Asia Sentinel
15-7-2011
Nếu Bắc Triều Tiên sụp đổ, công việc Hàn Quốc lớn hơn nhiều so với mọi người nghĩ.
Nếu những hy vọng của cánh diều hâu Hàn Quốc sắp trở thành sự thật và chính phủ Bắc Triều Tiên sắp sụp đổ, Hàn Quốc có thể sẽ trải qua một cơn ác mộng khó có thể tưởng tượng được, theo một báo cáo có tên “Strangers at Home” mà Nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế công bố hôm 14 tháng 7.
Bản báo cáo dài 44 trang kết luận, khoảng thời gian 66 năm, kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai nước năm 1945, đã tạo ra hai đất nước khác hẳn nhau, hầu như không có một chút tương đồng nào, làm cho khả năng thống nhất trở thành một nhiệm vụ gần như bất khả thi, cả ở mức độ cá nhân lẫn chính phủ.
Không thể đoán trước khi nào, làm cách nào hoặc liệu một sự kiện như vậy có xảy ra mặc dù Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc tuyên bố hồi tháng 5 vừa qua rằng nguồn cung thực phẩm của Bắc Triều Tiên sắp cạn kiệt và có lẽ một phần tư dân số nước này nguy cơ rơi vào cảnh đói ăn.
Nhưng nếu Bắc Triều Tiên không sụp đổ, nhiều khả năng nó sẽ làm cho các vấn đề thống nhất giữa Đông và Tây Đức trở nên giống như một cuộc picnic.
“Tuy nhiên, nếu thời điểm đó đến, những gì có thể sẽ là một dòng người tị nạn ồ ạt, bởi vì các điều kiện sống quá cực khổ ở miền Bắc. Nỗ lực hợp nhất các nhóm khá nhỏ của Hàn Quốc cho thấy các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế sẽ phải đứng trước một thách thức lớn“.
Báo cáo trên cho biết, những người đào tẩu Bắc Triều Tiên buồn chán và nghèo hơn những người anh em miền Nam của họ, do các mức dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe tồi tệ hơn nhiều. Họ có những chất giọng đặc biệt, sử dụng ngôn từ khác biệt và có rất ít kinh nghiệm trước các đòi hỏi thường nhật của cuộc sống trong một xã hội công khai và phát triển. Ở Bắc Triều Tiên, giáo dục, việc làm, hôn nhân, chế độ ăn uống và giải trí đều do chính phủ quyết định; chính phủ chỉ định tất cả cho người dân dựa trên lịch sử gia đình và tín nhiệm chính trị. Ở Hàn Quốc, một loạt lựa chọn buộc họ phải đứng trước vô vàn quyết định khó khăn.
Trước năm 2000, rất ít người Bắc Triều Tiên bỏ trốn khỏi đất nước đói khổ của họ nhưng việc kiểm soát biên giới lỏng lẻo vốn mở ra nhiều đường thoát sang Trung Quốc đã khiến cho con số này gia tăng đáng kể. Chỉ có khoảng 86 người đào tẩu trong khoảng thời gian 1990-1994, tức khoảng 20 người/năm. Tuy nhiên, con số này bắt đầu tăng vọt và tính đến tháng 12/2010 đã có hơn 20.000 người sang Hàn Quốc.
Cả hai bên đều tận dụng chủ đề đào tẩu như một công cụ chính trị chống lại nhau. Mặc dù có một số điệp viên giả danh người bỏ trốn để xâm nhập vào Hàn Quốc nhưng có vẻ con số này rất nhỏ. Tuy nhiên, một trường hợp đã thành công ngoạn mục. Một phụ nữ có tên Wong Jong-Hwa sang Hàn Quốc vào tháng 10/2001 sau khi cưới một thương gia Hàn Quốc mà cô gặp ở Trung Quốc, nơi cô tham gia vụ bắt cóc 7 thương gia Hàn Quốc và khoảng 100 người đào tẩu Hàn Quốc để đưa về Bắc Triều Tiên. Ở Hàn Quốc, Wong Jon-Hwa thậm chí còn được thuê giảng dạy cho binh lính về nước láng giềng phía bắc.
“Trong năm 2008, các nhà chức trách phát hiện ra cô ta chụp ảnh các kho quân sự của Mỹ và Hàn Quốc, và có nhiều quan hệ tình ái với các sĩ quan quân đội Hàn Quốc nhằm moi thông tin mật để chuyển cho phía Bắc“.
Cuối cùng, Won chỉ mặt các điệp viên Hàn Quốc ở Bắc Triều Tiên khiến cho họ bị giết sau đó. Cô ta còn tuồn về thông tin liên lạc và lai lịch của khoảng 100 sĩ quan quân đội cấp cao cùng nơi ở của các nhân vật có máu mặt đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên như Hwang Jang-hyop, người sau này trở thành mục tiêu của một âm mưu ám sát.
Đợt đào tẩu đầu tiên được đón chào như những người hùng nhưng kiểu đó giờ không còn nữa. Người Bắc Triều Tiên có ngôn ngữ khác, dùng câu từ khác và có rất ít kinh nghiệm giải quyết các yêu cầu trong một xã hội công khai và phát triển. Ở Hàn Quốc, báo cáo nhấn mạnh rằng “một loạt các lựa chọn đặt họ đứng trước vô vàn những quyết định khó khăn vô tận“.
Những người đào thoát thường đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần do sống quá khổ ở một xã hội thuộc loại hà khắc nhất trên trái đất này. Kết quả là nó khiến cho khả năng làm việc và hội nhập vào một xã hội tự do, xa hoa và năng động ở miền Nam trở nên khó khăn hơn. Khoảng 30% số người đào tẩu – phần lớn họ đã trở nên yếu sức ngay khi sang được miền Nam – bị mắc chứng rối loạn do căng thẳng hậu chấn thương. Hơn 80% nói họ lo âu về cuộc đời mình trong khi lẩn trốn trên đường nam tiến.
Ngay khi họ tới được Hàn Quốc, “nhiều người đã đối mặt với khó khăn… do mặc cảm tự ti khi phải nỗ lực đồng hóa. Nhiều người trong số họ cảm thấy bị cô lập, bị cách li, bị bài trừ và bị trù dập bởi một thành kiến sâu đậm. Xã hội Hàn Quốc có xu hướng nặng tính bè phái, khiến cho những người bỏ trốn khỏi Bắc Triều Tiên cảm thấy xa lạ ở đất nước của chính họ“.
Ngoài cảnh cô đơn, hầu hết những ai đào tẩu đều nặng trĩu ưu phiền tội lỗi vì đã bỏ người thân của mình ở lại.
Cuộc khủng hoảng y tế công tiếp diễn ở Bắc Triều Tiên do đói ăn và thiếu các dịch vụ y tế, bệnh viện, có nghĩa là cỏ dại chiếm tới 40% lượng thức ăn hàng này của người dân, dẫn tới các bệnh tiêu hóa kinh niên. Nhiều người đau đớn với đủ các loại ký sinh trùng.
Kết quả là, theo báo cáo trên, trung bình, một nam giới đào tẩu khỏi Bắc Triều Tiên cao 164,4cm và nặng 60,2kg, so với một nam giới Hàn Quốc bình thường cao 171,4cm và nặng 72kg. Còn nữ giới đào tẩu thì trung bình thấp hơn 4cm và nhẹ hơn 5kg so với nữ giới Hàn Quốc.
Thiếu dinh dưỡng thời nhỏ khiến cho trẻ em còi cọc và bị các vấn đề về phát triển nhận thức, tức là họ đối mặt với các vấn đề sức khỏe liên quan, “gây tác động lớn đến các triển vọng của một cá nhân về giáo dục, việc làm và thu nhập cả đời“.
Những người đào tẩu, phần lớn, không quen với khái niệm việc làm trong một xã hội mới, năng động và cạnh tranh cao độ. Hồi tháng 1, chỉ một nửa số người đào tẩu được thuê làm, chủ yếu là các công việc lao động chân tay đơn giản. Trong số 20.000 người đào tẩu chỉ có 439 người đang làm việc trong các lĩnh vực lành nghề, và 381 người đang làm các công việc hành chính.
Điều đó không thay đổi ít nhất kể từ năm 2006, bất chấp chính phủ ra sức đào tạo và tìm việc làm cho họ. Điều đó khiến cho nhiều người thoái chí và đầu hàng. Thất nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại dù chính phủ có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích những chủ lao động thuê người đào tẩu bằng cách gánh đỡ một nửa mức lương hàng tháng.
Báo cáo nhấn mạnh, do cách biệt giữa hai xã hội, những người đào tẩu thường xuyên là nạn nhân của vô vàn định kiến nhằm vào người Bắc Triều Tiên vốn đã tiêm nhiễm trong suốt những thập niên mà hai bên quay lưng lại với nhau.
Rất ít người Hàn Quốc hiểu rõ về Bắc Triều Tiên; do vậy, nhiều người đào tẩu rất sửng sốt khi thấy họ ít quân tâm. Người Hàn Quốc có khuynh hướng đánh giá thấp hoặc bỏ qua những khác biệt văn hóa giữa hai miền và tự cho rằng mọi gánh nặng điều chỉnh và đồng hóa đều thuộc về phía những người đào tẩu.
Người Bắc Triều Tiên nói chung áp dụng nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho hội nhập văn hóa; người nước ngoài dù chỉ nói được vài từ tiếng Hàn là sẽ được tán dương liên tục và được ngợi khen nói tiếng Hàn thành thạo; còn người Bắc Triều Tiên thiểu số lớn lên ở nước ngoài lập tức bị chế nhạo nếu họ không nói giống người bản xứ.
Báo chí thường rất tiêu cực khi đưa tin về người đào tẩu. Chẳng hạn, một tờ báo chạy tít “Ngày càng nhiều người đào tẩu sống dựa vào tội ác“, ám chỉ các hành động phạm pháp của người đào tẩu và quả quyết rằng “tội phạm của người đào tẩu ngày càng lan rộng và nghiêm trọng“. Tuy thế, bài báo không đưa ra một bằng chứng nào để chứng minh.
Các nhân viên xã hội cho biết, người đào tẩu thường bị cho là những người hàng xóm hay to tiếng, thích chè chén và gây sự. Phụ nữ thường phải chịu ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần từ nạn tấn công tình dục và buộc phải bán dâm khi hành trình tới Hàn Quốc. Trẻ nhỏ Bắc Triều Tiên thì khác biệt rất rõ so với trẻ ở Hàn Quốc bởi vì nhiều em bị còi do thiếu đói.
“Những đứa trẻ này thường phải vật lộn để phát triển các mối quan hệ cá nhân ở Hàn Quốc. Bên cạnh những khó khăn chung về thích nghi với xã hội Hàn Quốc, các em thường tỏ ra lo âu sau những trải nghiệm ở Bắc Triều Tiên, không chắc chắn về tương lai của mình và băn khoăn về việc quá khứ sẽ trở thành một phần bản sắc của họ như thế nào“.
Người dịch: Trúc An
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
-Nguồn: Triều Tiên và cuộc khủng hoảng sắp tới