Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Cấp cứu” bác sĩ cấp cứu!: Cứu người sao lại bị hành hung? -Tình cảnh quá tải khủng khiếp ở bệnh viện VN

-Thanh niên -
“Lâu nay, phần lớn bệnh nhân (BN) và người nhà luôn tôn trọng y, bác sĩ (BS). Vì sao gần đây liên tục xảy ra những vụ thưa kiện, phản ứng, thậm chí hành hung y, BS? Đó là sự dồn nén những bức xúc của BN, thân nhân đối với thái độ giao tiếp, thờ ơ trước những nguy kịch, tai biến, cái chết của BN...” - chính những người trong ngành y đề nghị cần nhấn mạnh điều này.
 
Cấp cứu tại BV Đồng Nai - ảnh: Kim Cương
“Người bệnh ít ai muốn gây sự với bác sĩ”
BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, TP.HCM cho rằng, từ những vụ khiếu nại bằng đơn thư gửi đến cơ quan chức năng, báo chí, đến những vụ việc nghiêm trọng hơn, tỏ thái độ tức thì - hành hung, thậm chí đâm chết BS, đứng trên phương diện người nhà BN cũng như giới y khoa, có thể thấy có những nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. “Thực tế y, BS có những sai sót về chuyên môn cũng như thái độ giao tiếp, ứng xử. BS luôn nâng cái tôi của mình lên quá mức khi tiếp xúc với BN, không chịu lắng nghe BN, do vậy nhiều BS phạm phải những sai lầm trong chẩn đoán và xử trí, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra. Cũng như không quan tâm đến việc giao tiếp, giải thích cho BN, người nhà của họ những khi BN bị tai biến, hoặc tử vong”.
BS Võ Thị Bạch Sương, giảng viên trường ĐH Y Dược TP.HCM, dù cho rằng “rất buồn trước những trường hợp y, BS bị hành hung”, nhưng cũng bảo: “Thực tế cũng có nguyên nhân do sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, hoặc giao tiếp chưa khéo của y, BS với BN. Tình trạng quá tải, mệt mỏi trong công việc, hoặc chưa thực hiện tốt y đức là nguồn gốc sâu xa của nhóm nguyên nhân này”.
BS Trương Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu (BV Chợ Rẫy, TP.HCM) cũng chia sẻ: “BN và thân nhân rất tôn trọng BS, chỉ thiểu số rất ít người quá khích, nhất là những người có dùng chất kích thích (rượu, bia, chất gây nghiện...) trước khi vào viện mà thôi”. BS Hiệp dẫn chứng vụ một điều dưỡng của khoa trong lúc đưa BN đi chụp X-quang đã bị con của BN tát vào mặt. Qua tìm hiểu, lãnh đạo khoa mới biết, là do cách giao tiếp của điều dưỡng này khiến con của BN có hành động trên.
BS Nguyễn Hữu Tùng (Tổng giám đốc BV Hoàn Mỹ) cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa nhất của vấn đề mà Báo Thanh Niên đang nêu là mối quan hệ giữa y, BS với BN. Bản thân người bệnh ít ai muốn gây sự với BS, thậm chí BS nói gì người bệnh cũng rất dễ nghe theo. Nhưng, những sự việc xảy ra vừa rồi cho thấy, đó là giọt nước tràn ly, làm vỡ òa những bức xúc của người bệnh lâu nay”.
Tâm lý “bệnh của mình là nặng nhất”
Nhìn nhận ở góc độ tâm lý cấp cứu, BS Trương Thế Hiệp cho biết: “Qua làm việc ở khoa cấp cứu, chúng tôi nhận thấy, có những yếu tố tâm lý và bệnh lý cấp cứu cần quan tâm. Cụ thể, phần lớn thân nhân BN luôn xem người thân của mình là nặng nhất, họ mong muốn, thậm chí đòi hỏi cấp cứu cho người thân họ trước. Còn BS thì tập trung vào bệnh lý cấp cứu (tập trung giải quyết những ca nặng trước). Nếu không được đáp ứng, hoặc thấy y, BS thờ ơ sẽ dễ dẫn đến sự lo lắng, giận giữ, hoặc hành xử không đúng”.
BS Tăng Hà Nam Anh phân tích thêm: “Khi vào cấp cứu, hầu như ai cũng than phiền, sao thấy BS bình thản quá, chậm chạp quá. Khi nghe BS bảo có chỉ định mổ cấp cứu, người thân BN cũng thường thấy, sao BS chậm vậy, sao không đẩy đi mổ liền? Tuy nhiên, mọi người cần hiểu rằng, có những tình huống bệnh tật cần phải có thời gian, cần tiến hành một cách thận trọng. Cần phải hiểu là, khi cấp cứu BN, sự bình tĩnh của người BS là quan trọng, sự an toàn của BN là trên hết. Đó là lý do cần phải xem xét mọi góc cạnh, mọi xét nghiệm cần thiết để biết rằng mình không làm hại thêm cho BN của mình”.
Chia sẻ ở góc độ xã hội, nhà xã hội học - PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Chủ nhiệm bộ môn Đô thị học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, TP.HCM) nói: “Hệ thống y tế của ta quá tải, y, BS áp lực, mệt mỏi khiến BS thường bàng quan, trong nhiều trường hợp tỏ ra thờ ơ trước người bệnh. Tâm lý lo lắng, cộng với sự lạnh lùng, dửng dưng của y, BS dễ khiến BN, thân nhân bức xúc, thậm chí hành động không hay”. Yếu tố đáng lưu ý, theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa là cuộc sống đang có những áp lực lo toan về kinh tế, điều đó đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tinh thần nhiều người. Sự căng thẳng cộng với bực dọc, bức xúc trước thái độ của y, BS lâu nay, dễ dẫn đến xung đột.

Bức xúc của bệnh nhân và người thân
Hôm qua, Báo Thanh Niên nhận được rất nhiều phản ánh từ bạn đọc về bài viết “Cấp cứu” bác sĩ cấp cứu!. Một mặt chia sẻ sự vất vả của nghề y, nhưng chiếm phần lớn là những bức xúc về thái độ giao tiếp, ứng xử của BS, nhân viên y tế.
Chị T. (nhà ở Q.10, TP.HCM): “Mới đây, tôi đưa con vào cấp cứu tại một BV chuyên về chỉnh hình ở TP.HCM chứng kiến cảnh một nam BS quát tháo một BN nam giống như BN là người ăn xin. Trong khi BN này đang rất đau đớn”.
Ông Hòa (TP.HCM) nói: “Đến bây giờ tôi vẫn không quên được sự việc, vợ chồng tôi tha thiết xin BS tại một BV ở TP.HCM cho con trai tôi nhập viện sớm. Nhưng, chúng tôi nhận được sự lạnh lùng, thờ ơ của BS, mãi hơn 3 giờ sau con tôi mới được nhập viện, để rồi cháu đã tử vong sau đó”.
Anh Dân (ở Q.10): “Tôi đưa vợ đi sinh ở một BV sản phụ khoa tại trung tâm TP vào ban đêm, vợ tôi đau đớn nhưng ê-kíp trực thờ ơ, suýt nữa thì tôi mất con. Hôm ấy tôi rất giận dữ, nhiều người nhà BN có mặt khi đó cũng rất bức xúc”.
Chị N.T.L (Hải Phòng): “Khi đưa người nhà bị thương đến khoa cấp cứu chỉ mong được y, BS chăm sóc tận tình, cứu chữa tức thời. Tuy nhiên, lúc đầu chỉ có 1 BS khám qua, rồi để người nhà tôi nằm đó, chờ đợi lâu, nóng ruột, mà BS cứ bình chân như vại”.
Thanh Tùng-Cấp cứu” bác sĩ cấp cứu!: Cứu người sao lại bị hành hung?

-Tình cảnh quá tải khủng khiếp ở bệnh viện VN
  – Xuất phát từ tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp và quá chật chội, tần suất làm việc quá sức của bác sỹ và điều dưỡng nên người bệnh Việt Nam không được hưởng cái quyền tối thiểu nhất, đó là quyền được khám bệnh và chăm sóc chu đáo.
 

LTS: Ngày 02/07/2011, phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (lúc đó đang là Thứ trưởng) cho biết hiện nay mỗi năm người bệnh Việt Nam chi 1 tỉ USD (tương đương 20.000 tỷ đồng) để đi chữa bệnh tại các bệnh viện ở Singapore (chưa kể các nước khác).
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, lượng bệnh nhân Việt Nam sang Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng rất đông.
Như vậy, lượng tiền đổ ra nước ngoài để khám chữa bệnh sẽ cao hơn nhiều con số 1 tỷ USD được đưa ra ở trên.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng này là người bệnh Việt Nam hiện nay chưa nhận thức được đầy đủ về những thành tựu và tiến bộ y học của đất nước (trong khi ngành y tế Việt Nam – theo lời tự nhận xét của Bộ Y tế - là “đã đổi mới và phát triển không ngừng, chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ngày một nâng cao, đạt được nhiều tiến bộ, thành tựu ngang tầm khu vực và quốc tế”).
Nhưng thực tế thì có phải người bệnh Việt Nam không nhận thức được điều này? Đâu mới là nguyên nhân thực sự khiến họ quay lưng với các bệnh viện (đầu ngành) trong nước?
VietNamNet đăng tải loạt bài “Khủng hoảng chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam” để có thêm một góc lý giải về việc vì sao nhiều người có tiền chấp nhận ra nước ngoài chữa bệnh, còn người nghèo ở lại phải âm thầm chịu đựng.

Trước thực tế người Việt Nam đi nước ngoài chữa bệnh ngày một nhiều, PGS.TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định: “Tâm lý sính ngoại? – Chắc chắn có, nhưng không nhiều! Không phải tất cả đều là vì sính ngoại. Hãy nhìn vào thực tế tại các bệnh viện Việt Nam, câu trả lời nó sẽ tự nảy ra mà thôi”.
VietNamNet mở đầu cho loạt bài (không còn mới, nhưng vẫn đang rất nóng) về “Khủng hoảng chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam” bằng chùm ảnh phản ánh sự quá tải trầm trọng ở các bệnh viện lớn nhất nước. Đó là các bệnh viện: Bạch Mai, Nhi Trung ương và Bệnh viện K.
Người bệnh bắt đầu một ngày mới bằng cách chờ đợi và chờ đợi. Từ khi BV Nhi TW cải thiện giờ làm việc (bắt đầu từ 6h30 sáng) thì cảnh chờ đợi vẫn không giảm
 
Hết đứng lại ngồi, người mẹ này vẫn chưa thể đưa con vào phòng khám. Chị cho biết 2 mẹ con có mặt tại BV đúng 6h30 nhưng đến 9h30 vẫn chưa được khám
Từ 10h đêm ngày 1/8, chị Nguyễn Thị Sáu cùng con trai Nguyễn Bá Tân bắt xe khách từ Nam Đàn, Nghệ An ra Hà Nội. Đặt chân xuống bến xe là 6h sáng. Sau đó 2 mẹ con bắt xe ôm đến thẳng Bệnh viện Nhi TW và dài cổ ngồi chờ. Đến 10h trưa, chị Sáu vẫn tiếp tục chờ vì chưa đến lượt. Quá mệt mỏi, 2 mẹ con chị ngủ ngon lành trên ghế!
"Ngủ gật" là cảnh phổ biến nhiều hơn ở khu vực khám bệnh BHYT. Thống kê năm 2009 của bệnh viện Nhi TW cho thấy tổng thời gian bệnh nhân được tiếp xúc với cán bộ y tế là 40 phút (gồm khám ban đầu, lấy kết quả xong rồi quay lại gặp tiếp, vv..). Nhưng để có được 40 phút quý giá ấy, bệnh nhân phải chờ 300 phút (5 tiếng đồng hồ).
Ít ai có thể tưởng tượng đây là khung cảnh trong một bệnh viện. Khung cảnh này khiến người ta liên tưởng đến một phiên chợ cuối năm, người người chen chúc, nhiều hơn là liên tưởng đến một bệnh viện hàng đầu cả nước dành cho trẻ em
Còn đây là khung cảnh trong khu điều trị nội trú, khoa ung bướu trẻ em. Mỗi một chiếc giường một như thế này thường xuyên chứa 3 bệnh nhi, đợt cao điểm lên tới 4 cháu. Bình thường các cháu nằm quay đầu đuôi khi ngủ, còn khi tiếp nước, đến lượt cháu nào thì cháu đó "ưu tiên" được nằm co quắp, còn các cháu khác phải được mẹ ẵm trên tay cho đỡ chật chỗ. Trong ảnh, cháu được ưu tiên nằm là Phan Nguyễn Huyền Trang, 7 tuổi, bị ung thư hạch. Trang cùng các bé khác đã sống trong cảnh này từ Tết Nguyên Đán đến giờ. Ngày 2/8, khoa ung bướu chỉ có 25 giường bệnh nhưng có tới 66 bệnh nhi
Mỗi bệnh nhi có ít nhất một bố/mẹ được ở lại chăm sóc. Như vậy, trong thời kỳ cao điểm với 3-4 bệnh nhi/giường thì căn phòng có 4 giường này chứa tới 12-16 cháu nhỏ và bằng ngần ấy nữa số phụ huynh. Tổng cộng trong căn phòng hơn 10 m2 luôn có sự hiện diện của gần 30 người (cả người lớn lẫn trẻ em). Đến tối, các con ngủ trên giường, còn cha mẹ thay nhau trải chiếu nằm dưới đất. Mọi sinh hoạt vô cùng bất tiện
Các bác sỹ thực hiện việc khám, tiêm thuốc ngay ở trong phòng bệnh. Vào thời điểm này, trong phòng không còn chỗ mà bước. Cứ 3 cháu ngoan ngoãn ngồi trên một giường, các bác sỹ sẽ khám từng giường một. Mỗi ngày, một bác sỹ ở BV Nhi TW khám trung bình cho 60-70 cháu, ngày cao điểm là 100 cháu!
Bé Phan Trần Ngọc Bảo (4 tuổi) tươi rói khi thấy được chụp hình. Bé sống trong phòng bệnh từ 3 tháng nay. Bé và 2 người bạn nằm cùng giường chỉ thân thiện với nhau trong lúc còn thức, còn lúc ngủ thì các bé đụng nhau tứ tung, vì giường quá chật chội!
Khoa Tim mạch cũng quá tải trầm trọng
Ngoài bệnh viện, hàng trăm người thân của các bệnh nhi chỉ biết ngồi chờ đợi. Đi viện không chỉ là nỗi ám ảnh của người bệnh mà còn là nỗi ám ảnh của những người đi cùng để phục vụ
Còn đây là khoa khám bệnh (tầng 2) của BV K. Ngày đầu tuần, muốn vào được nơi này, người bệnh phải chen nhau toát mồ hôi hột vì quá đông đúc. Mỗi ngày có khoảng 600-700 bệnh nhân đến khám, ngày cao điểm có tới 1.000 người bệnh, trong khi bệnh viện chỉ có 10 phòng khám!
Phòng khám tầng 1 của BV K cũng đông khủng khiếp! Mỗi ngày 1 bác sỹ của BV K phải khám 60-70 người, cao điểm là 100 người. Cơ sở 2 của bệnh viện (tại Thanh Trì) đã giảm tải được nhiều cho cơ sở 1 nhưng nghịch lý là cứ mở thêm ra đến đâu thì nơi đó ngay lập tức lại quá tải y như nơi cũ!
Nhiều người chẳng chịu nổi cái ngột ngạt trong phòng khám đành phải bỏ ra ngoài đứng chờ
Phòng tiêm truyền dành cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Sáng nào phòng này cũng đông nghẹt từ khi mở cửa, bệnh nhân phải thay phiên nhau chờ đợi. Vì diện tích phòng quá hẹp nên các cụ phải ngồi để truyền nước chứ không được nằm
Còn đây là bệnh nhân điều trị nội trú. Ông Phạm Trọng Hiền (áo xanh) cho biết trong phòng không còn chỗ mà nằm nên ông đành ra ngoài ghế ngồi truyền nước cho dễ chịu!
Bệnh nhân lớn tuổi này đã mang đủ thứ "đồ nghề" chuẩn bị cho quá trình nằm viện của mình. Vì chờ đợi quá lâu, ông đã ngồi ngủ gật ở chân cầu thang. Th.S Trần Hồng Kiên, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện cho biết: "Bệnh viện muốn mở thêm phòng khám, tăng giường nằm nhưng diện tích quá nhỏ, không thể làm gì được. Vì thế, dù số giường nội trú được Bộ giao là 570 giường nhưng thực tế chỉ có thể kê được 484 giường".
Còn đây là cảnh "quay đầu đuôi", có lúc là "úp thìa" của bệnh nhân bệnh viện Bạch Mai. Những khoa phải nằm ghép nhiều nhất là Tim mạch, ung bướu, ...
Khu vực siêu âm, chụp X-quang quá tải trầm trọng
Bên ngoài, người nhà bệnh nhân nằm lên cả lan can để nghỉ ngơi và chờ đợi. Mỗi bệnh nhân có một hoàn cảnh, mức độ bệnh tật khác nhau nhưng họ có chung một điểm, đó là "nỗi sợ hãi" khi vào bệnh viện công lập ở Việt Nam!
Cẩm Quyên


---Quá tải, bệnh viện ngại bình chọn danh hiệu 'thân thiện”

---Bài 1: Bệnh nhân quá tải, béo “cò” bệnh viện

 - Nạn cò mồi trước cổng  các bệnh viện lớn tại TP.HCM ngày càng diễn ra công khai, rầm rộ. Người bệnh cám cảnh hành trình chưa vào bệnh viện đã gặp "cò" chẳng khác nào những vở kịch bi hài...
Hầu hết bệnh viện tại TP.HCM đang trong tình trạng quá tải. “Cò” bệnh viện cũng tranh thủ cơ hội này hoạt động bát nháo, lừa bệnh nhân đến những phòng khám tư, hoặc dùng “mánh” để kiếm khoản tiền ăn chặn.
“Cò” da nổ...
Tại Bệnh viện Da liễu Nguyễn Thông quận 3, dân “cò” tụ tập rầm rộ ngay trước cổng. Hơn chục “cò” la hét oang oang, giành giật khách như cảnh đi xe dù ngày Tết. Vừa đến nơi, chúng tôi đã được một "cò" săn đón nhiệt tình ngay trước nhà thuốc đối diện bệnh viện.
 Sau khi "nổ banh xác" về năng lực tài tình của bác sĩ K. nào đó thấy chúng tôi còn lưỡng lự, “cò” này tiếp tục giới thiệu bác sĩ Ng., “bà này là thạc sĩ, đi du học Pháp về đàng hoàng, chữa giỏi thì không ai bằng nhưng chỉ tiếc là bà ấy bận lắm, toàn khám khách nước ngoài không à, nếu muốn khám tôi gọi điện qua nhờ vả cho”.

"Cò" ở Bệnh viện Da liễu đứng chặn khách trên đường Nguyễn Thông. 
 Tỏ vẻ tin sái cổ vào lời quảng cáo này chúng tôi theo chân “cò” vào khám chỗ bác sĩ Ng. Chỉ lạ rằng khi vào đến tận nơi mà vẫn chẳng thấy “cò” này gọi điện như đã chào hàng lúc đầu. Phòng khám nằm trong đường Phạm Đình Toái cũng không cần bốc số chờ đến lượt như nhóm cò hét oang oang ngoài đường Nguyễn Thông. Dưới mặt bàn nhân viên thu tiền chúng tôi bất ngờ khi thấy gần chục giấy tờ các loại như giấy phép hoạt động, chứng nhận tốt nghiệp khóa học và cả một vài học vị cao như muốn “lòe” thiên hạ.
 Bên cạnh chúng tôi, người phụ nữ trên mặt chi chít những mảng da màu đỏ sần sùi, bong vẩy đang chờ đến lượt khám hỏi nam nhân viên của phòng khám với giọng dè dặt: “Em ơi, ở đây là chi nhánh của bệnh viện à?”. Vừa dứt lời, một câu trả lời đốp lại: “Khám thì khám không khám thì thôi” khiến vị khách bị “cò” lừa ngồi im thin thít.
 Khoảng vài phút một “cò” lại rà xe máy ngang qua liếc vào phòng khám. Trong khi đó bác sĩ Ng. đang khám lang ben cho một cậu bé 12 tuổi. Vừa kéo áo cậu bé lên, bác sĩ Ng. đã phán: “Sao lang ben nhiều thế bệnh viện nào chữa khỏi! Nhưng nghe lời bác sĩ, con cứ dùng thuốc theo đơn và thường xuyên tái khám da dẻ sẽ đẹp lại bình thường”.
 Nói rồi bác sĩ Ng. hí hoáy phang một toa thuốc chữa lang ben gần 300.000 đồng, trong đó có 2 lọ chuyên trị… mụn trứng cá.
... “Cò” máu lộng hành
 5h sáng, trong vai những người túng tiền bán máu, chúng tôi có mặt trước cổng Bệnh viện Truyền máu Huyết học trên đường Hùng Vương, P.12, quận 5. Ngồi chưa ấm chỗ ở quán cà phê cóc, hai “cò” nữ khoảng 40 tuổi đã xáp lại kéo ghế ngồi chung bàn và gặng hỏi: “Chờ vào bán máu phải không, người ta đăng ký từ hôm trước nên em chờ lâu lắm, có cần tụi chị giúp không?”.
Giúp ở đây nghĩa là “cò” sẽ cho vay một khoản tiền để người bán máu không phải kẹt tiền khi chưa bán được máu. Bù lại, sau khi bán máu, người bán sẽ phải trả lại cho “cò” với một khoản tiền lời. Dịch vụ cầm cố phiếu xét nghiệm, thẻ bán máu, chứng minh nhân dân tại đây diễn ra rôm rả.

Từ sáng sớm "cò" bán máu đã ngồi tụ tập ngay trước cổng BV Truyền máu Huyết học.  
Trước cổng BV, có khoảng 5 “cò” chuyên cầm cố những loại giấy tờ trên và kiêm luôn bán thuốc 3B, một loại thuốc bổ cần uống sau khi bán máu”.
6 giờ sáng, việc làm ăn của những “cò” này trở nên lộng hành hơn. Hễ thấy bệnh nhân bán máu đến, các “cò” lại thi nhau hét oang oang “vào đây lấy thẻ”.
Nguyễn Văn Phương, sinh viên Trường Đại học KHTN có thâm niên nửa năm bán máu cho biết: “Mấy bà “cò” này hay lắm, có mấy lần mình xét nghiệm trước khi lấy tiểu cầu nhưng huyết áp thấp, không đủ tiêu chuẩn, chỉ cần mấy bả đưa cho uống một viên thuốc bổ và nước đường là được ngay”.
Cứ khoảng vài phút, cò T., một phụ nữ béo tròn ngoài 50 tuổi lại lục tìm trong túi xách những giấy CMND, thẻ máu để đưa cho những người bán máu quen mặt đã cầm cố khi kẹt tiền.
Việc bán máu kiếm tiền vốn không hề được cổ vũ, nhưng thực tế những người đến đây đang bị những nhóm “cò” máu rút rỉa, lừa lọc. Máu của người bán vô tình nuôi luôn cả những con “cò”.
  • Quốc Quang - Thu Hòa
Bài 2: Những trò “ma” của cò bệnh viện

-Bệnh viện quá tải, bệnh nhi nằm tràn… hành lang
 
,
 - 50 bệnh nhi cấp cứu mỗi ngày với các triệu chứng về đường tiêu hóa, khiến Bệnh viện Nhi Đồng 2 quá tải. 
Nhiệt độ tại TP.HCM hiện ở mức cao, có khi lên 370 – 380C, dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa gia tăng, bệnh viện quá tải, 4 - 5 bệnh nhi phải nằm chung giường, hoặc chữa trị ở hành lang bệnh viện.
Bệnh nhi nằm la liệt ...hành lang
Từ Bình Phước, chị Nguyễn Thị Hiền vượt hơn trăm km đưa con xuống TP.HCM, nhập viện Nhi Đồng 2. Hai mẹ con chị Hiền đùm túm nhau ra nằm ngoài hành lang bệnh viện.
“Bề ngang chiếc giường khoảng 8 tấc, mà có tới 3 - 4 cháu nằm cùng, chật chội, trời nắng nóng, trẻ con quấy khóc… tôi đành ôm con ra hành lang nằm”, chị Hiền xót xa nói. 
Sau khi được bác sỹ chỉ định nhập viện, chị Hiền giật mình khi đưa con xuống buồng bệnh nhi, chứng kiến những chiếc giường bé xíu phải “cõng” 3 - 4 đứa trẻ, và các bà mẹ cố chen lên đó để chăm con. Tưởng bác sỹ nhầm, chị bế con quay lại hỏi, mới “té ngửa” ra khi biết bệnh viện quá tải,  bệnh nhi phải nằm cùng giường.
Bệnh viện quá tải, bệnh nhi và người thân phải nằm ra hành lang của bệnh viện. Ảnh: Thu Hòa
Dọc theo hành lang Khoa Tiêu hóa, la liệt bệnh nhi cùng người thân trải chiếu nằm điều trị. Để tránh cái nóng, người ta dùng chăn, mền căng lên, để che bệnh nhi.
“Buổi trưa trời nóng quá, cháu khóc triền miên, nhưng đành chịu vì không còn cách nào khác. Bệnh viện  thiếu giường, đành phải để cháu nằm đất, mà cứ lo chưa hết bệnh này lại phát thêm bệnh khác”, chị Trần Thị Thanh lo lắng. 
Bệnh viện quá tải, thiếu giường, các dịch vụ “ăn theo” mọc lên, căng-tin của bệnh viện trang bị thêm vài chục ghế và cho thuê với giá 10.000 đồng một cái. Để thuê được, phải đến sớm và đặt cọc 300.000 đồng.
“Không mướn giường, để con nằm đất thì xót ruột, nhưng mướn thì phải đặt cọc tới 300 ngàn, lại không còn tiền để mua thuốc và chi tiêu… tôi đành cắn răng, bấm bụng, chẳng biết phải làm sao nữa”, chị Nguyễn Thị Thanh Ngân rầu rĩ.
Nguy cơ lây bệnh cao
“Thấy bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang chúng tôi cũng thương nhưng đành phải chấp nhận vì cơ sở hạ tầng bệnh viện chỉ có như vậy!”, bác sỹ Nguyễn Minh Ngọc, Khoa Tiêu hóa nói.
Lượng bệnh nhi tăng cao, khiến nhiều bé phải nằm ra hành lang của bệnh viện. Ảnh: Thu Hòa
Bác sỹ Ngọc cho biết, từ trước Tết, Khoa Tiêu hóa luôn rơi vào tình trạng quá tải. Bệnh nhân nhập viện kín tất cả các phòng, nằm la liệt ngoài hành lang. Muốn vào khám chữa bệnh, bác sỹ phải chen lấn mới vào được. 
Khoa Tiêu hóa có 87 giường (42 giường dịch vụ, 14 giường cấp cứu, 12 giường nuôi ăn và 20 giường bệnh thường), nhưng mỗi ngày phải tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhi. Lượng bệnh nhi tăng nhanh, nên bệnh viện quá tải, 4 bệnh nhi phải nằm chung một chiếc giường.

Bác sĩ Ngọc lo lắng về khả năng lây bệnh giữa các bệnh nhi, vì bệnh tiêu hóa về gan mật có khả năng lây nhiễm cao, nhưng không có cách nào để cách ly các bệnh nhi.

Để giảm bớt tình trạng quá tải của Khoa Tiêu hóa, khi thấy bệnh nhi có dấu hiệu phục hồi, giảm bệnh và gia đình có khả năng chăm sóc, thì bệnh viện làm thủ tục cho xuất viện để tránh khả năng lây lan bệnh, và giảm tải.


Cách phòng tránh bệnh đường tiêu hóa:
-Cách phòng bệnh tốt nhất là nên cho trẻ ăn chín, uống sôi. 
-Ăn uống điều độ theo thời gian bữa ăn trong ngày, không nên ăn các thức ăn khó tiêu như thức ăn nhiều mỡ. 
-Không cho trẻ dùng thức ăn nghi ngờ bị ôi thiu và sữa để lâu ngoài không khí.  
-Tránh thức ăn, đồ uống dễ kích thích như nước uống có ga, tránh hít phải khói thuốc lá. 
- Dụng cụ phục vụ trong ăn uống cho trẻ cần phải vệ sinh kỹ. Đặc biệt, bình sữa phải rửa sạch, để nơi thoáng mát. 
  • Thu Hòa
 

Tổng số lượt xem trang