Em Gabriel (giữa) chụp hình với các bạn và tấm hình của em chụp trước đây, là tấm hình cha mẹ nuôi em đang giữ bên Mỹ cùng hy vọng có ngày sum họp với em. Ðể áp lực Bộ Ngoại Giao đặt áp lực lên Việt Nam giải quyết cho các em đoàn tụ, nhiều thượng nghị sĩ liên bang thay phiên nhau chặn đứng việc bổ nhiệm ông David Shear làm đại sứ tại Hà Nội. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Vũ Quí Hạo Nhiên & Trần Tiến Dũng/Người Việt
BẠC LIÊU (NV) - Em bé trong cô nhi viện ở Bạc Liêu giơ tay ra nhận quà từ người khách xa lạ. Một hộp sữa, một gói bánh, cây kẹo. Các bạn em cũng mỗi em một phần quà. Người khách còn mang theo 3 tấm hình của 3 em trong số này. Mỗi em tò mò nhìn hình của chính mình, chụp 2-3 năm trước.
Ba tấm hình đó là một phần của mối dây liên kết giữa các em với cha mẹ nuôi bên kia quả địa cầu. Cha mẹ em đang mong các em được qua Mỹ, để các em được yêu thương, được chăm sóc, được nằm trong vòng tay gia đình.
Các em chắc không biết các em đã có tên Mỹ: Em Nate, em Lincoln, em Gabriel.
Và các em chắc không biết là chính vì các em chưa được đi Mỹ, nên vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam bị kẹt 8 tháng không được đi Hà Nội.
Chạy đua cùng ‘hiệp ước’
Ở tiểu bang Indiana có 3 gia đình đang chờ các em, là các cặp vợ chồng Nick và Lori LeRoy; John và Courtney Cowley; và Chris và Marla Laystrom.
Ðầu năm 2007, hai vợ chồng Chris và Marla Laystrom tìm đến một dịch vụ tìm con nuôi. Họ điền đơn, được giao cho một sấp tài liệu để học về cách nuôi con nuôi đến từ ngoại quốc. Tới tháng 3 năm 2007, họ làm xong giấy tờ và cũng học xong khóa học, thì hồ sơ được chuyển qua Việt Nam vào tháng 7, 2007.
Từ trái: Nick và Lori LeRoy, với hình của Nate; Courtney và John Cowley, với hình Lincoln; và Chris và Marla Laystrom, cầm hình Gabriel họp mặt trong nhà của ông bà LeRoy tại Indianapolis hồi tháng 7. Có tới 16 gia đình Mỹ đang chờ con nuôi từ Bạc Liêu qua đoàn tụ. (Hình: AP Photo/The Indianapolis Star, Charlie Nye)
Marla cho báo Người Việt biết, ngay từ lúc đó, “Chúng tôi đã biết là hiệp ước song phương về con nuôi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sắp hết hạn vào tháng 9 năm 2008 và chúng tôi rất sợ là sẽ không được giới thiệu con nuôi trước thời điểm đó.”
Ngày mà hai vợ chồng Chris và Marla Laystrom được tin họ sẽ có con nuôi, là ngày 1 tháng 8 năm 2008. Tới bây giờ Marla vẫn nhớ ngày đó. “Chúng tôi được tin chúng tôi được ghép với một em bé trai rất dễ thương đẹp đẽ, 6 tháng tuổi.”
“Lần đầu tiên thấy hình em bé, tim tôi như vỡ ra,” Marla kể lại. “Chúng tôi yêu cháu và từ lúc đó trở đi, cháu là con chúng tôi.”
Chris và Marla đặt tên cho em là Gabriel.
Với Nick và Lori LeRoy cũng vậy. Lori kể, hai vợ chồng làm đơn xin con nuôi, đơn xin không đòi hỏi gì cả, không đòi phải sắc tộc nào, thậm chí dù được phép ghi giới tính, cô cũng để trống luôn, trai gái gì cũng tốt hết.
“Tôi chưa bao giờ có con, nhưng ngày đầu tiên nhìn thấy hình bé Nate, tôi thấy quá hạnh phúc. Tôi nghĩ trong đời tôi đó là giây phút gần nhất với việc sinh ra một em bé và nhìn thấy con mình lần đầu tiên,” Lori nói với Người Việt.
Hai vợ chồng John và Courtney Cowley cũng không đòi hỏi giới tính. “Chúng tôi ghi trong đơn là muốn một bé trai hay gái gì cũng được, tuổi từ 0 tới 24 tháng.”
Khi được tin được ghép với em bé - mà hai vợ chồng đặt tên là Lincoln - họ xây một phòng em bé, trang hoàng cho trẻ sơ sinh, có giường em bé, có nôi, có đồ chơi cho bé mới sinh.
Tất cả những công sức bỏ vào căn phòng đó, nay đã phải thay hết. “Giường của cháu đổi từ nôi sang giường cho em bé lớn hơn, đồ chơi cũng thay đồ chơi đúng tuổi với cháu hơn,” Courtney cho báo Người Việt biết.
Trong lúc thủ tục xin con nuôi còn đang tiến hành, thì hiệp ước song phương giữa Mỹ và Việt Nam chấm dứt mà không được gia hạn. Lo ngại có nhiều trường hợp gian lận hoặc bán con, Mỹ không cho nhận con nuôi từ Việt Nam cho tới khi Việt Nam tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế, qua công ước Hague, một công ước quốc tế về việc xin con nuôi đa quốc gia, với những tiêu chuẩn để bảo vệ quyền lợi trẻ em cũng như của hai bên gia đình.
Việt Nam ký công ước Hague vào tháng 12 năm 2010. Mỹ vẫn còn muốn bảo đảm Việt Nam thực thi những điều đã ký.
Nhưng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ sẵn sàng cho các em Gabriel, Nate, Lincoln và 13 em khác ở Bạc Liêu, tổng cộng 16 em, được vào Mỹ, vì hồ sơ các em đã xong trước khi hiệp ước song phương hết hạn. Người ta gọi trường hợp các em này là “pipeline cases” - những hồ sơ nằm sẵn trong đường ống rồi.
Vậy mà, tới giờ, 3 năm trôi qua, từ em bé sơ sinh các em đã tập tễnh biết đứng biết đi, nhưng vẫn chưa được về với cha mẹ nuôi.
Và David Shear, đại sứ tân cử của Mỹ tại Việt Nam, đã phải trả giá cho sự chậm trễ đó.
Trại mồ côi giữa đồng ruộng
Cộng tác viên báo Người Việt được người thân ở Mỹ nhờ tới thăm cô nhi viện ở Bạc Liêu, đã tới gặp các em Gabriel, Nate, Lincoln, mang theo hình các em và quà cho trẻ trong trung tâm này. Cô nhi viện là một cơ sở của nhà nước, thuộc Trung Tâm Bảo Trợ Xã Hội tỉnh Bạc Liêu.
Trung tâm nằm xa xôi, cách thị xã Bạc Liêu tới 30km. Không nằm trên đường quốc lộ, mà cô nhi viện nằm bên một con đường nhỏ với những cánh đồng xanh mướt trong mùa mưa miền Nam. Ngay cả dân chạy taxi cũng không biết chỗ này ở đâu. May là có một tài xế “đã một lần đưa một Việt kiều Úc đến đây, nếu không thật khó mà biết tìm” chỗ này, dù có đầy đủ địa chỉ.
Trong trung tâm này, ngoài các em bé mồ côi, còn có những người già neo đơn cũng được nuôi tại đây. Khác với nhiều cô nhi viện khác, trung tâm này ít được các nhà hảo tâm ghé thăm, giúp đỡ. Một thân hữu đoán, “Thường thì ở Việt Nam có lòng nghi kỵ các trung tâm xã hội do nhà nước bảo trợ, nên số phận người bất hạnh ở đó không được nhiều nhà hảo tâm tư nhân ghé thăm như ở chùa, nhà thờ.”
Ông giám đốc Lê Văn Duẫn ra tiếp, ân cần. Nhờ ba tấm hình, nhân viên văn phòng tìm được ba em nhỏ. Chỉ mới đây thôi, mà các em đã lớn phổng lên hẳn so với hình mà cha mẹ nuôi các em có.
Em Gabriel lớn hơn, nghịch hơn. Nate ăn to, nói lớn, nhưng sún hết hàng răng cửa. Mẹ em, Lori LeRoy, buồn bã, “Rất buồn là răng cháu bị hư mất rồi.” Còn Lincoln, thì bớt nhút nhát, em năng động hơn xưa.
Tuy nằm sâu trong đồng ruộng, và chuyến thăm không được báo trước, nhưng khu nhà vừa là trường học vừa là nhà ở của các cháu, vẫn vệ sinh, ngăn nắp. Các cháu đều khỏe mạnh và lễ phép.
Kẹt luôn ông Ðại Sứ
Sau khi hiệp ước song phương về con nuôi hết hạn và Việt Nam ký công ước Hague, luật lệ và thủ tục tại Việt Nam phải thay đổi để phù hợp với công ước này. Giấy tờ của các em phải làm lại từ đầu. Một số em trong 16 trẻ tại Bạc Liêu ghi sai tên cha mẹ đẻ, phải chỉnh sửa lại. Ðiều này cũng làm xong rồi. Phía Mỹ đã chấp thuận cho các em vào, và sở di trú CIS đã cấp giấy cho các em nhập cảnh.
Bây giờ, theo lời Luật Sư Kelly Ensslin đại diện gia đình LeRoy cho báo Indianapolis Star biết, đến phiên phía Việt Nam phải duyệt giấy tờ, và chuyện này “không thuộc phần ưu tiên của chính quyền địa phương Bạc Liêu”.
Lincoln (trái) và Nate (phải) trong cô nhi viện ở Việt Nam, mỗi em cầm tấm hình của mình cách đây 1-2 năm. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Họ tìm đến tòa đại sứ Việt Nam ở Washington nhờ giúp đỡ. “Tòa đại sứ Việt Nam giúp ích rất nhiều,” Lori nói - nhưng giấy tờ chưa có vẫn hoàn chưa có.
Luật Sư Ensslin cho rằng, chỉ cần Ngoại Trưởng Hillary Clinton gọi cho thủ tướng Việt Nam một tiếng, là giấy tờ sẽ được duyệt ngay. Nhưng Mỹ không muốn làm vậy. Báo Indianapolis Star trích lời một nhân viên ngoại giao cao cấp, nói Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không muốn tạo áp lực quá lớn lên Việt Nam trong khi nước này đang cải tổ thủ tục về con nuôi. Viên chức này cho rằng họ không thể “bảo nước khác làm thế này thế nọ”.
Ðể đặt áp lực lên chính phủ Mỹ, Thượng Nghị Sĩ Richard Lugar chặn đứng quá trình phê chuẩn cho đại sứ tân cử David Shear. Ðại diện cho tiểu bang Indiana từ 34 năm nay, Lugar là một thượng nghị sĩ thâm niên, trưởng khối Cộng Hòa trong Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, từng ứng cử tổng thống. Ông được Lori LeRoy miêu tả là “người ủng hộ chúng tôi mạnh mẽ nhất”.
Thượng Nghị Sĩ Lugar đặt một cái gọi là “hold” lên việc phê chuẩn Ðại Sứ Shear: Một đại sứ được tổng thống bổ nhiệm, phải qua Thượng Viện phê chuẩn mới được nhậm chức. Nội quy Thượng Viện Hoa Kỳ cho phép bất kỳ một thượng nghị sĩ nào cũng có quyền đặt “hold” lên bất kỳ một chức vụ nào ,và tự động việc phê chuẩn cho chức vụ đó bị chặn lại, không được cứu xét.
Sau Thượng Nghị Sĩ Lugar, tới Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio, đại diện tiểu bang Florida, tiếp tục “hold”. Người cuối cùng đặt “hold” lên đại sứ tân cử David Shear là Thượng Nghị Sĩ Mary Landrieu của Louisiana.
Bị “hold,” ông Shear chỉ biết ngồi chờ. Nhưng không chỉ có ông Shear chờ. Cha mẹ nuôi 16 em bé mồ côi ở Bạc Liêu cũng phải chờ. Không phải lỗi ông Shear, không phải lỗi các bậc cha mẹ, càng không phải lỗi các em, nhưng tất cả đều phải chờ. Gia đình Laystrom còn lo lắng nữa vì Bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo em Gabriel bị bệnh nấm truyền nhiễm.
Tới phiên họp cuối cùng của Thượng Viện trước khi giải tán nghỉ một tháng, ngay sau khi bỏ phiếu cho dự luật nâng trần nợ, Thượng Nghị Sĩ Landrieu mới đồng ý bỏ “hold,” cho phép Thượng Viện biểu quyết phê chuẩn ông Shear, để ông được chính thức lên đường đi Hà Nội làm đại sứ. Tổng cộng, ông Shear phải chờ 8 tháng từ lúc được đề cử tới lúc nhậm chức.
Trước khi đi, ông Shear đã nói chuyện với những cha mẹ nuôi của các em “pipeline cases”. Marla Laystrom tin tưởng vào tân đại sứ Shear. “Chúng tôi biết ơn đã được gặp ông và được nghe trực tiếp từ ông rằng những hồ sơ con nuôi này là ưu tiên rất cao với ông.”
Courtney Cowley cũng nói bà “tin Ðại Sứ Shear hiểu nỗi đau xót của chúng tôi khi bị xa con. Tôi tin ông sẽ vận động cho gia đình chúng tôi cũng như sẽ là một đại sứ tuyệt vời cho nước Mỹ”.
Ông Keith Luse, chuyên viên cao cấp của Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện, cho báo Người Việt biết hai bên Hoa Kỳ và Việt Nam vẫn đối thoại thường xuyên về những trường hợp con nuôi này. “Bộ Ngoại Giao nói họ tiếp tục thúc đẩy, và chúng tôi tin lời Bộ Ngoại Giao,” ông Luse nói.
Ưu tiên cho cha mẹ đã nhận
Ở Bạc Liêu, ông Duẫn giám đốc trung tâm xã hội nói, “ưu tiên vẫn dành cho những cha mẹ nuôi người Mỹ đã nhận các cháu”. Nếu có công dân đến từ các quốc gia đã ký hiệp ước con nuôi với Việt Nam đến nhận nuôi các cháu thì giải quyết ra sao? Ông Duẫn trả lời, “Vẫn dành ưu tiên cho các gia đình người Mỹ đã nhận nuôi các cháu trước.”
Phía cha mẹ nuôi các em, họ cũng vẫn dành ưu tiên cho các em. Nhiều lần thay đổi bàn ghế, giường tủ, đồ chơi, cho hợp với tuổi của con, các bậc cha mẹ này vẫn tiếp tục tranh đấu cho con mình về.
“Chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ cho tới khi đoàn tụ với con,” Lori nói. Họ vận động bạn bè, người quen, họ lên Facebook lập trang nhà cho 16 em bé Bạc Liêu còn bị kẹt. Cho tới nay, họ đã kêu gọi được hơn 5,000 bức thư gởi cho các dân biểu, thượng nghị sĩ, Tòa Bạch Ốc, đòi giải quyết hồ sơ 16 em này, theo lời Lori cho biết.
Mỗi buổi sáng thức dậy, Lori LeRoy, biết rằng Bạc Liêu đang là ban đêm, bà nhủ thầm, “Ngủ ngon, Nate.” Buổi tối, trước khi đi ngủ, lúc ở Bạc Liêu là buổi sáng, bà lại nhủ, “Nate chơi vui, cẩn thận nhé.”
Marla Laystrom đã sẵn sàng đón con. “Chúng tôi có con trai 22 tháng, chúng tôi đã nói chuyện với con về Gabriel rồi, về người anh trai sẽ về với gia đình. Chúng tôi đọc sách, đi học thêm về việc nuôi một em bé đã lớn mà từng sống trong cô nhi viện.”
Về phần John và Courtney Cowley, hai vợ chồng cho biết đã “đọc thêm về văn hóa Việt Nam để hòa đồng vào trong đời sống gia đình. Chúng tôi tập dượt với cộng đồng (Việt Nam) tại đây để hoan nghênh mọi khía cạnh trong gia đình chúng tôi.”
“Chúng tôi đã dọn sẵn nhà,” Courtney nói, “và dọn sẵn trái tim để đón con về”.
Nguồn: -Ðại sứ Mỹ bị chặn 8 tháng vì 16 em bé Bạc Liêu