Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bao giờ công khai ca khúc được phép phổ biến?


Nhiều năm qua, nhà sản xuất, công ty tổ chức biểu diễn lẫn nghệ sĩ đã đề nghị cơ quan quản lý thành lập trang web cập nhật danh mục các ca khúc được phép phổ biến nhưng đến nay website này vẫn chưa có, gây phiền toái cho nghệ sĩ và nhà tổ chức chương trình.
Cùng một ca khúc, lúc cho lúc không

Các công ty tổ chức biểu diễn “điên đầu” về việc những ca khúc sáng tác trước 1975 được hay không được phép phổ biến tại Việt Nam. Trường hợp ca khúc được cấp phép cách đây đã lâu, thình lình không thể biểu diễn cũng không phải hiếm. Đơn cử, nhà tổ chức chương trình Bước chân miền Trung (diễn ra vào 16.7 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM) đang đau đầu khi ca khúc Hội trùng dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương không được Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (NT-BD) cho phép sử dụng trong chương trình này dù trước đó năm 2001, ca sĩ Ánh Tuyết đã trình bày ca khúc này trong album Hội trùng dương do Hãng phim Trẻ sản xuất và phát hành, rồi biểu diễn trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 21 (tháng 1.2010) và chương trình Con đường âm nhạc (tháng 6.2011). Bà Lương Minh Hồng - Giám đốc Công ty giải trí Tiếng Hát Việt bày tỏ: “Tôi chẳng hiểu vì sao bài Hội trùng dương bị cấm hát trong chương trình Bước chân miền Trung. Cục NT-BD chưa có trang tin về danh mục ca khúc được cấp phép nên những nhà tổ chức như chúng tôi chẳng biết đâu mà lần. Mỗi khi làm chương trình phải đi xin phép lại từ đầu”.

 
Ca sĩ Đức Tuấn, Ánh Tuyết và Anh Khoa trình bày ca khúc ''Hội trùng dương'' trong chương trình ''DDVN 21'' - Ảnh: Đ.T 
Tiêu chí để đánh giá và thẩm định một ca khúc của nhạc sĩ miền Nam trước 1975 và nhạc sĩ Việt ở hải ngoại sau 1975 được cấp phép vẫn chưa công khai (dư luận chỉ biết chung chung rằng ca khúc tâm lý chiến, ca ngợi lính cộng hòa trước đây không được phép phổ biến).
Sự thông thoáng hơn trong lĩnh vực văn hóa của nhà quản lý đã kéo theo hàng loạt ca khúc nói trên nhận giấy phép phổ biến thời gian gần đây. Nhưng kèm theo đó là sự không rõ ràng về thông tin khiến dư luận bức xúc. Đại diện Sở VH-TT-DL TP.HCM phân trần: “Nhiều ca khúc sáng tác tại miền Nam trước 1975 được Cục NT-BD cấp phép nhưng không cập nhật với Sở nên khi đơn vị tổ chức xin giấy phép biểu diễn, chúng tôi không thể cấp do thiếu thông tin. Việc này dễ bị hiểu lầm là chúng tôi “nhũng nhiễu”. Nếu Cục NT-BD đã cấp phép phổ biến ca khúc nào rồi cập nhật lên trang tin điện tử thì quá dễ dàng cho bộ phận quản lý văn hóa lẫn người tổ chức, sản xuất và nghệ sĩ”.
Bao giờ trang tin của Cục Nghệ thuật - Biểu diễn ra đời?
Quá nhiều nguyên nhân được các nhà quản lý nêu ra nhưng trang tin này vẫn chưa được thực hiện dù đã lên kế hoạch từ năm 2008 khiến những nhà sản xuất băng đĩa nhạc, công ty tổ chức, ca sĩ gặp không ít khó khăn.
Điều nghịch lý là trong khi các chương trình ca nhạc lớn được quản lý chặt việc cấp phép biểu diễn các ca khúc do những nhạc sĩ miền Nam sáng tác trước năm 1975 hay nhạc sĩ Việt ở hải ngoại sáng tác sau 1975, thì đa số phòng trà lại thoải mái để ca sĩ hát nhiều bài chưa được (hay không được) cấp phép.
Nhà sản xuất băng đĩa cũng nhọc nhằn khi “đụng” đến thủ tục xin cấp phép phổ biến ca khúc thuộc thể loại đã nói ở trên. Cục NT-BD chỉ cấp phép từng trường hợp cụ thể nên nhiều hãng sản xuất băng đĩa, công ty tổ chức biểu diễn không biết ca khúc nào được phép phổ biến vì vậy khi thực hiện họ buộc phải làm thủ tục xin cấp phép từ đầu, với cả những ca khúc từng được cấp phép cho đơn vị khác.
Có ý kiến cho rằng Cục NT-BD nên lập danh mục các ca khúc bị cấm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà tổ chức, nhà sản xuất. Tuy nhiên, đến nay đề nghị này vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm.
Trả lời câu hỏi bao giờ có trang tin của Cục NT-BD, trong đó cập nhật danh mục ca khúc được phép phổ biến (tính đến nay khoảng hơn 1.100 bài), Cục trưởng Cục NT-BD thuộc Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho biết: “Nhiều đơn vị tổ chức, nhà sản xuất băng đĩa và cả nghệ sĩ mong trang tin này ra đời. Tôi đang cho chỉnh sửa, cập nhật và thiết kế lại, độ 1 hay 2 tháng nữa thì có thể vận hành”.

“Sở VH-TT-DL TP.HCM chỉ cấp phép tổ chức biểu diễn hay sản xuất băng đĩa nhạc sau khi có quyết định cho phép phổ biến các ca khúc sáng tác trước 1975 ở miền Nam. Nếu cần thiết, Sở VH-TT-DL TP.HCM sẵn sàng cung cấp dữ liệu để Cục thực hiện trang tin cập nhật danh mục các ca khúc được phép phổ biến này”.

Ông Võ Trọng Nam - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM
“Khi một đơn vị xin cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975 và được Cục NT-BD chấp thuận thì các đơn vị khác không biết nên phải làm thủ tục từ đầu. Hiện quy định khi xin phép tổ chức biểu diễn hay sản xuất băng đĩa phải nộp danh mục ca khúc và văn bản ca khúc (gồm ca từ và nốt nhạc kèm theo) với những ca khúc cách mạng, truyền thống hay do các ca sĩ trong nước sáng tác sau 1975, theo tôi chỉ làm phức tạp hóa thủ tục giấy tờ”.

Bà Phan Mộng Thúy - Phó tổng giám đốc Công ty văn hóa Phương Nam
Những nhà quản lý văn hóa phải tích cực hơn nữa trong việc cấp phép phổ biến các ca khúc sáng tác ở miền Nam trước 1975. Nếu không, sẽ bào mòn lòng nhiệt tình của nghệ sĩ, vô tình làm mất đi kho tàng âm nhạc Việt Nam, gây thiệt thòi lớn cho khán giả. Ngoài giải trí, âm nhạc còn ghi lại lịch sử của dân tộc. Nhiều bài hát đang trở thành thảm họa âm nhạc vẫn được lưu hành trong khi các ca khúc rất hay trước năm 1975 gặp khó khăn trong kiểm duyệt.

Ca sĩ Ánh Tuyết
Đỗ Tuấn

Nguồn: TNO
-----------------------------

Chưa ai xử quảng cáo phản cảm
(Dân Việt) - Xử lý sai phạm trong quảng cáo vẫn là một hành trình vòng vèo. Rất nhiều vụ việc bị phát giác là quảng cáo gian dối, vi phạm Luật Cạnh tranh vẫn chưa được làm dứt điểm, nói gì đến quảng cáo gây phản cảm.
Bất bình đẳng giới
Một nhóm cán bộ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cùng Tổ chức Oxfam (Anh) đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 36 phim quảng cáo phát sóng trên VTV từ tháng 9.2010 đến tháng 1.2011 rồi đưa ra kết luận: Có rất nhiều phim quảng cáo tại VN thiếu nhạy cảm về bình đẳng giới.
 
Với những sản phẩm liên quan đến gia đình như nước lau sàn, nước rửa bát, nồi cơm điện, gia vị, thực phẩm, máy giặt, tủ lạnh… thì hầu hết các nhân vật chính trong clip quảng cáo này là phụ nữ. Họ vẽ ra hình ảnh những người phụ nữ liên tục chăm sóc con cái, nấu ăn trong bếp, chọn hàng trong siêu thị, lau rửa nhà vệ sinh, giặt giũ quần áo… Trong khi đó, hình ảnh người đàn ông thì nam tính hơn với các loại nước uống, xe máy, xe hơi, điện thoại di động, TV… và phạm vi bối cảnh thì ở văn phòng, trung tâm nghiên cứu, những địa điểm mua sắm lớn.
Các quảng cáo được phát liên tục trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng sẽ vô tình gửi đi một thông điệp méo mó: Đã là phụ nữ thì suốt ngày phải lo việc nội trợ phục vụ gia đình, hầu chồng chiều con; còn đã là đàn ông thì mạnh mẽ, sáng tạo và thành đạt.
Kết luận này nhận được sự đồng cảm của rất nhiều chị em phụ nữ. Khán giả Đỗ Bích Liên ở Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Đoạn phim quảng cáo bột nêm Maggi 3 ngọt làm chị em phụ nữ chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Phim kể một người đàn ông đang đắm đuối ngắm “phở” xong rồi sực nhớ ra “cơm” đang nấu canh ở nhà nên đành dứt áo ra về.
Việc ngoại tình hay không ngoại tình không phải do người đàn ông mà là do người phụ nữ không biết nấu nướng, có nghĩa là nếu phụ nữ chúng tôi không nấu được nồi canh ngon thì chồng sẽ có bồ hay sao? Mà gọi chúng tôi là “phở” với “cơm” cũng là một sự miệt thị phụ nữ, con trai tôi 5 tuổi đã học theo quảng cáo và hỏi tôi: “Mẹ là phở hay cơm?”.
Chỉ mới “nhắc nhở”
Tại VN, sau rất nhiều lần họp bàn lấy ý kiến đóng góp, Dự thảo Luật Quảng cáo vẫn còn gây thắc mắc cho nhiều người về sự chung chung, chưa rõ ràng trong quy chế xử phạt.
Cụ thể, tại điều 10.3 của Dự thảo Luật có quy định cấm các hành vi “Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam”; nhưng thực tiễn cho thấy, những clip quảng cáo vi phạm điều cấm này vẫn lên sóng đều đều, bộ phận kiểm duyệt là các đài truyền hình hầu như không phát hiện ra cho đến khi được khán giả lên tiếng “nhắc nhở” mới biết.
Cụ thể trong trường hợp của quảng cáo máy lọc nước Kangaroo, sau khi khán giả bức xúc lên tiếng, đại diện của VTV mới thừa nhận việc phát sóng liên tục clip này gây phản cảm, sẽ điều chỉnh. Hay trường hợp clip quảng cáo dầu gội Rejoice bị cho là “nàng dâu vô lễ với mẹ chồng”. Bà Lan Hương- Giám đốc Trung tâm Quảng cáo của Đài Truyền hình VN cho biết, hiện nay nhà sản xuất đã được yêu cầu dừng phát sóng để sửa lỗi.
Trường hợp vi phạm điều 10.6 về cấm so sánh chất lượng trong Dự thảo Luật Quảng cáo của clip mì Tiến Vua “tố” các hãng mì khác sử dụng phẩm màu hóa học độc hại, hay hàng loạt quảng cáo vi phạm điều 10.4 “công bố sai sự thật về chất lượng hàng hóa” của vô số sản phẩm trên nhiều kênh TVshopping đã bị phát hiện, nhưng cho đến giờ người tiêu dùng vẫn chẳng biết mình sẽ được giải thích, bồi thường như thế nào.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cho biết: “Với những trường hợp quảng cáo phản cảm trên truyền hình, khi Cục Quản lý phát thanh truyền hình – Bộ Thông tin - Truyền thông có công văn “nhắc nhở” thì các đài dừng phát sóng ngay, có nhiều trường hợp đã được xử lý như vậy. Còn từ trước tới giờ, ở VN chưa có trường hợp quảng cáo phản cảm nào bị xử phạt cả”.
Vấn đề đặt ra là liệu khán giả có thể tin tưởng vào sự thẩm định của các đài truyền hình khi quyết định phát sóng các clip quảng cáo hay chưa? Luật sư Lê Quốc Hưng ở Văn phòng luật Lê Quốc tại Hà Nội cho biết: “Tại Pháp, những hành vi quảng cáo sai sự thật bị phạt tới hàng triệu đô la. Tại Áo, có một hội đồng thẩm định độc lập trước khi clip, hình ảnh quảng cáo được phát tới người tiêu dùng. Chính vì vậy mà những quảng cáo “vô duyên, phản cảm” sẽ bị cho vào danh sách cấm.
Còn ở Việt Nam, trách nhiệm thẩm định phim quảng cáo hoàn toàn thuộc về các đài truyền hình, giống như “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
 
 

Tổng số lượt xem trang