Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Đau xót nhục nhã biết bao

Tin liên quan:Thay bia là chuyện to, không thể lấp liếm được
-Ngụy biện và chống chếNguyễn Quang Lập
-Khi mình đưa bài Đau xót nhục nhã biết bao của Phạm Xuân Nguyên lên, sau đó được Ba Sàm dẫn lại, có rất nhiều phản hồi, cả những phản hồi trên trang Ba Sàm và cả những email điện thoại cho mình và Phạm Xuân Nguyên, trong đó 2 có hai phản hồi đã được Ba Sàm đưa lên dưới bài. Hai phản hồi này rất quan trọng, bởi vì nó có vẻ là tiếng nói của người trong cuộc ở xứ Nghệ và nghe cũng có lý có tình. Mình không hề có ý phê phán ý kiến của hai phản hồi đó, bởi vì đó là những phản hồi chân tình, cởi mở. Chỉ vì sợ mấy ông bà này cả tin vào những lý lẽ mị dân, lúc nào người ta cũng có sẵn một mớ ngụy biện và chống chế để che lấp sai lầm và tội lỗi của họ, vì thế mình đã gọi điện cho Phạm Xuân Nguyên hãy viết bài nói rõ hơn. Trong khi chờ đợi bài của Phạm Xuân Nguyên, mình chỉ nói vài ba ý của mình trước đã.

1.Thực ra bài của Phạm Xuân Nguyên có tên: “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà”, mình đã cắt đoạn đầu vì nó có vẻ diễn giải văn chương trong một bài viết phản ánh một sự kiện. Việc cắt bỏ cũng đã được PXN đồng ý.  Nay xin đưa lại nguyên văn đoạn bị căt như thế này: 
“Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về lại Việt Nam ở Cao Bằng, lập căn cứ, tiến hành xây dựng tổ chức và lực lượng, chuẩn bị cho cách mạng giành chính quyền từ tay thực dân xâm lược. Trong nhiều việc cấp bách phải làm lúc này, ông Nguyễn không quên việc tuyên truyền vận động nhân dân, và trong việc tuyên truyền thì ông không quên nhắc lại lịch sử nước nhà với truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông đất nước. Bài học cốt lõi ông Nguyễn rút ra cho đồng bào mình từ trong lịch sử đến hiện tại, đó là: đoàn kết nhân dân là sức mạnh vô địch. Trên báo Việt Nam Độc Lập xuất bản ở chiến khu, số 117 ra ngày 1/2/1942, ông Nguyễn có bài “Nên học sử ta”. Ông kết thúc bài viết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
Ngay trong năm 1942 Việt Minh tuyên truyền Bộ đã cho xuất bản cuốn diễn ca Lịch sử nước ta của ông Nguyễn viết theo thể lục bát. Mở đầu bằng hai câu thiết tha khẩn cầu “Dân ta phải biết sử ta / Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, ông Nguyễn đã khái quát vắn tắt sự nghiệp chống giặc phương Bắc và giặc phương Tây để cứu nước và giữ nước của các anh hùng dân tộc trải suốt hành trình lịch sử từ thời lập quốc đến đầu thế kỷ XX.
 An Dương Vương thế Hùng Vương
Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân
Nước Tàu cậy thế đông người
Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam
Quân Tàu nhiều kẻ tham lam
Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?
.………..
Vì Lý Phật Tử ngu hèn
Để cho Tàu lại xâm quyền nước ta.
Thương dân cực khổ xót xa,
Ông Mai Hắc Đế đứng ra đánh Tàu
Vì dân đoàn kết chưa sâu
Cho nên thất bại trước sau mấy lần
Ngô Quyền quê ở Đường Lâm
Cứu dân ra khỏi cát lầm ngàn năm
……………
Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn
Mặc dầu tướng ít binh đơn không nàn…
Mười năm sự nghiệp hoàn thành
Nước ta thoát khỏi cái vành nguy nan
Vì dân hăng hái kết đoàn
Nên khôi phục chóng giang san Lạc Hồng.
 Những câu thơ sáu tám viết theo lối diễn ca dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi sâu vào lòng người. Đoạn thơ tập trung nhất, tiêu biểu nhất nói về sự đoàn kết nhân dân, đoàn kết giữa nhân dân và người cầm quyền, để giữ gìn và bảo vệ lãnh thổ chủ quyền quốc gia là đoạn nói về Nguyễn Huệ. Đây cũng là đoạn thơ hay nhất, theo tôi, trong bài diễn ca của ông Nguyễn. Tôi đồ rằng khi viết những dòng thơ này ông Nguyễn cũng rất tâm đắc và sảng khoái.
 Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà
 Biểu dương thiên tài quân sự của người anh hùng dân tộc và sức mạnh đoàn kết toàn dân bằng những lời thơ ca khoát đạt như vậy, ông Nguyễn quả đã thổi vào lòng mỗi người dân Việt Nam khi đó đang trong vòng nô lệ và cả ngày nay đã độc lập tự do một niềm tự hào to lớn về dân tộc mình và một lòng yêu nước nồng nàn.”
Như vậy đã rõ ý vì sao  Xứ Nghệ chọn đoạn diễn ca đó của Bác để tạc vào văn bia.  Bây giờ xin nói rõ về hai phản hồi trong trang  Ba Sàm.
1.Về phản hồi thứ nhất: “Trong bài viết của PXN, thông tin về việc thay đổi nội dung khắc trên bia là chính xác, tuy nhiên việc suy diễn về nguyên nhân thay đổi thì không đúng. Từ khi bia được dựng lên (khi tình hình quan hệ Việt – Trung chưa nóng như bây giờ), nhiều người (cả khách tham quan lẫn bậc thức giả) đã có ý kiến về một số bất ổn:
- Có hợp lý không khi bia đá lại khắc mấy lời thơ khá nôm na trong một bài diễn ca lịch sử, mà đoạn thơ ấy không khái quát hết công trạng của vua Quang Trung (chỉ nói việc chống ngoai xâm mà không đề cập công lao thống nhất đất nước)?
- Bản khắc có “lỗi kỹ thuật”: một dòng tám tiếng để sót mất một tiếng, còn bảy (tôi không nhớ rõ dòng ấy là dòng nào). Lỗi này một thời gian ngắn sau đã được khắc phục, bằng cách trám phủ mặt đá và khắc lại. Chính vì thế, có một dạo, bia bị trùm vải (trông rất tức cười) để người ta khắc phục lỗi kỹ thuật nói trên.
- Trong đoạn thơ của Bác có từ “kẻ” (kẻ phi thường). Rất nhiều người dân thắc mắc sao lại dùng đại từ “kẻ” đề nói về một bậc đại anh hùng, bởi họ nghĩ từ kẻ chỉ được dùng để chỉ kẻ xấu: kẻ thù, kẻ gian, kẻ bán nước… Tất nhiên, thắc mắc này không hợp lý.
Cộng cả mấy lý do chính trên, người ta đã quyết định thay nội dung một tấm bia, sau khi đã có nhiều hội nghị bàn bạc.”
Có nhiều ý trong phản hồi này, quan trọng có hai ý: Một là thơ Bác nôm na quá ( ý là chê thơ dở), hai là chữ kẻ ngày này đã biến nghĩa thành nghĩa xấu, để vậy dân sẽ hiểu lầm. Xin thưa: Người ta không khắc thơ Bác lên bia mà khắc lời dạy của Bác, nói khác đi, đoạn diễn ca đó được coi là lời dạy của Bác về tấm gương yêu nước chống Tàu của vua Quang Trung, vì thế nó mới được chọn để khắc lên bia. Mượn cớ ” thơ Bác nôm na” để chối bỏ lời dạy của Bác là vô lễ. Hơn nữa lời dạy  đó của Bác lại vô cùng có ý nghĩa trong thời buổi bây giờ tại sao lại bỏ đi? Nếu chữ bị coi là nghĩa xấu, để vậy dân bị hiểu lầm, tại sao không thay bằng chữ khác tương đương, ví dụ chữ vị chẳng hạn. Thay chữ của bậc tiền nhân lỗi lạc quả là không hay, nhưng nếu xét thấy không thể không thay thì việc thay thế sẽ được người đời thông cảm. Bảo rằng vì chữ “có vấn đề” mới đành bỏ lời dạy thiêng liêng của  Bác, đó là ngụy biện và chống chế của mấy ông bà quen thói mị dân.
2. Về phản hồi thứ 2: “Hai bài văn bia ở đền thờ Quang Trung trên núi Quyết từ khi mới khánh thành đã có nhiều ý kiến. Nhìn chung, người ta không chê nội dung mà cho là “không hay”.Nhất là bài “Công trạng vua Quang Trung” bị cho là “gạch đầu dòng”, không xứng là văn bia. Bài của Cụ Hồ thì một số vị có chức sắc thắc mắc chữ “Kẻ” (NH là kẻ phi thường”). Mấy năm gần đây người ta đã nhờ (thuê?) ông Vũ Khiêu viết bài. Ông Vũ Khiêu đã viết hai bài, dài mấy trăm câu. Qua nhiều lần góp ý, cách đây chừng ba bốn tháng gì đó UBND thành phố Vinh đã tổ chức một hội thảo bàn về hai bài của ông Vũ Khiêu. Đa số các ý kiến của các văn nghệ sỹ, các vị có kiến thức, chữ nghĩa đều không đồng tình. Nhiều người cho là văn khẩu hiệu.
Nhà văn Nguyễn Thị Phước TBT tạp chí Sông Lam còn nói là văn không ra văn, thơ không ra thơ. Nếu có gửi tạp chí SL, thì SL cũng không đăng. Tuy nhiên lãnh đạo thành phố thì “nhất trí cao” bài của bác “anh hùng lao động”, “giáo sư tuyên giáo”. Nghe nói sau đó ông Vũ Khiêu có chỉnh sửa lại, rút ngắn bớt. Tuy nhiên hồn cốt, chất lượng thì vẫn không thay đổi.
Để thăm dò dư luận hiện nay người ta đã cho làm thử hai bản bằng compuzit (composite), rồi áp vào hai tấm bia cũ.Hai bài cũ vẫn chưa bị đục bỏ. Thiết nghĩ, đây là việc hệ trọng không thể khinh xuất. Đề nghị dư luận khắp nơi cho thêm ý kiến.”
Vì không đọc được bản “Công trạng vua Quang Trung” và bài viết của Vũ Khiêu nên mình không có ý kiến. Cái này chắc chắn PXN sẽ trả lời. Thông tin “Hai bài cũ vẫn chưa bị đục bỏ” chưa được kiểm chứng, nhưng nói rằng “Để thăm dò dư luận hiện nay người ta đã cho làm thử hai bản bằng compuzit (composite), rồi áp vào hai tấm bia cũ” thì quá buồn cười. Để thăm dò dư luận tại sao không để bản cũ cạnh bản mới? Lấy bản mới áp đè lên bản cũ rồi bảo làm vậy để thăm dò, đến con nít lên ba chúng nó cũng chẳng tin. Lại vẫn ngụy biện và chống chế.
Như đã nói mình không hề phê phán hai blogger có hai phản hồi trên, chỉ vì mình sợ họ lại tin vớ in vẩn mấy ông ngụy biện và chống chế nên viết bài này thôi.
Ttrong khi chờ bài của Phạm Xuân Nguyên, mình xin đưa ý kiến của một nhà ngôn ngữ học, ts Hoàng Dũng.
“Kẻ phi thường”
Hoàng Dũng
Trong Lịch sử Việt Nam, cụ Hồ viết:
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm giặc Tàu
 Đó không phải là lần duy nhất cụ Hồ dùng “kẻ phi thường”. Cũng trong tác phẩm trên, cụ còn viết:
Công Uẩn là kẻ phi thường,
Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta
Như thế, “kẻ phi thường” nhất định không phải là một lỗi viết nhịu của cụ Hồ. Trong một comment trên trang anhbasam, có người cho rằng: “Trong đoạn thơ của Bác có từ “kẻ” (kẻ phi thường). Rất nhiều người dân thắc mắc sao lại dùng đại từ “kẻ” để nói về một bậc đại anh hùng, bởi họ nghĩ từ “kẻ” chỉ được dùng để chỉ kẻ xấu: kẻ thù, kẻ gian, kẻ bán nước…”. Và tuy có nói vớt: “Tất nhiên, thắc mắc này không hợp lý.”, họ vẫn không cho biết thắc mắc này “không hợp lý” ở chỗ nào. Nói trắng ra, họ muốn chê cụ Hồ viết dở!
Vậy “kẻ” có nhất thiết xấu nghĩa (pejorative) hay không?
Xưa tác phẩm Les misérables của Vitor Hugo được Nguyễn Văn Vĩnh dịch là Những kẻ khốn nạn; ngày nay thì được dịch là Những người khốn khổ. Chữ “khốn nạn” nay thường dùng để bày tỏ sự khinh bỉ, nguyền rủa, chứ không phải chỉ sự khổ sở đến mức thảm hại, như trong cách hiểu ngày xưa, vì thế dễ hiểu tại sao lại được thay bằng “khốn khổ”. Cách dùng “kẻ” của Nguyễn Văn Vĩnh cho thấy thời ông “kẻ” hoàn toàn không có tính chất xấu nghĩa. Quả vậy, Nguyễn Hữu Tiến, trong bản dịch Vũ trung tuỳ bút, đăng trên Nam Phong năm 1927-1928, từng viết: “Đời nhà Hán có đặt ra khoa hiền lương phương chính, thực là một cách đặc biệt để đãi kẻ phi thường mà cầu lấy người tài.”
Như thế, phải chăng ngày nay “kẻ” đã chuyển từ sắc thái trung hoà sang sắc thái xấu nghĩa? Và như thế, đứng trên quan điểm ngày nay, phải viết “người phi thường”, chứ không thể “kẻ phi thường”?
Không hẳn! Ngày nay, “kẻ” vẫn còn có cách dùng trung hoà: có “kẻ cắp”, “kẻ cướp”, “kẻ thù”, “kẻ trộm”, … nhưng vẫn có “kẻ sĩ”, “kẻ đàn anh”, “kẻ ở người đi”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, … Và không hiếm người vẫn dùng “kẻ phi thường”: Mộng Bình Sơn trong bản dịch Hán Sở tranh hùng (nhà xuất bản Hương Hoa, 1962) viết: “Lời nói của Ðại vương theo thông thường thì cho là chí lý. Song đây là kẻ phi thường. Kẻ phi thường có thể có những hoàn cảnh phi thường.”; Tràng Thiên trong Tiểu thuyết hiện đại (nhà xuất bản Thời mới, 1963) viết: “Nhân vật tiểu thuyết thuở đầu tiên là những kẻ phi thường, hành tung gây nên kinh ngạc.”; hoà thượng Thích Thanh Từ trong Nhặt lá bồ đề (nhà xuất bản Tôn giáo, 2003) viết: “Thật một kẻ phi thường. Việc kiến đạo giải thoát đâu phải chỉ dành cho kẻ trí thức đạo gia. Một tay thợ rèn, khi quăng búa tắt lò thì liền đó bể lửa hóa thanh lương, rảnh tay dạo khúc vô sanh.”
Nói tóm, không đủ căn cứ để xác quyết “kẻ phi thường” là cách dùng sai, dù theo cách hiểu xưa hay nay. Và như thế, việc đục bỏ thơ cụ Hồ không phải vì lý do văn chương. Và tôi hoàn toàn tin rằng Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu đủ đức khiêm tốn phi thường để, nếu biết văn của ông được khắc vào bia đặt vào chỗ đã đục bỏ văn cụ Hồ, tự thẹn mà yêu cầu chính quyền Nghệ An miễn cho ông cái vinh dự nhường ấy.
 H. D.


Phạm Xuân Nguyên



Nguyễn Bắc Sơn &Phạm Xuân Nguyên bên tấm bia khăc thơ Bác
Cách đây vài tháng mình đã có bài “Ai đục bỏ lòng yêu nước” kể chuyện Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê (Lạng Sơn)  đã bị đục bỏ mấy chữ “Trung Quốc xâm lược“. Chuyện này do Mr. Do kể lại và đã gây sốc rất nhiêu người. Cứ tưởng đây là chuyện hi hữu, có một không hai. Không ngờ tại đền thơ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh (Nghệ An), tấm bia khắc thơ Hồ Chủ tịch đã bị đục bỏ chỉ vì lời yêu nước chống Tàu của Bác. Tệ hại hơn, tấm bia khắc công trạng của vua Quang Trung cũng bị đục bỏ, vì đó là công trạng chống Tàu. Thật kinh khủng khiếp.

Kể từ 30/6 blog mình không đăng bài người ngoài. Bài viết của Phạm Xuân Nguyên là một ngoại lệ, một ngoại lệ vô cùng cần thiết.
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà
Cả đoạn thơ viết về Nguyễn Huệ trên đây của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã được khắc vào tấm bia đá đặt ở đền thờ “người anh hùng áo vải” trên núi Dũng Quyết ở thành phố Vinh (Nghệ An). Đền này được khánh thành năm 2008. Đi vào cổng đền, qua bình phong tứ trụ, là hai nhà bia nhìn vào nhau. Nhà bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung”. Nhà bia bên phải khắc “Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về Quang Trung”, chính là đoạn thơ này. Đứng trên đỉnh núi lộng gió, đưa mắt nhìn toàn cảnh một vùng sơn thủy hữu tình địa linh nhân kiệt xứ Nghệ, đọc tấm bia khắc những lời người anh hùng dân tộc thế kỷ XX ca ngợi người anh hùng dân tộc thế kỷ XVIII tôi thấy lòng mình cảm khái vô cùng. Hồ Chí Minh không chỉ ca ngợi Nguyễn Huệ. Ông ca ngợi khối đoàn kết toàn dân, khi “vua hiền tôi sáng” biết ở giữa nhân dân, dựa vào sức dân, nhân mạnh lên sức của dân, để giữ nước và xây nước. Ông vua nào, nhà cầm quyền nào, thể chế nào có được, và giữ được, và phát huy được sức mạnh đó, thì sẽ bền vững và xứng đáng với dân tộc, giống nòi. “Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà” – đó là một chân lý truyền đời.
Những người làm văn hóa ở Nghệ An đã có công khi chọn được đoạn thơ của Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ và thuyết phục được các cấp lãnh đạo, quản lý chấp nhận khắc ghi nó lên tấm bia ở đền thờ. Tôi nói “thuyết phục” vì trong một lần về thăm đền tôi nghe phong thanh chừng như là đang có ý kiến cho rằng mấy câu thơ ấy “nhạy cảm”, dẫu là của cụ Hồ nhưng trong hoàn cảnh “tế nhị” hiện nay của quan hệ Việt-Trung thì khắc nó lên bia, bày nó ra giữa thanh thiên bạch nhật là không lợi. Ôi, chỉ mới nghe phong thanh thế thôi tôi đã bực mình, tức giận. Sao lại có thể hèn nhát đến vậy! Tôi nghĩ, đó chỉ là một vài ý kiến của ai đó, sẽ không được chấp nhận. Tôi tin, tấm bia khắc những câu thơ viết về Nguyễn Huệ của Hồ Chí Minh sẽ đứng mãi ở đền thờ Quang Trung, trên núi Dũng Quyết, giữa đất trời Nghệ An, đất trời Việt Nam, để tỏa sáng một chân lý của người Việt Nam, nước Việt Nam.
Hỡi ôi, lời phong thanh đã thành sự thực, niềm tin của tôi đã bị dập tắt phũ phàng. Khi viết bài này tôi đã gọi điện về Vinh nhờ một tiến sĩ văn học lên tận đỉnh núi Dũng Quyết, vào tận đền thờ Quang Trung, xem tận mắt tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh viết về Quang Trung có còn nguyên đó không. Điện báo ra là đã thay, đã thay rồi chú ơi! Cháu gửi ảnh ra ngay cho chú đây.

Tấm bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung” đã bị đục bỏ, thay bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của Vũ Khiêu.

Thơ yêu nước của Hồ Chí Minh đã bị đục bỏ, thay bằng đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô.

Và nhìn những tấm ảnh chụp mới tức thì, tôi không tin vào mắt mình nữa. Tấm bia bên trái khắc “Công trạng vua Quang Trung” đã thay bằng bài “Tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung” của Vũ Khiêu. Còn ở tấm bia bên phải, những lời của Hồ Chí Minh đã bị đục bỏ, thay bằng đoạn trích chiếu của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn đất đóng đô. Tôi đã điện hỏi kỹ người chụp đây có phải là thay bia mới vào bia cũ, hay là chỉ đục bỏ văn bia, thay bài mới. Anh cho biết đã hỏi người trông coi đền thờ thì họ nói là chỉ đục bỏ chữ, thay văn bia, chứ không thay bia.
Vậy là đã rõ.

Lý do việc đục bỏ văn bia lời Hồ Chí Minh là sợ Tàu! (Hãy gọi là Tàu như trong đoạn thơ của ông Nguyễn). Đau xót, nhục nhã biết bao! Chẳng lẽ trên khắp nước Nam cái gì nói đến lịch sử oai hùng của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc từ xưa đến nay đều là phải né tránh, cấm đoán?

Nhưng chính quyền tỉnh Nghệ An phải có trách nhiệm trả lời cho đồng bào cả nước biết rõ ràng, công khai, vì sao có sự đục bỏ văn bia ghi lời Hồ Chí Minh viết về Quang Trung tại đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết? Ai đưa ra chủ trương này? Một việc hệ trọng, thiêng liêng như vậy đã được quyết định ở cấp nào, theo nghị quyết nào của tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh, hay của Bộ VH-TT-DL, hay của một cấp cao hơn nữa?

Bởi vì tôi được biết, để chọn được đoạn thơ của Hồ Chí Minh và quyết định khắc vào bia dựng ở đền thờ Quang Trung là phải có cả một quá trình từ người chuyên môn đến nhà chính trị lựa chọn, cân nhắc và quyết định. Khắc bia rồi đục bia, xưa hay nay, đều là chuyện nghiêm trọng.

Nếu hôm nay người ta không dám ca ngợi anh hùng dân tộc của mình trên đất nước mình, thì ngày mai người ta sẽ thóa mạ ai?

Nếu hôm nay người ta đục bỏ lời của Hồ Chí Minh, thì ngày mai người ta giữ lại cái gì?

Đục bỏ những lời Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ tại đền thờ Quang Trung vì lý do sợ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao nước láng giềng là xúc phạm cả Nguyễn Huệ, cả Hồ Chí Minh, cả toàn thể nhân dân Việt Nam. Hơn lúc nào hết, trong những ngày này, những lời ca ngợi sức mạnh đoàn kết toàn dân để giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ dân tộc trong những lời thơ Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đang rất cần được vang lên mạnh mẽ và thống thiết!

 Dân ta lại biết cùng nhau một lòng

Cho nên Tàu dẫu làm hung

Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà
Hà Nội 23.7.2011
P.X.N

-Nguồn: Đau xót nhục nhã biết baoNguyễn Quang Lập

 -Ai đục bỏ lòng yêu nước” 

Hôm qua, báo Thanh niên cho đăng bài:” Lạng Sơn, những ngày tháng hai“, một ghi chép (Không phải phóng sự) rất hay.”Đây là lần đầu tiên lễ kỷ niệm được tổ chức tại chính Lạng Sơn, mảnh đất tiền tiêu mà 32 năm trước đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhất của quân và dân ta để giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc… Với nhiều đồng đội cũ, đây là cuộc gặp gỡ sau hàng chục năm xa cách. Người đã chuyển ngành, người vẫn phục vụ trong quân đội nhưng dường như mọi ký ức, tình cảm của những người lính Quân đoàn 14 vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào“. Từng là người lính nhập ngũ trong thời kì “Chống Trung Quốc xâm lược”, tui rất cảm động. Nhiều đoạn rưng rưng nước mắt.
Đến khi nhìn thấy bức ảnh:”Tấm bia kỷ niệm chiến thắng tại đầu cầu Khánh Khê” thì sững sờ, rực lên một nỗi đắng cay.
Tấm bia kỉ niệm chiến thắng mà tan nát thế này a? Bốn chữ ” Trung Quốc xâm lựơc” đã bị  đục bỏ trắng trợn. Đỗ Hùng ( Báo Thanh niên) đã viết trong blog của anh: “Từ “Trung Quốc” đã bị xóa gần như hoàn toàn, từ “xâm lược” cũng thế. Tấm bia ghi chiến tích đánh Trung Quốc của quân đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 đã bị đục nát như là bằng chứng cho sự khiếp nhược đã tới mức không thể diễn tả bằng lời“. (Ở TP.HCM, tôi thấy những tấm bia ghi chiến tích đánh Mỹ đặt trước Lãnh sứ quán Mỹ, khách sạn Park Hyatt vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt).”
Ai đục bỏ mấy chữ kia? Đỗ Hùng không nói, báo Thanh niên cũng không nói, chỉ than thở nhẹ nhàng: “Những dấu tích của thời gian và con người đã xóa mờ một vài chỗ trên tấm bia”. Cái “con người” mà báo Thanh Niên nói,  đó là ai? Tại sao lại phải đục bỏ mấy chữ kia? Bởi vì một khi chủ trương đục bỏ bốn chữ  ” Trung Quốc xâm lược“  trên tấm bia kỉ niệm chiến thắng tức là tự mình đục bỏ lòng yêu nước. Đỗ Hùng gọi đấy là sự khiếp nhược, quá đúng, sự khiếp nhược được che đậy bằng cái gọi là khôn khéo. Thảm hại thay!

Tổng số lượt xem trang