chiến tranh thì phải chứng tỏ rằng: mình có đầy đủ thực lực sẵn sàng đương đầu với chiến tranh mà không thể bại thì mới có thể tránh được; hòa bình không bao giờ là thứ có thể cầu xin được…Còn khi người ta đã muốn chiến thì mình tránh cũng không được, mình xin cũng không xong; Mỹ đã dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Trung Quốc đã dựng nên vụ nạn kiều để phát động cuộc chiến tranh biên giới 1979…
Thế nhưng nếu tôi là nhà nước thì tôi cũng sẽ cảm ơn nhân dân đã tự phát xuống đường biểu thị thái độ một cách ôn hòa, có văn hóa, trong những tháng vừa qua, bởi vì đó là sự hỗ trợ cần thiết, một sự tỏ thái độ cần thiết, gián tiếp cho Trung Quốc thấy: nhân dân Việt Nam đâu có ngán các thế lực diều hâu Trung Quốc; đó cũng là cách làm nhụt nhuệ khí và sự hung hăng của đối phương. Và tất nhiên nếu tôi là nhà nước, tôi phải có sự hướng dẫn, kiểm soát, tránh các cuộc biểu tình bị lợi dụng sang mục tiêu khác…
Nếu là nhà nước tôi sẽ xem xét lại tất cả các quan hệ nội bộ và các quan hệ liên quan tới Trung Quốc nhất là trong các quan hệ liên doanh liên kết về kinh tế, văn hóa, chính trị…Đang xuất nhiều mối nguy từ trong các quan hệ núp dưới cái vỏ bọc hợp tác đầu tư nhưng Trung Quốc đang xua đội quân thứ 5 xông vào nội bộ Việt Nam, để cãi cắm những chàng Trọng Thủy đời mới, lũng đoạn nền kinh tế và các quan hệ nội bộ của Việt Nam, biến những công dân Việt Nam, các đảng viên trong bộ máy công quyền từ thấp đến cao thành các tên tay sai, các Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc U.2000, vì quyền lợi ích kỷ bán đứng lợi ích quốc gia…
Và vì tôi là nhân dân nên tôi lại không tán thành các hành vi trấn áp thái quá, phản cảm tất nhiên cho tới nay thì chưa ai bị bỏ tù, chưa ai bị đánh gây thương tích nặng nhưng, Nhà nước cũng phải để nhân dân lên tiếng…
Việc Trung Quốc có phát động chiến tranh nóng đánh Việt Nam hay không, không hoàn toàn tùy thuộc, xuất phát từ cách ứng xử ngoại giao của Việt Nam mà tùy thuộc vào 2 yếu tố:
-Thứ nhất đánh Việt Nam Trung Quốc sẽ được lợi nhiều hơn hay hại nhiều hơn: cái lợi hại này được xem xét một cách tổng hợp các giá trị: kinh tế-chính trị-ngoại giao-văn hóa…
-Đánh Việt Nam có đảm bảo sẽ thắng về mặt quân sự một cách toàn diện, cơ bản, lâu dài, tuyệt đối; đánh để chiếm đất, chiếm đảo, nhưng chiếm rồi có giữ được, có khai thác được không hay đánh để mà đánh…
Nếu quy chiếu về 2 hệ giá trị này, theo người viết bài này, nếu đánh Việt Nam thì Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn là thu lại lợi ích, nhất là lợi ích chính trị ngoại giao…Trung Quốc có thể dùng thế lực áp đảo đánh chiếm Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam nhưng có giữ và khai thác thì khó…Chưa kể, nếu phát động một cuộc chiến trên Biển Đông thì các quan hệ trên đất liền giữa hai nước sẻ bị tổn thương nếu không muốn nói là bị đóng băng…Điều này không chỉ thiệt hại với Việt Nam và cả Trung Quốc; Trong quan hệ giao lưu kinh tế-văn hóa- chính trị giữa 2 nước hiện nay, Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn, Việt Nam bị lừa, bị lợi dụng nhiều hơn do sự ngu dại, tham bát bỏ mâm của các cơ quan chức năng của Việt Nam…
Tóm lại, nếu Trung Quốc có đánh Việt Nam thì phải tìm nghiệm số từ các “bài toán” nói trên chứ không vì tức khí do bởi 1 một tấm bia đặt trước Đền thờ Quang Trung đặt trên núi Dũng Quyết, vì những lời lẽ khó chịu mà đem hải quân ra nện Việt Nam…Bởi các chính khách Trung Quốc không phải là đám trẻ con ở quê Việt Nam, cứ hơi tý thì vác gậy choang nhau...
Và xuất phát từ cách nhìn nhận đó, tôi đã có ý kiến góp ý với Ban quản lý Di tích Đền Quang Trung trên núi Dũng Quyết như sau…
Về nguyên tắc, Ban Quản lý Đền Quang Trung, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nghệ An vẫn có thể thay tấm bia ghi lời Cụ Hồ bằng trước tác khác với điều kiện: phải tìm cho được những trước tác hay hơn, ý nghĩa hơn…Còn nếu sử dụng “ bài văn “ học trò của ông Vũ Khiêu thì không đạt yêu cầu; chữ nghĩa của ông Vũ Khiêu không đủ sức tâm phục dân Nghệ, càng không thể thay thế câu chữ của Cụ Hồ…Bởi về mặt tư chất kẻ sĩ thì ông Vũ Khiêu thuộc loại “ phò chính thống “; chính thống còn bê bết thì lời lẽ của cái “anh phò” thuyết phục nổi ai ???
Nếu ai về Ninh Bình xin hãy đọc tấm bia do ông Vũ Khiêu viết, ông Vũ Khiêu đã viết văn bia, anh dũng dè bỉu, chê bôi Chiếu dời đô và cả tư cách của Lý Công Uẩn khi viết bản Chiếu lịch sử này…
Công trình đang thời kỳ " rôda ", do đó thăm dò dư luận về các hiện vật trưng bày là cần thiết và chắng có gì là sai, là hèn cả, là đúng quy trình...Nếu là tôi, tôi sẽ thay câu chữ của Cụ Hồ bằng đoạn hạ dụ của vua Quang Trung, đoạn hạ dụ khi lên ngôi Hoàng Đế tại Phú Xuân 25/11/ năm Mậu Thân 1788 trước khi xuất quân ra Bắc đánh 29 vạn quân Thanh:Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Trước Đền thờ của Quang Trung, nếu đặt trước tác này là hợp lý nhất, hay nhất bởi Đền thờ Hoàng Đế Quang Trung đặt trên núi Dũng Quyết tại vị trí bằng phẳng rất đẹp…Thử hình dung mỗi lần Nghệ An tuyển tân binh, cho đưa lên đây, có thể chứa được cả sư đoàn, cho ba quân tuyên thệ trước Đền thờ Quang Trung hô vang lời hạ dụ trên thì khí thế biết bao…
Tôi vẫn đề nghị Ban quản lý Di tích sử dụng lời hạ dụ này của Hoàng đế Quang Trung để thay thế mấy câu thơ của Cụ Hồ, tuy rất hay nhưng hạ dụ của Hoàng đế Quang Trung phù hợp hơn…
Còn hiện nay, Ban quản lý di tích Đền Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết đã khôi phục nguyên trạng; tấm composit ghi “bài văn” học trò của ông Vũ Khiêu được ốp vào phía sau tấm bia…
Tóm lại chuyện không có gì mà ầm ĩ quá mức !
Tóm lại chuyện không có gì mà ầm ĩ quá mức !
P.V.Đ
-Thay bia là chuyện to, không thể lấp liếm đượcPhạm Xuân Nguyên
1. Việc thay tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh viết bằng văn vần về Nguyễn Huệ đặt ở đền thờ Quang Trung (Vinh – Nghệ An) là cả chuyện to. Thứ nhất, lời đã được chọn, bia đã được khắc và dựng ngay khi đền được khánh thành. Thứ hai, lời đây là của Hồ Chí Minh, lãnh tụ tối cao của Đảng Cộng Sản Việt Nam, người anh hùng dân tộc của nước Việt Nam thế kỷ XX, mà tư tưởng và đạo đức của ông đang được Đảng phát động trong đảng ngoài dân học tập và làm theo. Thứ ba, đền thờ mới được khánh thành ngày 7/5/2008, như vậy tấm bia khắc mới được ba năm.
Theo thông tin tôi được biết, việc thay bia (chưa phải đục bỏ chữ trên bia mà là dùng một lớp composite dán đè lên rồi viết chữ mới vào) mới được thực hiện vào ngày 20/5/2011. Ngày 31/5/2011 tại thành phố Vinh có hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng – Trung Đô” do UBND TP Vinh, Viện khảo cổ học, Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng dụng (UIA) và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người phối hợp tổ chức. Một chủ đề chính của hội thảo là tìm kiếm nơi mai táng hài cốt của hoàng đế Quang Trung. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nhà ngoại cảm trong cả nước đã về dự hội thảo. Họ chắc chắn đã lên thăm đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết, trong số họ chắc chắn nhiều người trước đó đã từng lên đền thờ, đã biết có tấm bia khắc đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đặt ở bên phải từ cửa vào. Nếu đúng là lớp composite phủ lên bia đã có từ ngày 20/5 thì sao họ không phát hiện ra chuyện này và lên tiếng? Mà nếu chính quyền thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An muốn có một văn bản khác để thay thế văn bản của Hồ Chí Minh thì sao không tranh thủ cuộc hội thảo có nhiều bậc thức giả tụ hội về để hỏi ý kiến, đề xuất? Một tấm bia khắc lời lãnh tụ mới dựng ba năm đã vội vàng lấp liếm, thay thế bằng hành động dán đè lên khi chưa có quyết định, khi còn đang gọi là “thăm dò dư luận”, lại chỉ mới làm cách đây hai tháng, động thái đó có nghĩa là gì? Câu hỏi xin dành cho những người chịu trách nhiệm trước ngôi đền, trước Nguyễn Huệ, trước Hồ Chí Minh, trước nhân dân?
Theo thông tin tôi được biết, việc thay bia (chưa phải đục bỏ chữ trên bia mà là dùng một lớp composite dán đè lên rồi viết chữ mới vào) mới được thực hiện vào ngày 20/5/2011. Ngày 31/5/2011 tại thành phố Vinh có hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng – Trung Đô” do UBND TP Vinh, Viện khảo cổ học, Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng dụng (UIA) và Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người phối hợp tổ chức. Một chủ đề chính của hội thảo là tìm kiếm nơi mai táng hài cốt của hoàng đế Quang Trung. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nhà ngoại cảm trong cả nước đã về dự hội thảo. Họ chắc chắn đã lên thăm đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết, trong số họ chắc chắn nhiều người trước đó đã từng lên đền thờ, đã biết có tấm bia khắc đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đặt ở bên phải từ cửa vào. Nếu đúng là lớp composite phủ lên bia đã có từ ngày 20/5 thì sao họ không phát hiện ra chuyện này và lên tiếng? Mà nếu chính quyền thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An muốn có một văn bản khác để thay thế văn bản của Hồ Chí Minh thì sao không tranh thủ cuộc hội thảo có nhiều bậc thức giả tụ hội về để hỏi ý kiến, đề xuất? Một tấm bia khắc lời lãnh tụ mới dựng ba năm đã vội vàng lấp liếm, thay thế bằng hành động dán đè lên khi chưa có quyết định, khi còn đang gọi là “thăm dò dư luận”, lại chỉ mới làm cách đây hai tháng, động thái đó có nghĩa là gì? Câu hỏi xin dành cho những người chịu trách nhiệm trước ngôi đền, trước Nguyễn Huệ, trước Hồ Chí Minh, trước nhân dân?
2. Trong những ý kiến phản hồi bài viết trước của tôi, có một số người cho biết lý do duy nhất được đưa ra ở Nghệ An để thay bia là có ai đó cho đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ nôm na, lại có chữ “kẻ” nghe không hay, không kính. Đây là một lý do vin vào hình thức bên ngoài mà thực ra là không hiểu biết gì về quan điểm nhân dân của Hồ Chí Minh.
Suốt đời ông Hồ viết và nói cốt cho dân dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm. Nhất là khi ông mới về nước sau ba mươi năm ở nước ngoài. Tám mươi phần trăm dân chúng là nông dân, phần đông là thất học, mù chữ, muốn tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho họ thì phải có cách nói làm sao cho họ dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc biệt khi nơi đầu tiên tuyên truyền cho dân lại ở vùng núi. Cho nên ông Hồ đã trình bày những điều cao xa, sâu sắc bằng những ngôn từ giản dị, bằng lối nói khẩu ngữ để nhân dân thấy gần gũi, dễ hiểu. Toàn bộ bản diễn ca Lịch sử nước ta dài 208 câu lục bát ông Hồ viết năm 1941-1942 tại Cao Bằng chính là theo tinh thần ấy. Ông kể lần lượt các triều đại với công tích chính là chống giặc ngoại xâm bằng cách nêu tên người anh hùng dân tộc qua mỗi thời kỳ rồi đúc rút thành bài học. Bài học đó luôn luôn là sức mạnh đoàn kết toàn dân. Đoạn thơ ca ngợi Nguyễn Huệ là tập trung nhất, khái quát nhất cho truyền thống quý báu xuyên suốt lịch sử dân tộc đó. Câu chữ đơn giản mà chính xác, lời thơ mộc mạc mà sâu sắc, làm bật được tư tưởng lớn: Giặc Tàu dẫu hung hăng nhưng non sông nước nhà ta vẫn được dân ta giữ gìn trọn vẹn bởi dân ta biết cùng nhau một lòng và có người lãnh đạo chí cả tài cao. Một dân tộc đồng tâm nhất trí từ trên xuống dưới, từ người cầm quyền đến dân chúng, thì không một kẻ thù nào dù xảo quyệt, mạnh bạo đến đâu, có thể khuất phục. Đánh giá Nguyễn Huệ, đánh giá sức mạnh của Nguyễn Huệ và nhân dân như vậy thật là cao cả, tuyệt vời. Nhưng ở đây ông Hồ không chỉ nói về riêng về một cá nhân, một triều đại, ông khái quát bài học chung, ông rút ra tư tưởng lớn cho cả một trường kỳ lịch sử chống giặc phương Bắc của dân tộc Việt Nam. Chọn đoạn thơ này khắc vào bia đặt ở đền thờ Quang Trung, theo tôi, mới thật là đích đáng.
Còn nói đoạn thơ của Hồ Chí Minh là “nôm na” thì chính sự nôm na đó lại phù hợp nhất với tinh thần, phong thái của “người anh hùng áo vải”. Nguyễn Huệ là người chân thật, mộc mạc trong lời ăn tiếng nói của mình, theo như các sử liệu để lại cho biết. Con người phi thường với thiên tài quân sự lỗi lạc khác lạ đó viết hịch đánh quân Thanh pha trộn cả lời Nôm và lời Hán “đánh cho để dài tóc / đánh cho để đen răng / đánh cho nó chích luân bất phản / đánh cho nó phiến giáp bất hoàn / đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Chính Nguyễn Huệ khi lên ngôi hoàng đế đã có những quyết sách trong văn hóa và giáo dục để đưa chữ Nôm trước nay còn bị xem thường (“nôm na là cha mách qué”) lên địa vị chữ viết chính thức của nước nhà, khi lần đầu tiên trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam dưới thời ông chữ Nôm được đưa vào thi cử. Khi dân làng Văn Chương (Hà Nội) làm đơn đề nghị cho dựng lại những tấm bia Văn Miếu bị đổ do các trận binh đao, Nguyễn Huệ-Quang Trung đã phê vào đơn bằng hai câu nôm tuyệt vời: “Nay mai dựng lại nước nhà / Bia nghè lại dựng trên tòa nhân gian”. Tôi nhắc lại mấy sự kiện mà ai đọc sử cũng biết để thấy rằng đoạn thơ của người anh hùng dân tộc thế kỷ XX là có sự tương thông tinh thần xuyên lịch sử với người anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII được nói đến. Vì vậy, khắc ghi những câu ca có vẻ như “nôm na” của Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung lại có thêm ý nghĩa nhắc nhở cháu con về một phương diện văn hóa đầy ý thức dân tộc của vị hoàng đế phi thường này.
Trong 208 câu của bản diễn ca lịch sử, ông Hồ ba lần dùng chữ “kẻ”. Đầu tiên là với ông vua sáng lập nhà Lý: “Công Uẩn là kẻ phi thường”. Y như câu cho Nguyễn Huệ. Ông Hồ chỉ dùng chữ “phi thường” cho hai nhân vật lịch sử này vì quả là họ phi thường thật: Lý Công Uẩn là người có nhãn quan chính trị lớn nên đã dời đô từ rừng núi về đồng bằng, mở đầu thời đại phát triển độc lập của quốc gia Đại Việt; Nguyễn Huệ là người có thiên tài quân sự đột biến trong lịch sử Việt Nam, đánh nhanh thắng nhanh, thần tốc, táo bạo. Nói vậy để thấy ông Hồ dùng chữ “kẻ” ở đây không hề là khinh xuất. Trước khi nói về Nguyễn Huệ, từ “kẻ” lại được ông Hồ dùng để chỉ cả ba anh em nhà Tây Sơn: “Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau / Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng / Dân gian có kẻ anh hùng / Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn”. Chữ “kẻ”, như thế, dưới ngòi bút của Hồ Chí Minh không hề là xách mé, tầm thường, mang nghĩa coi nhẹ nhân vật. Ngược lại, nó chỉ người đáng trọng, đáng kính. Như trong tên gọi “ kẻ sĩ”. Như trong tục ngữ ai cũng biết: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Hay trong câu đối truyền miệng: “Bác là kẻ cả trong làng / Tôi là người sang ở nước”. Lại cũng ở bản diễn ca có câu “Mấy năm ra sức Cần Vương / Bọn ông Tán Thuật nổi đường Hưng Yên” khi ông Hồ viết về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp. Nếu vin vào bốn chữ “bọn ông Tán Thuật” để nói ông Hồ là “thất lễ” với tiền nhân thì quả đọc chữ không vỡ chữ.
3. Một phản hồi có dẫn ra công văn nói về việc tổ chức thi tuyển và thực hiện văn bia đền thờ Vua Quang Trung. Công văn này do UBND thành phố Vinh và Hội đồng thi tuyển và thực hiện văn bia đền thờ Vua Quang Trung đưa ra, được chủ tịch UBND thành phố là Nguyễn Hoài An ký. Theo như thời gian nhận bài thi được nêu trong công văn là từ 11/7/2008 đến 10/8/2008 và theo câu viết trong phần “Mục đích” cuộc thi rằng “Trên cơ sở nội dung đã được lựa chọn, phê duyệt, tiến hành xây dựng lại công trình văn bia xứng tầm với quy mô của công trình.” (mấy chữ in nghiêng của tôi – PXN) thì biết được là cuộc thi này nhằm để thay bia – thay hai tấm bia đã được dựng lên từ đầu ở đền thờ. Xin nhắc lại là đền thờ Quang Trung ở Vinh mới được khánh thành ngày 7/5/2008. Như vậy, vừa khánh thành đền thờ xong thì đã thay bia. Tại sao lại thế? Có phải đoạn thơ của Hồ Chí Minh được chọn và được khắc từ đầu là sai lầm? là không “xứng tầm với quy mô của công trình”? Mà thời gian nhận bài thi chỉ trong vòng một tháng, lại là thi văn bia – một thể loại cổ văn ngày nay ít người am hiểu và viết được, thì mong thu được cái gì? Rốt lại thì cái công văn này, theo người phản hồi cho biết, không phải là chính thức, mà chỉ là “bản dự thảo công văn, được gửi tới qua mail cho một số người được hỏi ý kiến trước.” Nếu như đây là có thật, thì nội một việc đó thôi đã cho thấy sự không nghiêm túc của những người lập bia, dựng bia, bỏ bia, và thay bia!
4. Tôi đang viết bài này thì nhận được mấy cú điện bảo vào trang blog Phạm Viết Đào đọc đi. Tôi vào thấy bài “Nghệ An không đục xóa thơ của cụ Hồ Chí Minh trên văn bia tại đền thờ Quang Trung”. Ông Đào viết: “Ông Trần Ngọc Lữ (trưởng ban quản lý di tích) đã đưa tôi ra tấm bia để giải trình về chuyện này. Theo ông Lữ thì nhiều du khách đến thăm đền có đặt dấu hỏi: Tại sao lại gọi Hoàng đế Quang Trung là “kẻ; đây là bài thơ Cụ Hồ viết trước 1945, từ “kẻ“ không mang ý nghĩa miệt thị vì Hà Nội còn được gọi là “kẻ chợ“… Vì chiều lòng du khách nên Ban quản lý du khách làm thêm một phiên bản mới chồng lên để xem phản ứng của du khách… Vì thế nên đã dẫn tới sự hiểu nhầm: Nghệ An xóa thơ cụ Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại Đền thờ Quang Trung vừa được xây dựng trên núi Dũng Quyết…” Hình như ông bí thư tỉnh ủy Nghệ An cũng vừa tuyên bố như ông trưởng ban quản lý di tích này, nếu đọc trên một blog khác. Lạ thật. Lấy bản mới dán chồng lên bản cũ, che lấp bản cũ, không cho ai đọc được bản cũ, như vậy không gọi là xóa thì gọi là gì? Đâu phải đục bỏ bia thì mới coi là xóa bỏ. (Ở Hà Nội, tấm bia tưởng niệm Alexandre de Rhohdes ở đền Bà Kiệu trước đây cũng bị cất bỏ lâu nay trong kho, không được đem ra dựng ở đâu, thì như thế cũng coi như là xóa bỏ những lời ghi trên bia về công lao của vị giáo sĩ này đối với chữ quốc ngữ nước ta). Nói “chiều lòng du khách” thì là chiều lòng ai, khi những khách thắc mắc là đã có đọc tấm bia khắc lời ông Hồ, còn những khách đến sau thì sao, khi họ đã bị bịt mắt trước những lời ông Hồ nói về Nguyễn Huệ bởi lớp dán chồng lên đó? Rồi những khách thăm cũ, như tôi chẳng hạn, bây giờ trở lại đền thờ, muốn coi lại tấm bia có khắc đoạn thơ ông Hồ viết về Nguyễn Huệ mà mình đã biết (cũng là một dạng “thắc mắc” đấy, khi thấy bia bị dán đè lên) thì ban quản lý có “chiều lòng du khách” là tôi để lột bỏ lớp dán mới đi cho tôi được xem tấm bia cũ hay không? Nhưng điều nghiêm trọng ở đây là: Ở chốn đền thờ trang nghiêm, trên một tấm bia uy nghi, khắc ghi lời lãnh tụ, tại một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, ai đã dám quyết định cho phép làm cái việc tày đình là dán đè, phủ lấp bài văn bia đang hiện có, mà chỉ với lý do “chiều lòng du khách”? Luật Di sản văn hóa có cho phép vậy không? Rồi nếu sau một thời gian thấy văn bản mới không hợp, không được du khách đồng tình, thì người ta lại thản nhiên bóc lớp dán ra, để lại phơi ra bản văn bia cũ, tức là đoạn thơ của Hồ Chí Minh, hay sao? Thật tùy tiện và cẩu thả hết chỗ nói. Dán một tờ thông cáo này đè lên một tờ thông cáo khác trên bản tin còn phải thận trọng, cân nhắc, huống chi đây là cả một tấm bia đá lớn, một tấm bia đá khắc ghi những lời đánh giá lịch sử của một vĩ nhân về một vĩ nhân. Như vậy, hành động dán đè lên bia còn tệ hại và nguy hiểm hơn đục bỏ bia. Tôi coi đó là hành động bịt miệng Hồ Chí Minh! Mà lý do vì sao thì tôi đã nói ở bài trước.
5. Yếu tố Tàu trong chuyện này là không thể loại bỏ. Nhất là trong thời điểm hiện tại. Nếu không vì mấy chữ gọi nước láng giềng là Tàu, lại thêm những lời ca ngợi chiến công đánh Tàu của dân ta dưới tài thao lược của Nguyễn Huệ thì tôi dám chắc đoạn thơ của Hồ Chí Minh đã không bị xét nét đến nỗi đành chịu che phủ, dán đè. Nghĩ cũng là ghê. Những ý chê đoạn thơ không nói được công lao thống nhất đất nước của Nguyễn Huệ, hay chỉ nói giặc Tàu mà không nói giặc Xiêm, rõ ra là của người không chịu tìm hiểu lịch sử nước nhà. Xiêm chưa bao giờ là kẻ thù thường trực, nguy hiểm của nước ta. Tàu mới là mối nguy cơ chính. Công lao thống nhất đất nước, định vị một Việt Nam lãnh thổ và chủ quyền như ngày nay, là công của Nguyễn Ánh trên cái “mặt bằng” đã được Nguyễn Huệ dọn dẹp. Đó là sự thật lịch sử. Yếu tố Tàu trong chuyện này cho thấy sự nhạy cảm chính trị của những người có trách nhiệm ở Nghệ An là vừa có vừa không. Không là đối với nhân dân trong nước, họ dư biết rằng việc che lấp lời Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung một cách hấp tấp, tùy tiện vào thời điểm như hiện nay là động đến cả ý thức dân tộc và lòng yêu nước của dân ta, vậy mà họ vẫn làm ngang nhiên, đặt toàn dân trước việc đã rồi. Có là đối với ai đó bên ngoài, họ sợ những phản ứng của cái nơi được gọi thẳng tên trong bài văn bia. Mọi người có quyền suy luận và nghĩ như vậy trước thực tế những gì đã xảy ra quanh tấm bia mang lời Hồ Chí Minh nói về Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết (Vinh – Nghệ An).
Tóm lại, thay bia là chuyện to, không thể lấp liếm được. Chỉ nêu câu hỏi chót: Nghệ An không xóa thơ Hồ Chí Minh trên bia, vậy khi nào Nghệ An bóc tấm dán đi để thơ Hồ Chí Minh lại hiện ra trên bia trước mắt mọi người? Hay rồi đây dựng tấm bia mới, còn tấm bia có lời ông Hồ sẽ bị đưa vào kho để chìm trong bóng tối mãi mãi, hoặc tệ hơn sẽ bị đục bỏ một cách âm thầm, và như thế là hoàn tất một quá trình dựng bia và phá bia mang ngôn từ và tư tưởng Hồ Chí Minh?
Hà Nội 26.7.2011
PXN