Nhân Dân Nhật Báo (Trung Quốc) lên tiếng:
TT - Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất trong vòng ba năm qua tại Trung Quốc không chỉ làm 38 người chết, gần 200 người bị thương, mà còn làm tổn thương sâu sắc niềm tin của người dân vào an toàn của dự án tàu siêu tốc vốn là tham vọng đầy tự hào của Bắc Kinh.
Một phụ nữ bị thương trong vụ đụng tàu ở Ôn Châu, Chiết Giang được điều trị tại bệnh viện hôm 24-7 - Ảnh: Reuters |
>> Lo ngại với tham vọng nhanh nhất thế giới
>> Trung Quốc: tàu lửa cao tốc tông nhau, 35 người chết
>> Trung Quốc: tàu lửa cao tốc tông nhau, 35 người chết
Tân Hoa xã ngày 25-7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Đường sắt Trung Quốc Vương Dũng Bình chính thức ngỏ lời xin lỗi tới tất cả hành khách trên chuyến tàu tử thần tối 23-7 tại gần Chiết Giang. Ông Vương chia buồn với những gia đình có người thân thiệt mạng hoặc bị thương. Số người tử nạn có thể còn tăng cao do ít nhất 12 người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch.
Cải tổ khẩn cấp
“Tàu siêu tốc của Trung Quốc hiện đại và chất lượng, chúng tôi tự tin như vậy” - ông Vương nói như đinh đóng cột. Dù ông nói gì, song tai nạn thảm khốc mới đây vẫn chưa thể cất đi mối đe dọa an toàn cho hành khách. “Sau vụ đâm tàu, tôi cảm thấy lo lắng về an toàn, trong khi giá vé loại tàu này lại mắc hơn so với tàu thông thường” - Trương Tuấn, một giảng viên 38 tuổi ở Bắc Kinh, nói.
Bộ trưởng giao thông vận tải Lý Thịnh Lâm, trong cuộc họp khẩn cấp hôm 24-7, thừa nhận những vấn đề mới phát sinh dẫn đến các vụ tai nạn gần đây của hệ thống tàu siêu tốc. Ông Lý cho biết sẽ tiến hành ngay lập tức một cuộc thanh tra an toàn giao thông trên toàn quốc, bao gồm cả đường bộ, và tất cả quan chức ở mọi cấp sẽ phải chịu trách nhiệm nếu phát hiện sai phạm.
Đánh giá ban đầu cho thấy bên cạnh nguyên nhân thời tiết gây ra sấm sét, còn có thể do trục trặc về biển báo và tín hiệu trong vụ tai nạn. “Là một nước có hệ thống đường sắt đông đúc hàng đầu thế giới, nguy cơ (tai nạn) ở Trung Quốc cao hơn ít nhất hai lần so với các nước khác trên thế giới. Nó có nghĩa hệ thống quản lý và tín hiệu, biển báo càng rất quan trọng” - Michael Komesaroff thuộc Hãng đầu tư Urandaline của Áo nhận định.
Kyodo dẫn lời một chuyên gia Nhật cho biết theo số hiệu trên thân của hai tàu gây tai nạn, một tàu là mẫu CRH2 từ Hãng Kawasaki của Nhật, tàu còn lại có thể là mẫu CRH1 sử dụng công nghệ từ Hãng Bombardier của Canada.
Dù Hãng Kawasaki chưa đưa ra bình luận gì, song một nguồn tin trong công ty tiết lộ từ lâu hãng này đã lo ngại do phía đối tác Trung Quốc tỏ ra chú trọng tốc độ hơn là an toàn của tàu siêu tốc. Mẫu CRH2 được thiết kế dựa theo mẫu tàu siêu tốc Hayate chạy trên tuyến Shinkansen Tohoku với tốc độ tối đa được khuyến cáo từ 200-275 km/giờ. Thế nhưng, phía Trung Quốc lại cho một số chuyến tàu thương mại chạy với tốc độ lên đến 350 km/giờ.
Hãng Kawasaki đã yêu cầu phía Trung Quốc phải cam kết chịu mọi trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn liên quan đến tốc độ tàu CRH2.
Vật hi sinh?
Không chỉ tham vọng xây dựng hệ thống đường sắt nhanh nhất thế giới, Trung Quốc còn có kế hoạch xuất khẩu công nghệ tàu siêu tốc. Theo Financial Times, trong tháng 7-2011 Bắc Kinh đã “khoe” Malaysia sẽ trở thành khách hàng đầu tiên mua 228 tàu siêu tốc do Trung Quốc sản xuất và Tập đoàn CSR của nước này cũng vừa ký hợp đồng với Hãng General Electric để sản xuất tàu tại Mỹ.
“Vụ tai nạn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu tàu siêu tốc bởi các khách hàng nước ngoài rõ ràng sẽ lo ngại về vấn đề an toàn và chất lượng” - Reuters dẫn lời nhà phân tích Đỗ Tuấn của Trung Quốc nhận định.
Trong khi đó, ông Triệu Kiến, chuyên gia thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho rằng Bắc Kinh nên tập trung xây dựng các con tàu tốt có sức chở cao hơn là phát triển những con tàu siêu nhanh với chi phí cao nhưng lại chở ít người hơn. ]
“Đây là thời điểm quan trọng để chúng ta nghĩ về đường lối phát triển hệ thống tàu và đường ray siêu tốc. Chúng ta nên sản xuất nhiều hơn các đường ray truyền thống, giảm đường ray siêu tốc để giữ cho hệ thống an toàn” - ông Triệu nói.
Các chuyên gia đang đặt câu hỏi với tốc độ phát triển chóng mặt của Trung Quốc, liệu an toàn có luôn bị xếp sau hay không? Liệu ngành đường sắt cũng như các ngành cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có đạt được tiêu chí tốc độ, ồ ạt mà vẫn đảm bảo an toàn và chất lượng hay không?
Trong khi chờ đợi những câu trả lời, Nhân Dân Nhật Báo đã có ngay câu trả lời của mình: “Đừng để người dân biến thành vật hi sinh trong quá trình phát triển “thần tốc” của Trung Quốc”.
TRẦN PHƯƠNG - ĐÔNG PHƯƠNG