Thứ Năm, 18 tháng 8, 2011

1 Anh hùng Lao động, 10 tỷ đồng và bao nhiêu sự trớ trêu ?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát băn khoăn: “Đây là lý do mà người ta đã đưa ra xử đi xử lại Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương: trong thời gian làm giám đốc đã “lập quỹ trái phép” 10 tỷ đồng! 10 tỷ đồng để đánh sập danh dự của 2 người anh hùng ở nông trường Sông Hậu là quá rẻ đối với một đất nước. 10 tỷ đồng để làm cho một nữ giám đốc đầy niềm say mê xưa nay trở nên xơ xác, phờ phạc đau khổ vì nhân tình thế thái, sau khi đã cống hiến cả cuộc đời mình gây dựng nên sự phồn vinh của nông trường Sông Hậu như ngày nay, cũng là một điều đáng để cho ta suy nghĩ. Xin hỏi: Nông trường Sông Hậu là đơn vị độc lập, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Vậy, việc lập quĩ đời sống liệu có là một tội nặng đến thế?”

1 ANH HÙNG LAO ĐỘNG, 10 TỶ ĐỒNG VÀ BAO NHIÊU SỰ TRỚ TRÊU?

NGUYỄN THỊ HỐNG NGÁT

Mấy năm nay dù có nhiều việc cuốn đi, nhưng bên lòng tôi vẫn canh cánh để ý đến vụ án mà người ta mang ra xử đi xử lai về chị Ba Sương (Trần Ngọc Sương), giám đốc nông trường Sông Hậu nổi tiếng ngày nào. Chị là người từng được phong Anh hùng lao động. Và tôi cũng không quên ông cụ thân sinh ra chị, bác Năm Hoằng – giám đốc trước đây của nông trường lừng lẫy này. Cả hai cha con chị, tôi đều vinh dự đã được gặp.

Chúng ta chắc chưa quên vào cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nông trường Sông Hậu nổi lên như một điểm sáng tuyệt vời về cách làm ăn mới, nó là biểu tượng sống động, minh chứng sống động “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” ( thơ Hoàng Trung Thông). Rất nhiều báo chí đã đưa tin, viết bài, phỏng vấn, mời bác Năm Hoằng ra Hà Nội để Trung Ương gặp gỡ. Và bác đã đi “chân đất” ( vì bác không quen mang giày dép) đến nhiều hội nghị nói chuyện, truyền bá kinh nghiệm vì sao từ một cánh đồng sình lầy hoang vu trở thành mảnh đất trù phú, người dân no ấm và nhà cửa khang trang, cánh đồng phì nhiêu, chăn nuôi phát triển đến như vậy, vì sao nhà trẻ, trường học, bệnh xá chăm sóc đời sống cho nông trường viên chu đáo và tận tình làm vậy!

Đến nông trường sông Hậu ngày ấy có cảm giác như chúng ta sắp thành công CNXH đến nơi- và CNCS dường như cũng đang ngấp nghé phía trước mặt. Tôi cũng có chung những cảm giác này bởi vì tôi cũng đã đến nông trường sông Hậu những ngày đó. Thậm chí sau chuyến đi còn thu hoạch nhanh được 1 bài phóng sự gửi đăng trên báo Văn Nghệ của Hội nhà văn VN mà tôi hiện vẫn còn lưu giữ và 1 kịch bản phim tài liệu, nhà văn Nguyễn Hồ khi ấy là GĐ hãng phim truyền hình TPHCM đã “mua” luôn và cho làm phim ngay. Còn có không biết bao nhiêu bài báo, bài thơ ca ngợi nông trường Sông Hậu nữa. Mọi người đều thấy danh hiệu Anh hùng Lao động tặng cho nông trường Sông Hậu, cho bác Năm Hoằng, cho chị Ba Sương là hoàn toàn xứng đáng. Bởi cả hai cha con họ đều đã cống hiến tất cả sức lực, tất cả cuộc đời mình cho sự lớn mạnh của nông trường Sông Hậu. Chị Ba Sương cho đến nay vẫn là chị Ba không lấy chồng sinh con . Lụi cụi tuổi già một mình. Vậy mà tại sao, vì lý do gì chị Ba Sương sau khi nghỉ hưu bỗng vướng vào vòng lao lý?

Làm sao trả lại vẻ đẹp nữ Anh hùng Lao động nức danh một thời?

Và đây là lý do mà người ta đã đưa ra xử đi xử lại Anh hùng Lao động Ba Sương: trong thời gian làm giám đốc đã “lập quỹ trái phép” 10 tỷ đồng!

 10 tỷ đồng để đánh sập danh dự của 2 người anh hùng ở nông trường Sông Hậu là quá rẻ đối với một đất nước. 10 tỷ đồng để làm cho một nữ giám đốc đầy niềm say mê xưa nay trở nên xơ xác, phờ phạc đau khổ vì nhân tình thế thái, sau khi đã cống hiến cả cuộc đời mình gây dựng nên sự phồn vinh của nông trường Sông Hậu như ngày nay, cũng là một điều đáng để cho ta suy nghĩ .

Xin hỏi: Nông trường Sông Hậu là đơn vị độc lập, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Vậy, việc lập quĩ đời sống liệu có là một tội nặng đến thế? Tôi đã đọc những con số mà quĩ này đã chi do luật sư của chị Ba Sương đưa ra, thấy trong đó có những mục như: hỗ trợ nhà cho người có công với cách mạng, hỗ trợ lương cho những trường hợp vợ đau con yếu, chi phí cho lãnh đạo đi công tác ở trong nước và nước ngoài, chi phí đón tiếp khách đến thăm quan, học hỏi v..v. Và bản thân Ba Sương ( trước khi nghỉ, trước khi bị truy tố đã nộp vào quỹ này số tiền 1tỷ rưỡi)

Những con số này, những khoản mục chi này có nói lên điều gì không?
Nếu biết rằng mình sẽ bị truy tố vì những khoản mục này, thử hỏi giám đốc nông trường Sông Hậu ngày ấy có dám mở lòng ra đón tiếp cơ man là các đoàn trong cả nước đến với mình không? Không chỉ cho ăn, ở, đãi đằng chu đáo còn quà tặng lúc thì bằng sản phẩm lúc thì cái phong bì dăm ba trăm khi khách ra về. Tôi tin là đoàn nào cũng có, vì tính cách cha con chị Ba Sương cũng là tính cách điển hình của người Nam Bộ vốn rộng rãi và tình cảm.
Nếu biết rằng mình sẽ bị truy tố về những chuyến đi công tác chi phí tốn kém để tìm mối bán sản phẩm của nông trường, thì chị Ba Sương chắc chỉ ngồi ru rú ở nhà cho yên thân. Và như thế, chị đâu phải là chị Ba Sương nữa.
Nếu biết rằng việc hỗ trợ tiền nhà cho người có công với cách mạng,cho người tàn tật và hưu trí mà bị truy tố thì chắc chị Ba Sương cũng sẽ không làm. Và, nếu biết rằng... Còn rất nhiều điều nếu biết rằng như thế nữa trong cuộc sống của chúng ta, nếu chẻ hoe ra thì chẳng cơ quan, chẳng doanh nghiệp nào lại không vướng phải.

Ví như một chuyện nhỏ thôi, khách đến họp, chi 50 nghìn thù lao chả bõ công đi của khách, chả đủ tiền xăng xe, muốn chi 100, 200 cho đỡ bỉ mặt chủ nhà, thì lại phải tìm cách sao cho hợp lý chứng từ...Tài chính chỗ này nhiêu khê nhưng chỗ khác nó lại khác... Nó khác như thế nào ai chả biết. Bao nhiêu lãng phí, bao nhiêu đầu tư kém hiệu quả ở nơi này nơi khác thì chả thấy sao.

Một điều cần lưu ý là nếu chị Ba Sương thức thời hơn, biết nhanh chóng chuyển đổi cơ ngơi nông trường sông Hậu từ một doanh nghiệp Nhà nước thành một doanh nghiệp cổ phần hóa thì với quyền tự chủ tài chính 100% liệu còn ai có thể bắt bẻ chị về những khoản chi cho nội bộ?

Và tôi cũng hy vọng, như luật sư của chị đề nghị, rằng người ta rồi sẽ nghĩ lại, bên cạnh chữ lý còn có chữ tình. Người ta rồi sẽ phải chuyển vụ việc này sang xử lý hành chính thôi, chị ạ. Được vậy hương hồn bác Năm Hoằng cũng được an ủi phần nào, và cả chị cũng sẽ nhẹ nhõm hơn, vui hơn khi sống với phần đời còn lại của mình.

Vì thế, chị Ba Sương ơi, chuyện đời nhiều nỗi... Nhưng mọi người vẫn chưa quên đâu những lần chị ra Hà Nội, VTV truyền hình trực tiếp hình ảnh chị súng sính trong bộ áo dài gấm thêu rồng màu đỏ chạy lên sân khấu để người ta quàng hoa vào cổ, người ta trao chị bằng công nhận chị là Anh hùng Lao động. Gương mặt chị mới rạng rỡ làm sao!

Chị Ba ơi, gắng lên, chị nhé. Và hãy tin rằng, cuộc sống vẫn còn nhiều điều tốt đẹp.

17.8.2011

-Nguồn: 1 Anh hùng Lao động, 10 tỷ đồng và bao nhiêu sự trớ trêu ?

 

Ý kiến của bạn về việc lập quỹ của bà Trần Ngọc Sương

Tổng số lượt xem trang