Bộ GTVT và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đùn đẩy trách nhiệm sửa chữa những tuyến đường mà đoàn xe vận chuyển bauxite đi qua
Trong khảo sát của mình, Bộ GTVT cho rằng tuyến đường vận chuyển than và alumin đi qua nhiều khu vực tập trung dân cư và một số tuyến đường có lưu lượng phương tiện vận tải tham gia khá cao.
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) phối hợp với các địa phương đề xuất nâng cấp, cải tạo một số tuyến đường.
Trách nhiệm thuộc TKV?
Bộ GTVT cho rằng trên các tuyến đường vận chuyển bauxite có nhiều công trình cầu, đường với nhiều loại kết cấu, tải trọng, bề rộng khác nhau; một số tuyến đường quá tải, hư hỏng nhiều.
Trong khi yêu cầu vận chuyển than, alumin và một số loại nguyên vật liệu khác phục vụ sản xuất của nhà máy bằng thiết bị chuyên chở là tổ hợp xe đầu kéo và thiết bị sơ mi rơ-moóc (40 tấn) buộc các công trình cầu phải được gia cường chịu được tải trọng H30-XB80, HL93.
Bên cạnh đó, căn cứ tình trạng đường, lưu lượng hiện tại và lưu lượng của phương tiện vận chuyển của dự án xây dựng, khai thác mỏ, (đặc biệt là khi các đoạn tuyến nhập cả hai phương án tuyến xây dựng, khai thác hai mỏ Nhân Cơ và Tân Rai) phải thiết kế tăng cường kết cấu áo đường cho phù hợp.
Quốc lộ 20 nối Lâm Đồng - Đồng Nai đang xuống cấp, sắp tới phải “gánh” thêm đoàn xe tải chở bauxite mỗi ngày. Ảnh: THI HOÀNG
Ngoài ra, việc khai thác mỏ Tân Rai - Lâm Đồng (giai đoạn chưa có cảng Kê Gà) triển khai trước dự án khai thác mỏ Nhân Cơ - Đắk Nông (dự kiến tháng 10-2012) nên trước mắt tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến Tỉnh lộ 725, Quốc lộ 20, Tỉnh lộ 769 và Quốc lộ 51 để bảo đảm vận chuyển hàng hóa từ Tân Rai đi cảng Gò Dầu (Đồng Nai) và ngược lại.
Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (thuộc Bộ GTVT) cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo TKV cấp kinh phí để sửa chữa những tuyến đường phục vụ việc vận chuyển bauxite. “Việc các tuyến đường phục vụ phát triển công nghiệp nhôm chậm được sửa chữa, nâng cấp và có thể gây nguy cơ mất an toàn giao thông khi dự án đi vào hoạt động thuộc trách nhiệm của TKV” - vị này cho biết.
“Đoàn xe của TKV không thể gây hỏng đường”(?!)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 12-7, ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc TKV, cho biết đến nay, TKV chưa nhận được văn bản nào của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải bỏ tiền làm tất cả các con đường đó.
Ông Hòa cho biết TKV đã có ý kiến và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ GTVT chịu trách nhiệm lập dự án, nguồn vốn về việc sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường, cây cầu yếu trên tuyến đường vận chuyển bauxite. “Chúng tôi có thể tạm ứng vốn để sửa chữa, nâng cấp đường nhưng chưa có tính toán cụ thể gì thì chưa thể tạm ứng được. Đường xây dựng bao nhiêu năm nay rồi, cũng hư hỏng rồi, giờ không thể yêu cầu TKV phải sửa chữa” - ông Hòa nói.
Theo tính toán của TKV, mỗi ngày sẽ có khoảng 400 chuyến xe (chiếm khoảng 2% số lượng xe chạy trên đường) phục vụ vận chuyển, sản xuất các nguyên vật liệu phát triển ngành nhôm.
Các xe này đều được đăng kiểm và bảo đảm tiêu chuẩn về trọng tải cầu, đường theo đúng quy định. Bên cạnh đó, theo ông Hòa các dòng xe của TKV vẫn phải đóng phí, mua vé cầu đường nên cũng cần được đối xử như đối với các phương tiện vận tải khác.
“Nguyện vọng nâng cấp đường để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng là hoàn toàn đúng nhưng thời điểm, làm như thế nào còn phụ thuộc vào đơn vị quản lý trực tiếp là Bộ GTVT. Chúng tôi không thể nhảy vào nâng cấp tài sản của người khác quản lý khi chưa được phép và có tính toán cụ thể” - ông Hòa nói.
Nước đã đến chân! Theo tính toán của Ban Quản lý dự án tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng, mỗi năm, Nhà máy Alumin Tân Rai sản xuất không dưới 650.000 tấn alumin và có khoảng 600.000 tấn vật tư được vận chuyển đến nhà máy phục vụ cho sản xuất. Để đưa khối lượng sản phẩm alumin này về cảng Gò Dầu và đưa vật tư vào nhà máy phục vụ sản xuất, tính bình quân cứ 3 – 5 phút sẽ có một chuyến xe có trọng tải lớn đi từ nhà máy về cảng Gò Dầu và ngược lại. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đây là tuyến đường dân sinh mà theo số liệu của Sở GTVT Lâm Đồng là mỗi ngày có cả ngàn lượt xe lưu hành. Theo Sở GTVT Lâm Đồng, nếu tuyến đường 725 không được nâng cấp thì chắc chắn khi vận chuyển bauxite sẽ gây nhiều hệ lụy như tai nạn giao thông gia tăng, cảnh “nắng bụi mưa bùn”… Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Để chữa cháy, Sở GTVT Lâm Đồng hiện đang lập phương án xây dựng một tuyến đường hoàn toàn mới dọc theo Tỉnh lộ 725 từ nhà máy alumin đến Quốc lộ 20 dài 24 km có tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ”. Tuy nhiên, theo ông Hiệp nếu dự án được duyệt thì phải mất 2 năm mới có đường mới. Thi Hoàng |
THẾ KHA – THẾ DŨNG
-Lơ chuyện làm đường chở bauxite(Dân Việt) - Phương án giao thông cho nhu cầu vận chuyển sản phẩm và vật tư của Nhà máy sản xuất alumin Tân Rai ở Lâm Đồng của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản VN (TKV) trong những năm qua đã bị “ngó lơ”.
Đến bây giờ, khi các địa phương kêu ca thì vấn đề mới được đặt ra.
Nát bươm vì bauxite
Theo tính toán của Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng, mỗi năm, Nhà máy alumin Tân Rai sản xuất không dưới 650.000 tấn alumin và có khoảng 600.000 tấn vật tư được vận chuyển đến nhà máy phục vụ cho sản xuất.
Để đưa khối lượng sản phẩm alumin này về cảng Gò Dầu và đưa vật tư vào nhà máy phục vụ sản xuất, tính bình quân, cứ 3 - 5 phút sẽ có một chuyến xe có trọng tải lớn (trên dưới 30 tấn) đi từ nhà máy nằm ở huyện Bảo Lâm theo Tỉnh lộ 725 ra QL 20 (Đà Lạt - TP.HCM), rồi qua đèo Bảo Lộc xuôi về Dầu Giây để đến cảng Gò Dầu (Đồng Nai).
Quốc lộ 20, đoạn Lâm Đồng – Đồng Nai xuống cấp đang là áp lực của Nhà máy sản xuất alumin trong khâu vận chuyển. |
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, đây là tuyến đường dân sinh mà theo số liệu của Sở GTVT Lâm Đồng là mỗi ngày có cả ngàn lượt xe lưu hành. “Suốt từ ngày triển khai dự án sản xuất alumin đến nay, TKV chưa một lần bàn bạc với cơ quan quản lý nhà nước về giao thông của tỉnh Lâm Đồng trong việc vận chuyển alumin và vật tư phục vụ sản xuất alumin của nhà máy” – ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng khẳng định.
Cũng theo ông Hiệp, tuyến giao thông 725 (tỉnh lộ) từ Nhà máy sản xuất alumin Tân Rai (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) qua địa bàn TP.Bảo Lộc đến Quốc lộ 20 xuôi ngã ba Dầu Giây để về điểm tập kết cảng Gò Dầu (Đồng Nai) dài hơn 200km hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, nhất là tuyến Tỉnh lộ 725.
Theo Ban Quản lý Dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng, tính đến đầu tháng 7 này, nhà máy đã vận chuyển trên 20.000 tấn nguyên liệu đến nhà máy để phục vụ cho việc sản xuất alumin. Nếu không có gì thay đổi ngay trong tháng 7 này, việc vận chuyển alumin từ nhà máy sẽ bắt đầu tiến hành với khối lượng mỗi năm theo thiết kế là 650.000 tấn.
Lãnh đạo hai địa phương Bảo Lâm và Bảo Lộc phàn nàn: Nếu tuyến đường dân sinh 725 không được nâng cấp chắc chắn khi vận chuyển alumin, không chỉ tỉnh lộ này nát bươm mà rất nhiều hệ lụy khác càng gia tăng như tai nạn giao thông…
Chữa cháy
“Với mật độ khá dày – từ vài phút có một chuyến xe có trọng tải trên dưới 30 tấn đi qua, tuyến đường 725 từ Bảo Lâm ra Quốc lộ 20 không tài nào đủ sức để “gánh” nổi. Tương tự, Quốc lộ 20 trong tương lai gần cũng sẽ phải oằn mình chống đỡ không chỉ hàng ngàn chuyến xe dân sinh mà cả vài trăm chuyến xe chở alumin mỗi ngày” - ông Hiệp bức xúc.
Theo thông tin mới đây nhất, Sở GTVT Lâm Đồng đang lập phương án xây dựng một tuyến đường hoàn toàn mới dọc theo Tỉnh lộ 725 từ Nhà máy alumin Tân Rai đến Quốc lộ 20 dài 24km. Công trình này có tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.
Có điều lạ là trong suốt mấy năm triển khai dự án, TKV tỏ ra phớt lờ chuyện nâng cấp các tuyến giao thông hiện có để tạm thời vận chuyển sản phẩm và nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Trả lời câu hỏi, mãi đến bây giờ mới lập dự án thì đến lúc nào con đường vận chuyển alumin này sẽ hoàn thành, ông Hiệp nói: “Sớm nhất cũng phải mất đến 2 năm!”.
“Vậy, trong 2 năm thi công tuyến đường mới, dưới góc độ giao thông, Sở sẽ làm gì khi những mẻ alumin của Nhà máy alumin Tân Rai chính thức được ra lò và buộc phải được vận chuyển trên các tuyến đường hiện có của Lâm Đồng?”.
Ông Trương Hữu Hiệp nói: “Cùng với việc xây dựng tuyến đường mới song song với tuyến 725, trước mắt chúng tôi đang lập kế hoạch nâng cấp Tỉnh lộ 725. Dù vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để chờ tuyến giao thông chuyên dụng từ mỏ Tân Rai đi Kê Gà (Bình Thuận) được khởi công”.
Xem ra, sự bài bản, quy củ trên lĩnh vực giao thông trong quá trình hình thành và triển khai Dự án bauxite nhôm Lâm Đồng vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Võ Khắc Dũng