Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Trung Quốc 'sa mạc hoá' nguyên liệu: Nguy và cơ

-Trung Quốc 'sa mạc hoá' nguyên liệu: Nguy và cơ (VEF)
(VEF.VN) - Khi Trung Quốc vào thu mua nông sản ồ ạt, các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam mới tá hoả rằng, họ đang bị phá giá, bị chèn ép, thậm chí bị Trung Quốc sa mạc hoá nguyên liệu. Thế nhưng khi hỏi đến trách nhiệm xã hội của họ đối với nông dân thì ai cũng lảng tránh.

Chủ nhật vừa rồi, có việc về xứ Nghệ thăm phụ huynh, tôi cho xe chạy qua mấy xã đồng rừng hy vọng tìm lại cảm giác thời thơ ấu lên rừng đốn củi vào những vụ giáp hạt. Con đường liên huyện chạy qua các xã bán sơn địa nay không còn gập ghềnh đầy ổ gà như trước, thay vào đó là đường nhựa phẳng phiu. Hai bên đường, những cánh rừng đại ngàn cũng không còn, thay vào đó là những đồi sắn bạt ngàn cung cấp cho thị trường Trung Quốc.
Dừng xe hỏi thăm những người dân được biết, gần đây, thương lái Trung Quốc thu mua nhiều nên cây sắn được giá, trồng sắn thu nhập còn cao hơn trồng lúa. Điều này giải thích vì sao, những diện tích đất rừng thu hẹp từng ngày, nhường chỗ cho cây sắn chỉ vì sự hấp dẫn của lợi nhuận trước mắt.
Bỏ ngỏ thị trường khổng lồ
Thực ra thì chuyện thương lái xứ Tàu thu mua nông lâm sản Việt Nam không chỉ diễn ra ở quê tôi mà gần như là phổ biến ở mọi ngõ ngách của các chốn thâm sơn cùng cốc nước Việt. Từ đô thị tới nông thôn, từ Nam chí bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, thương lái Trung Quốc đều không quản ngại đường xa khó nhọc, đâu đâu cũng bắt gặp họ. Những ông nói tiếng Việt lơ lớ, thi thoảng lại "hảo hảo", "xia xia nỉ" đích thân là thương lái Tàu rồi. Họ thu gom đủ mọi thứ, từ gỗ quý như Trắc, Sưa, Mun, nông sản có sắn lát, vải thiều, cao su, thịt lợn... Thuỷ hải sản có mực, cá đông lạnh, tôm... Thứ gì xứ ta có, họ thu mua thứ ấy.

Hệ thống phân phối nông sản Việt Nam đang bị phá vỡ bởi thương nhân Trung Quốc (ảnh minh họa)
Trước sự thâm nhập ồ ạt của thương lái Trung Quốc, có người hoài nghi rằng, phải chăng, đằng sau sự có mặt của họ có động cơ khác ngoài kinh tế? Người viết bài này không muốn bàn sâu về chủ đề ngoài chuyện thị trường.
Đã nhiều lần đi Trung Quốc, làm việc với các thương lái người Hoa, có thể thấy, Trung Quốc là thị trường khổng lồ. Là nước lớn, sau hơn 30 năm cải cách mở cửa, với tốc độ phát triển kinh tế hàng năm hai con số, có thể nói, người Trung Quốc ngày nay đang có của ăn của để.
Đầu năm nay, họ chính thức vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Với dân số 1,3 tỷ người, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 3.000 USD/năm, có thể nói, Trung Quốc đang là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất thế giới.
Nói về Trung Quốc, một nhà báo Mỹ có nhận xét khá hóm: Đó là xứ đói ăn và khát dầu, thiếu năng lượng, lệ thuộc vào thị trường bên ngoài. Câu này chưa hẳn chính xác nhưng đã phản ánh khá sinh động hiện trạng của Trung Quốc. Một điều lạ là, nằm cạnh thị trường lớn như vậy, nhưng ở xứ ta, dường như chưa có một công trình nghiên cứu nào bài bản về thị trường ấy và chưa có chiến lược nào cho việc thâm nhập thị trường tiềm năng này.
Điều này giải thích vì sao, khi Việt Nam là xứ đông dân, đói việc nhưng chỉ có lác đác vài người sang Trung Quốc tìm kiếm thị trường, thay vào đó là người Tàu ồ ạt sang Việt Nam, có mặt ở khắp mọi ngõ ngách của đất nước, vào tận chuồng heo của bà con nông dân xứ ta để gom hàng, lên tận những vùng núi xa xôi để đặt nông dân sản xuất nông sản cho họ.
Rủi ro từ thương mại... chợ trời
Theo thống kê của Bộ Công Thương, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc năm 2010 đạt 27 tỷ USD, con số này của năm 2011 có thể đạt 30 tỷ USD. Việt Nam xuất sang Trung Quốc xấp xỉ 10 tỷ USD, số còn lại là Việt Nam nhập từ quốc gia láng giềng này. Trong số đó, khoảng 70% là thông qua đường chính ngạch, số còn lại là qua con đường tiểu ngạch.
Hiện tại, buôn bán tiểu ngạch giữa hai nước ước đạt khoảng 30% trong tổng kim ngạch và con số này đang có xu hướng tăng nhanh. Đặc biệt, với hàng nông sản, quan hệ thương mại tiểu ngạch đang chiếm tỷ trọng lớn.
TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia kinh tế cao cấp, Viện nghiên cứu Thương mại cho rằng: Nông sản là mặt hàng liên quan chặt chẽ với nông nghiệp và nông thôn. Nơi đó có 70% dân số sinh sống. Thương mại tiểu ngạch có ưu điểm là linh hoạt, được giá nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Việc mua bán thông qua thương lái thường nóng lạnh như thị trường. Trong quá khứ đã có không ít lần hàng đoàn xe tải chở dưa hấu của Việt Nam bị ách ở cửa khẩu Tân Thanh hay Móng Cái, chỉ vì những lý do lãng xẹt: Trung Quốc tạm dừng nhập để kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nông sản, đặc biệt là hoa quả tươi là thứ không bảo quản được lâu, khi bị ách chỉ có cách là bán tháo, thậm chí cho không, theo đó là nhiều chủ vựa bị phá sản.
Một rủi ro thứ hai, khi thương lái bên Tàu thu mua được giá, kéo theo đó, nông dân đổ xô sản xuất mặt hàng ấy. Khi họ ngừng thu mua, hàng hoá ế, nông dân lỗ ê chề mà không biết kêu ai. Trường hợp vải thiều ở Lục Ngạn trong vụ này có phần từ nguyên nhân đó.
Rủi ro thứ ba là, sự thâm nhập quá sâu của thương lái Trung Quốc, nguồn nguyên liệu Việt Nam bị thu gom đến cạn kiệt, gây khó khăn cho các cơ sở chế biến. Một số cơ sở chế biến thực phẩm của nước ta bị đói nguyên liệu, máy móc đắp chiếu dẫn đến thua lỗ có nguy cơ từ sự vơ vét của thương lái Trung Quốc.
Tính đến nay, Việt Nam đã có 5 năm là thành viên của WTO, theo nguyên tắc của tổ chức này, quan hệ thương mại song phương hay đa phương đều phải dựa trên nguyên tắc minh bạch và đúng luật. Thương mại tiểu ngạch là thứ mà gần như không bị điều chỉnh bởi các chế tài của WTO. Khi có tranh chấp xẩy ra sẽ không có ai đứng ra dàn xếp hay bảo vệ lợi ích cho các bên tham gia. Đây được coi là rủi ro lớn nhất mà chúng ta phải tính tới khi làm ăn buôn bán với Trung Quốc theo kiểu... chợ trời.
"Setup" lại hệ thống thương mại
Hiện tượng thương lái Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam vơ vét nông sản ít nhiều đã làm xáo trộn xã hội. TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ở cạnh một nước lớn như Trung Quốc, bên cạnh nguy cơ là cơ hội. Hàng hoá, nông sản làm ra có người mua là hạnh phúc rồi. Nông sản được giá đang làm thay đổi đời sống của một bộ phận nông dân.
Vấn đề còn lại là phải tổ chức thị trường có bài bản để đảm bảo lợi ích lâu dài cho người sản xuất, hạn chế rủi ro trước những diễn biến xấu.
Sau nhiều năm công nghiệp hoá, nhưng hiện tại Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp liên quan trực tiếp tới đời sống của gần 60 triệu dân, nhưng có thể nói chúng ta chưa có hệ thống thương mại được tổ chức một cách bài bản. Khi Trung Quốc vào thu mua nông sản ồ ạt, các doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam mới tá hoả ra rằng, họ đang bị phá giá, đang bị chèn ép, thậm chí đang bị Trung Quốc sa mạc hoá nguyên liệu. Thế nhưng khi hỏi đến trách nhiệm xã hội của họ đối với nông dân thì ai cũng lảng tránh.
Rằng các DN Việt Nam đã làm gì để tổ chức vùng nguyên liệu và hệ thống thu mua bài bản, làm gì để đảm bảo lợi ích cho bà con nông dân một cách bền vững? Nếu họ làm được điều đó thì chắc chắn rằng, nông dân không vì lợi ích trước mắt để đến với thương lái Trung Quốc.
Rồi nữa, về mặt quản lý nhà nước, các thương lái hồn nhiên vào Việt Nam một cách ồ ạt bằng hộ chiếu du lịch, đến với từng người dân, làm giá, đặt hàng, thu gom, trả tiền mặt, còn thương lái Việt Nam lại bỏ trống sân nhà.
Ông Nam cho rằng, cần phải thể chế hoá hiện tượng này. Chúng ta không có ý định ngăn cấm thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhưng cần phải có các chế tài quản lý. Không thể để họ vào Việt Nam làm ăn, buôn bán bằng hộ chiếu du lịch mà không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Việc kinh doanh phải gắn liền với các nghĩa vụ tài chính với nước sở tại, chúng ta chưa đề cập tới chuyện đó.
Như đã nói ở phần đầu, chỉ vì Trung Quốc thu mua sắn với giá cao mà một diện tích rừng không nhỏ đã biến mất nhường chỗ cho cây sắn. Nông dân thường bị hấp dẫn bởi lợi ích trước mắt, vài trò của nhà nước là phải chỉ cho họ thấy lợi ích lâu dài. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là không được bỏ rơi nông dân và ban hành cách chính sách hợp lòng dân.
Thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom nông sản, bên cạnh những nguy cơ, là những cơ hội lớn khi Nhà nước biết hoàn thiện hệ thống quản lý.

-Thương lái Trung Quốc tận thu rùa, dắt, sắn (18/07 VEF)
Được các thương lái mua hàng với giá cao để xuất sang Trung Quốc, người dân Phú Yên đã đổ xô đi khai thác triệt để các loài thủy sản và trồng sắn

Sau Tết Nguyên đán, người dân Phú Yên rộ lên phong trào săn rùa nước để bán  cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Lúc cao điểm, 1 kg rùa đẹp có giá đến 20 triệu đồng đã khiến hàng trăm người bỏ ruộng đồng đến các huyện miền núi như Sơn Hòa, Sông Hinh bắt rùa.
Nhà nhà làm... thợ săn rùa
Thợ săn rùa Lê Ngọc Quang (ngụ xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) cho chúng tôi theo chân vào tận xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) để bẫy rùa. Anh thắc mắc: "Không biết họ mua để làm gì mà giá cao như vậy? Ở đây có người trúng cả trăm triệu đồng nhờ săn rùa". Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến những cái tên được cho là trúng hàng trăm triệu đồng nhờ săn rùa như Hai Tuấn, Tư Trung... thì được biết đó chỉ là tin đồn. "Làm gì có. Đúng là trước đây rùa sống rất nhiều ở vùng sình lầy của các huyện miền núi nhưng khi giá còn rẻ, vài trăm ngàn đồng/kg, người ta đã đổ xô đi bắt hết rồi. Giờ giá cao, còn rùa nữa đâu mà bắt". Ông Phạm Ngọc Hoàng (ngụ thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh), người được đồn trúng đậm nhờ săn rùa, cho biết.
Chị Nguyễn Thị Bích Phương (ngụ thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp, huyện Tuy An - Phú Yên) cùng hai con cào dắt trên đầm Ô Loan
Một đầu nậu mua bán rùa ở phường Phú Lâm - TP Tuy Hòa cho biết sau khi thu mua từ các nơi về, rùa được đóng thùng rất kỹ và vận chuyển ra Hà Nội để bán lại cho một tư thương, sau đó được xuất lậu sang Trung Quốc. Giống rùa đang săn bắt ở Phú Yên thuộc nhóm IIB, ghi trong Sách đỏ IUCN (năm 2005) cấp CR (cực kỳ nguy cấp). Năm 2006, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 32 về bảo vệ các loài động vật hoang dã tại Việt Nam, trong đó rùa Trung Bộ nằm trong danh sách những loài động vật được bảo vệ, cấm mua bán, trao đổi hay tiêu thụ. Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết người dân chẳng cần biết điều đó, miễn có giá cao là họ đổ xô đi săn.
Bỏ ruộng, bỏ rẫy
Không chỉ săn rùa, hơn một tháng nay, hàng trăm người dân ở xã An Hiệp, huyện Tuy An cũng đua nhau xuống đầm Ô Loan để cào dắt (một loại nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sống ở nước lợ). Trước đây, loài đặc sản này có giá thấp, chỉ 4.000 đồng/kg, được người dân mua về làm mắm hoặc thức ăn cho tôm hùm nhưng từ khi có thương lái về mua xuất sang Trung Quốc, giá dắt liên tục được đội lên, từ 15.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg và hiện nay là 25.000 đồng/kg. Người dân ở một số thôn bán sơn địa như Mỹ Phú 2, Tuy Dương cũng bỏ ruộng, bỏ rẫy đi cào dắt. "Một ngày, ba mẹ con tôi cào được hơn 7 kg, bán được gần 180.000 đồng, làm nông làm sao bằng" - chị Nguyễn Thị Bích Phương (35 tuổi, ngụ thôn Mỹ Phú 2) cho biết. Những ngày cao điểm, chỉ riêng ở xã An Hiệp đã có cả tấn dắt được thương lái thu gom và dùng xe đông lạnh chở ra Bắc để xuất sang Trung Quốc.
Người dân ở đây không cần biết các thương lái mua dắt xuất sang Trung Quốc để làm gì, cứ mua giá cao là họ đổ xô đi cào. Với việc ồ ạt cào dắt như hiện nay, không chỉ làm loài đặc sản này "sạch bóng" ở đầm Ô Loan mà còn gây nguy cơ hủy diệt hàng loạt loài thủy sản khác như sò huyết, hàu, tôm, cua xanh...
Phá vỡ quy hoạch cây trồng
Việc tranh mua sắn khô giữa các tư thương với sắn tươi ở các nhà máy sắn của tỉnh Phú Yên đã từng diễn ra nhưng chưa bao giờ quyết liệt như năm nay. Đầu vụ, khi các nhà máy sắn Đồng Xuân, Sông Hinh đưa ra giá 1.800 đồng/kg sắn tươi 30 chữ bột thì các thương lái liền đưa ra giá mua sắn lát khô là 4.000 đồng/kg, buộc các nhà máy phải nâng giá lên 2.200 đồng/kg. Ngay sau đó, thương lái mua giá sắn khô 5.200 đồng/kg, các nhà máy sắn chỉ đưa giá lên 2.500 đồng/kg thì dừng lại vì không cạnh tranh nổi.
Ông Huỳnh Văn Đồng, Giám đốc Nhà máy sắn Đồng Xuân, than thở: "Chưa năm nào nhà máy phải kết thúc vụ sản xuất sớm như năm nay, chỉ mới giữa tháng 5 đã phải đóng máy vì không còn nguyên liệu. Mỗi khi có tàu vào cảng Quy Nhơn chuẩn bị nhập sắn lát khô xuất sang Trung Quốc là chúng tôi lo lắng vì thương lái cạnh tranh không lành mạnh". Với vùng nguyên liệu quy hoạch cho nhà máy trên 5.000 ha sắn, trong khi công suất nhà máy chỉ 285 tấn/ngày, ông Đồng dự kiến phải đến ngày 15-6 mới kết thúc vụ sản xuất nhưng đã phải đóng máy trước một tháng. Với tư thương, không chịu chi phí đầu tư ban đầu nên sẵn sàng mua giá cao hơn nhà máy. Trong khi đó, mặc dù đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm với nhà máy nhưng người trồng sắn sẵn sàng xắt lát phơi khô bán cho tư thương để có lợi hơn. Bà Sô H'Điêu  (ngụ buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi, huyện Sơn Hòa) năm nay trồng hơn 3 ha sắn, mặc dù đã ký hợp đồng với Nhà máy sắn Đồng Xuân nhưng chỉ bán cho nhà máy 1 ha, còn lại bà thuê người xắt lát phơi khô, bán cho tư thương. "Người dân làm ra sản phẩm khổ lắm, ai mua giá cao thì bán thôi" - bà Sô H'Điêu nói.
Sắn xắt lát phơi khô được các thương lái mua xuất sang Trung Quốc với giá cao đã kích thích người dân ồ ạt trồng sắn. Nhiều diện tích mè, đỗ, bắp ở các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên đã được chuyển sang trồng loại nông sản này. "Điều lo lắng nhất là cây sắn đang phá vỡ quy hoạch cây trồng của huyện. Nếu sang năm rớt giá thì người dân phải nhổ sắn bỏ như những năm trước, khi đó không tránh khỏi thiếu đói" - ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết.
Xóa sổ hơn 66 ha rừng tự nhiên
Hiện diện tích sắn toàn tỉnh Phú Yên đã lên trên 14.000 ha, trong khi quy hoạch của tỉnh cho loại cây trồng này không vượt quá 7.000 ha.
Theo số liệu của ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, có trên 200 vụ phá rừng trồng sắn với hơn 66 ha rừng tự nhiên bị xóa sổ. "Tình trạng phá rừng tự nhiên, rừng trồng cây lâm nghiệp để trồng sắn đang diễn ra phức tạp ở các vùng rừng rộng lớn trên địa bàn huyện chúng tôi" - ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết.
Kỳ tới: Thuê đất trồng khoai
Theo NLĐ

- KHI THƯƠNG LÁI TRUNG QUỐC GOM HÀNG: Thuê đất trồng khoai (NLĐ).

Nhiều thương lái Trung Quốc đã sang vùng nguyên liệu khoai lang lớn nhất ĐBSCL là hai huyện Bình Minh, Bình Tân - tỉnh Vĩnh Long để thu mua và thuê đất trồng loại nông sản này

Ông Nguyễn Văn Tập, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân - Vĩnh Long, cho biết diện tích đất trồng khoai lang tại huyện trong những năm qua tăng đáng kể. Từ 4.000ha ban đầu, đến nay đã tăng gần 5.500 ha. Trong đó, có đến 80% diện tích trồng khoai lang tím Nhật, còn lại là khoai lang trắng sữa, khoai lang nghệ…
 
Phần lớn khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân – Vĩnh Long đều phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Mua trực tiếp hoặc qua “cò”

Nhiều gia đình phất lên nhờ trồng khoai lang với thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/vụ. Loại khoai lang tím Nhật rất được ưa chuộng tại thị trường Singapore, Malaysia nhưng xuất khẩu mạnh nhất là sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Theo ông Ngô Văn Hải, Phó Chủ nhiệm HTX Khoai lang Tân Thành (xã Tân Thành, huyện Bình Tân), thương lái Trung Quốc không mua khoai lang qua HTX mà cho người xuống tận ruộng mua trực tiếp trong dân, sau đó làm sạch, đóng gói hoặc vô bao rồi xuất về nước. “Vào mùa thu hoạch khoai lang, trung bình một ngày có từ 5-7 xe tải loại 30 tấn vào nhiều ấp trong xã thu mua” – ông Hải cho biết.

Còn tại vùng khoai lang huyện Bình Minh – Vĩnh Long, chính quyền địa phương cho biết năm nay, số lượng thương nhân Trung Quốc thuê kho tập kết khoai đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tại đây còn xuất hiện tình trạng người Trung Quốc “núp bóng” nhiều “cò” để thuê đất của dân trồng khoai lang. Bà Phạm Thị Diệu, cán bộ nông nghiệp xã Thuận An, huyện Bình Minh, cho biết toàn xã có gần 130 ha trồng khoai lang nhưng một nửa diện tích là cho người khác thuê, chủ yếu là người Trung Quốc. “Họ không lộ diện mà đầu tư vốn cho dân địa phương hoặc người từ nơi khác đến thuê” – bà Diệu nói. Đa số người dân địa phương đều ngạc nhiên khi bà Lê Thị Đẹp (ấp Thuận Tiến C, xã Thuận An) đứng ra thuê 50 ha đất để trồng khoai lang. Bà Đẹp lý giải: “Thấy khoai lang 2 năm nay có giá nên tôi thuê diện tích lớn để trồng”. Mỗi hecta trồng khoai lang có chi phí từ 130-150 triệu đồng, trong khi bà Đẹp thuê đến 50 ha thì theo nhiều người, nông dân địa phương làm sao có vốn mà đầu tư như thế. Nhiều người cho rằng bà Đẹp được người Trung Quốc thuê đứng ra mướn đất cho họ.
Tại ấp Thuận Phú B, xã Thuận An, nhiều gia đình trồng lúa lời không bao nhiêu nên đã chuyển sang cho thuê đất. Ông L.V.T nói: “Nhà có 5 công đất, mỗi năm trồng lúa chỉ thu lợi khoảng 3 triệu đồng/công, lại tốn thêm công chăm sóc nhưng khi cho thuê đất trồng khoai, tôi kiếm lời khoảng 5 triệu đồng/công”.
Nguy cơ bị thao túng, phụ thuộc

Ông Thái Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bình Minh, khẳng định: “Không có chuyện người Trung Quốc trực tiếp thuê đất nhưng theo điều tra của chúng tôi, đầu năm nay, có một người ở Đồng Nai xuống xã Thuận An thuê 25 ha để trồng khoai lang. Người này là “cò” của thương nhân Trung Quốc”.
 
Theo ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, thương lái Trung Quốc “núp bóng” dân bản xứ thuê tại huyện Bình Minh khoảng 60 ha đất và mướn nhân công trồng khoai lang theo kỹ thuật của họ. “Chúng tôi đã chỉ đạo Sở NN-PTNT rà soát lại việc này, sau đó báo cáo UBND tỉnh để có kế hoạch cụ thể giúp nông dân không bị thua thiệt” – ông Diệp nói.

Ông Ngô Văn Hải lo ngại: “Khi có diện tích đất lớn, thương lái Trung Quốc sẽ thao túng cả vùng nguyên liệu trồng khoai lang. Nhiều nông dân thấy trồng khoai thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ nên sẵn sàng chuyển đất trồng lúa sang trồng khoai, gây xáo trộn sản xuất. Hơn nữa, số sản lượng khoai lang tím Nhật phụ thuộc rất lớn vào thị trường này, nếu thương lái Trung Quốc ngưng xuất một vài tháng thì nông dân sẽ trắng tay”.

Theo bà Huỳnh Thị Diện, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, hội đã chỉ đạo các cấp ở địa phương khảo sát xem nông dân cho thuê đất với mục đích gì, có ai xúi giục hay không…? Từ đó, hội sẽ đưa ra khuyến cáo cho bà con.
 
Rớt giá thê thảm

Khoai lang tím Nhật đang rớt giá thê thảm, vào khoảng 450.000-460.000 đồng/tạ (60 kg), thấp hơn 370.000-380.000 đồng/tạ so với 2 tuần trước. Ông Lê Duy Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Bình Tân, giải thích: “Khoai rớt giá do phía Trung Quốc kén hàng, họ không chịu thu mua loại củ dài hơn 10 cm”.

Trong khi đó, những loại khoai lang được đánh giá ngon hơn khoai lang tím Nhật lại đang có giá thấp hơn như: khoai lang sữa 130.000 đồng/tạ, khoai lang bí đường khoảng 260.000 đồng/tạ, khoai lang trắng 300.000 đồng/tạ… Vì vậy, khoai lang tím Nhật sẽ rất khó tiếp cận với thị trường nội địa.

Kỳ tới: Rủi ro thủy sản, cao su
Bài và ảnh: Ca Linh

Tổng số lượt xem trang