Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Thiếu trầm trọng nhà lưu trú công nhân

-Thiếu trầm trọng nhà lưu trú công nhân

Do khó khăn về vốn xây dựng và quỹ đất nên các khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng được nhà ở cho 70% công nhân trên địa bàn. Vấn đề nhà ở dành cho công nhân đang là bài toán nan giải đối với các ngành, các cấp.
Không phải doanh nghiệp nào
 cũng có thể xây nhà lưu trú công nhân
Ảnh: S. XANH
Công nhân ngóng trông nhà lưu trú
TP. Hồ Chí Minh có 15 KCX- KCN, hơn 53.000 doanh nghiệp hoạt động với 1,9 triệu công nhân đang làm việc. Với số lượng công nhân đông đảo nên nhu cầu nhà ở cho công nhân là rất lớn. Phần đông công nhân thường thuê nhà trọ ở bên ngoài để ở với diện tích bình quân một phòng 20m2/4 công nhân.
Theo số liệu cụ thể của UBND TP, số lượng nhà trọ chưa đạt chất lượng chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 71,5%; vẫn còn tình trạng nhà trọ xây dựng không phép, xây dựng bằng vật liệu nhẹ, điều kiện vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo... ảnh hưởng đến cuộc sống của công nhân. Do nhà trọ của các hộ gia đình không đảm bảo về điều kiện sinh hoạt nên hầu hết công nhân đều bày tỏ mong muốn được ở nhà lưu trú công nhân để vừa nâng cao điều kiện sinh hoạt vừa giảm bớt khoản chi tiêu hàng tháng. Công nhân công ty may tại KCX Tân Thuận bày tỏ: "Chúng tôi nghe nói rất nhiều đến nhà lưu trú công nhân với tiện nghi, khang trang, giá rẻ nhưng hơn 10 năm làm việc ở đây tôi chưa biết đến nhà lưu trú công nhân là gì”.
Nhằm đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, tính đến nay, đã có 7 dự án nhà lưu trú công nhân xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng 6.058 chỗ ở tại các KCX Tân thuận, Linh Trung 1, KCN Tân Bình, Tân Tạo, Hiệp Phước. Thành phố phấn đấu từ nay đến cuối năm 2011, khởi công 5 dự án đáp ứng khoảng 40.750 chỗ ở cho công nhân. Phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng khoảng 50% nhu cầu chỗ ở cho công nhân tại các KCX-KCN với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
Doanh nghiệp "bó tay”
Mặc dù mục tiêu xây dựng nhà lưu trú công nhân của thành phố là lớn nhưng xem ra mục tiêu trên khó thực hiện vì doanh nghiệp đang gặp khó khăn về mọi mặt. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kinh tế khó khăn, thiếu vốn cho sản xuất, vay ngân hàng còn chật vật vì lãi suất cao cho nên không thể xây dựng nhà lưu trú cho công nhân trong giai đoạn hiện nay. Không ít doanh nghiệp phân trần, khi vay vốn đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn do ngân hàng tỏ ra không mặn mà với các dự án này. Thậm chí doanh nghiệp còn không vay được vốn do khi thẩm định các tổ chức tín dụng nhận xét phương án đầu tư không hiệu quả, lợi nhuận không cao và thời gian thu hồi vốn quá dài. Bên cạnh đó, theo đại diện ban quản lý KCX-KCN TP, trước đây quy hoạch KCX-KCN không dành diện tích đất để xây dựng nhà ở cho công nhân nên giờ muốn xây thì không có đất. Và, quy hoạch chi tiết tại các quận, huyện hầu hết chưa xác định đất dành cho các mục tiêu đó.
Trước những khó khăn về việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các quận, huyện có KCX-KCN khi phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 phải xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân. Ngoài ra, thành phố Hồ Chí Minh còn kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn thực hiện xây dựng nhà lưu trú cho công nhân; kiến nghị Bộ Xây dựng miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân làm việc tại các KCX-KCN có nguồn gốc đất nằm ngoài khu công nghiệp.
THANH GIANG
KCN Suối Dầu: Nhiều doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Suối Dầu là khu công nghiệp lớn của tỉnh Khánh Hòa, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1997. Tính đến nay, có gần 40 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu là sản xuất, chế biến các mặt hàng thủy hải sản, tạo việc làm cho trên 9000 lao động.
Ô nhiễm môi trường đã trở thành
vấn đề bức thiết tại KCN Suối Dầu
Tuy nhiên, cùng với việc sản xuất kinh doanh, việc ô nhiễm môi trường ở đây cũng ngày một cao. Một số nguyên nhân chủ quan và khách quan là do công tác quản lý nước thải trong khu công nghiệp Suối Dầu còn kém, việc bảo vệ môi trường ở đây chưa được chú trọng, nhiều nhà máy chế biến hải sản chưa qua xử lý nước thải đã xả ra mương lạch, chảy qua khu dân cư làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước chảy qua ruộng lúa làm lép hạt... không còn là hiện tượng lạ.
Công ty TNHH Dũng Hoa khởi công xây dựng nhà máy chế biến bột cá để phục vụ cho việc sản xuất thức ăn gia súc trên đất nông nghiệp tại thôn Dầu Sơn, xã Suối Tân (huyện Cam Lâm), có diện tích 1.500m2, công suất chế biến khoảng 40 tấn bột cá/ngày. Người dân thôn Dầu Sơn lo ngại nhà máy này ra đời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh, hơn thế nữa, diện tích đất để Công ty Dũng Hoa xây dựng nhà máy là đất trồng cây lâu năm và UBND xã chưa hề có kế hoạch chuyển đổi. Vì vậy, người dân kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại việc cho phép Dũng Hoa xây dựng nhà máy tại đây. Khi làm việc với chính quyền địa phương, chúng tôi còn phát hiện Công ty TNHH Dũng Hoa chưa có giấy phép xây dựng. Ngoài ra, địa chỉ trong giấy chứng nhận đầu tư của Công ty nằm ở thôn Đồng Cau chứ không phải thôn Dầu Sơn. Nhưng nhà máy mà Công ty Dũng Hoa xây dựng tọa lạc ngay trong khu đất đang sản xuất nông nghiệp và chính quyền địa phương chưa hề có quy hoạch cho phép xây dựng. Được biết, trước đây ở xã Suối Tân đã có rất nhiều cơ sở chế biến các phế phẩm thủy sản gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến hậu quả làm ô nhiễm nguồn nước, làm chết cây nông nghiệp, gây thiệt hại cho người dân. Trong những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bốc ra từ những cơ sở chế biến các phế phẩm hải sản gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Sau nhiều năm người dân đấu tranh, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã phải ngừng hoạt động. Nay, Công ty Dũng Hoa lại xây dựng nhà máy sản xuất bột cá ở đây nên người dân lo ngại về ô nhiễm môi trường là hoàn toàn chính đáng. Với diện tích 152ha, KCN Suối Dầu có thể đáp ứng đủ nhu cầu mặt bằng cho các doanh nghiệp thuê. Bên cạnh đó, tại đây còn có trạm xử lý nước sạch và hệ thống cấp thoát nước. Nếu tất cả các công ty được đưa vào KCN để sản xuất thì có thể kiểm soát được ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch HĐND xã Suối Tân khẳng định, việc để nhà máy chế biến bột cá Dũng Hoa đi vào hoạt động thì khó tránh khỏi tình trạng ô nhiễm môi trường, xã Suối Tân chúng tôi sẽ đấu tranh vấn đề này tới cùng.
Không chỉ có người dân khiếu kiện các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường mà tại KCN Suối Dầu cũng xảy ra tình trạng doanh nghiệp kiện doanh nghiệp vì ô nhiễm môi trường. Đó là Công ty Komega – X có đơn kiện Công ty Hoàng Châu gây ô nhiễm môi trường. Được biết Cty Hoàn Châu chuyên chế biến nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc từ các phế phẩm hải sản và polymer nên gây ra mùi hôi thối, làm cho hơn 1000 công nhân may Komega phải hứng chịu. Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Nguyễn Phương Trí, Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu cho biết: Khu công nghiệp Suối Dầu đang tồn tại một số hộ sản xuất kinh doanh phế liệu thủy sản, trong quá trình sản xuất, nước thải của các hộ này có thể chưa qua xử lý được đổ xuống những con suối nhỏ, dòng nước đen ngòm theo con suối chảy ngang qua KCN, nhiều khi bốc mùi rất khó chịu. Tuy Công ty Cổ phần KCN Suối Dầu đã nhiều lần kiến nghị nhưng tình trạng rác thải sinh hoạt và nước thải của các hộ sản xuất phế liệu thủy sản vẫn chưa được giải quyết. Theo nguồn tin của PV Đại Đoàn Kết, hiện nay, Tổng cục Môi trường đã có văn bản chính thức yêu cầu Khu công nghiệp Suối Dầu đang hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) phải chấm dứt ngay các hành vi vi phạm và phải khắc phục các sai phạm gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời phải báo cáo kết quả thực hiện.
Tại khu công nghiệp Suối Dầu, ô nhiễm môi trường là do các cơ quan chức năng chưa theo kịp sự phát triển sản xuất, việc cấp phép đầu tư chưa được thực hiện đúng theo cam kết, cơ quan quản lý lại thiếu kiên quyết. Các doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư công tác quản lí và xử lý nước thải, khi xảy ra ô nhiễm lại không có khả năng khắc phục do thiếu vốn thiếu đồng bộ. Đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tỉnh Khánh Hòa có biện pháp xử nghiêm các tổ chức đơn vị, cá nhân vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường.
Hải Lộng

Tổng số lượt xem trang