Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Vạch trần những "lời kêu gọi"

--Vạch trần những "lời kêu gọi"

QĐND - Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 chính là câu trả lời đanh thép của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Âm mưu kích động lật đổ bằng "lá phiếu" không thành, thời gian gần đây, một số phần tử lại rêu rao kêu gọi: “Cần đấu tranh để đưa những người ngoài đảng vào Quốc hội khóa sau, chống lại cơ chế "Đảng cử, dân bầu". Quốc hội là của toàn dân, Đảng chỉ có 4 triệu đảng viên, tại sao lại “chiếm đa số” để kiểm soát Quốc hội”.

Để bóc trần những ẩn ý đằng sau lời kêu gọi “đưa thêm người ngoài đảng vào Quốc hội”, chúng tôi xin so sánh bằng thực tế bầu cử ở Mỹ - nơi mà những người “kêu gọi” thường coi như “thiên đường về tự do, dân chủ” - nơi mà các cuộc bầu cử luôn có sự tham gia của rất nhiều đảng phái và cả những người không thuộc đảng phái nào ở Mỹ. Lịch sử Thượng nghị viện và Hạ nghị viện nước Mỹ hàng trăm năm qua chỉ là sự luân phiên kiểm soát của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thực tế là có quá ít, quá hiếm những người đứng ngoài hai đảng trên trúng cử vào cơ quan quyền lực ở nước Mỹ, nhất là các vị trí then chốt trong chính quyền. Chính hai đảng này là người định ra “luật”, khi cần thì "bắt tay nhau" thiết kế các quy tắc bầu cử để bảo vệ sự độc quyền của hai đảng và chèn ép mọi con đường phát triển của các đảng phái chính trị khác cũng như những người muốn tham gia vào cơ quan quyền lực bằng tư cách ứng viên độc lập “ngoài đảng”. Chẳng hạn, pháp luật nước Mỹ quy định: Người ứng cử vào cơ quan quyền lực phải có lượng tài sản đủ lớn làm vật bảo đảm. Vậy quy định này liệu có là "cơ hội" để những người nghèo và tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn trong xã hội Mỹ được tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất ở nước Mỹ hay không? Hơn nữa, dù là Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa nắm giữ quyền kiểm soát quốc hội thì họ vẫn “nhất nguyên về chính trị”, đó là trung thành với chủ nghĩa tư bản và các thể chế chính trị tư sản, ủng hộ mưu đồ “lãnh đạo toàn cầu” của Mỹ, phá hoại chủ nghĩa xã hội và xét đến cùng, họ đều là những đại diện trung thành cho các thế lực tư bản độc quyền.

Thực tế trên thế giới hiện nay cho thấy, không chỉ ở Mỹ mà ở mọi quốc gia, đảng cầm quyền luôn là đảng có đảng viên chiếm số đông trong quốc hội. Thậm chí, có rất nhiều quốc gia mặc dù thực hiện đa đảng nhưng chỉ có một đảng cầm quyền và đảng đó giành độc quyền kiểm soát quốc hội. Ở những quốc gia đa đảng này, một thực tế ai cũng nhận thấy là trước mỗi kỳ bầu cử quốc hội, các đảng đối lập chỉ ra sức phản đối đảng cầm quyền, chỉ trích cả những thành tựu của đảng cầm quyền, thậm chí bất chấp cả quyền lợi dân tộc và người dân. Hệ quả của sự đấu đá quyền lực đó, nhiều khi vì lợi ích cục bộ của từng đảng mà lợi ích và nguyện vọng chính đáng của cử tri, của nhân dân, của dân tộc... bị chính những người đứng đầu mỗi đảng phái bỏ qua.

Như vậy đã rõ, Đảng Cộng sản Việt Nam, trong quá trình vận động khách quan của lịch sử dân tộc được nhân dân tin tưởng trao quyền lãnh đạo đất nước, có số đảng viên chiếm số đông trong quốc hội là một lẽ thường tình. Điều quan trọng nhất là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp vừa qua diễn ra đúng luật, khách quan, dân chủ, công khai được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Những người không trúng cử đều vui vẻ thừa nhận kết quả bầu cử bởi đó thực sự là ý chí và nguyện vọng của cử tri. Những người trúng cử thì nhận thấy rõ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước Quốc hội và nhân dân. Kết quả bầu cử còn chứng tỏ một điều, mặc dù vẫn tồn tại không ít hạn chế, yếu kém nhưng Đảng và các đảng viên của Đảng vẫn nhận được sự tín nhiệm của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam; thể hiện sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong suy nghĩ và hành động của mỗi người dân Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là với tỷ lệ đảng viên cao trong Quốc hội, phải làm thế nào để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất trong xã hội, thực sự là quốc hội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thực tiễn hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là Quốc hội khóa XII vừa qua chính là một câu trả lời. Sự lãnh đạo của Đảng và vai trò của các đại biểu Quốc hội là đảng viên đã làm cho Quốc hội thể hiện đầy đủ hơn vai trò của mình trước đất nước và nhân dân. Trước những vấn đề quan trọng của đất nước, ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là nội dung tham khảo quan trọng, kênh thông tin rất có giá trị để các đại biểu trao đổi, thảo luận đóng góp ý kiến và quyết định trước khi biểu quyết.

 Điều này cho thấy: Bộ Chính trị, Ban Bí thư không “quyết” thay Quốc hội. Thực tế, đã có những quyết định của Quốc hội khác với quyết nghị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đó là minh chứng hùng hồn cho vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước; đồng thời càng chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng và thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ rất nghiêm túc, chặt chẽ. Để xây dựng đường lối lãnh đạo đất nước sát đúng, Đảng ta chủ trương phát huy trí tuệ của toàn dân tộc, các đại biểu Quốc hội và mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội đều có quyền tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng. Từ xưa đến nay, chỉ có các đảng cầm quyền áp đặt ý chí của mình đối với quốc hội, chứ chưa có nước nào quốc hội có thể tham gia và tham gia rất hiệu quả vào việc xây dựng đường lối lãnh đạo của đảng cầm quyền. Thực tế đó ở Việt Nam chứng tỏ, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng là cơ sở để phát huy vai trò của Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất; đồng thời, thông qua hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động của Chính phủ - cơ quan chấp hành của Quốc hội mà mọi chủ trương, đường lối của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, trở thành hiện thực sinh động cho quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Chúng ta không phủ nhận rằng, ở Việt Nam, vẫn chưa khắc phục triệt để tình trạng dân chủ hình thức và hoạt động của Quốc hội, của HĐND các cấp vẫn còn phải tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Tuy nhiên, những tồn tại và yếu kém hiện nay không bắt nguồn từ nguyên nhân tỷ lệ đảng viên chiếm số đông trong Quốc hội và HĐND các cấp. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định bài học kinh nghiệm: “Bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”. Nhấn mạnh và khẳng định bài học "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", cũng có nghĩa là Đảng đã nhìn nhận ra được những hạn chế, yếu kém và kiên quyết khắc phục; sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình vì quyền lực và lợi ích của người dân lao động, vì một nền dân chủ rộng rãi cho mọi người. Mọi luận điệu “kêu gọi” xuyên tạc về nền dân chủ ở Việt Nam, xuyên tạc vai trò của Quốc hội sẽ bị chính người dân Việt Nam loại bỏ.


HỒNG HẢI

Tin liên quan:

  “Nếu biết Việt Nam trước chiến tranh, tôi chắc chắn sẽ đi theo cách mạng” QĐND - Ông An-đrê Xau-va-giốt (Andre Sauvageot), cựu đại tá quân đội Mỹ, hiện là Giám đốc phát triển kinh doanh Việt-Mỹ của Tập đoàn Tư vấn Maventus tại Việt Nam, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân đã nói rằng, nếu như ông biết Việt Nam trước khi tham gia cuộc chiến tranh, ông chắc chắn sẽ đi theo cách mạng...

Tổng số lượt xem trang